| Hotline: 0983.970.780

"Công nghệ" làm nhang tẩm hóa chất

Thứ Năm 24/01/2013 , 09:54 (GMT+7)

Ngày xưa làm nhang “sạch” chỉ có bột cưa trộn keo và mùi cây thiên nhiên, còn bây giờ người ta “trộn” hóa chất để tạo mùi thơm trầm, hoa nhài và tàn hương cong, đẹp, nhưng khi hít nhiều sẽ bị ho, sặc bởi hóa chất gây ra...

Ngày xưa làm nhang “sạch” chỉ có bột cưa trộn keo và mùi cây thiên nhiên, còn bây giờ người ta “trộn” hóa chất để tạo mùi thơm trầm, hoa nhài và tàn hương cong, đẹp, nhưng khi hít nhiều sẽ bị ho, sặc bởi hóa chất gây ra...

Đi cùng với anh Đinh Ngọc Th (quận 5, TP.HCM), một người chuyên bỏ mối nhang sỉ cho các chợ, chúng tôi có dịp đến làng SX nhang của KP Bình Minh, Nhị Đồng 2 (P.Dĩ An, TX.Dĩ An, tỉnh Bình Dương) để tìm hiểu về nghề làm nhang truyền thống ở đây.

Bước vào cơ sở SX tăm nhang có qui mô lớn của ông Hoàng Văn Ẩn ở KP Bình Minh, đập vào mắt đầu tiên là một khu vực khá rộng chừng 200 m2 bày biện ngổn ngang mùn cưa bụi bay mịt mù được chất đống, đóng thành từng bao 50kg, 2 lao động đang làm việc, đầu tóc, quần áo bị bụi mùn cưa bám trông rất bẩn.

Ông Ẩn cho biết, mùn cưa được cơ sở mua về từ các công ty chế biến gỗ, ban đầu gọi là dăm bào, sau đó xay nhuyễn thành bột cưa bán với giá 2.200 đ/kg. Bột cưa được cơ sở mang về trộn với keo và hóa chất để tạo nguyên liệu chính làm “thịt nhang”.


“Thịt nhang” gồm bột cưa, keo và hóa chất tạo mùi

Theo ông Ẩn, trước đây cơ sở dùng cây tự nhiên để tạo mùi hương nhưng không kinh tế vì đắt quá. Chẳng hạn, bột trầm hương thật 1 kg tới mấy chục triệu đồng nên chuyển qua sử dụng mùi hương hóa chất do giá thành rẻ hơn rất nhiều, bình quân có 100 ngàn/kg, nó không chỉ tạo mùi thơm trầm, hoa nhài... mà còn làm cho tàn nhang đứng lâu không rớt. Có 2 giai đoạn tẩm hóa chất vào nhang, lần đầu trộn với bột cưa và keo, sau đó đưa vào máy ép nhang để tạo ra cây nhang; lần thứ hai là xịt vào cây nhang thành phẩm trước khi đóng vào hộp để xuất bán.


Máy ép cây nhang

Ông Ẩn cho chúng tôi xem loại hóa chất cơ sở đang dùng là dạng bột, đựng trong túi nylon 1 kg màu trắng sữa, mùi thơm nồng nặc. Trên bao bì hoàn toàn không ghi loại hóa chất gì, xuất xứ ở đâu, cách sử dụng ra sao, chỉ có chữ viết tay nguệch ngoạc “hương trầm”. Chất bột này phải pha thêm với cồn mới có tác dụng trong việc tạo mùi hương cho nhang. Tuy nhiên, cho cồn nhiều hay ít tùy theo “công thức” của từng nơi SX.

 Ít cồn thì mùi hương (trầm) ít, còn muốn hương vừa vừa thì tăng tỷ lệ cồn lên một tí. Nhưng nếu tăng tỉ lệ cồn trong hương nhiều quá sẽ tạo ra hiện tượng khi đốt hương nhang sẽ làm người hít bị cay mắt, chảy nước mũi. “Hiện nay, hầu hết các loại nhang nhuyễn đều phải tẩm hóa chất. Do thị trường ngày càng đòi hỏi nhang phải có mùi thơm lâu, tàn nhang phải cong đẹp nên chúng tôi vừa làm vừa nghiên cứu thêm, vì trên thị trường còn có nhiều loại hóa chất tạo hương rất tốt mà mình chưa khai thác hết!” - ông Ẩn nói.


Sau đó đem phơi khô

Anh Th cho hay, trên thị trường có 3 loại nhang, đó là nhang nhuyễn có cây nhang làm bằng cây lồ ô; nhang đũa (tròn và khía) đựng trong hộp, mỗi hộp chứa 10 tép (1 tép là 3 cây) và nhang “khủng” tức cây nhang to bằng cùm tay, chiều dài có khi lên tới 2 mét. Trên mỗi cây nhang đều có hình vẽ con rồng quấn quanh, hoa văn in chữ nổi rất đẹp. Một cây nhang này có giá từ vài chục đến vài trăm ngàn. Đặc biệt, cây nhang của hai loại nhang này được làm bằng trúc hoặc tre tầm vông.


Cây nhang sau khi tẩm màu đỏ đóng gói chuẩn bị xuất xưởng

Trong đó, trên thị trường nhang nhuyễn được coi là phổ biến nhất do đặc tính cây nhang nhỏ, chiều dài 30-60 cm, dễ cắm vào bát nhang, giá cũng rẻ từ 5-7 ngàn/bó.

Chúng tôi tiếp tục đến cơ sở của bà Út Vân ở KP Nhị Đồng 2, SX nhang trên mặt bằng khá rộng chừng 2.000m2. Bà Vân cho hay, trong các khâu làm nhang, trộn hương liệu hóa chất và tẩm màu là khâu khó khăn nhất, nếu hương liệu trộn không đúng tỷ lệ, tiêu chuẩn thì nhang không có mùi thơm hoặc mùi thơm rất nồng gây “sốc” cho người hít phải.


Công đoạn lam nhang nhuyễn-một loại nhang phổ biến trên thị trường

“Trên địa bàn phường chúng tôi hiện có khoảng 60 hộ làm nghề tăm nhang, trong đó khoảng ½ là SX nhang thành phẩm, hầu hết đều có trộn hóa chất. Tuy nhiên, hóa chất gì, tinh dầu nào tạo mùi thì không biết được, bởi mỗi cơ sở đều có bí quyết và cách làm riêng. Bởi giá 1 bó nhang trầm có 5.000-7.000 đ thì tất nhiên chỉ có sử dụng hóa chất chứ trầm thật vừa đắt, vừa hiếm, lấy đâu ra để mà làm hương” (ông Lê Minh Thiện - PCT Hội Nông dân phường Dĩ An).

Theo bà Vân, bây giờ cơ sở nhỏ hay lớn đều có tẩm hóa chất cả. Giai đoạn đầu, người trong nghề gọi là “ốp nhang”. Vấn đề là ít hay nhiều thôi. Thông thường cứ khoảng 50 kg bột mùn cưa trộn với 1 kg hương liệu. Sau khi ép cây nhang “tươi” ra rồi người ta còn phải lăn qua “bột áo” bằng bột cây đồng mứt để cho trắng, rồi đi phơi khô mấy ngày. Nếu phơi không khô thì bột nguyên liệu có hóa chất sẽ bị sình lên, coi như hỏng phải làm lại từ đầu. Sau khi nhang khô đem nhúng vào phẩm màu công nghiệp lần nữa, thông dụng nhất là màu đỏ, màu vàng, giá 90 ngàn/kg theo tỷ lệ 20 lít nước lã pha 1 lạng phẩm màu. Đây là công đoạn cuối cùng của nghề làm nhang.

Tìm hiểu của chúng tôi, công thức làm nhang gần như cơ sở nào cũng giống nhau, chỉ khác nhau là chất lượng tạo mùi hương và phương pháp “phối trộn”. Trên thị trường bán “mùi hương” nhang hiện có rất nhiều nguồn, giá của các từng loại tùy theo nguồn gốc xuất xứ mà giá cả khác nhau. Hương mùi trầm có loại nhẹ, loại nồng; hương hoa nhài cũng có loại nội, loại ngoại...


Những can nhựa hóa chất tạo mùi cho nhang bán tại một cửa hàng hóa chất 
ở quận 10, TP.HCM

Trong đó, hàng của Singapore, Thái Lan, Mỹ thấp nhất là 100 ngàn/kg; còn hàng Trung Quốc có giá rẻ hơn gấp nửa, chỉ có 50 ngàn/kg. Có loại bằng nước tức nhà SX đã pha cồn sẵn vào chất tạo mùi, được bán trong các can nhựa loại lớn 50 lít. Những can nhựa này không có nguồn gốc rõ ràng, người bán nói đâu hay vậy.

“Chúng tôi thích xài loại của Mỹ và Thái Lan, tuy giá có đắt nhưng chất lượng tốt, mùi trầm thoảng không gây nồng và đặc biệt là không làm bột mùn cưa vón cục nếu pha không đúng chuẩn” - bà Vân kết luận.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hàng trăm tấn rong trôi dạt vào biển Đồ Sơn, Cát Bà là rong mơ

HẢI PHÒNG Những ngày vừa qua, tại khu vực biển thuộc quần đảo Cát Bà và Đồ Sơn xuất hiện hàng trăm tấn rong trôi dạt vào bờ, rồi tràn lên các bãi tắm.