| Hotline: 0983.970.780

Phải ủng hộ người chăn nuôi trong nước

Thứ Hai 14/01/2013 , 10:30 (GMT+7)

Ông Sooksunt Jiumjaiswanglerg, TGĐ Cty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam đã lên tiếng về vấn đề giống gia cầm nhập lậu có nguy cơ "bóp chết" ngành chăn nuôi nội địa.

Cuối năm 2012, NNVN đã phản ánh việc ồ ạt nhập lậu giống gia cầm Trung Quốc vào Việt Nam, có nguy cơ "bóp chết" ngành chăn nuôi gia cầm nội địa vốn đã hết sức khó khăn. Ông Sooksunt Jiumjaiswanglerg (ảnh), TGĐ Cty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam đã lên tiếng về vấn đề này.

Là DN nước ngoài đầu tư vào ngành chăn nuôi Việt Nam từ rất sớm, C.P được đánh giá là DN sản xuất gà giống với khối lượng rất lớn cung ứng cho người nuôi gà khắp cả nước, ông đánh giá gì về vấn đề này? Theo ông để ngăn chặn triệt để gà giống nhập lậu từ Trung Quốc cần có giải pháp gì?

Đối với việc nhập lậu con giống gia cầm, Chính phủ Việt Nam nên áp dụng luật pháp kiểm dịch động vật một cách nghiêm ngặt, đặc biệt là tại khu vực biên giới. Quy định xử phạt nặng đối với người nhập lậu, người buôn bán hàng lậu và thưởng cho người hợp tác bắt giữ hàng lậu.

Nhập lậu gia cầm giống gây nguy cơ dịch bệnh, gây khó khăn trong việc kiểm soát các loại bệnh không rõ nguồn gốc. Điều đó ai cũng nhìn thấy. Việt Nam cũng đã từng rút ra bài học về việc nhập lậu lợn từ Trung Quốc làm cho lợn chăn nuôi trong nước bị dịch bệnh, thiệt hại lên đến 30%.

Việc nhập lậu gà giống thời gian qua đã gây thiệt hại rất lớn cho những người chăn nuôi nhỏ lẻ, đặc biệt là những người nông dân chăn nuôi để tự cung tự cấp, khi sản phẩm dư thừa mới bán ra thị trường. Những người nông dân này không có giải pháp phòng ngừa dịch bệnh. Trong khi đó các công ty chăn nuôi lớn chịu ảnh hưởng không nhiều vì có hệ thống chăn nuôi và phòng ngừa tốt hơn.

Không chỉ có vậy, những người nông dân trồng nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, những người làm dịch vụ vận chuyển và những người lao động khác có liên quan cũng chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực khi ngành chăn nuôi trong nước bị thiệt hại, đình trệ.

Còn với thực phẩm là cổ cánh gà, nội tạng và gà thải loại nhập vào Việt Nam thì sao?

Đối với thịt gà được Chính phủ cho phép nhập khẩu như cánh gà, đùi gà là những phụ phẩm mà thế giới không ăn, họ bán vào Việt Nam với giá rất rẻ thì Chính phủ nên có giải pháp kiểm tra việc nhiễm bẩn về sinh học, sự tồn dư của hóa chất, thuốc kháng sinh bằng các thiết bị hiện đại, đồng thời yêu cầu các nước xuất khẩu phải có hệ thống kiểm tra truy nguyên nguồn gốc nguyên liệu, trại chăn nuôi, nhà máy, ngày sản xuất …

Chúng ta đều biết, những hàng hóa này vận chuyển hàng tháng trời từ nước ngoài về Việt Nam và có thể đã bị nhiễm khuẩn ảnh hưởng tới người tiêu dùng và nông dân, làm tốn kém ngân sách cho điều trị bệnh tật do tiêu thụ thịt gà nhập khẩu kém vệ sinh.

 Chính vì vậy, những người nhập khẩu thịt bẩn làm ơn đừng chỉ vì lợi ích bản thân mà hãy nghĩ tới lợi ích chung của cộng đồng, vì nhập khẩu nhiều, bán rẻ sẽ phá hoại ngành chăn nuôi trong nước, ảnh hưởng tới người nông dân, làm cho họ phải bỏ nghề, thất nghiệp và nhà nước thất thu thuế. Lúc đó chẳng có ai được lợi cả.

 Các công ty nước ngoài đầu tư vào ngành chăn nuôi Việt Nam như C.P quyết tâm phát triển ngành nông nghiệp trong nước nhằm đón nhận sự kiện thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC: The Asean Economic Community) trong năm 2015. Nhưng nếu cho phép nhập khẩu thịt gà nhiều thì những công ty như C.P cũng phải xem xét lại việc đầu tư.

Cơ chế thị trường sẽ tự cân bằng. Lấy ví dụ, trong năm 2010, 2011 giá thịt lợn tăng cao do dịch bệnh làm cho thịt lợn khan hiếm. Sau đó, Bộ NN- PTNT đã xử lý thành công dịch bệnh, số lượng đầu lợn tăng lên, giá lợn lại giảm xuống. Nhưng nếu Chính phủ cho nhập khẩu và xảy ra dịch bệnh thì giá lại tăng lên do lợn khan hiếm trên thị trường.

Theo số liệu mới nhất, 5 DN sản xuất thức ăn gia súc hàng đầu của nước ngoài tại Việt Nam đã chiếm tới 62% sản lượng thức ăn sản xuất ra, có người cho rằng đây là cuộc cạnh tranh hoàn toàn không cân sức, và chẳng sớm thì muộn các DN sản xuất thức ăn gia súc của Việt Nam sẽ bị đè bẹp.

C.P luôn là DN nước ngoài dẫn đầu về sản lượng thức ăn bán ra. Vậy ông đánh giá thế nào về tương quan thị trường thức ăn gia súc tại Việt Nam tới đây?

 Đừng nghĩ rằng công ty nước ngoài sẽ làm chủ thị trường thức ăn chăn nuôi làm cho công ty trong nước phá sản. Công ty nước ngoài đã đưa công nghệ tiên tiến vào giúp hiệu quả chăn nuôi tốt lên, nông dân chăn nuôi có giá thành thấp, thức ăn chăn nuôi không có chất tồn dư bị cấm, không có hóa chất tăng nạc…

 Theo tôi, các NM sản xuất thức ăn chăn nuôi cỡ nhỏ của Việt Nam phải tái cơ cấu, chấp nhận sự thay đổi, phải nghĩ tới người nông dân và người tiêu dùng. Nếu thức ăn của họ không đảm bảo chất lượng, sử dụng nguyên liệu không tốt, hậu quả là người nông dân không mua. Nếu chấp nhận nâng cấp, thay đổi thì NM nhỏ vẫn có khả năng tồn tại, vì họ có thị trường của riêng họ.

 Phải làm cho nông dân được hưởng lợi, nông dân sẽ là người quyết định mua hay không mua sản phẩm của họ. Chúng ta phải làm cho mọi người cùng tồn tại, nông dân tồn tại thì chúng ta sẽ tồn tại. Nông dân phá sản thì chúng ta cũng "chết" như họ. Đó là mối quan hệ ràng buộc, phụ thuộc lẫn nhau.

Thức ăn chăn nuôi sử dụng trong trại của công ty C.P và bán cho bà con nông dân là một loại thức ăn có cùng chất lượng. Chúng tôi bán sự trung thực, không chèn ép nông dân.(Ông Sooksunt Jiumjaiswanglerg, TGĐ Cty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam).

C.P phát triển không nhằm tiêu diệt hoặc cạnh tranh với ai. Chúng tôi mong muốn mọi công ty cùng làm ăn nhằm phục vụ nông dân ngày một tốt hơn. C.P phát triển được vì hàng hóa có chất lượng, giúp người chăn nuôi có giá thành thấp, giảm bớt thiệt hại. Chúng tôi có đội ngũ cán bộ kỹ thuật phục vụ nông dân khá sát sao, chúng tôi có trại thử nghiệm. Trước khi phân phối trên thị trường, thức ăn phải có chất lượng tốt và trải qua kiểm tra ở tất cả các công đoạn sản xuất.

Ngành chăn nuôi Việt Nam đang bị “bao vây” tứ phía bởi con giống nhập lậu (kể cả nhập chính ngạch như heo giống …), nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi gần như nhập khẩu toàn bộ, các DN nước ngoài lại chiếm áp đảo thị phần thức ăn, kế đó là nhập khẩu thịt bẩn với giá rẻ như cho mà không có hàng rào kỹ thuật ngăn cản.

Dưới con mắt của một doanh nghiệp làm chăn nuôi thành công, theo ông cần làm gì để ngành chăn nuôi Việt Nam thoát khỏi thế bao vây hiện nay?

Chăn nuôi và doanh số bán thức ăn chăn nuôi sẽ giảm xuống vì kinh tế thế giới sụt giảm ảnh hưởng đến Việt Nam, làm cho sức mua giảm mạnh. Ngay như năm 2012, suốt từ đầu năm đến cuối năm, ngành chăn nuôi Việt Nam, cả vật nuôi trên cạn và thủy sản đều gặp phải tình trạng thiếu vốn, giá gà thấp kéo dài, có thời kỳ lỗ 50-60%.

Điều đó có nguyên nhân từ việc nhập khẩu thịt gà và nhập lậu gà sống từ các nước lân cận. Nông dân lỗ buộc phải thu hẹp sản xuất. Dù chăn nuôi tốt, giá thành thấp cũng không thể đọ với sản phẩm “gà rác” nhập khẩu kém chất lượng.

Hơn thế nữa gà nhập còn gây dịch bệnh dẫn đến thị trường thức ăn chăn nuôi giảm 20%, đồng thời ảnh hưởng đến những nông dân trồng nguyên liệu ngô, khoai, sắn … và ảnh hưởng lan rộng đến ngành vận chuyển, kinh doanh thịt, thuê mướn công nhân. Rất có thể, tình trạng này còn kéo dài sang cả năm 2013 này.

Nếu nông dân không nhìn thấy chủ trương chính sách của Chính phủ nhằm giúp họ tháo gỡ vấn đề này chắc chắn họ sẽ cân nhắc việc tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi.

Ông có dự đoán gì về thị trường chăn nuôi và thị trường thực phẩm những ngày giáp tết Nguyên đán này?

Đối với thị trường thực phẩm đã có sự suy giảm vì kinh tế thế giới ảm đạm, sức mua yếu, mọi người tăng cường tiết kiệm.

Chúng tôi kiến nghị Chính phủ Việt Nam, phải cùng nhau vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, ủng hộ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. Nếu chúng ta không giúp đỡ lẫn nhau, kinh tế Việt Nam sẽ sụt giảm. Việc tiêu dùng hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài chỉ làm rò rỉ, thất thoát ngoại tệ chứ không mang lại lợi ích gì.

Phải xây dựng ý thức cho người dân trong nước để khi mở cửa hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), chúng ta sẽ không bị thiệt thòi, yếu thế, không bị mất cân đối so với nước ngoài. Chúng ta mở cửa thật nhưng chúng ta phải giữ vững nguyên tắc không xa xỉ lãng phí và trên hết, phải ủng hộ hàng hóa sản xuất trong nước nhằm giúp đỡ người chăn nuôi, giúp kinh tế trong nước phát triển.

Khi chúng ta đã giàu có, lúc đó chúng ta muốn tiêu dùng cái gì cũng được, nhưng trong giai đoạn đầu chúng ta phải chịu đựng. Chính quyền và tất cả mọi tầng lớp nhân dân phải giúp đỡ lẫn nhau.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hàng trăm tấn rong trôi dạt vào biển Đồ Sơn, Cát Bà là rong mơ

HẢI PHÒNG Những ngày vừa qua, tại khu vực biển thuộc quần đảo Cát Bà và Đồ Sơn xuất hiện hàng trăm tấn rong trôi dạt vào bờ, rồi tràn lên các bãi tắm.