Theo Tổng cục Hải quan, đến 15/3, xuất khẩu thủy sản đạt 1 tỷ USD (giảm 1,8%) so với cùng kỳ.
Nhờ sự tăng trưởng của mặt hàng cá ngừ (+20,6%) đã bù vào sự giảm đáng kể của hai mặt hàng chủ lực là tôm các loại (-2%), cá tra (-3,7%). Tuy vậy, với giá trị xuất khẩu tháng 3 ước chỉ đạt 454 triệu USD nên kim ngạch xuất khẩu thủy sản quý I/2013 chỉ đạt 1,21 tỷ USD (giảm 5,9%) so với cùng kỳ 2012.
Từ đầu năm đến nay, Hoa Kỳ vẫn giữ vị trí số 1 về thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam với mức 194 triệu USD (chiếm 19,3%) thị phần. Tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này có mức sụt giảm nhanh trong nửa đầu tháng 3 (giảm 13,3%) so với cùng kỳ.
Một số thị trường có mức tăng trưởng khá, như Trung Quốc (26,2%); ASEAN (16,4%); Brazil (52,5%). Song nhiều thị trường truyền thống có xu hướng giảm mạnh, như Nga (-50%); Hàn Quốc (-25,5%); Nhật Bản (-7,9%); EU (-5,4%).
Nguyên nhân giảm là do phía các đối tác đưa ra quy định hàm lượng Ethoxiquin trong sản phẩm tôm của ta với mức quá thấp (0,01 ppm) khiến xuất khẩu tôm vào Nhật Bản, Hàn Quốc bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là thị trường Nhật Bản.
Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới, Bộ NN-PTNT đưa ra giải pháp: Trước mắt, tập trung giải quyết vấn đề Ethoxiquin tại hai thị trường lớn của tôm là Nhật Bản và Hàn Quốc. Đấu tranh với các rào cản phi thương mại, trước mắt là đối với thị trường Mỹ (chống bán phá giá phile cá tra đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam).