| Hotline: 0983.970.780

Cần có chiến lược về nhân tài

Thứ Sáu 30/08/2013 , 09:52 (GMT+7)

Để chấn hưng trí tuệ không có con đường nào khác phải cải cách sự vận hành bộ máy Nhà nước và cải cách giáo dục nhằm nâng cao nguồn vốn con người.

Có một cảnh báo đầy bức xúc, trí tuệ Việt Nam đang ở nửa dưới của thế giới. Để chấn hưng trí tuệ không có con đường nào khác phải cải cách sự vận hành bộ máy Nhà nước và cải cách giáo dục nhằm nâng cao nguồn vốn con người.

Công bằng mà nói, chúng ta đã có cơ chế, chính sách thu hút, đào tạo, trọng dụng nhân tài nhưng còn rời rạc, chắp vá và chưa đủ sức thu hút nhân tài, gây lãng phí rất lớn. Mọi người làm khoa học kỹ thuật, làm giáo dục ở Việt Nam đều ý thức rõ sự lạc hậu, sự yếu kém của chúng ta so với thế giới.

Những điều kiện thiết yếu để các nhân tài xuất hiện trong bối cảnh hiện nay, đó là: có một nền giáo dục quốc dân lành mạnh và thực học; phát huy dân chủ để phát triển tài năng; áp dụng phương pháp tuyển chọn nhân sự khoa học và thực hiện cơ chế sử dụng nhân tài hợp lý.

Bắt đầu từ cải cách giáo dục

Hơn một trăm năm trước, nhà khai sáng dân tộc Phan Châu Trinh có nói: "Chi bằng học (chữ Hán là Bất như học). Đây là lời gọi thống thiết của Phan Châu Trinh gửi đồng bào Việt Nam. Không phải chỉ có giá trị đương thời, mà còn đến hôm nay vẫn xứng đáng là một danh ngôn, luôn luôn phát huy tác dụng. Phan Châu Trinh quan niệm cái học phải đi theo tinh thần của tự do dân chủ, đi tới cái mục đích gần gũi, là phải “tự lực khai hóa”, phải sửa lại những tục xấu của đất nước mình”.

Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã nêu rõ "đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà”. Công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục hiện nay đang là một vấn đề lớn được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm. Nền giáo dục nước ta đã trải qua 2 lần cải cách, rồi nhiều lần thực hiện đổi mới, thực hiện “2 không”, rồi “5 không”...

Kết cục lại giờ đây nền giáo dục nước nhà đã và đang bộc lộ quá nhiều bất cập. Thiết nghĩ, để chấn hưng giáo dục không chỉ thực hiện tốt “2 không”, “5 không” mà còn cần phải tư duy lại hay nói cách khác thay đổi tư duy về giáo dục.

Phải cải cách triệt để. Phải quan tâm đến mọi khía cạnh như, triết lý giáo dục (giáo dục để làm gì, phục vụ vấn đề gì, làm thế nào để đánh giá được chất lượng giáo dục và đào tạo), giáo trình, chất lượng giáo viên, điều kiện giảng dạy và nghiên cứu theo chuẩn quốc tế. Vì tiêu chí quan trọng phản ảnh trí tuệ là nguồn vốn con người thông qua đánh giá nền giáo dục phổ thông, đào tạo đại học và dạy nghề.

Trước mắt cần tập trung giải quyết những vấn đề bất cập trong đào tạo nhằm chấn hưng giáo dục, đào tạo phải theo định hướng đầu ra, theo nhu cầu thị trường lao động để phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho công nghiệp hoá hiện- đại hoá đất nước.

Đãi ngộ và tôn vinh nhân tài

Chúng ta chưa có một hệ thống tiến cử, tuyển chọn và thu hút hiền tài công tâm, dân chủ và khoa học.

Trong thực tế, lĩnh vực này cũng đã biểu hiện những hạn chế, bất cập: thiếu chương trình, kế hoạch tổng thể mang tính chiến lược trong công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài nên chưa chú ý tới nhiệm vụ theo dõi quá trình phát triển của những mầm mống tài năng được phát hiện sớm trong các nhà trường phổ thông và đại học.

Quá trình đánh giá, tuyển chọn và sử dụng cán bộ còn nhiều mặt yếu, chưa phát huy đầy đủ dân chủ và còn hạn chế về tính công khai, minh bạch. Chính sách đãi ngộ đối với nhân tài chưa được nghiên cứu đầy đủ nên chưa phát huy được tác dụng, chưa thu hút được người tài vào công tác trong hệ thống chính trị; chưa chú ý tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để nhân tài hoạt động, phát triển tài năng, toàn tâm, toàn ý cho công việc.

Đã qua rồi cái thời tuyển người bố trí công việc chỉ quan tâm đến một số tiêu chuẩn nào đấy không hề liên quan trực tiếp gì đến công việc họ sẽ làm và vị trí họ đảm trách, thậm chí không chú ý kể cả hậu quả, hiệu quả công việc người đó sẽ làm.

Nhưng vấn đề không dừng lại ở chỗ nhận thức đúng mà ở chỗ chủ trương và tổ chức thực hiện. Còn đó quá nhiều câu hỏi, cũng như vấn đề đặt ra như: Thế nào là nhân tài? Cách tuyển chọn, thu hút? Chế độ đãi ngộ? Môi trường làm việc? Trả lời những câu hỏi này phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố quản lý điều hành Nhà nước, các tổ chức Nhà nước.

 

 

Trong lịch sử đông tây kim cổ, có nhiều tấm gương của những bậc cao nhân quân tử vì biết tập hợp, sử dụng người tài mà làm nên nghiệp để vương, tỷ phú giàu có...

Bác Hồ của chúng ta là một tấm gương của một vĩ nhân biết tập hợp và sử dụng người hiền tài. Vào những ngày đầu thành lập Chính phủ, Bác nói: “Chính phủ Hồ Chí Minh tập hợp đầy đủ nhân tài Trung, Nam, Bắc”. “Chính quyền phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân thì phải báo cáo cho Chính phủ biết”.

Qua đấy, chúng ta thấy tư tưởng chỉ đạo của Bác không chấp nhận cách sử dụng người theo lối địa phương cục bộ, dòng họ thân thuộc, cánh hẩu, bè phái...

Xã hội không hiếm người hiền tài, vấn đề là phải chịu khó tìm, có biện pháp và tổ chức thực hiện cương quyết, bài bản. Dẫu biết rằng người tài không dễ sử dụng, phải biết cách sử dụng, đặc biệt là phải có tấm lòng. Vai trò người đứng đầu ở đây rất quyết định.

 

Người xưa có câu “Núi không chê đất cát, đá tảng, thì mới gọi là núi cao. Biển không chê những khe rạch nhỏ thì mới gọi là biển sâu... Lãnh đạo là dùng người, vậy dùng người phải có khí độ. Chỉ có lòng dạ rộng rãi mới có thể dung chứa và dung chứa kể cả những con người mà thiên hạ khó dung chứa thì mới có thể hoàn thành nghiệp lớn".

Ở Việt Nam ta, nhiều vị thực tài nhưng bằng cấp rất khiêm tốn. Thí dụ, GS Tôn Thất Tùng (bác sĩ), GS Tạ Quang Bửu (cử nhân), GS Trần Đại Nghĩa (kỹ sư)... Những vị này mãi mãi là ngôi sao sáng trên bầu trời văn hiến đất Việt.

Kinh nghiệm nhiều nước, khi tuyển người vào các vị trí quan trọng thì bằng cấp chỉ có giá trị tham khảo, họ thường áp dụng tiêu chí đánh giá qua Chỉ số thông minh IQ (Intelligent Quotient), chỉ số cảm xúc EQ (Emotinal Quotient) để tuyển chọn nhân sự theo mong muốn.

Thiết nghĩ chúng ta cũng nên bắt đầu làm quen “công nghệ mới” bổ sung thêm cho hệ thống tuyển chọn nhân sự có tài. Có thể nói lâu nay ta chưa có một hệ thống tiến cử, tuyển chọn, thu hút hiền tài công tâm, dân chủ và khoa học.

Chúng ta biết rằng, trong thực tiễn quản lý, nhất là ở tầm hoạch định chính sách, nhiều vấn đề phát sinh không có trong sách vở, các thông lệ.

Hơn nữa, công cuộc đổi mới những vấn đề bức xúc của Nhà nước ta chưa có tiền lệ. Vì thế, nếu chỉ biết “nhai lại” mà chỉ số thông minh, chỉ số cảm xúc thấp thì khó có khả năng đề xuất giải quyết những vấn đề bức xúc có tính đột phá. Có chỉ số thông minh, chỉ số cảm xúc cao mới có điều kiện để năng động, sáng tạo!

Thuộc tính cơ bản nhất của nhân tài chính là tính sáng tạo và tài năng. Trong đó, tính sáng tạo được hiểu là khả năng tạo ra những giá trị mới về vật chất, tinh thần và tài năng được xem xét như năng lực xuất sắc có tính sáng tạo cao.

Sáng tạo là nguồn gốc tạo nên  trí tuệ của đất nước. Nhà nước cần đặt sự đổi mới, sáng tạo thành trung tâm của chiến lược phát triển. Rất cần nhanh chóng xây dựng chiến lược tổng thể, kiện toàn cơ chế phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh nhân tài.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cầu Trần Hoàng Na phục vụ lưu thông từ ngày 26/4

Từ ngày 26/4, cầu Trần Hoàng Na, bắc qua sông Cần Thơ chính thức đưa vào khai thác sử dụng, phục vụ nhu cầu lưu thông cho người dân.

Bình luận mới nhất