| Hotline: 0983.970.780

Quá lo thủy điện!

Thứ Năm 31/10/2013 , 09:45 (GMT+7)

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, công tác quản lý an toàn tại các công trình thủy điện, nhất là thủy điện nhỏ chưa thực sự tuân thủ nghiêm ngặt quy định của pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro rất khó lường...

+ Gần 30% đập thủy điện nhỏ chưa được kiểm định chất lượng

+ Gần như không trồng rừng thay thế

+ Cần xem lại quy trình thẩm định, cấp phép

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, công tác quản lý an toàn tại các công trình thủy điện, nhất là thủy điện nhỏ chưa thực sự tuân thủ nghiêm ngặt quy định của pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro rất khó lường...

Buông lỏng chất lượng công trình

Trong thời gian qua, một số sự cố dự án, công trình TĐ vừa và nhỏ khu vực miền Trung, Tây Nguyên đã xảy ra, gây thiệt hại về người và tài sản. Sự cố, hiện tượng bất thường tại công trình TĐ Sông Tranh 2 (tỉnh Quảng Nam) như thấm nước qua thân đập, động đất kích thích… đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của cộng đồng dân cư và hiệu quả hoạt động của công trình.

Ngoài TĐ Sông Tranh 2, từ tháng 10/2010 đến tháng 9/2013, có 6 sự cố, hư hỏng xảy ra tại 6 dự án TĐ, gây thiệt hại về người và tài sản. TĐ Đăk Rông 3 (Quảng Trị) bị vỡ tường chắn bê tông; TĐ Đăm Bol - Đạ Tẻl (Lâm Đồng) vỡ đường ống áp lực gây chết người; TĐ Đăk Mêk 3 (Kon Tum) đổ tường phía thượng lưu đập khi đang thi công gây chết người; TĐ Ia Krêl 2 (Gia Lai) vỡ đập khi bắt đầu tích nước…


Sửa chữa các vết nứt trên thân đập TĐ Sông Tranh 2

Tình hình trên cho thấy nhiệm vụ bảo đảm yêu cầu chất lượng, an toàn đối với công trình TĐ, đặc biệt là TĐ vừa và nhỏ phải được đặt lên hàng đầu.

Tuy nhiên, theo ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội thì việc quản lý chất lượng công trình thủy điện còn thiếu sự kiểm soát của cơ quan nhà nước. Chất lượng công trình xây dựng hầu như được giao hoàn toàn cho chủ đầu tư thực hiện và tự chịu trách nhiệm.

Tại một số dự án, công trình TĐ, chất lượng khâu khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát có nhiều hạn chế, gây không ít hệ lụy tiêu cực. Công tác quản lý an toàn tại các công trình TĐ nhỏ chưa thực sự tuân thủ nghiêm ngặt quy định của pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường.

Đối với các công trình TĐ nhỏ, gần 30% số đập chưa được kiểm định; chỉ khoảng 6% số chủ đầu tư hoàn thành cắm mốc chỉ giới; 66% đập chưa có phương án bảo vệ được phê duyệt; gần 55% số chủ đập chưa có phương án PCLB. Hiệu quả làm việc của hệ thống quan trắc tại một số công trình TĐ rất thấp. Việc xây dựng phương án PCLB cho vùng hạ du trong tình huống xả lũ khẩn cấp, vỡ đập... gặp nhiều khó khăn, ít được quan tâm.

Nguyên nhân của những bất cập nêu trên là không ít chủ đầu tư dự án TĐ nhỏ có năng lực chuyên môn và tài chính hạn chế. Trong khi đó, trách nhiệm, xử lý sai phạm của chủ đầu tư, các chủ thể khác có liên quan khi công trình có chất lượng kém hoặc để xảy ra sự cố chưa được quy định cụ thể.

Nặng mục tiêu kinh tế, nhẹ bảo vệ môi trường

Về đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), nhìn chung, mục tiêu, lợi ích kinh tế của quy hoạch TĐ thường đặt lên hàng đầu trong quá trình lập quy hoạch. Số lượng báo cáo ĐMC được lập cho các quy hoạch TĐ trên toàn bộ lưu vực sông chưa được xây dựng nhiều. Đánh giá tác động của việc thực hiện quy hoạch TĐ đối với môi trường, đặc biệt là trên toàn bộ lưu vực sông, hệ thống các TĐ bậc thang và vùng hạ du chưa được xem xét toàn diện.

