| Hotline: 0983.970.780

Dành đất cho “quan”, đền bù cho “quan”

Thứ Tư 18/07/2012 , 10:03 (GMT+7)

Nhiều người dân thị trấn Yên Bình quá bất ngờ trước quyết định của UBND tỉnh Yên Bái đền bù 139.225,7 m2 đất khi mở rộng Khu công nghiệp phía Nam (khu C) cho hộ gia đình ông Nguyễn Hải Dương. Lạ lùng thay, diện tích đất đó thuộc quyền quản lý của lâm trường Yên Bình, huyện quyết không, tỉnh quyết có.

Nhiều người dân thị trấn Yên Bình quá bất ngờ trước quyết định của UBND tỉnh Yên Bái đền bù 139.225,7 m2 đất khi mở rộng Khu công nghiệp phía Nam (khu C) cho hộ gia đình ông Nguyễn Hải Dương. Lạ lùng thay, diện tích đất đó thuộc quyền quản lý của lâm trường Yên Bình, huyện quyết không, tỉnh quyết có. Quanh diện tích đất này nhiều chuyện tù mù cần phải làm sáng tỏ...

Tù mù chuyện mượn đất và hợp đồng trồng rừng

Nguồn gốc diện tích đất 139.225,7m2 được UBND tỉnh Yên Bái giao cho LT Yên Bình (nay là Cty TNHH một thành viên lâm nghiệp Yên Bình), tại quyết định số 151/QĐ-UB, ngày 7/7/1993 để trồng rừng nguyên liệu giấy. Do LT thiếu vốn SX nhiều diện tích đất bỏ hoang bị người dân lấn chiếm, ngày 25/8/2000, bà Đinh Thị Thoa vợ ông Nguyễn Hải Dương - nguyên Đội trưởng Đội trồng rừng xã Đại Đồng làm đơn xin mượn đất trồng rừng. Ngày 20/7/2000, bà Nhâm Thắng Bình - Phó GĐ LT ký biên bản bàn giao 14,7 ha tại tiểu khu 821, khoảnh 70 cho bà Thoa mượn đất rừng trong thời gian 8 năm. Ngày 25/7/2000 ông Phí Đình Bàn - GĐ LT ký hợp đồng trồng rừng số 02/HĐ-LTYB với bà Đinh Thị Thoa trên diện tích 14,7 ha tại tiểu khu 814, khoảnh 70. Tiếp đến ngày 20/7/2005, ông Phạm Thanh Kỳ - GĐ LT ký hợp đồng trồng rừng liên doanh số 19/HĐ-LT với bà Đinh Thị Thoa trên diện tích 14,7 ha tại tiểu khu 814, khoảnh 70.


Diện tích đất rừng Cty Xi măng Yên Bình dự kiến mở rộng

Có quá nhiều điểm tù mù trong các văn bản này, đó là: Ngày 25/8/2000 bà Thoa mới có đơn xin mượn đất, nhưng trước đó ngày 20/7/2000 bà Nhâm Thắng Bình đã ký biên bản bàn giao đất cho bà Thoa mượn trồng rừng là sao? Quả là chuyện ngược đời “Sinh con rồi mới sinh cha”. Phải chăng bà Thoa có đơn xin mượn đất chỉ là cái cớ để lâm trường Yên Bình hoàn tất thủ tục pháp lý cho bà Thoa? Hợp đồng trồng rừng số 02/HĐ-LTYB ngày 25/7/2000 và hợp đồng liên doanh trồng rừng số 19/HĐ-LT ngày 20/7/2005 cùng trên tiểu khu 814, khoảnh 70, cùng diện tích 14,7 ha. Trong hồ sơ mà cơ quan có trách nhiệm cung cấp cho chúng tôi thì không có thanh lý hợp đồng số 02/HĐ-LTYB, nay hợp đồng 19/HĐ-LT lại “đè lên” hợp đồng số 02/HĐ-LTYB là điều có thể chấp nhận được không? Điều vô cùng hài hước hợp đồng số 19/HĐ-LT lại được đóng dấu trước đó 9 ngày khi con dấu chưa có hiệu lực.

Theo biên bản làm việc giữa Phòng Tài nguyên Môi trường với LT Yên Bình ngày 9/03/2011 thì tiểu khu 814 mà hai ông GĐ LT Yên Bình ký hợp đồng với bà Thoa nằm trên địa giới hành chính xã Đại Đồng, còn tiểu khu 821 do bà Nhâm Thắng Bình ký cho bà Thoa mượn thuộc địa giới hành chính thị trấn Yên Bình. Điều khó hiểu hơn hai bản hợp đồng số 02 và 19 lại không có trong hồ sơ lưu trữ tại LT. Chưa dừng lại ở đó, ngày 10/10/2005 ông Phạm Thanh Kỳ tiếp tục ký xác nhận vào đơn của bà Thoa, đề nghị các cơ quan có chức năng giúp đỡ bà Thoa “được quyền sở hữu” 14,7 ha đất đó. Luật Đất đai năm 2003 khẳng định “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu”. Ông GĐ LT Phạm Thanh Kỳ lại đề nghị cơ quan chức năng giao quyền sở hữu cho bà Thoa thì chứng tỏ ông chẳng coi Luật Đất đai ra gì.

Thật khó hiểu khi Thanh tra và UBND tỉnh Yên Bái lại căn cứ vào hai hợp đồng có nhiều điều tù mù để hỗ trợ tiền đất (mức hỗ trợ bằng 50% giá đất bồi thường) cho gia đình bà Thoa. Nhiều người dân thị trấn Yên Bình không khỏi bức xúc khi tỉnh Yên Bái lại lấy tiền ngân sách đền bù cho cá nhân đang canh tác trên đất của nhà nước. Một chuyện ngược đời và nực cười chưa từng thấy ở Yên Bái.


Khu C nhà máy Xi măng Yên Bình đang san tạo mặt bằng

Lộ diện các “quan” lâm trường

Người dân thị trấn Yên Bình đặt ra nhiều câu hỏi: Vì sao bà Đinh Thị Thoa mượn được đất của LT Yên Bình một cách dễ dàng với diện tích lớn như vậy? Ông GĐ Phí Đình Bàn, bà PGĐ Nhâm Thắng Bình đã ký vào Biên bản cho bà Thoa mượn đất và Hợp đồng trồng rừng có khách quan và có lợi ích gì trong việc này? Ông Phạm Thanh Kỳ cớ sao lại đóng dấu trước khi con dấu có hiệu lực vào Hợp đồng trồng rừng liên doanh mà còn sốt sắng đề nghị cơ quan chức năng giúp đỡ bà Thoa “sở hữu” diện tích đất đó, phải chăng ông Kỳ có lợi ích ở đó?

Ngày 24/12/2010 gia đình ông Nguyễn Hải Dương cùng 4 hộ khác làm đơn gửi UBND tỉnh Yên Bái, huyện Yên Bình, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư và Cty CP Xi măng Yên Bình đề nghị hỗ trợ tiền thu hồi đất. Trong đơn này đã lộ diện những quan chức LT Yên Bình, đó là ông Phí Đình Bàn nguyên GĐ LT, bà Nhâm Thắng Bình nguyên PGĐ LT, bà Hứa Thị Kim Anh - kế toán trưởng - người có tên trong hai bản hợp đồng số 02 và 19, ông Nguyễn Hải Dương nguyên đội trưởng đội Đại Đồng, ông Vũ Văn Phẳng nguyên đội trưởng đội Bảo Ái. Ông Phạm Đăng Hân, GĐ Cty LN Yên Bình cho biết: Bà Đinh Thị Thoa chưa bao giờ làm nghĩa vụ với LT như đã ghi trong hợp đồng. Như vậy, đủ thấy diện tích đất đó đã được LT Yên Bình cho chính các “quan” của LT mượn, qua mấy động tác làm xiếc “hợp đồng liên doanh”, “hợp đồng trồng rừng” nay Nhà nước thu hồi lại được UBND tỉnh Yên Bái đền bù cho gia đình các “quan” LT đó là điều rất khó hiểu và không thể chấp nhận được.

Đâu là sự thật?

Hai bản hợp đồng số 02/HĐ-LTYB và hợp đồng số 19/HĐ-LT trên diện tích 14,7 ha ở tiểu khu 814, đây là cơ sở để gia đình bà Đinh Thị Thoa đề nghị hỗ trợ tiền đất. Như đã nêu ở trên, theo Biên bản làm việc giữa Phòng Tài nguyên Môi trường với LT Yên Bình ngày 9/3/2011 thì tiểu khu 814 nằm trên địa giới hành chính xã Đại Đồng, tiểu khu 821 nằm trên địa giới hành chính thị trấn Yên Bình, việc thu hồi đất mở rộng khu C nằm trên địa giới thị trấn Yên Bình. Đúng là chuyện “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, sao tỉnh Yên Bái lại cố tình không biết?


Giấy tờ liên quan tới diện tích đất của LT gia đình bà Thoa đang trồng cây lâm nghiệp

Ngày 27/9/2011, Chủ tịch UBND huyện Yên Bình ký quyết định số 1008/QĐ-UBND giải quyết khiếu nại của ông Nguyễn Hải Dương đã khẳng định: Bản Hợp đồng số 19/HĐ-LT ngày 20/7/2005 là không hợp pháp. Vì con dấu đóng xác nhận vào ngày 20/7/2005 là con dấu mới, chưa được phép sử dụng. Bản Hợp đồng số 02/HĐ-LTYB và bản Hợp đồng số 19/HĐ-LT thực hiện trồng rừng ở tiểu khu 814 không nằm trong diện tích đất thu hồi. Từ những chứng cứ trên UBND huyện Yên Bình khẳng định: “Những chứng cứ do ông Dương đưa ra không có cơ sở để xác định số diện tích 139.225,7m2 đất lâm nghiệp gia đình ông Nguyễn Hải Dương đang trồng cây lâm nghiệp, là đất giao nhận khoán với lâm trường, nên không thuộc diện được bồi thường đất nông nghiệp theo quy định tại điểm 4, điều 16, Nghị định số 69/2009/NĐ-CP”. Theo QĐ số 325/QĐ-UBND ngày 15/3/2007 của UBND tỉnh Yên Bái, thì diện tích 139.225,7m2 mà gia đình ông Dương đang trồng cây lâm nghiệp là đất quy hoạch rừng phòng hộ môi trường. Mặt khác, tại QĐ số 87/QĐ-UBND ngày 17/01/2008 của UBND tỉnh Yên Bái cho Cty Lâm nghiệp Yên Bình thuê đất để trồng rừng SX. Từ những căn cứ trên UBND huyện Yên Bình không hỗ trợ tiền đất cho gia đình bà Thoa.

Lạ lùng thay ngày 21/6/2012, UBND tỉnh Yên Bái lại căn cứ vào hợp đồng số 02/HĐ-LTYB ngày 25/7/2000 và hợp đồng số 19/HĐ-LT ngày 20/7/2005 để hỗ trợ cho gia đình bà Thoa. Đúng là chuyện “ông nói gà, bà nói vịt”, người dân không hiểu đâu là sự thật.

Lời kết: UBND tỉnh Yên Bái không thể căn cứ vào bản hợp đồng bất hợp pháp để hỗ trợ tiền đất cho bà Đinh Thị Thoa, mà đứng sau bà Thoa là một loạt quan chức LT Yên Bình. Tỉnh Yên Bái không thể mang tiền đóng thuế của dân để đền bù cho bà Thoa trên diện tích đất của nhà nước đã quy hoạch rừng phòng hộ là trái với Nghị định 69/ 2009/NĐ-CP của Chính phủ.

Điểm 3 điều 20, Nghị định 69/2009 ngày 13/8/2009:

Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất do nhận giao khoán đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản (không bao gồm đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ) của các nông, lâm trường quốc doanh khi Nhà nước thu hồi mà thuộc đối tượng là cán bộ, công nhân viên của nông, lâm trường quốc doanh đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp đang trực tiếp sản xuất nông, lâm nghiệp; hộ gia đình, cá nhân nhận khoán đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn sống chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp thì được hỗ trợ bằng tiền. Mức hỗ trợ cao nhất bằng giá đất bồi thường tính theo diện tích đất thực tế thu hồi, nhưng không vượt hạn mức giao đất nông nghiệp tại địa phương.

Xem thêm
Chương trình hành động của Chính phủ chống khai thác IUU

Mục đích của Chương trình hành động là xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).