Những mô hình thành công như cà phê chè Mường Ảng, chè Shan Tủa Chùa vẫn còn quá ít với người dân miền núi tỉnh Điện Biên. Trong khi những mô hình đầu tư vào nông nghiệp ở tỉnh này bị thất bại chẳng ít một chút nào. Mấu chốt của những khác biệt ấy nằm ở đâu?
>> Nghị quyết lạ trên vùng cao Tủa Chùa
>> Để người miền núi có tiền
Phải có bàn tay Nhà nước
Tỉnh nghèo Điện Biên có rất nhiều dự án đầu tư cho nông nghiệp, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Chỉ có điều những dự án thành công không nhiều như mong đợi. Đã có một thời, các dự án rùm beng, đình đám, có vốn đầu tư lớn như trồng mía, nuôi bò lai… thất bại thảm hại. Nhà nước thiệt hại cả chục tỷ đồng, còn người dân cũng khốn đốn, tiền mất tật mang, nghèo vẫn hoàn nghèo.
Là một người gắn bó và rất am hiểu nền nông nghiệp vùng cao, ông Phạm Đức Hiển, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Điện Biên lý giải: “Nhận thức người dân thấp là một rào cản nên các dự án cần nắm rõ mấu chốt đó, không phải cứ có tiền là sẽ thành công. Dự án cũng như miếng thịt, treo cao để người ta tự trèo lên lấy ăn chứ không thể đưa đến tận mồm được. Không hiểu được nguyên lý ấy, thất bại là cái chắc”.
Điển hình thất bại trong việc phối hợp với người dân thực hiện các mô hình phát triển kinh tê ở Điện Biên là Cty TNHH VINAGA Điện Biên. Hầu như các dự án phát triển nông nghiệp mà công ty này đầu tư đều có kết cục khả thi. Từ trồng ớt, trồng gấc lai cho đến gừng trâu… không thể giúp dân thoát được nghèo.
Năm 2009, dự án trồng gấc lai xuất khẩu do VINAGA làm chủ đầu tư phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện Điện Biên Đông triển khai trồng ồ ạt tại nhiều xã trên địa bàn huyện này với tham vọng đưa người dân thoát nghèo từ cây gấc. Công ty cung ứng giống, vật tư, một phần phân bón và kèm theo điều kiện sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm của bà con.
Trồng tre để làm ván sàn là dự án khả thi với người dân Điện Biên
Phòng NN-PTNT huyện Điện Biên Đông cũng mở các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hái và bảo quản gấc. Hàng ngàn hộ dân háo hức tham gia dự án, họ chuyển đổi nhiều diện tích cây trồng khác để đầu tư trồng gấc lai. Thậm chí như xã Mường Luân còn triển khai diện tích lên đến 100 ha, thu hút hơn 250 hộ dân tham gia trồng gấc lai xuất khẩu.
Sau một thời gian thực hiện, dự án tương đối thành công về mặt sản lượng, gấc lai phát triển khá tốt. VINAGA cũng thu mua cho bà con, nhưng chỉ được một năm đầu tiên mà thôi. Bắt đầu từ năm 2010, đến mùa thu hoạch, gấc chín đỏ đồng nhưng chẳng thấy bóng dáng mấy người thu mua của công ty đâu nữa. Các hộ dân trong dự án cố chịu đựng một thời gian vẫn chẳng tiến triển gì, họ bèn chặt gấc để trồng cây khác.
Bài học cây gấc lai xuất khẩu còn đang nhãn tiền thì VINAGA tiếp tục gây dựng lại niềm tin với người dân bằng việc đưa cây ớt về huyện Điện Biên làm dự án tiếp. Để vận động bà con góp đất trồng ớt, Cty VINAGA đã làm việc với chính quyền xã Noong Luống ký hợp đồng bảo lãnh theo hình thức: Cứ 1.000m2 đất, công ty trả 7 tạ thóc, nhưng quy đổi bằng tiền, tương đương 5 triệu đồng. Số tiền trên được lập sổ để tại ngân hàng và giao cho chính quyền xã giữ. Đến vụ thu hoạch, nông dân thu hái ớt, nhập cho công ty theo giá thỏa thuận.
Chính quyền địa phương có trách nhiệm rút tiền trong tài khoản trả cho bà con theo sản lượng ớt nhập mỗi lần. VINAGA mua ớt với giá 4 ngàn đồng/kg. Nhưng rồi dự án trồng ớt xuất khẩu lại thất bại. Nguyên nhân vẫn là do đầu ra. Ớt đỏ đồng nhưng không có ai mua cho cả.
Sau hai thất bại liên tiếp, VINAGA quay lại Điện Biên Đông với dự án trồng gừng trâu tại xã Na Son và một số xã khác trên địa bàn huyện. Nhưng rồi số phận cây gừng cũng như gấc và ớt, không những không giúp được nông dân thoát nghèo mà còn khiến họ nghèo thêm. Cũng là một mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với người dân, nhưng chỉ liên kết được có một nửa. Sản xuất, đến lúc thu hoạch lại chẳng bán được cho ai.
Phải biết phát huy lợi thế vùng đất
Trái ngược với VINAGA, một doanh nghiệp khác đang đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tương đối thành công ở tỉnh Điện Biên là Cty TNHH Hoàng Lâm Điện Biên. Lựa chọn lĩnh vực đầu tư “vừa quen vừa lạ” ở Điện Biên là cây tre và công ty này đã thành công.
Sở dĩ vừa quen vừa lạ là bởi vì vùng cao Điện Biên xưa nay khá nổi tiếng về tre, “Tre Đồng Nai, nứa Việt Bắc, tre ngút ngàn Điện Biên Phủ”. Hầu hết các huyện trong tỉnh đều có diện tích tre khá lớn. Chỉ có điều người dân trồng tre chỉ để làm nhà, kèo cột, lán trại... Cùng lắm thì chỉ bán được một vài cây cho cánh xây dựng làm cốt pha mà thôi.
Tre mọc tự nhiên từ trên đồi cao cho đến sát rạt tường nhà nhưng chưa ai nghĩ có thể thoát nghèo, làm giàu từ việc trồng cây tre cả. Nguyên nhân thì đã được bàn nhiều, chủ yếu là do giao thông đi lại khó khăn, không có đầu ra. Biết thế, nhưng để tìm hướng phát triển lại là câu chuyện dài.
Đầu năm ngoái, khi Cty TNHH Hoàng Lâm Điện Biên đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ván sàn tre tại xã Núa Ngam, huyện Điện Biên thì số phận cây tre thay đổi. Tre trở thành cây kinh tế mũi nhọn ở nhiều địa phương và người dân ớ ra là cây tre hóa ra cũng có giá trị cao đấy chứ. Chỉ sau hai tháng khởi công, nhà máy sản xuất ván sàn tre tuyển dụng 60 lao động địa phương, thu mua 200 tấn tre nguyên liệu để sản xuất.
“Thực hiện một dự án đầu tư nông nghiệp không hề đơn giản. Phải có quy trình nghiên cứu, tìm hiểu, phải có những con người am hiểu kỹ thuật, am hiểu thị trường. Có tiền, có tham vọng là tốt, nhưng không có nghĩa cứ làm là thành công. Tóm lại là cần phải có bàn tay của Nhà nước”, ông Hiển phân tích. Chung quan điểm với ông Hiển, ông Trần Văn Phương, cán bộ Phòng Trồng trọt (Sở NN-PTNT Điện Biên) phân tích: "Các dự án thất bại là do họ không có cán bộ kỹ thuật có chuyên môn trực tiếp. Họ xin được nguồn vốn để đầu tư dự án, nhưng có tiền rồi thì lại thuê người này một tý, người kia một tý, không có sự gắn kết với người dân địa phương”. |
Thời gian còn dài, nhưng hầu hết những người am hiểu về nông nghiệp tỉnh Điện Biên đều xác định, cây tre là một hướng đi cực kỳ đúng đắn và hiệu quả. Chỉ cần có đầu ra thì không có lý do gì lại không thành công cả. Theo lộ trình, dự án có mức vốn đầu tư 250 tỷ đồng này sẽ có công suất 100.000m3/năm, sản xuất các sản phẩm từ tre sang thị trường Châu Âu và Châu Mỹ. Với công suất này, nhà máy đảm bảo thu mua toàn bộ tre nguyên liệu tại 9 huyện, thị và thành phố Điện Biên Phủ.
Đây được xem là dự án cực kỳ phù hợp với vùng cao Điện Biên. Theo thống kê, hiện toàn tỉnh này có tổng diện tích rừng tre, nứa, gỗ nguyên liệu lên đến 24.671ha. Nếu khai thác, thu hoạch sẽ cho sản lượng vào khoảng 555.000 tấn nguyên liệu. Ông Cấn Thanh Dương, Giám đốc Cty TNHH Hoàng Lâm Điện Biên tính toán: "Sản phẩm chủ lực của tre Điện Biên không phải là đồ mỹ nghệ mà là tấm lót đường, xuất khẩu đi nước ngoài nên thị trường rất rộng lớn, bền vững. Công suất của nhà máy lại cao nên chẳng phải lo đầu ra cho sản phẩm của người dân”.
Hiện cả Sở NN-PTNT Điện Biên và Cty Hoàng Lâm đang xúc tiến việc thử nghiệm các giống tre mới để mở rộng diện tích. Người ta tính rằng, trồng cây tre, vốn đầu tư ít, phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân miền núi. Giá tre thành phẩm lại ổn định, chu kỳ của cây tre lên tới 60 năm, chỉ trồng và chăm sóc rồi khai thác theo kiểu tỉa thưa, lợi ích kinh tế là cực lớn. Chỉ cần trồng 1 ha tre với mật độ từ 300-500 gốc sau 5 năm là có thể thu hoạch lần một, những năm tiếp theo có thể thu hoạch liên tục. Giá tre hiện nay là 1.200 đồng/kg. Sở hữu một ha tre không chỉ thoát nghèo mà còn có thể làm giàu.