| Hotline: 0983.970.780

Tiếp cận đầu mối cung cấp chồn nhung đen

Thứ Hai 08/07/2013 , 10:23 (GMT+7)

Chúng tôi đã có mặt tại Khu vực 5 (phường An Tây, TP Huế) của hộ gia đình bà Nguyễn Thị Phương - là nơi đặt “trụ sở” đầu mối tập kết và chăn nuôi chồn nhung đen số lượng khá lớn của đối tượng Đoàn Việt Châu (Hà Nội).

Sau khi tìm hiểu về tình cảnh tiến thoái lưỡng nan của những hộ dân nuôi chồn nhung đen đa cấp tại huyện Phú Vang và TX Hương Trà, TT-Huế (NNVN ngày 1/7 đã có bài phản ánh), chúng tôi đã có mặt tại Khu vực 5 (phường An Tây, TP Huế) của hộ gia đình bà Nguyễn Thị Phương - là nơi đặt “trụ sở” đầu mối tập kết và chăn nuôi chồn nhung đen số lượng khá lớn của đối tượng Đoàn Việt Châu (Hà Nội).

Căn nhà của bà Nguyễn Thị Phương nằm sâu hun hút trong ngõ, có tường rào và người canh cửa, rất kín. Phía sau nhà là cả một hệ thống chuồng trại, lồng nuôi lên đến vài trăm con chồn nhung đen.

Đặc biệt, tại đây, đối tượng Đoàn Việt Châu còn thuê cả người vận chuyển, chăm sóc chồn để duy trì hoạt động khi ông Châu đã “lặn” mất tăm khỏi địa bàn.

Bà Phạm Thị Phương Mai - Chủ tịch UBND phường An Tây cho biết: “Mô hình nuôi chồn nhung đen xuất hiện tại hộ bà Nguyễn Thị Phương từ đầu năm 2013. Tuy nhiên, do thiếu thông tin liên quan về chồn nhung đen nên chính quyền địa phương cho rằng đây là vật nuôi thông thường, cho đến lúc Phòng Kinh tế TP Huế có văn bản về việc kiểm soát nuôi và phát tán chồn nhung đen thì mọi hoạt động buôn bán, thuê nuôi dưới hình thức đa cấp mới chính thức tạm ngưng.


Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TT-Huế kiểm tra tại cơ sở đầu mối cung cấp chồn nhung đen ở hộ gia đình bà Nguyễn Thị Phương

Ngay khi nắm được thông tin, UBND phường đã mời bà Nguyễn Thị Phương lên ký cam kết về việc không phát tán rộng rãi chồn nhung đen trên địa bàn. Khi xảy ra dịch bệnh trên con chồn nhung đen thì đảm bảo không để lây lan ra bên ngoài”.

Mặc dù là chủ sở hữu của cơ sở hiện đang nuôi giữ hàng trăm con chồn nhung đen tại địa chỉ tổ 10, KV 5, phường An Tây và đồng ý ký vào bản cam kết của UBND phường An Tây, là không phát tán rộng rãi vật nuôi này trên địa bàn nhưng bà Nguyễn Thị Phương đã không thừa nhận, bác bỏ mối quan hệ giữa chủ hộ với ông Châu cũng như không cung cấp những thông tin liên quan đến đường dây cung cấp mô hình chồn nhung đen đa cấp tại địa bàn TT-Huế.

Đồng thời, khi chúng tôi cùng đoàn kiểm tra của Chi cục Thú y tỉnh TT-Huế đến làm việc thì bà Phương tỏ ra bất hợp tác, chỉ đạo người làm thuê gây khó khăn cho đoàn kiểm tra.

Bà Phương cho rằng mình là “nạn nhân”, gia đình chỉ cho ông Châu mượn cơ sở mặt bằng để nuôi chồn nhung. “Đến nay, khi ông Châu đi mất, gia đình tôi vẫn chưa được trả tiền điện, nước sử dụng ở các chuồng nuôi trong mấy tháng” - bà Phương phân trần.

Tuy nhiên, thực tế, có sự liên kết, ăn chia giữa hộ bà Nguyễn Thị Phương và ông Đoàn Việt Châu khi đặt cơ sở đầu mối chồn nhung đen tại địa điểm phường An Tây. Trước đó, do các cơ quan chức năng vào cuộc, chính bà Phương đã liên lạc với cán bộ Chi cục Thú y TT-Huế xin tiêu hủy số chồn nhung đen bao gồm 350 con tại hộ gia đình mình.

Theo những hộ nông dân bị đánh lừa tham gia mô hình nuôi chồn nhung đen ở TT-Huế, thấy tình hình có xu hướng bất lợi, ông Đoàn Việt Châu đã tẩu thoát khỏi địa bàn nhưng để lại một số đối tượng chăm sóc chồn và làm “tai mắt” vận chuyển.

Ngay cơ sở tập kết và chăn nuôi chồn nhung đen của bà Phương, ông Châu cũng để lại hai người làm và sử dụng điện thoại di động, liên tục thay đổi số để điều hành từ xa. Bởi thế, nhiều hộ nông dân bị dính quả lừa, muốn liên lạc với ông Châu giải quyết đầu ra khi chồn nhung đen đã sinh sản thì không được. 

Trong khi ông Châu vẫn chủ động gọi lại nắm tình hình chăn nuôi, thu hồi nợ ở một số hộ nuôi chưa thanh toán hết tiền giống chồn đã bán ở các địa bàn như Phú Vang, Hương Trà, Phú Lộc. Đặc biệt, trong nhiều tháng qua, có nhiều chủ hộ nuôi chồn nhung đen ở Nghệ An và các tỉnh bị đánh lừa đã tìm đến phường An Tây truy tìm ông Châu nhưng không tìm thấy.


Cơ sở đầu mối chăn nuôi, cung cấp chồn nhung đen ở phường An Tây, TP Huế

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TT-Huế cho biết: “Trước hết phải khẳng định chồn nhung đen là một giống chuột, hiện nay trên địa bàn tỉnh không phải là địa bàn khảo nghiệm về việc nuôi chồn nhung đen. Mặc dù mới một vài hộ nuôi trên địa bàn, nhưng đây là sự kết hợp giữa người chuyển giao công tác đưa giống về và người nuôi phía bên dưới. Chúng tôi khẳng định việc chuyển giao nuôi chồn nhung đen như vậy trên địa bàn tỉnh TT-Huế là chưa được phép”.

Ông Hưng cho biết thêm: “Sau khi phát hiện các địa phương có nuôi giống ngoại lai là chồn nhung đen chúng tôi đã có văn bản yêu cầu các Trạm thú y huyện, thị xã và ủy ban nhân dân các phường, xã đề nghị kiểm soát việc nuôi và không phát tán chồn nhung đen.

Nếu động vật rừng thì tiến hành thả về rừng. Nhưng ở đây là động vật ngoại lai do đó hướng xử lý trong thời gian tới tùy vào yêu cầu từ phía Cục Chăn nuôi - Bộ NN-PTNT, Chi cục mới có hướng xử lý tiếp theo".

Để xử lý việc nuôi chồn nhung đen, Sở NN-PTNT tỉnh TT-Huế cũng đã kiến nghị với Bộ NN-PTNT, Cục Chăn nuôi đề nghị các địa phương, ban ngành đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu rõ được mặt tiêu cực từ việc tự phát nuôi chồn nhung đen khi chưa có kết quả khảo nghiệm, chưa có tên trong danh mục giống vật nuôi được cấp phép sản xuất, kinh doanh của cơ quan chuyên môn là vi phạm Pháp lệnh Giống vật nuôi và bị xử phạt theo Nghị định số 47 của Chính phủ.

Xem thêm
Chương trình hành động của Chính phủ chống khai thác IUU

Mục đích của Chương trình hành động là xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).