| Hotline: 0983.970.780

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Thứ Tư 04/07/2012 , 10:03 (GMT+7)

Nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm nông nghiệp hướng tới SX bền vững, Bộ NN-PTNT đã xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành...

* Áp thuế cao với xuất khẩu nông sản thô

Nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm nông nghiệp hướng tới SX bền vững, Bộ NN-PTNT đã xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành với nội dung chủ đạo là phát triển mạnh công nghệ sau thu hoạch. Theo đó, các loại nông sản không qua chế biến, chỉ xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô sẽ bị áp thuế nặng.

Xác định “trọng điểm” nông nghiệp

Tăng trưởng nông nghiệp trong thời gian qua chủ yếu theo chiều rộng thông qua tăng diện tích, tăng vụ và dựa trên mức độ thâm dụng các yếu tố vật chất đầu vào cho sản xuất như lao động, vốn, vật tư và nguồn lực tự nhiên. Mô hình tăng trưởng nông nghiệp như hiện nay mới chỉ tạo ra được khối lượng nhiều và rẻ nhưng giá trị thấp, hiệu quả sử dụng đất đai, tài nguyên chưa cao. Để khắc phục, trong thời gian tới ngành Nông nghiệp-PTNT xác định sẽ tập trung phát triển mạnh một số ngành hàng có lợi thế cạnh tranh trên thị trường, phát triển công nghiệp chế biến sâu và tăng cường các hoạt động nâng cao giá trị gia tăng trong lĩnh vực thương mại.


Chế biến thủy sản XK

Đối với trồng trọt, phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất khoảng 3,0%/năm và tỷ trọng giá trị sản xuất ngành trồng trọt trong toàn ngành khoảng 50% vào năm 2020. Áp dụng cơ giới hóa và các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, tuân thủ các quy trình công nghệ trong chuỗi sản xuất sản phẩm từ thu mua, bảo quản, dự trữ, lưu thông cho các nhóm cây có lợi thế cạnh tranh như: lúa, cà phê, cao su, tiêu, điều. Mục tiêu từ nay đến năm 2020 chúng ta đưa tỷ lệ diện tích sử dụng giống lúa tiến bộ kỹ thuật từ 35% hiện nay lên 70-85%; cải thiện chất lượng gạo, nâng cao thêm giá trị gia tăng của gạo xuất khẩu từ 20 – 25%; mở rộng quy mô, công suất chế biến cà phê hòa tan, cà phê rang xay, tăng tỷ lệ cà phê được chế biến ở quy mô công nghiệp từ 20% năm 2010, lên đến 70% năm 2020. Tiếp tục phát triển cao su, đầu tư tăng thêm công suất chế biến là 500.000 tấn mủ khô/năm. Xây dựng các nhà máy sản xuất săm lốp ô tô, xe máy... đưa tỷ trọng sử dụng mủ cao su trong nước lên tối thiểu 30%; nghiên cứu nhằm tạo ra các giống điều mới có năng suất, chất lượng cao, đa dạng hóa sản phẩm ngành điều, nâng tỷ lệ nhân điều chế biến đạt tối thiểu 40% đồng thời tăng tỷ lệ tiêu thụ nội tiêu trong tương lai để tránh rủi ro do thị trường xuất khẩu có những biến động xấu; thâm canh 50 ngàn ha tiêu hiện có. Đầu tư cải tạo nâng cấp các nhà máy chế biến, trong đó có 14 nhà máy đảm bảo kỹ thuật chế biến tiên tiến chất lượng cao, an toàn. Đồng thời đầu tư mở rộng công suất và đầu tư mới các nhà máy chế biến tiêu trắng, nâng tỷ lệ sản phẩm tiêu trắng từ 19,4% năm 2010 lên 30% vào năm 2020.

Đối với chăn nuôi chuyển dịch dần chăn nuôi từ vùng đồng bằng mật độ dân số cao đến khu vực trung du miền núi, khuyến khích loại hình sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Riêng trong lĩnh vực thủy sản, sẽ ưu tiên phát triển cá tra, tôm, các loại nhuyễn thể. Đặc biệt chú trọng đầu tư phát triển hệ thống giống thủy sản đảm bảo cung cấp 100% giống thủy sản cho nhu cầu nuôi. Mở rộng diện tích nuôi thủy sản theo quy trình GAP, cơ cấu lại sản phẩm chế biến đông lạnh theo hướng giảm tỉ lệ các sản phẩm sơ chế, tăng tỉ trọng các sản phẩm ăn liền. Tăng cường quản lý VSATTP đảm bảo nhà máy chế biến thủy sản đạt tiêu chuẩn. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bảo quản “ngủ đông" đối với một số loại thủy sản có giá trị, xuất khẩu thủy sản sống có GTGT cao.

Về lâm nghiệp, ưu tiên phát triển rừng kinh tế thành một ngành kinh tế có vị thế quan trọng, đem lại việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân làm nghề rừng, nhất là đồng bào dân tộc miền núi. Tổ chức lại ngành công nghiệp chế biến gỗ để cân đối giữa năng lực sản xuất và nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định. Xây dựng các khu công nghiệp chế biến lâm sản ở các vùng có khả năng cung cấp nguyên liệu ổn định, thuận lợi về cơ sở hạ tầng, đảm bảo có lợi nhuận và cạnh tranh được trên thị trường khu vực và quốc tế. Mục tiêu, đến năm 2020, tổng công suất chế biến gỗ xẻ đạt 6 triệu m3/năm, ván dăm 320.000 m3 sản phẩm/năm, ván MDF 220.000 m3 sản phẩm/năm.

Cơ cấu lại đầu tư công

Để hạn chế xuất khẩu sản phẩm thô và khuyến khích đầu tư công nghiệp chế biến trong nước, theo Bộ NN-PTNT cần áp dụng thuế suất xuất khẩu cao đối với các loại nông, lâm thủy sản thô: dăm gỗ, cà phê, hạt tiêu, mủ cao su…

Để đạt được mục tiêu đề ra, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng đặt ra vấn đề phải chuyển đổi hình thức đầu tư, cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư trong từng lĩnh vực. Cần giảm dần tỷ trọng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trong tổng vốn đầu tư của ngành, vốn ngân sách nhà nước chỉ tập trung đầu tư cho các nhiệm vụ cấp bách, nhiệm vụ chiến lược của ngành và các dự án không có khả năng thu hồi vốn.

Ưu tiên vốn cho các chương trình, dự án về chọn tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi, giống cây lâm nghiệp phục vụ chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm, nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực và lao động nông thôn xây dựng hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác, tổ chức hiệp hội ngành hàng; phát triển mô hình liên kết, hợp tác sản xuất giữa doanh nghiệp, nhà khoa học với các hộ nông dân theo mô hình cánh đồng mẫu lớn. Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi hơn cho kinh tế trang trại sản xuất hàng hóa lớn, tập trung với các điều kiện và yếu tố sản xuất.

Kèm với việc cơ cấu lại đầu tư đề án cũng đưa ra nhiều chính sách nhằm thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư vào nông nghiệp như: Ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư sản xuất liên kết khép kín được vay vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi và kỳ hạn trả nợ phù hợp; Đề nghị tăng hạn mức và kéo dài kỳ hạn cho vay vốn tín dụng phù hợp với chu kỳ sản xuất của từng đối tượng cây, con. Hỗ trợ hoạt động XTTM, nghiên cứu và mở rộng thị trường, các hoạt động nâng cao giá trị hàng hóa trong lĩnh vực thương mại.

Xem thêm
Nghệ An thực hiện tốt Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững

Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tạo chuyển biến căn cơ trên địa bàn Nghệ An, tỉnh này triển khai thực sự hiệu quả thông qua tỷ lệ giải ngân 100%.

Quảng Bình phạt 2,8 tỷ đồng từ các vụ vi phạm hành chính lĩnh vực lâm nghiệp

Trong quý I/2024, lực lượng kiểm lâm Quảng Bình dự kiến nộp 2,8 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước từ 272 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm