| Hotline: 0983.970.780

Sử dụng đất - quá bất cập

Thứ Năm 30/05/2013 , 09:51 (GMT+7)

Dư luận đang nóng lên việc góp ý sửa đổi Luật đất đai nhưng các ý kiến chỉ tập trung vào mục 4 chương 2 - Thu hồi đất mà chưa quan tâm đến mục 2 chương 2 - Quy hoạch sử dụng đất, mục mà việc thực thi luật còn nhiều bất cập, gây nên nhiều lãng phí “khủng”.

Dư luận đang nóng lên việc góp ý sửa đổi Luật đất đai nhưng các ý kiến chỉ tập trung vào mục 4 chương 2 - Thu hồi đất mà chưa quan tâm đến mục 2 chương 2 - Quy hoạch sử dụng đất, mục mà việc thực thi luật còn nhiều bất cập, gây nên nhiều lãng phí “khủng”.

“XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI SẼ… KHỔ”

Thật bất ngờ đấy là câu nói thoát ra từ miệng của ông Trần Nuôi, đảng viên, cựu chiến binh, trưởng ấp Tân Đông, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. Dẫn tôi đi xuyên qua cánh đồng mía rộng hơn 100 ha xanh ngắt, ông bực bội: Mía thế này mà các ổng biểu bỏ đi trồng lúa thì ai mà nghe cho lọt, làm thế khác nào hại dân chứ phát triển nông thôn mới cái gì.

Ông Nuôi cho biết, cánh đồng này trước đây là vùng trũng nên chỉ trồng lúa 1 vụ nhưng từ ngày nhà máy đường Bourbon múc các mương tiêu thoát thì trồng mía có hiệu quả hơn và từ cánh đồng lúa một vụ đã chuyển sang cánh đồng mía, cánh đồng mì năng suất cao và ổn định.


Ông Trần Nuôi, ấp trưởng (phải) và ông Đỗ Hữu Trí, ấp Tân Đông đang nói chuyện với phóng viên NNVN về bất cập trong công tác quy hoạch

Ông Nguyễn Văn Phú, 55 tuổi, người cùng ấp là một trong ít người không trồng mía, cũng chẳng trồng mì mà trồng một số cây rau màu khác chỉ vì “đất ít quá, chỉ 2.500 m2 thôi à, nên phải trồng rau dưa mới có hoa lợi”. Ông Phú cho biết cánh đồng này mía có năng suất bình quân 90 T/ha, lợi nhuận 50 triệu/ha, nếu trồng mì (sắn) năng suất đạt 35 T/ha, lợi nhuận 40 triệu/ha, trồng rau dưa như ông lợi nhuận trên 100 triệu/ha/năm, trồng lúa thì chỉ đạt 3 - 4 T/ha, lợi nhuận không đáng kể.

Tân Hưng là thủ phủ của cây mãng cầu Tây Ninh, một đặc sản đã có chỉ dẫn địa lý đồng thời cũng là cây cho lợi nhuận cao nhất. Cả xã hiện có 990 ha mãng cầu cho lợi nhuận từ 150 - 200 triệu/ha/năm. Theo đề án xây dựng nông thôn mới mà Tân Hưng đang xây dựng thì diện tích mãng cầu của xã từ 990 ha sẽ giảm xuống chỉ còn 552 ha. Song song đó, cây lúa, cây cho thu nhập thấp nhất, sẽ tăng từ 11 ha lên 200 ha. Chính vì vậy mà người dân đã tiên đoán rằng: Xây dựng nông thôn mới sẽ khổ.

GỌT CHÂN CHO VỪA GIÀY

Tại sao có sự tréo ngoe trên?

Chuyện bắt đầu từ khi có chủ trương giữ 3,8 triệu ha đất trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và chủ trương đó đã được cụ thể hóa bằng công văn 23/CP-KTN ngày 23/2/2012 của Chính phủ, phân bổ chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, theo đó Tây Ninh được phân bổ 81.000 ha đất lúa. Cả Tây Ninh hiện có bao nhiêu ha lúa thực tế? - Không có con số chính xác nhưng một số người ước rằng chỉ trên 70.000 ha. Tây Ninh có bao nhiêu trường hợp như Tân Hưng? Chắc rằng Tân Hưng không cá biệt, người dân đã chủ động đi tìm cho mình một cơ cấu cây trồng hiệu quả nhất nên chắc có nhiều diện tích đất lúa chỉ tồn tại trên giấy tờ. Con số năng suất cao su 2,8 T/ha của toàn tỉnh Tây Ninh (cao nhất nước) cũng đáng ngờ vì biết đâu có nhiều diện tích cho sản lượng nhưng không nằm trong con số thống kê. Tuy nhiên “Dùi đến đục thì đục đến khăng”, Tân Hưng được phân bổ 200 ha đất lúa và không được cãi.

Tây Ninh thì vậy nhưng Long An lại diễn biến theo chiều ngược lại. Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Long an lần thứ 9 nhiệm kỳ 2010 - 2015 ghi sản lượng lương thực giữ ở mức 2,1 triệu T/năm nhưng trên thực tế lại liên tục tăng đến năm 2012 đã đạt 2,663 triệu T. Do năng suất tăng đột biến chăng? Chỉ một phần thôi, phần lớn chỉ là do cây tràm mất giá nên người dân đã tự chuyển hơn 10.000 ha đất tràm sang trồng lúa mà trong sổ sách chưa cập nhật kịp.


Cánh đồng chuyên trồng mía và màu ấp Tân Đông, xã Tân Hưng được quy hoạch
 tái trồng lúa

Theo công văn 23/CP-KTN thì Long An được phân bổ 245.000 ha chuyên trồng lúa nhưng diện tích trồng lúa đã lên tới 258.874 ha và có thể còn tiếp tục tăng nữa do giảm dần đất rừng và khu công nghiệp. Cũng như Tây Ninh, việc làm sao khớp được 2 con số này đã làm mất rất nhiều thời gian và trí tuệ của các sở ban ngành tỉnh Long An.

CẦN ĐỔI MỚI CÔNG TÁC QUY HOẠCH

Việc phân bổ quỹ đất trồng lúa và phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 đã thật sự làm cho nhiều địa phương lúng túng. Căn cứ lớn nhất để các địa phương tiến hành quy hoạch là số liệu thống kê nhưng hầu hết số liệu thống kê đều vênh với thực tế, hơn thế nữa giấy này còn vênh với giấy kia, như ở Tây Ninh, trên cùng một mảnh đất nhưng được quy hoạch đồng thời 2 cây vừa mía vừa lúa. Cùng một thửa ruộng nhưng vừa có tên trong danh sách nhận tiền hỗ trợ trồng lúa, vừa có tên nhận tiền hỗ trợ trồng mía, do trồng mía có lợi hơn nên người dân tự nguyện đề xuất chuyển tiền hỗ trợ trồng mía cho chương trình xóa đói giảm nghèo.

Cũng được phân bổ 6.000 ha đất trồng lúa nhưng cả cán bộ và người dân Bình Dương chẳng mặn mà gì bởi diện tích lúa thực tế của Bình Dương chỉ còn lại khoảng hơn 3.000 ha dọc sông Sài Gòn, với năng suất 3,9 T/ha thì sản lượng lúa của Bình Dương chỉ bằng phần rơi vãi của huyện Hòn Đất - Kiên Giang (sản lượng lúa huyện này lên đến 1 triệu T).

Điều 11 của Luật Đất đai có ghi nguyên tắc sử dụng đất phải đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả. Nếu chỉ chiểu theo điều này thì người dân Tây Ninh đã làm rất tốt. Không kể những cây có hiệu quả cao như cao su, mía, mãng cầu mà cây mì (sắn) cũng mang lại lợi nhuận rất cao nhờ họ áp dụng các TBKT như phủ bạt, tưới béc nên năng suất đạt trên 35 T/ha và thời gian sinh trưởng đã rút ngắn từ 1 năm xuống 6 - 7 tháng.

Đảm bảo an ninh lương thực là một chính sách rất đúng đắn, bất cứ một quốc gia nào cũng phải thực hiện và việc sử dụng đất sao cho đảm bảo lợi thế so sánh, từng bước nâng cao đời sống cho nhân dân cũng là mục tiêu cao cả của toàn Đảng, toàn dân. Vấn đề là phải hài hòa giữa các lợi ích, muốn đảm bảo an ninh lương thực, muốn phát triển được thì Nhà nước cần có chính sách kinh tế để có thể hỗ trợ cao hơn, nhiều hơn nữa cho người trồng lúa, địa phương trồng lúa.

Muốn vậy thì không có cách nào khác phải đổi mới công tác quy hoạch, quy hoạch từ cơ sở lên và đặt lợi ích của nông dân lên hàng đầu.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hà Nội hỗ trợ học sinh ôn thi tốt nghiệp THPT

Từ 19/4, học sinh Hà Nội có thể ôn thi tốt nghiệp THPT 2024 trên kênh H2 của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, ứng dụng HANOI ON trên thiết bị thông minh.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm