| Hotline: 0983.970.780

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Dương Ngọc Long: Rà soát, kiểm tra tất cả các dự án

Thứ Ba 19/03/2013 , 08:47 (GMT+7)

Năm 2012, tỉnh Thái Nguyên được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá là địa phương có bước nhảy vọt về chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI).

Năm 2012, tỉnh Thái Nguyên được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá là địa phương có bước nhảy vọt về chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI). Từ vị trí thứ 57 vào năm 2011, sau một năm, Thái Nguyên đã vươn lên vị trí số 17 trên bảng xếp hạng 63 tỉnh, thành trên cả nước. Ông Dương Ngọc Long, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên (ảnh) đã trao đổi với báo NNVN về chủ trương thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế công nghiệp của tỉnh...

>> Thái Nguyên: Gỡ rối cụm công nghiệp

Thái Nguyên quy hoạch 31 cụm công nghiệp, nhưng chỉ có 17 cụm công nghiệp có đăng kí chủ đầu tư, trong đó rất ít chủ đầu tư triển khai làm hạ tầng cho cụm công nghiệp. Có thể thấy việc phát triển công nghiệp của tỉnh đang gặp khó khăn, vậy giải pháp tháo gỡ của Thái Nguyên là gì, thưa ông?

Chủ trương của tỉnh là đẩy mạnh cải cách hành chính để thu hút đầu tư. Thời gian vừa qua do khủng hoảng kinh tế nên các nhà đầu tư họ đều phải tính toán, cái gì có lợi nhuận nhanh họ mới làm nên tiến độ đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp chậm. Thêm nữa, nhà nước lại hạn chế cho vay bất động sản nên nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn. Trong điều kiện suy thoái này, nguồn vốn đầu tư trong nước khó khăn thì việc phát huy mọi tiềm lực để thu hút đầu tư nước ngoài là cơ hội để phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Cũng phải nói, 2012 là năm thắng lợi của tỉnh Thái Nguyên trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Riêng dự án Sam Sung mới kí kết hợp đồng thuê đất tại Thái Nguyên đã hứa hẹn đầu tư khoảng 4 tỉ USD, tạo công ăn việc làm cho 30.000 lao động; Dự án Bujeion cũng đầu tư 15 triệu USD tương đương với 300 tỉ tạo việc làm cho hơn 6.000 lao động; Dự án BanPo ở Phú Lương đang mở rộng đầu tư tăng thêm máy móc, dây chuyền sản xuất, nâng số lượng lao động từ 1.800 - 2.500. Ngoài ra tỉnh cũng tạo điều kiện cấp giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp Đài Loan, kí kết với doanh nghiệp Nhật Bản, Anh quốc…

Việc thu hút nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài chắc chắn sẽ làm thay đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh. Hiện nay Thái Nguyên chỉ có 125 triệu USD xuất khẩu nhưng khi một loạt các doanh nghiệp nước ngoài đi vào hoạt động thì kim ngạch xuất khẩu của tỉnh có thể lên tới hàng chục tỉ USD, tạo sức bật cho nền kinh tế.

Các nhà đầu tư nước ngoài thường chọn khu, cụm công nghiệp lớn, ở gần đô thị nhưng hiện vẫn còn nhiều khu, cụm công nghiệp thuộc các huyện miền núi, không có chủ đầu tư. Tỉnh có chủ trương xem xét lại quy hoạch vùng nào phát triển công nghiệp, vùng nào không và thu hồi lại các cụm công nghiệp không hiệu quả?

Các cụm công nghiệp không phải để kêu gọi các dự án lớn nên tại các vùng miền núi vẫn có thể phát triển công nghiệp được, ví dụ như công nghiệp chế biến nông lâm sản, hoặc tại những vùng núi thuộc huyện Đồng Hỷ, Võ Nhai vẫn có cụm công nghiệp khai khoáng, tuyển, luyện khoáng sản. Vì vậy không thể đặt vấn đề chung là thu hồi các cụm công nghiệp ở miền núi mà tỉnh sẽ đánh giá xem khả năng vận động đầu tư của các địa phương như thế nào, khó khăn đến đâu và huyện cần phối hợp với tỉnh cái gì để tháo gỡ thì chúng tôi tiếp tục tháo gỡ cho doanh nghiệp phát triển.

