| Hotline: 0983.970.780

Gà lông nhung ung dung dạo phố

Thứ Sáu 05/10/2012 , 10:21 (GMT+7)

Những con gà này đều không rõ nguồn gốc, xuất xứ và được cho là gà con đã bị nhuộm lông.

Từ nhiều tuần nay, trên nhiều tuyến đường ở TP HCM và nhiều tỉnh Nam bộ, đã xuất hiện nhiều người bày bán những con gà con bằng nắm tay em bé, có màu sắc sặc sỡ, được gọi là gà lông nhung. Những con gà này đều không rõ nguồn gốc, xuất xứ và được cho là gà con đã bị nhuộm lông.

Mới sáng sớm mà điểm bán gà lông nhung của chị Lê Thị Năm ở trên đường Nguyễn Văn Linh (đoạn ngang qua xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP HCM), đã có khá nhiều người dừng lại xem gà. Gà ở đây là những con gà con chừng vài ngày tuổi, mang những màu lông sặc sỡ: Đỏ, hồng, tím, xanh …, được để trong một cái khay hình vuông có thành cao chừng 10 phân, đủ để ngăn không cho gà lọt ra ngoài.

Trước những ánh mắt tò mò của khách, chị Năm luôn miệng giải thích: “Gà lông nhung đấy! Gà con từ trong trứng chui ra đã có mầu như vậy rồi. Giống này là gà nhập ngoại, từ Ấn Độ đưa sang. Bên đó người ta nuôi làm cảnh nhiều lắm. Gà nuôi đến lớn, đến già cũng vẫn giữ màu sắc như gà con. Mua đi, có 20 ngàn 1 con thôi à”.

Thấy gà con có lông màu đỏ, màu xanh … trông khá ngộ nghĩnh, nhiều người lấy tiền ra mua liền một vài con. Đợi khách đã vãn, tôi hỏi chị Năm “Gà này là gà con được nhuộm lông phải không?”. Chị Năm chối liền “Làm gì có, nó nở ra là lông đã có màu như vậy rồi”. Nói rồi, chị ta bắt một con gà màu lông đỏ, dứt nhẹ một sợt lông vê vê trên đầu ngón tay, rồi đưa sợi lông ra trước mắt tôi “Cậu coi nè, tui vê mạnh tay mà sợi lông này không bị bợt màu. Ngón tay tui cũng không dính màu nhé”.

Lời chị Năm nói không sai. Nhưng nhìn kỹ đàn gà trong khay, tôi thấy có vài con đã bắt đầu mọc lông cánh. Chỗ lông tơ ở đầu lông cánh vẫn có màu đỏ, nhưng phần lông cánh mới mọc lên lại mang màu trắng. Tôi bắt một con gà như vậy, khẽ tẽ mấy cái lông cánh ra, hỏi chị Năm “Sao lông cánh mọc lên lại có màu trắng mà không phải màu đỏ như lông tơ?”. Chị ta lườm tôi một cái rồi khẽ gắt “Không muốn mua thì đi đi để tui bán hàng. Cứ ngồi đó hỏi hoài”.


Một con là lông nhung có lông tơ màu đỏ nhưng lông cánh mới mọc lại là màu trắng

Đi dọc theo đường Nguyễn Văn Linh, ngoài điểm của chị Năm, tôi đếm sơ sơ thấy còn tới gần chục điểm bán gà lông nhung như vậy nữa. Tôi ghé vào một điểm nằm gần ngã tư Nguyễn Văn Linh – Quốc lộ 1A. Người bán hàng tên là Long. Long cũng giới thiệu giống gà này khi nở ra đã có màu như vậy, nhưng đây là giống của … Thái Lan.

Long khoe anh mới lấy gà “lông nhung” mang ra bán ở đây được hơn 1 tuần nay, nhưng bán khá chạy. Mỗi ngày, Long bán được trên 100 con, có ngày tới gần 200 con. Tôi hỏi lấy gà ở đâu để mang về đây bán, Long bảo lấy từ miền Tây. Hỏi địa chỉ cụ thể hơn thì Long chỉ cười, không nói gì.

Không chỉ ở các tuyến đường ngoại thành, theo ghi nhận của PV NNVN, gà lông nhung cũng đã thâm nhập và xuất hiện ở nhiều con đường trong nội thành TP HCM như Nguyễn Trãi (quận 5), Nguyễn Hữu Cảnh (quận 1 – Bình Thạnh), Lê Văn Thọ (quận Gò Vấp) … Trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, hiện có 1 điểm bán gà lông nhung của một phụ nữ người miền Tây Nam bộ. Chị này cho hay mỗi ngày bán được tới cả trăm con gà, với giá 15.000 đ/con. Về nguồn gốc gà lông nhung, chị bán hàng cũng chỉ nói chung chung là từ miền Tây đưa lên.


Điểm bán gà lông nhung trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (TP HCM)

Tại nhiều tỉnh Nam bộ, gà lông nhung cũng được bày bán tràn lan ở nhiều nơi. Nơi xuất hiện sớm nhất của loại gà này có lẽ là Cà Mau. Hồi tháng 6 năm nay, người ta đã bán gà lông nhung trên địa bàn tỉnh này (Báo NNVN đã có bài), với lời quảng cáo đây là giống gà mới, vừa có thể nuôi làm cảnh, vừa nuôi làm gà thịt, bởi gà trưởng thành có thể nặng tới 7 kg, thịt thơm ngon.

Theo Chi cục Thú y Bến Tre, trên địa bàn tỉnh này đã có nhiều người bán gà con màu lông đỏ hoàn toàn, được quảng cáo là gà lông nhung. Một cán bộ ở Chi cục Thú y Bến Tre nhận định rằng, đây có thể là gà con bị loại thải ở những trại chăn nuôi lớn và được những người bán rong mua về với giá bèo, đem nhuộm màu lông rồi gọi là gà lông nhung để bán cho những người hiếu kỳ.

Đối chiếu lời của TS Bắc với hình ảnh những cái lông cánh mang màu trắng trong khi lông tơ lại là đỏ, xanh … mà tôi đã nhìn thấy trên một số con gà lông nhung của bà Lê Thị Năm trên đường Nguyễn Văn Linh, thì đã có thể khẳng định ngay rằng gà lông nhung thực chất chỉ là gà nhuộm.

Vậy mà chỉ bằng một thủ thuật đơn giản, rồi cho đội cái tên khá lãng mạn là gà lông nhung, những con gà con không rõ nguồn gốc, không qua tiêm phòng, kiểm dịch, vẫn đang tung hoành trên nhiều con đường ở TP HCM và các tỉnh Nam bộ.

Cách đây vài ngày, Chi cục Thú y Đồng Nai đã thu giữ và tiêu hủy hàng trăm con gà lông nhung vì chúng đều là gà không có nguồn gốc, không được kiểm dịch, tiêm phòng. Và màu sắc sặc sỡ của lông gà, đều là do thuốc nhuộm.

Theo TS Nguyễn Văn Bắc, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ở Việt Nam hiện nay không có giống gà nào gọi là gà lông nhung. Mà có thể đây là gà con có nguồn gốc từ Trung Quốc, được người ta đem nhuộm màu lông.

TS Bắc phân tích: Về lý thuyết, gà có hiện tượng mang màu sắc lông theo liên kết giới tính. Chẳng hạn một con gà trống màu lông nâu giao phối với một con gà mái màu lông trắng. Trứng của con gà mái đó nở ra các con gà con có màu sắc sẽ ngược với giới tính gà bố mẹ. Tức là gà con màu lông nâu sẽ là gà mái, gà con màu lông trắng sẽ là gà trống. Nhưng việc tạo màu lông gà con qua hình thức giao phối như trên, chỉ có thể cho ra những con gà con có mầu lông sát với màu lông gà tự nhiên, chứ không thể cho ra những con gà màu lông sặc sỡ xanh, tím, hồng … mà người ta đang gọi là gà lông nhung.


Gà lông nhung với nhiều màu sắc sặc sỡ

Để rõ đây có phải là gà nhuộm hay không, có 2 cách kiểm tra. Một là mua gà con về nhúng vô nước để xem có phai màu hay không. Hai là nuôi thử một thời gian chờ cho gà mọc lông ống để xem phần lông ống có màu giống với màu đỏ, xanh … của lông tơ trên con gà đó hay không.

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm