Đó là “thông điệp” lãnh đạo UBND tỉnh và các Sở ngành tỉnh Bình Phước gửi đến các doanh nghiệp (DN) trong “Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh và DN tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN” đóng trên địa bàn tỉnh Bình Phước sáng 24/5.
KHÓ KHĂN CHỒNG CHẤT
Toàn tỉnh Bình Phước hiện có khoảng 3.700 DN (99% là DN nhỏ và vừa). Năm 2012, có 429 DN, hộ kinh doanh ngừng hoạt động, 138 DN, hộ kinh doanh tạm nghỉ, nhiều DN không có doanh thu. Quý I/2013, có thêm 11 DN giải thể, ngưng hoạt động, tăng 37,5% so với cùng kỳ năm trước. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, trong thời gian tới số DN ngừng hoạt động hoặc phá sản sẽ tiếp tục tăng, DN nằm trong tình trạng không thể hoạt động vẫn còn nhiều.
Thực tế này đã cho thấy tình hình kinh tế trong tỉnh gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu ngân sách của tỉnh trong năm 2013 và những năm tiếp theo nếu không tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các DN.
Tại Hội nghị, nhiều DN cho biết, họ gặp rất nhiều khó khăn. Suốt mấy năm vừa qua, họ đã phải tự bươn chải để có thể sống sót mà hầu như không nhận được sự hỗ trợ đáng kể nào, đặc biệt về tiền – nguồn máu để tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Mặc dù ngân hàng Nhà nước đã giao 5 ngân hàng thương mại thực hiện việc giãn nợ nhiều nhất 24 tháng và hạ lãi suất đối với khoản vốn đã vay, đồng thời tiếp tục cho vay mới với lãi suất thị trường thấp nhất (10%). Tuy nhiên thời gian qua các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ kéo dài, không còn tài sản để thế chấp, dẫn đến “bế tắc” trong việc tìm kiếm nguồn vốn vay. Từ năm 2012 đến nay, việc thu hút đầu tư gặp rất nhiều khó khăn. Tỉnh Bình Phước đã quan tâm tháo gỡ nhưng chưa thực sự đột phá. Thiếu vốn, thiếu sự ưu đãi rõ ràng khiến nhiều DN nhỏ loay hoay, nhiều dự án bị đình trệ.
Ông Phạm Văn Tòng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh
xin lỗi các DN
Một vấn đề khác cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của DN trong mắt đối tác, khách hàng đó là việc đưa thông tin về DN nợ thuế, nợ bảo hiểm trên sóng phát thanh địa phương. Bên cạnh đó, còn những bất cập trong cơ chế chính sách, nhiều thủ tục pháp lý cần được các cơ quan chức năng xem xét kỹ ngay từ khi DN xin chủ trương, giấy phép hoạt động. Không thể đợi đến khi DN đã đi vào hoạt động ổn định rồi cơ quan chức năng mới đi “làm rõ, kiểm tra tính pháp lý của dự án”.
Trong hội nghị, đại diện các DN kiến nghị cơ quan Bảo hiểm Xã hội và Cục Thuế cần sàng lọc các DN nợ đọng thuế và bảo hiểm trước khi thông báo trên sóng phát thanh, để tránh gây ảnh hưởng tới uy tín của DN.
1 THÁNG TIẾP 17 ĐOÀN THANH TRA
Điều bất cập, trong suốt 2 năm qua, không ít DN đã phải liên tục tiếp đoàn thanh tra liên quan đến các dự án về chuyển đổi rừng trồng cao su, dự án chăn nuôi của các cơ quan chức năng trong tỉnh. Một số doanh nghiệp bị thanh tra nhiều lần, cùng một nội dung do các cơ quan thanh tra khác nhau thực hiện, kéo dài. “Như Công ty TNHH thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Tổng hợp Hùng Nhơn chẳng hạn, chỉ trong 1 tháng mà phải tiếp đến 17 đoàn thanh tra của các ban, ngành từ huyện đến tỉnh và chỉ thanh tra… 1 nội dung. Quá trình thanh tra kéo dài từ tháng 6/2011 đến tháng 5/2013 vẫn chưa xong. Vậy thì còn thời gian, tâm trí đâu mà làm ăn, sản xuất? Hoặc, cùng 1 thời điểm, 1 giám đốc bị 2 đơn vị mời thanh tra. Hay, việc các công ty tư nhân, không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước mà vẫn bị kiểm tra tài chính…”, Tiến sĩ Hoàng Mạnh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bình Phước, nói tại hội nghị. Một số DN còn bị các cơ quan chức năng thanh tra về thành phần cổ đông của công ty, về nguồn vốn dự án… làm ảnh hưởng rất lớn môi trường đầu tư và gây tâm lý e ngại cho những ai muốn tham gia góp vốn, đầu tư trong các dự án tại tỉnh Bình Phước.
Ở góc độ nhà đầu tư, người làm dự án, các DN hết sức lo lắng, bất an. Doanh nghiệp khi kinh doanh luôn tuân theo các quy định pháp luật. Tuy nhiên những đợt thanh tra, mời làm việc của các đoàn kiểm tra làm ảnh hưởng đến uy tín, thời gian và hoạt động của DN. Tại Hội nghị, các DN đề nghị phải có quy định rõ ràng về việc điều phối công tác thanh tra để khắc phục tình trạng trên. Thậm chí, các DN còn bị xem xét xử lý về mặt hình sự do liên quan đến việc để mất rừng trong dự án khoanh nuôi bảo vệ rừng. Mà thực chất khi nhận dự án, các DN đã không được chủ rừng và cơ quan đại diện của Nhà nước nắm chắc các thủ tục trình tự pháp lý, bàn giao thực địa. Từ đó phát sinh nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, gây tâm lý hết sức hoang mang cho nhà đầu tư.
“Tại buổi tiếp xúc, ông Phạm Văn Tòng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh đã xin lỗi các DN, đồng thời yêu cầu các Sở, ngành phải tổng hợp ý kiến của các DN sau đó có văn bản trả lời cụ thể cho các DN trong thời gian sớm nhất”. |
Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội DN trẻ tỉnh Bình Phước, Giám đốc Cty Hùng Nhơn, một trong những DN lớn nhất ở Bình Phước trăn trở: “Mong muốn lớn nhất của DN khi đầu tư vào dự án là nhận được sự ủng hộ, ít nhất về tinh thần của chính quyền các cấp để có thể an tâm sản xuất. Nếu trong quá trình thực hiện dự án, có gì còn thiếu sót mong lãnh đạo tỉnh và các ban ngành tháo gỡ ngay và đánh giá đúng bản chất sự việc”.
Cuối buổi đối thoại, các DN có những kiến nghị lên lãnh đạo tỉnh và các Sở, ngành nhằm vượt qua khó khăn cần có các biện pháp về hỗ trợ theo những hình thức linh hoạt, trong đó rất cần đến vai trò “người bảo lãnh” là UBND tỉnh để thực hiện tốt các giải pháp như: gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm tiền thuê đất, giảm thuế, giảm chi phí sản xuất, tạo điều kiện cho DN hạ giá thành sản phẩm. Tiếp tục cơ cấu lại nợ để hỗ trợ DN tiếp cận được vốn vay phục vụ SXKD. Tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ưu đãi, tiếp cận với dự án trong thời gian ngắn nhất mà không phải qua quá nhiều thủ tục rườm rà. Chỉ đạo, điều phối hợp lý công tác thanh tra, kiểm tra, tránh chồng chéo, nhũng nhiễu để DN yên tâm làm ăn.