Ở đây, tôi muốn lưu ý rằng đối với những cụm công nghiệp chưa lập quy hoạch chi tiết và chưa thực hiện triển khai đền bù thì đất vẫn của dân, dân vẫn được phép sản xuất, làm ăn bình thường. Quy hoạch chỉ mang tính định hướng chứ chưa phải là thu hồi đất giao cho chủ đầu tư. Chỉ khi có đơn vị đăng kí đầu tư hạ tầng mới triển khai GPMB. Trong thời gian này chúng tôi cũng đang rà soát lại các cụm công nghiệp, cái nào cần triển khai tỉnh sẽ tạo điều kiện hết sức.

Đối với những khu, cụm công nghiệp đã giao cho chủ đầu tư nhưng không triển khai làm hạ tầng, có những chủ đầu tư như HTX Chiến Công đăng kí tới 6 cụm công nghiệp mà chưa đầu tư trọn vẹn cụm công nghiệp nào, quan điểm xử lý của tỉnh trong việc này như thế nào, thưa ông?

Cái bí của Thái Nguyên bây giờ là nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp rất khó khăn nhưng những dự án cụm công nghiệp chủ đầu tư đã được cấp mà không làm được thì phải thu hồi. Thời gian trước đây, kinh tế thuận lợi, tỉnh trải thảm đỏ để thu hút đầu tư nhưng giai đoạn bây giờ phải nhìn nhận lại, chúng ta không thể nào đầu tư bằng mọi giá. Phải tính toán hiệu quả, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực thực tế và đặc biệt là kiểm soát môi trường. Hiện giờ tôi quy định phải ghi thời hạn trong giấy phép đầu tư của tỉnh, và thời hạn không quá 12 tháng. Quá 12 tháng là tôi thu hồi ngay. HTX Chiến Công cũng trong tình trạng chung như các doanh nghiệp khác. Nay mai sẽ có kết quả đánh giá cụ thể. Cái nào làm được thì khuyến khích còn những cái không làm được tôi sẽ yêu cầu trả để tỉnh giao cho chủ đầu tư khác

Sau khi thu hồi các khu, cụm công nghiệp tỉnh sẽ có chính sách tiếp theo để thúc đẩy xây dựng hạ tầng?

Trong lúc suy thoái kinh tế này thu hút đầu tư không hề đơn giản mà điều kiện ở Thái Nguyên về hạ tầng thì chưa có. Vì vậy, hiện nay tỉnh áp dụng hai phương án: Một là chuyển giao cho các chủ đầu tư khác có năng lực. Hai là vận động các nhà đầu tư trong, ngoài nước vào đầu tư trực tiếp theo quy hoạch. Quan điểm của tôi, không phải chỉ riêng khu, cụm công nghiệp mà tất cả các dự án đầu tư cho đến bây giờ đều phải rà soát kiểm tra hết. 5 chương trình, 16 đề án, 45 công trình trọng điểm của tỉnh phải đánh giá lại hiệu quả. Nhiều công trình rất là thiếu vốn, kể cả công trình vốn đầu tư của tỉnh nhưng năm nay rất khó khăn nên các dự án đầu tư phải chấp nhận dừng ở điểm dừng kĩ thuật hợp lý, quyết toán vốn đầu tư. Còn lại phải tập trung vốn cho phát triển xây dựng nông thôn mới, tập trung cho xây dựng các khu, cụm công nghiệp, tạo ra được sức bật cho nền kinh tế của tỉnh như Điềm Thụy, Trung Thành, Yên Bình…

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh

Hội Soóng cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ (tỉnh Quảng Ninh), thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia hưởng ứng.