| Hotline: 0983.970.780

"Cho kháng sinh vào thức ăn chăn nuôi chẳng ích gì"

Thứ Tư 03/07/2013 , 09:56 (GMT+7)

Phần lớn lượng kháng sinh không phải để điều trị bệnh cho vật nuôi mà là để phòng bệnh, tức là trộn vào TĂCN với mục đích phòng bệnh cho vật nuôi. Sử dụng kháng sinh như thế này không đúng nguyên tắc chút nào...

PGS.TS Dương Thanh Liêm (ảnh) nguyên là Hiệu trưởng ĐH Nông lâm TP.HCM. Là một chuyên gia đầu ngành về dinh dưỡng trong chăn nuôi, PGS.TS Dương Thanh Liêm rất quan tâm tới việc chăn nuôi phải làm sao không ảnh hưởng tới sức khỏe con người. NNVN đã có buổi trao đổi với ông quanh vấn đề sớm loại bỏ kháng sinh khỏi TĂCN.

Thưa PGS.TS Dương Thanh Liêm, việc trộn kháng sinh vào thức ăn chăn nuôi có phải là một giải pháp đúng?

Hiện nay, ngành chăn nuôi nước ta đang sử dụng một lượng kháng sinh khá lớn. Điều đáng nói là phần lớn lượng kháng sinh này không phải để điều trị bệnh cho vật nuôi mà là để phòng bệnh, tức là trộn vào TĂCN với mục đích phòng bệnh cho vật nuôi. Sử dụng kháng sinh như thế này không đúng nguyên tắc chút nào. Bởi kháng sinh là thuốc để điều trị bệnh chứ không phải là thuốc để phòng bệnh. Vì thế, việc trộn kháng sinh vào thức ăn chăn nuôi để phòng bệnh cho gia súc, gia cầm là không đúng.

Nhưng kháng sinh trộn vào TĂCN cũng có tác dụng nhất định trong việc giúp vật nuôi tăng trưởng, tăng khả năng hấp thụ thức ăn?

Không có kháng sinh, vật nuôi vẫn có thể sinh trưởng bình thường. Thức ăn trộn kháng sinh chỉ tăng thêm chút lợi thế về tăng trưởng. Lợi cho nhà chăn nuôi là rất nhỏ, trong khi cái hại mang lại cho cộng đồng là rất lớn. Chăn nuôi bằng thức ăn không có kháng sinh thì chi phí sẽ cao hơn một chút nhưng mang lại lợi ích lớn hơn cho cộng đồng, nhất là về mặt sức khỏe của con người.

Ông có thể nói rõ hơn về tác hại của việc sử dụng thường xuyên kháng sinh trong TĂCN tới sức khỏe con người?

Trước hết, sử dụng thường xuyên kháng sinh trong thức ăn sẽ làm phá vỡ cân bằng tự nhiên của hệ vi sinh vật trong đường ruột của gia súc và sau đó là của người. Gây rối loạn quá trình tiêu hóa do vi sinh vật trong đường ruột của động vật và người, gây hiện tượng tiêu phân sống. Trong đường ruột luôn có hệ vi khuẩn bảo vệ, hệ vi khuẩn gây bệnh và vi khuẩn tùy nghi (có thể gây bệnh, có thể không). Khi con vật khỏe mạnh, số lượng vi khuẩn bảo vệ luôn cao hơn nhiều so với vi khuẩn gây bệnh.

Nhưng khi con vật sử dụng thức ăn có trộn kháng sinh, kháng sinh sẽ không chỉ diệt vi khuẩn gây bệnh mà còn diệt cả vi khuẩn có ích, gây mất cân bằng hệ vi sinh vật ở đường ruột, qua đó tạo điều kiện cho vi khuẩn Clostridium sinh trưởng quá mức sản xuất nhiều độc tố trong ruột. Độc tố này có thể gây tiêu chảy cho vật nuôi. Nhà chăn nuôi lại phải dùng kháng sinh để điều trị. Như vậy là nó đã tạo nên một cái vòng luẩn quẩn: Trộn kháng sinh vào thức ăn để trị bệnh đường ruột nhưng cuối cùng lại phải dùng kháng sinh để điều trị căn bệnh tiêu chảy mà nguyên nhân bắt nguồn từ kháng sinh trộn sẵn vào thức ăn.

Sử dụng kháng sinh thường xuyên trong thức ăn để phòng bệnh sẽ làm tồn dư kháng sinh trong sản phẩm chăn nuôi như thịt, trứng, sữa. Qua đó sẽ có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng. Một số kháng sinh có thể gây dị ứng với những người quá mẫn với kháng sinh, một số kháng sinh nhiễm thường xuyên trong thức ăn có thể gây ung thư. Sử dụng kháng sinh thường xuyên trong thức ăn sẽ làm giảm hiệu quả điều trị của kháng sinh do liều kháng sinh thấp, không giết hết vi khuẩn, từ đó tạo ra nhiều dòng vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh, ảnh hưởng rất xấu đến công tác điều trị bệnh sau này của các bác sỹ thú y và nhân y. Những vi khuẩn kháng kháng sinh có độc lực cao như Salmonella, E.Coli, C.perfringens, Klebsiella, Shigella, Proteus, Campylobacter, có thể lây truyền giữa động vật với động vật, giữa động vật và người và sau cùng giữa người với người.


Ảnh minh họa

Nhìn lại y học trong mấy chục năm qua, chúng ta sẽ thấy thời gian để vi khuẩn kháng một loại kháng sinh mới càng ngày càng ngắn lại. Chẳng hạn với vi khuẩn tụ cầu vàng Staphylococcus aureus. Năm 1952, nhiều bệnh nhiễm vi khuẩn Staphylococcus aureus đã bị đẩy lùi bởi kháng sinh Penicillin. Đến những năm 1960, Staphylococcus aureus kháng lại được Penicillin. Tiếp theo sau đó, con người phải sử dụng đến Methicillin vào những năm 70 của thế kỷ trước. Những năm 1980, sự kháng Methicillin đã phổ biến trên diện rộng. Đến những năm 1990, kháng sinh Vancomycin ra đời và được coi là loại thuốc nhạy cảm lúc bấy giờ. Nhưng chỉ ít năm sau, vi khuẩn cũng đã lờn thuốc với kháng sinh này.

Khi thuốc cũ không có tác dụng, thuốc kháng khuẩn mới chưa có, vi khuẩn gây bệnh sẽ có nguy cơ lộng hành gây thành đại dịch. Sự kháng kháng sinh nhanh chóng của vi khuẩn trong cộng đồng có nhiều nguyên nhân, trong đó có một nguyên nhân quan trọng là sử dụng nhiều kháng sinh trong chăn nuôi súc vật, nhất là sử dụng liều thấp, thường xuyên trong thức ăn, nước uống để phòng bệnh một cách không cần thiết.

Như vậy, bỏ kháng sinh vào TĂCN là lợi bất cập hại?

Kháng sinh có loại tồn dư mạnh trên sản phẩm động vật, có loại tồn dư yếu. Nhưng dù yếu hay mạnh thì đã là tồn dư kháng sinh đều không tốt. Nói tóm lại, tác hại của tồn dư kháng sinh trong các sản phẩm chăn nuôi không kém gì so với kích thích tố (chất kích thích tăng trưởng) mà ngành nông nghiệp đã cấm sử dụng. Nếu tính kỹ giữa cái lợi nhỏ mà kháng sinh trong thức ăn đem lại cho người chăn nuôi so với cái hại của việc tồn dư kháng sinh trong các sản phẩm chăn nuôi, thì có thể khẳng định cho kháng sinh vào thức ăn chẳng có ích gì. Hiện nay, các sản phẩm chăn nuôi chủ lực như thịt, trứng chúng ta đều không thiếu. Thậm chí có những lúc cung vượt cầu. Vì thế, chúng ta đâu cần thúc cho con lợn, con gà phải tăng trọng nhanh hơn bằng cách cho kháng sinh vào thức ăn của chúng.

Nếu không dùng kháng sinh, chúng ta có thể thay thế bằng những chất nào để vừa đảm bảo sự tăng trưởng, khả năng hấp thụ thức ăn, tăng cường sức khỏe cho vật nuôi mà lại không ảnh hưởng tới sức khỏe con người?

Hiện nay, đã có nhiều giải pháp tốt để thay thế kháng sinh trong TĂCN. Một giải pháp phổ biến, đang được nhiều nước sử dụng có hiệu quả và đã được đưa vào Việt Nam là dùng vi khuẩn hữu ích probiotic. Probiotic được hiểu một cách đơn giản là những vi sinh vật sống hữu ích được đưa trực tiếp vào cơ thể vật chủ qua con đường miệng, khi cung cấp với số lượng đầy đủ thì nó có hiệu quả sức khỏe tốt cho vật chủ. Probiotic giúp cải thiện khả năng tiêu hóa thức ăn trong đường ruột, ức chế vi khuẩn lên men thối mà phần lớn vi khuẩn lên men thối có liên quan tới vi khuẩn gây bệnh. Nếu loại vi khuẩn lên men thối không bị ức chế sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh.

Dùng thảo dược cũng có tác dụng tốt. Giải pháp này là sử dụng những chất liệu được tổng hợp từ một số loại cây để ức chế vi khuẩn lên men thối, kiềm chế vi khuẩn gây bệnh. Các chất khác như acid hữu cơ, enzym, các chế phẩm giàu kháng thể… cũng có thể bổ sung vào TĂCN để thay thế cho kháng sinh. Những chất này đều có tác dụng tốt trong việc giúp vật nuôi tăng trưởng, tăng khả năng hấp thụ thức ăn, giảm bệnh tật, và đều không gây hại tới sức khỏe con người.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Xử phạt nhiều công ty, đại lý cung ứng phân bón giả, kém chất lượng

Cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai phát hiện, xử phạt nhiều công ty, đại lý cung ứng, phân phối phân bón giả chất lượng, kém chất lượng... cho bà con nông dân.

Lộc Trời ra mắt 2 sản phẩm sinh học mới

CẦN THƠ Ngành Vật tư Nông nghiệp Lộc Trời đã chính thức công bố, ra mắt hai bộ giải pháp canh tác sinh học với các sản phẩm dành riêng cho cây lúa NEMACES và ANMITE 40SC.

Tập đoàn Hùng Nhơn có thêm thành viên thứ 16

Sau thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) với Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, Hùng Nhơn Group chính thức có thêm thành viên thứ 16.