| Hotline: 0983.970.780

Phải xem xét, lấy ý kiến lại từ nhân dân

Thứ Tư 16/01/2013 , 10:10 (GMT+7)

Đó là ý kiến của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng trong ngày làm việc thứ 2, phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội...

Đó là ý kiến của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng trong ngày làm việc thứ 2, phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi nghe các nhận xét về dự án Luật phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai; dự án Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi); dự án Luật đất đai (sửa đổi).

Một tên gọi, nhiều quan điểm

Đầu phiên họp sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận về dự án Luật phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai. Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ban soạn thảo thống nhất với tên luật là Luật phòng, chống thiên tai như Tờ trình của Chính phủ cùng nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị. Tên gọi này ngắn gọn, đầy đủ, bao quát toàn diện các vấn đề trong hoạt động phòng, chống thiên tai. Quan điểm này nhận được sự đồng tình của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương.

Tuy nhiên, cũng còn nhiều ý kiến không đồng tình. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai và một số ý kiến cho rằng nên giữ nguyên tên gọi trong Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh là Luật phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai.

Bà Mai cho rằng không thể “chống” lại thiên nhiên nên ban soạn thảo cần cân nhắc kỹ khi lựa chọn tên gọi của dự thảo Luật. Chủ nhiệm Đào Trọng Thi phân tích thiên tai xảy ra theo quy luật của tự nhiên, con người phải thích ứng với thiên nhiên, chứ không “chống” lại được thiên nhiên. Hơn nữa đại biểu cho rằng tên gọi như đề xuất của Ban soạn thảo có thể ảnh hưởng tới ứng xử của con người với thiên tai.


Các thành viên chủ trì tại Hội trường

Giải trình thêm về nội dung này, Ban soạn thảo phân tích từ “chống” ở đây cần được hiểu theo hướng tích cực, đó là trên cơ sở hiểu tự nhiên để có biện pháp “chống” cho hiệu quả chứ không phải “tránh”.

Thảo luận về phạm vi điều chỉnh dự thảo luật có nên điều chỉnh vấn đề tái thiết sau thiên tai hay không, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng không nên. Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phân tích “tái thiết sau thiên tai” cũng thuộc phạm trù khắc phục hậu quả thiên tai, nhưng có nội hàm rộng, việc tái thiết là hoạt động lâu dài và liên quan đến nhiều quy định pháp luật khác như quy định về quy hoạch, quy hoạch đô thị, về đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường...

Hơn nữa, trong điều kiện Việt Nam, thiên tai xảy ra thường xuyên, nguồn kinh phí cho công tác phòng, chống thiên tai còn hạn chế. Do vậy, dự thảo Luật chỉ điều chỉnh đến hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai, còn quy mô, mức độ khắc phục sẽ phụ thuộc vào năng lực, điều kiện cụ thể của Trung ương và từng địa phương.

Hướng đền bù đất có lợi cho dân

Cũng như ở nhiều phiên họp khác, lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) luôn làm “nóng” hội trường bởi những quy định “chưa hợp lòng dân”. Chủ nhiệm UB Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu cho biết, dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) lần này gồm 14 chương, 206 điều (tăng 14 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội trước đó), trong đó bỏ 7 điều và bổ sung mới 21 điều). Nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung tại các Chương I, II, IV, VI, VII, VIII, XI và XIII.

Đặc biệt, tại Chương VI quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư gồm 32 điều, tăng 21 điều so với dự thảo Luật đã trình QH trước đó. Nội dung Chương này được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở luật hóa những nội dung của các Nghị định hướng dẫn về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã phù hợp với thực tiễn và được áp dụng ổn định trong thời gian vừa qua.

 Ví dụ như quy định theo hướng làm rõ hơn các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; thu hồi đất để sử dụng vào mục đích lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; thu hẹp các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội; làm rõ căn cứ để thu hồi đất. Tách riêng nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất thành một điều riêng. Ngoài ra, cũng bổ sung thêm trường hợp “sử dụng đất thuê trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê” thì được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất.

Cũng theo ông Giàu, dự Luật lần này bổ sung nhiều quy định có lợi cho người dân như quy định việc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đối với từng loại đất, từng đối tượng cụ thể; bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại, trong đó không bồi thường về đất, chi phí đầu tư còn lại đối với các trường hợp thu hồi đất do vi phạm.

 Tại Điều 84, bổ sung quy định về việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các dự án đặc biệt theo hướng: đối với dự án đầu tư do Quốc hội, Chính phủ quyết định đầu tư mà phải di chuyển cả một cộng đồng dân cư, làm ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống, kinh tế, xã hội, truyền thống văn hóa của cộng đồng thì tùy từng trường hợp cụ thể, Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc trình Chính phủ xem xét quyết định chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đối với các dự án sử dụng vốn vay của các tổ chức quốc tế, nước ngoài mà Chính phủ có cam kết riêng về khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì thực hiện theo khung chính sách đó.

Nhiều đại biểu quan tâm đến quy định bồi thường thiệt hại về tài sản, về sản xuất kinh doanh khi Nhà nước thu hồi đất tại các Điều 85, 86 và quy định về bồi thường đối với vật nuôi, cây trồng (Điều 87). Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật QH Phan Trung Lý lại chưa hài lòng về hai phương án về bảng giá đất bởi không thấy có vai trò của Nhà nước trong việc tạo mặt bằng giá và không theo thị trường khi quy định cứng nhắc là “Khung giá đất có giá trị trong 5 năm”.

+ Để có một dự Luật đất đai sửa đổi hoàn chỉnh, Chủ tịch QH yêu cầu, từ ngày 1/2 đến ngày 31/3, Chính phủ tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi). Ủy ban Kinh tế của QH, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổng hợp đầy đủ các ý kiến góp ý, nghiên cứu tiếp thu, giải trình để hoàn thiện dự án Luật để trình QH.

+ Hôm nay 16/1, ngày bế mạc phiên họp thứ 14 của UB TVQH sẽ thông qua Nghị quyết hướng dẫn thi hành NQ 35 của QH về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Tiếp theo, Tổng Kiểm toán Nhà nước sẽ trình bày tờ trình về việc thành lập Thanh tra Kiểm toán Nhà nước trực thuộc Kiểm toán Nhà nước. 

Ở góc độ khác, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách QH Phùng Quốc Hiển góp ý cho dự thảo Luật đất đai lần này bằng kết quả giám sát mới đây của ông về thực hiện cung đường Hà Nội – Lào Cai tại Vĩnh Phúc thì thấy, giá đền bù của cùng một dự án vẫn khác nhau giữa các thời điểm. Đây là một đặc điểm căn cứ xác định nguyên tắc định giá phải cân nhắc.

“Giá đất kinh doanh thì phải chia theo quyền của người dân, của Nhà nước và của doanh nghiệp. Nhưng đất công cộng thì hưởng lợi chính là người dân, thậm chí có mảnh đất giá trị tăng cao. Sự khác biệt này cũng cần được tính toán đưa vào trong các nguyên tắc xác định giá đất để quy định của pháp luật có thể bao quát được các tình huống phát sinh trong thực tế” - ông Hiển nói.

Cũng theo ông Hiển, giá đất theo ba giai đoạn: bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Thực tế đang có tình trạng được bồi thường, hỗ trợ rồi nhưng người dân không đủ tiền để tái định cư, ổn định cuộc sống. Vì vậy, trong nguyên tắc định giá đất cần nghiên cứu kỹ hơn từ những vấn đề đang nảy sinh trong thực tiễn để có quy định thấu đáo hơn.

Chốt lại buổi làm việc, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cho hay: “Đây lẽ ra phải là một bộ luật lớn, nhưng cho đến nay cách thể hiện còn đơn giản, chưa chi tiết để sau này dựa vào đó mà thực hiện ở nhiều vấn đề về đền bù thu hồi đất; định giá, cơ quan đấu giá độc lập; khiếu nại, tố cáo; chia lại hay không chia lại đất; quan điểm thế nào về đất tôn giáo, đất dân tộc...".

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm