| Hotline: 0983.970.780

Hàng loạt HTX thoi thóp!

Thứ Năm 21/02/2013 , 09:57 (GMT+7)

Mới ra đời chẳng được bao lâu, hàng loạt hợp tác xã (HTX) nông nghiệp như vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, thanh long Chợ Gạo (Tiền Giang), bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (Vĩnh Long)... đã phải đối mặt với tình trạng bế tắc trong mọi hoạt động dẫn đến thoi thóp chờ phá sản.

Mới ra đời chẳng được bao lâu, hàng loạt hợp tác xã (HTX) nông nghiệp như vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, thanh long Chợ Gạo (Tiền Giang), bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (Vĩnh Long)... đã phải đối mặt với tình trạng bế tắc trong mọi hoạt động dẫn đến thoi thóp chờ phá sản.

HỢP TÁC XÃ BẤT… HỢP TÁC

Là một trong những điển hình HTX nông nghiệp kiểu mới, HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim được ra đời năm 2008 và tỉnh Tiền Giang đầu tư hỗ trợ về nhiều mặt như xúc tiến thương mại, hỗ trợ quy trình sản xuất đạt chứng nhận GlobalGAP và xây dựng nhà máy đóng gói đạt tiêu chuẩn quốc tế... Ấy vậy mà, từ sau ngày thành lập HTX chỉ sống được chừng một năm, khi chứng chỉ GlobalGAP hết hạn thì HTX không còn đủ sức tạo kinh phí để tái kiểm tra công nhận nên đành bỏ luôn.

Mặc dù vậy, các xã viên HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim vẫn canh tác theo quy trình GlobalGAP nhưng chỉ bán được sản phẩm với giá tương đương vú sữa thường. Tuy nhiên, khi đưa vú sữa lên tới HTX bán còn bị kén chọn chỉ ưng lấy những trái ngon (loại 1), còn đẩy trả lại cho xã viên phải đem ra chợ bán xô. Ngược lại nhiều lúc thương lái “câu hàng” bằng cách trả giá cao hơn HTX vài nghìn đồng/kg vậy là bà con xã viên chấp nhận quay lưng với HTX.


Nhà đóng gói đạt tiêu chuẩn của HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim nay đã hết hạn chứng nhận

Nông dân Đoàn Văn Mỹ, xã Bình Trưng, huyện Châu Thành, một trong những người đầu tiên đăng ký tham gia vào HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim vì sản xuất tiêu chuẩn GlobalGAP được hứa hẹn bao tiêu đầu ra giá cao ổn định. Tuy nhiên đến nay mọi hy vọng vào HTX giải quyết đầu ra cho sản phẩm vú sữa GlobalGAP đã tiêu tan khiến bản thân ông Mỹ cũng như rất nhiều người khác thất vọng xin ra khỏi HTX.

Gặp chúng tôi, ông bức xúc: “Canh tác theo tiêu chuẩn GlobalGAP rất công phu, nhưng khi thu hoạch trái bà con chúng tôi đành phải đưa ra chợ bán với giá bằng với vú sữa thường. Thà là mình tự làm để rồi muốn bán đâu thì bán còn hơn ở trong HTX phải chờ đợi khi nào HTX nói không mua mình mới được quyền bán ra ngoài thì ức không chịu nổi!”.

Theo ông Mỹ, lúc cao điểm nhất HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim có 131 xã viên với 174 ha. Vậy nhưng đến nay HTX cũng chẳng nắm được số xã viên và diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP hay VietGAP còn bao nhiêu, cứ mạnh ai nấy làm. Thậm chí có người mang danh xã viên nhưng không hề gắn với hoạt động của HTX.


Sản phẩm vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim cũng chưa được tái chứng nhận GlobalGAP, VietGAP

Dẫn chúng tôi vào thăm vườn vú sữa nhà mình, ông Võ Văn Nam (Bảy Nam), ấp Vĩnh Bĩnh, xã Vĩnh Kim tâm sự: “Đăng ký vào HTX cũng như không, giờ bà con xã viên chúng tôi chẳng trông chờ được gì từ ban chủ nhiệm. Thôi thì mình ráng làm theo quy trình được khâu nào hay khâu ấy chứ sản phẩm trái vú sữa GAP bán ra chẳng bù lại được công lao động, nản lắm. Đúng là trình độ kinh doanh của các chủ nhiệm HTX còn quá yếu kém nên bà con chúng tôi không thích vô HTX nữa!”.

Theo ông Trịnh Công Minh, Phó GĐ Sở NN-PTNT Tiền Giang, nguyên nhân khiến hoạt động của HTX ì ạch là trước đây các HTX được nuôi dưỡng quá mức. Hàng loạt HTX được hình thành theo chỉ tiêu của địa phương, không xuất phát từ nhu cầu thực tế của xã viên nên không chuẩn bị đầy đủ về vốn, nguồn nhân lực để quản trị HTX.

Theo ông Nam, gia đình ông có 1 ha vườn vú sữa đạt tiêu chuẩn VietGAP (khoảng 100 gốc vú sữa, 17 năm tuổi). Vậy nhưng đến nay cả khu vườn đang xuống cấp dần, trái vú sữa GAP bán giá cả bấp bênh như trái thường khiến ông nản, chẳng mặn mà chăm sóc theo quy trình nữa.

Quan sát toàn khu vườn vú sữa đạt tiêu chuẩn VietGAP của gia đình ông Nam thấy hoang tàn. Khu vực kho phân thuốc BVTV nằm ở góc vườn đã mục vỡ, mạng nhện giăng kín như đã lâu năm chủ vườn không hề đụng đến. Tất cả những bảng số đánh dấu từng cây vú sữa trong vườn để tiện quản lý thì cũng đã bị rơi rụng nằm vùi dưới gốc cây chẳng ai thèm để ý đến.

HTX YẾU KÉM KHÂU QUẢN LÝ

Thực tế không chỉ có xã viên không còn mặn mà tin tưởng vào hoạt động của HTX mà ngay cả thành viên trong Ban chủ nhiệm cũng mất hứng, chán nản. Ông Lê Văn Sơn, từng là Phó chủ nhiệm HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, nhưng sau vài năm gắn bó với mô hình HTX ông thấy không hiệu quả, bà con xã viên lần lượt bỏ đi. Do vậy, sau nhiều ngày đắn đo suy nghĩ cuối cùng ông Sơn phải tính đường rút để tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới cho riêng mình.

Chủ nhiệm HTX Nguyễn Văn Ngàn thừa nhận: “Do HTX không đảm bảo được quyền lợi của xã viên thì buộc họ phải quay lưng với mình thôi!”. Theo ông Ngàn, hiện ban chủ nhiệm HTX đang bối rối không biết nên tiếp tục duy trì hay giải thể. Chứng chỉ GlobalGAP nay đã hết hạn nhưng HTX không có kinh phí để tái chứng nhận. Nhà đóng gói cũng hết hạn thuê đất nhưng không có tiền để gia hạn hợp đồng thuê. Đáng lo là nhà xưởng đóng gói đã xây xong trên đất thuê không biết di dời đi đâu, toàn bộ xã viên sau một thời gian hứng khởi gia nhập nay cũng đang rã đám.


Nhà vườn lo lắng đầu ra trái vú sữa theo quy trình GAP vẫn bấp bênh

Tương tự, HTX Mỹ Thành ở xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) cũng nổi tiếng từ năm 2008 với sản phẩm lúa đạt tiêu chuẩn GlobalGAP đầu tiên ở VN. Ấy vậy mà, chỉ mấy năm qua, hoạt động của HTX này đang chìm dần rồi đi vào im lặng. Đến nay, nhiều xã viên muốn gặp ban chủ nhiệm HTX mà không biết tìm ở đâu. Lúa đạt tiêu chuẩn GlobalGAP của HTX không còn sản xuất vì hết hạn chứng nhận và không có ai bao tiêu nữa.

Tương tự, bưởi Năm Roi Mỹ Hòa là thương hiệu tự hào của người dân Vĩnh Long cũng chung số phận. Năm 2008, bưởi Năm Roi Mỹ Hòa được cấp chứng chỉ GlobalGAP và đến năm 2009 đã xuất khẩu hàng ngàn tấn sang thị trường châu Âu. HTX có hợp đồng bán bưởi cho hệ thống siêu thị Metro Cash & Carry và các siêu thị ở Hà Nội...

PGS.TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam:

HTX nông nghiệp thực tế rất cần với nông dân. Đó là tổ chức đại diện cho dân để giúp họ sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn an toàn, VietGAP hay GlobalGAP.

Ngoài ra HTX còn đại diện giao dịch, ký hợp đồng mua bán nông sản, vật tư nông nghiệp với các doanh nghiệp. Cần phải tổ chức lại các HTX nông nghiệp. Phải làm sao cho nông dân thấy HTX là của họ, là đại diện cho họ từ việc xây dựng logo, thương hiệu và hướng dẫn quy trình sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Tuy nhiên, sau khi chứng chỉ GlobalGAP hết hạn, đường ra nước ngoài của bưởi Năm Roi bắt đầu khép dần lại. Đến năm 2011, nhiều xã viên đã kiện HTX đòi tiền mua bưởi và bị cơ quan thanh tra khui ra nhiều sai phạm của HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa hoạt động không tuân thủ điều lệ HTX.

Tình cảnh tại HTX thanh long Chợ Gạo (Tiền Giang) còn tệ hại hơn khi bóng dáng HTX gần như đã biến mất. Sứ mệnh đưa 1.700 ha trồng thanh long ở huyện Chợ Gạo thành điểm sáng nông nghiệp, nông thôn đã tan thành mây khói. Người nông dân hiện đang phải tự bơi bằng nhiều cách mà không có bất kỳ sự hỗ trợ nào từ phía Nhà nước.

Ông Huỳnh Văn Quang, xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo bức xúc: “Đầu năm nay, HTX thanh long Chợ Gạo đã chính thức quyết định giải thể, bao nhiêu tâm huyết đóng góp xây dựng HTX nhưng giờ đây chẳng giữ lại được gì. Các xã viên giờ đang rất hoang mang, chúng tôi phải vận động xây dựng mô hình Tổ hợp tác để liên kết và giúp nhau tìm đầu ra cho sản phẩm…”.

Theo ông Quang, khó khăn nhất với Tổ hợp tác hiện nay là không có điều kiện xây dựng trụ sở làm việc, hoặc xây dựng nhà sơ chế đóng gói thanh long. Tất cả bà con phải tự xoay tìm nguồn vốn nhưng rất khó khăn…

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chìm tàu kéo sà lan, 3 người chết, 2 người mất tích

Quảng Ngãi Tàu kéo theo sà lan bất ngờ bị chìm trên vùng biển gần đảo Lý Sơn. Lực lượng chức năng đã vớt được 3 thi thể, 2 thuyền viên còn lại đang mất tích.