Nhiều chủ đầu tư không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), đã tự động đưa dự án vào vận hành bỏ qua thủ tục báo cáo kết quả thực hiện các công trình, biện pháp BVMT.

Ngoài ra, báo cáo ĐTM được phê duyệt trong giai đoạn lập dự án đầu tư, giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt được cấp sau giai đoạn lập dự án đầu tư. Do đó, việc xả nước duy trì dòng chảy tối thiểu, BVMT khó khả thi vì công trình đã xây dựng xong, không thể bố trí bổ sung kết cấu hạ tầng có chức năng điều tiết nước.

Hiện các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền không đủ nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết để chủ động tiến hành kiểm tra toàn diện việc thực hiện các yêu cầu về BVMT trong quá trình chuẩn bị đầu tư, thi công, xây dựng dự án mà chỉ tiến hành việc kiểm tra khi nhận được đề nghị của chủ đầu tư hoặc khi có dư luận xã hội quan tâm về các vấn đề môi trường của dự án.

Công tác hoàn nguyên rừng khi thực hiện các công trình thủy điện cũng không được quan tâm đúng mức. Theo số liệu của Bộ NN-PTNT trong giai đoạn từ năm 2006 đến 2012, cả nước có 160 dự án thuộc 29 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang xây dựng TĐ với diện tích 19.792 ha.

Cho đến nay, diện tích rừng trồng thay thế được 735 ha, đạt 3,7% tổng diện tích theo yêu cầu. Nhiều địa phương không có quỹ đất quy hoạch hoặc đất không phù hợp để trồng rừng thay thế. Trách nhiệm và nghĩa vụ của địa phương và chủ đầu tư dự án TĐ trong việc bố trí quỹ đất, phương thức thực hiện, bố trí chi phí trồng rừng thay thế trong tổng mức đầu tư chưa xác định rõ.

Thậm chí, tại một số dự án TĐ, có đối tượng đã lợi dụng quyết định mở công trường cho khai quang rừng với quy mô lớn hơn so với yêu cầu; lợi dụng hạ tầng công trình TĐ để khai thác khoáng sản trái phép.

Thiệt hại lớn vì thủy điện nhỏ

5 quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa lũ của 20 hồ chứa trên 5 lưu vực sông đã được ban hành. Tuy nhiên, ngoài các hồ chứa TĐ lớn, đa mục tiêu đã thực hiện đúng quy trình vận hành, góp phần quan trọng trong việc chống hạn và cắt giảm lũ cho hạ du, còn có không ít công trình TĐ khác trong quá trình vận hành, chủ đầu tư thường quan tâm chủ yếu đến sản xuất điện, chưa thực sự chú trọng đúng mức đến điều tiết, cấp nước sản xuất, sinh hoạt, đặc biệt trong mùa kiệt.

Không thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy trình vận hành đơn hồ, liên hồ chứa nên đã ảnh hưởng đến nguồn nước cho sản xuất, sinh hoạt. Thậm chí, đã xảy ra trường hợp cạn kiệt nguồn nước, thiếu nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt, dẫn đến tranh chấp, gây bức xúc cho cộng đồng dân cư.

Ngoài ra, do yêu cầu của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), nhiệm vụ phát điện của một số công trình TĐ nhỏ chỉ được huy động trong ngày với thời gian không cố định. Theo đó, dòng chảy bị dao động lớn trong ngày, ảnh hưởng xấu đến môi trường hạ du.

Việc không thông báo xả nước tại phần lớn các TĐ nhỏ chưa đánh giá được hết tác động trong các trường hợp xả lũ khẩn cấp, vỡ đập để xây dựng các phương án ứng phó dẫn đến tình huống bị động, gây thiệt hại, ảnh hưởng đáng kể đối với vùng hạ du, đặc biệt khi có mưa bão, lũ. Việc phối hợp liên ngành, kiểm tra, giám sát trong quá trình xây dựng và thực hiện quy trình tuy có triển khai nhưng chưa thường xuyên và chưa hiệu quả.

ĐB Trương Văn Vở: Cần xem lại quy trình thẩm định, cấp phép

Thưa ông, Chính phủ cho biết sẽ loại bỏ 424 dự án thủy điện không hiệu quả và vẫn đang tiếp tục rà soát sắp xếp lại quy hoạch các dự án thủy điện trên toàn quốc. Ông đánh giá như thế nào về hoạt động rà soát, sắp xếp lại quy hoạch thủy điện của Chính phủ?

Tôi ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ trong việc loại bỏ các dự án thủy điện không hiệu quả tuy nhiên điều quan trọng là phải rút ra được bài học từ câu chuyện này.

Thực tế cho thấy, chúng ta đã chấp nhận đưa vào quy hoạch hàng trăm dự án thủy điện mà không có sự thẩm tra, đánh giá toàn diện. Điều này rất nguy hiểm bởi mỗi Dự án thủy điện sẽ gây tác động rất lớn đến môi trường: lấy đi nhiều diện tích rừng, ảnh hưởng vùng hạ du…

Do vậy cần phải xem xét lại quy trình thẩm định, cấp phép cho các dự án thủy điện. Việc phải loại bỏ hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A là một ví dụ điển hình cho những sai phạm trong quy trình thẩm định, cấp phép.

Để hạn chế sai phạm, theo tôi cần phải quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động cấp phép, phải làm rõ trách nhiệm của cơ quan tham mưu cho Chính phủ đưa vào quy hoạch các Dự án không hiệu quả.

Vẫn còn 149 dự án thủy điện nhỏ và 9 dự án thủy điện bậc thang đang được rà soát, vậy theo ông để trong quy hoạch những dự án này cần đảm bảo những nguyên tắc nào?

Hầu hết các dự án thủy điện hiện nay mới chỉ quan tâm đến mục tiêu kinh tế trước mắt mà bỏ qua hậu quả tác động môi trường. Chính phủ cần phải thống kê xem các dự án thủy điện sẽ lấy đi bao nhiêu đất rừng và đánh giá, cân nhắc thật kĩ những ảnh hưởng của các dự án đối với môi trường.

Quan điểm của tôi, vai trò của rừng đặc dụng, rừng phòng hộ vô cùng quan trọng nếu không phải trường hợp đặc biệt cần thiết thì không nên hi sinh rừng để phục vụ lợi ích kinh tế.

Vì vậy, các dự án thủy điện nếu sử dụng đến diện tích rừng phải đảm bảo có quỹ đất để hoàn nguyên rừng, phải tuân thủ tuyệt đối Luật Bảo vệ và phát triển rừng.

Chất lượng của các công trình thủy điện hiện nay đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, đặc biệt là hoạt động xả lũ của các công trình thủy điện nhỏ đã gây thiệt hại về người và của. Cần phải làm gì để chấn chỉnh hoạt động này?

Từ năm 2010, Chính phủ đã xây dựng và ban hành quy trình vận hành liên hồ và đơn hồ cho các đập chứa nước của thủy điện. Nhưng tôi cho rằng công tác này triển khai còn chậm.

Cho đến nay mới chỉ có 5 quy trình vận hành liên hồ chứa và đơn hồ chứa trong mùa lũ của 20 hồ chứa trên 5/11 lưu vực sông. Vẫn còn 6 lưu vực sông nữa chưa có quy trình vận hành.

Do đó, ngoài những biện pháp tăng cường công tác quản lý, vận hành các hồ chứa TĐ tôi đề nghị cần ban hành đủ quy trình vận hành liên hồ chứa cả trong mùa lũ và mùa kiệt trên các lưu vực sông. Quy định rõ cơ quan đầu mối, chịu trách nhiệm chính, điều phối chung giữa các chủ đập khi các hồ chứa trên cùng lưu vực sông cùng tham gia xả lũ, ứng phó với các sự cố đối với hệ thống liên hồ chứa.

Đồng thời, phải có chế tài xử phạt vi phạm đối với hành vi không thực hiện đầy đủ, đúng quy trình vận hành, đáp ứng yêu cầu về an toàn, bảo vệ môi trường, gây ảnh hưởng lớn tới sản xuất và sinh hoạt của người dân và vùng hạ du.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm