| Hotline: 0983.970.780

Tranh chấp quyết liệt

Thứ Tư 22/08/2012 , 10:39 (GMT+7)

Năm 2010, UBND tỉnh Phú Thọ có Quyết định buộc nhiều công ty lâm nghiệp đóng trên địa bàn phải trả lại cho các địa phương phần đất lâm nghiệp không sử dụng đúng mục đích. Chủ trương đúng, nhưng việc thực hiện nảy sinh quá nhiều bất cập.

Năm 2010, UBND tỉnh Phú Thọ có Quyết định buộc nhiều công ty lâm nghiệp đóng trên địa bàn phải trả lại cho các địa phương phần đất lâm nghiệp không sử dụng đúng mục đích. Đây được coi là một bước đi tiên phong của tỉnh này trong việc giải quyết những bất cập về quản lý đất đai ở các nông lâm trường. Chủ trương đúng, nhưng việc thực hiện nảy sinh quá nhiều bất cập.

>> Giao dịch tiền tỷ bằng… giấy viết tay
>> Mua đất nông trường dễ như mua rau!

Cán bộ xã tố DN “chơi xấu”

Phú Thọ là địa phương có diện tích đất nông lâm trường khá lớn, ít nhất là hơn 40.000ha. Tuy nhiên thực tế sử dụng đất ở các nông lâm trường (nay là Cty lâm nghiệp) quá nhiều bất cập. Năm 2010, một đoàn kiểm tra liên ngành đã trực tiếp kiểm tra 3 huyện có diện tích đất nông, lâm trường lớn nhất tỉnh Phú Thọ là Yên Lập, Thanh Sơn và Tân Sơn.

Qua kiểm tra rà soát, đoàn kiểm tra kiến nghị thu hồi gần 19.000 ha đất, trong đó huyện Yên Lập 3.968,8 ha, Thanh Sơn 4.620,66 ha, Tân Sơn 8.501,39 ha. Ngay sau đó, UBND tỉnh Phú Thọ đã có quyết định thu hồi một diện tích lớn của các Cty lâm nghiệp giao lại cho chính quyền địa phương. Tuy nhiên, kể từ sau quyết định của UBND tỉnh, tình hình đất đai nông lâm trường vẫn diễn biến theo chiều hướng nóng.

Xã Kiệt Sơn thuộc huyện nghèo Tân Sơn có 806 hộ, hơn 3.000 nhân khẩu, nhưng đất lúa chỉ vào khoảng 153 ha. Cả Bí thư Đảng ủy xã Hà Thanh Minh và Chủ tịch UBND xã Nguyễn Tiến Dũng đều kêu thiếu đất để người dân canh tác. Mối lo ấy cứ tưởng sẽ được hóa giải vào năm 2011 khi xã Kiệt Sơn được UBND tỉnh Phú Thọ giao Cty Lâm nghiệp Tam Sơn phải trao trả 305 ha đất lâm nghiệp. Nhưng suốt gần hai năm trời, việc trao trả vẫn còn gây nhiều tranh cãi.


Diện tích đất lâm nghiệp ở nhiều nơi lấn cả xuống ruộng lúa của dân

Cho đến tận bây giờ, diện tích đất lâm nghiệp của xã là bao nhiêu thì những cán bộ đứng đầu địa phương này như ông Minh, ông Dũng cũng không được biết. “Mang tiếng là trả đất nhưng là trả đểu. Họ toàn chọn những điểm núi cao, sông suối, những điểm họ không làm được để trả cho địa phương. Lệnh cấp trên, không lấy đất thì không được, lấy cũng chẳng ăn thua. Lấy về thì phải giao cho dân, nhưng bây giờ xã chẳng dám giao vì đất không thể phát triển rừng được nữa”, ông Dũng kêu ca.

Theo Quyết định của UBND tỉnh Phú Thọ, Cty Lâm nghiệp Tam Sơn phải trả 305 ha đất lâm nghiệp cho xã Kiệt Sơn. Tuy nhiên theo ông Dũng, trong số này chỉ có từ 150-160 ha là đất có thể canh tác. Số diện tích còn lại rơi vào ao hồ, sông suối, ruộng lúa của người dân địa phương. Hiện tại trên giấy tờ, xã Kiệt Sơn có khoảng 1.600 ha đất lâm nghiệp, nhưng diện tích sử dụng chỉ chừng một nửa. Và chưa có một đơn vị nào đi khảo sát để đưa ra được con số chính xác nhất.

 Nhu cầu đất sản xuất của người dân bản địa ngày càng tăng nhưng đến nay, trong tổng số 806 hộ thì số hộ có bìa đỏ đất lâm nghiệp chỉ vào khoảng 1/3 mà thôi. Người dân Kiệt Sơn sống chủ yếu dựa vào đất rừng, nhưng tính bình quân mỗi hộ dân ở đây chỉ được khoảng 3-4 ngàn m2. Dễ hiểu vì sao số hộ nghèo của xã này còn chiếm tới hơn 50%.

Nhận được đất của Cty Lâm nghiệp Tam Sơn nhưng cũng chẳng giải quyết được nhu cầu sản xuất cho người dân, trong các cuộc họp, hội nghị, ông Dũng, ông Minh kêu ca rất mạnh mà vẫn chẳng có cơ quan nào đứng ra phân xử.

Cấp trùng sổ đỏ tràn lan

Chủ trương của UBND tỉnh Phú Thọ khi thực hiện việc trao trả diện tích đất đã giao cho các Cty lâm nghiệp trước đó lại cho các địa phương ngoài chuyện phát triển sản xuất, sử dụng đất đúng mục đích… thì còn có một mong muốn nữa. Đó là hi vọng sự kết hợp được nhu cầu của các DN trên địa bàn với lao động địa phương.

Nhưng thực trạng trả “đất xấu” cho địa phương của các Cty lâm nghiệp khiến mối quan hệ giữa các công ty này với người dân không được cải thiện. Những cuộc tranh giành, lấn chiếm vẫn xẩy ra kể cả thời điểm sau khi có quyết định trao trả của UBND tỉnh. Chính quyền thì đổ cho DN chơi đểu, DN lại quay sang tố chính quyền tham. Có lẽ chỉ người dân là thiệt thòi.

Cty Lâm nghiệp Tam Sơn (thuộc Tổng Cty Giấy Việt Nam), tiền thân là các Lâm trường Thạch Kiệt, Tam Sơn và Thu Cúc. Tổng diện tích đất lâm nghiệp của Cty này có thời điểm lên đến gần 11 ngàn ha. Sau khi có quyết định của UBND tỉnh Phú Thọ, Cty Tam Sơn đã từng bước trao trả đất cho 11 xã trên địa bàn các huyện Thanh Sơn và Tân Sơn. Theo thống kê của Cty Tam Sơn, trong tổng diện tích 10.903 ha đất lâm nghiệp được giao trước đây có khoảng 456,7 ha bị người dân địa phương lấn chiếm, 3.217,6 ha xẩy ra tranh chấp với 932 hộ dân.


Bí thư Đảng ủy xã Kiệt Sơn tố Cty Tam Sơn chơi xấu

Việc cấp trùng sổ đỏ một cách vô tội vạ cũng xẩy ra trên diện tích đất lâm nghiệp của Cty Lâm nghiệp Tam Thắng (xã Thục Luyện, huyện Thanh Sơn), Cty Lâm nghiệp Xuân Đài (Tân Sơn), Cty Lâm nghiệp A Mai... Tổng số diện tích đất lâm nghiệp cấp trùng bìa đỏ ở những đơn vị này lên đến hàng trăm ngàn ha. Việc cấp trùng này khiến đất nông lâm trường ngày xưa thành đất vô chủ, ai cũng nghĩ là của mình nên tranh giành nhau chưa biết đến khi nào mới kết thúc.

Đây là đơn vị có diện tích tranh chấp thuộc loại lớn nhất ở tỉnh Phú Thọ. Dù được giao 10.903ha đất nhưng thực tế sử dụng của Cty chỉ vào khoảng hơn 4.000ha. Lý do? Theo như ông Nguyễn Xuân Luyện, Giám đốc công ty là vì ngày xưa đo đạc kém nên có sự chênh lệch giữa bản đồ với thực địa. Lý do thứ hai là có sự chồng chéo giữa các cấp trong quá trình cấp bìa đỏ cho các hộ dân trồng rừng. Đất của lâm trường ngày xưa nhưng không đủ vốn đầu tư nên bỏ không. Người dân thấy đất trống nên cứ việc vào canh tác. Thực trạng một mảnh đất có 2-3 sổ đỏ khiến việc tranh chấp đất đai diễn ra như cơm bữa.

Những ông địa chính xã không biết bản đồ là cái gì cả nên chính quyền tỉnh, huyện mới dẫm chân nhau trong chuyện cấp bìa đỏ cho người dân. Ở xã Kiệt Sơn, trước đây có ông cán bộ địa chính tên Dục cứ cắp quyển sổ sau đít, không có gì nhắm là đến nhà này nhà kia ký đơn xin cấp bìa, giải quyết kiếm tiền uống rượu. Tỉnh, huyện thì ở xa, không kiểm soát hết được. Hầu hết những bìa đỏ kiểu đấy đều nằm trên diện tích đất lâm nghiệp mà Cty đang sử dụng. Năm 2000, chính quyền quyết định thu hồi bìa đất của 80 hộ được cấp trên đất Cty nhưng từ bấy đến giờ không có kết quả vì hễ nhắc đến chuyện thu hồi là những hộ này đòi “nói chuyện bằng dao mác”.

Cũng theo ông Luyện, nhu cầu đất của các địa phương là có thực, nhưng việc chính quyền đòi thêm đất chưa chắc đã vì quyền lợi người dân. “Ngay cả những diện tích này, nếu trả cho địa phương thì việc tranh chấp vẫn diễn ra. Năm ngoái người dân còn kéo đến đòi phá trụ sở Cty, chính quyền thì đòi giao cho họ cả diện tích mà Cty đang sản xuất. Thực tế, chính quyền xã nhận đất về nhưng cán bộ chia nhau chứ không chia cho dân”, ông Luyện nói.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Bộ NN-PTNT đứng đầu về chỉ số cải cách công vụ

Với số điểm đạt 94,4%, Bộ NN-PTNT đứng đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ về chỉ số cải cách chế độ công vụ trong bảng xếp hạng PAR Index 2023.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và tăng cường tình đoàn kết.