| Hotline: 0983.970.780

Ai đứng ra tạm trữ lúa, gạo?

Thứ Tư 29/05/2013 , 10:07 (GMT+7)

Có thể nói thị trường lúa gạo hiện nay đang gặp khó khăn ở hai mặt tiêu thụ lúa trong dân và vấn đề tạm trữ của Hiệp hội Lương thực VN (VFA). Đi tìm tiếng nói trong việc tạm trữ lúa gạo như thế nào?

Có thể nói thị trường lúa gạo hiện nay đang gặp khó khăn ở hai mặt tiêu thụ lúa trong dân và vấn đề tạm trữ của Hiệp hội Lương thực VN (VFA). Đi tìm tiếng nói trong việc tạm trữ lúa gạo như thế nào?

VFA hay tỉnh?

Theo TS Võ Hùng Dũng, GĐ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Cần Thơ nhận xét: VFA thực hiện tạm trữ lúa gạo ở vụ ĐX vừa qua, họ không có bất kỳ khuyến cáo nào đối với nông dân cũng như ngành nông nghiệp. Đến khi thị trường diễn biến xấu, tạm trữ thất bại, giá lúa gạo xuống thấp kỷ lục, VFA giao trách nhiệm việc tạm trữ lúa gạo về cho địa phương để thu mua tạm trữ. Nông dân không hưởng được gì từ hoạt động này mà chỉ có những đối tượng lợi dụng kẽ hở của chính sách. Vai trò của nông dân trong chính sách tạm trữ hết sức mờ nhạt mặc dù trên lý thuyết họ là đối tượng thụ hưởng chính.

Nông dân là người trực tiếp làm ra sản phẩm, mà không quyết định được giá bán, khi bán phải phụ thuộc vào nhiều cấp. Chính vì lẽ đó chúng ta nên nhìn thẳng vấn đề này thật nghiêm túc, xem lại những sai lầm về mặt chính sách, cùng phân tích, mổ xẻ đến cùng từng vấn đề, qua đó đi đến hành động, kể cả loại bỏ chương trình tạm trữ lúa gạo hiện nay. Quan điểm của tôi, là không nên giao cho DN tạm trữ lúa gạo nữa. Nhà nước nên dùng ngân sách để mua lúa gạo trong dân rồi bỏ vào hệ thống kho dự trữ quốc gia. Điều này giúp giữ áp lực cung không bị căng thẳng. Sau đó, chọn thời điểm thích hợp Nhà nước sẽ cho các DN đấu thầu mua lại lúa gạo để bán ra thị trường thế giới.


Nông dân là người trực tiếp làm ra sản phẩm mà không quyết định được giá bán

Ông Trần Quang Củi, PGĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang thì quả quyết nên giao cho địa phương để chủ động. Việc thu mua tạm trữ lúa gạo nên giao cho địa phương. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh căn cứ vào chỉ tiêu được Bộ Công thương và VFA giao cho tỉnh để quyết định phân bổ cho các DN đóng trên địa bàn có đủ năng lực tạm trữ như về nhà máy, kho bãi, bao gồm cả DN thành viên của VFA. Trong đó, ưu tiên DN có hợp đồng tiêu thụ lúa trong chương trình cánh đồng mẫu lớn. Chỉ tiêu tạm trữ phải đủ lớn, tối thiểu cũng phải tương ứng với 20-30% sản lượng lúa hàng hóa của từng tỉnh thì mới đủ sức kích thích và giữ giá ổn định, nhằm giúp nông có lãi từ 30% trở lên. Kiên Giang hiện có 7 DN kinh doanh xuất khẩu lúa gạo, năng lực kho chứa 280.000 tấn, trong đó kho dự trữ là 159.000 tấn nên hoàn toàn đủ khả năng thu mua tạm trữ theo chỉ tiêu được giao. Chủ tịch UBND tỉnh cũng là người quyết định về thời điểm thu mua tạm trữ tại địa phương mình sao cho thích hợp nhất, đúng vào thời điểm thu hoạch rộ của mùa vụ nhưng phải nằm trong khung thời gian 60 ngày mà Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT đã ấn định. Bộ Công thương, VFA và các DN kinh doanh xuất khẩu lúa gạo sẽ xúc tiến tìm kiếm thị trường để lo đầu ra.

Cả hai

Giao cho địa phương chỉ tiêu tạm trữ có khả thi? Ông Lê Minh Đức, GĐ Sở NN-PTNT Long An, nói: Việc VFA giao tạm trữ lúa gạo cho địa phương đối với Long An là rất khó, đặc biệt ở vụ lúa HT hiện nay. Có 3 nguyên nhân khó khăn. Thứ nhất, là tỉnh không đủ kho tự chủ trong việc thu mua tạm trữ lúa gạo, đa phần kho bãi của DN chủ động. Thứ hai, tỉnh không thể chủ động đầu ra cho dân, khi xảy ra về sự cố giá cả tụt giảm thì phần bù lỗ cho dân tỉnh không kham nổi. Thứ ba, dù sao đi nữa VFA cũng là đơn vị chuyên thực hiện xúc tiến thương mại lúa gạo, định giá thu mua, tìm đối tác xuất khẩu… Chính vì vậy, địa phương nào có đủ DN mạnh nên tham gia tạm trữ. Còn đối với chúng tôi chỉ muốn giao chỉ tiêu những lần tạm trữ lúa gạo từ 30%/vụ trở lên trên tổng sản lượng của tỉnh. Ở mấy lần giao tạm trữ các vụ trước chưa tới 10% sản lượng trong tỉnh gây thiệt hại về phía nông dân.

Chúng tôi đề xuất, để đảm bảo công bằng giúp dân hưởng lợi trong những lần tạm trữ lúa gạo, cần phải hỗ trợ DN đẩy mạnh ký hợp đồng thu mua lúa của dân nằm trong cánh đồng mẫu lớn (CĐML), tiền hỗ trợ đến tay người dân, cho dù lúa tới mùa sớm hay muộn bán không bị mất giá. Nếu thực hiện tốt chính sách như vậy thì dân có lời. Nếu làm theo kiểu tạm trữ của VFA thì dân không được hưởng lợi. Về lâu dài chúng tôi đề xuất VFA nên kết hợp với các địa phương cùng với DN đóng trên địa bàn đẩy mạnh việc ký kết hợp đồng SX lúa trong CĐML là điều nên làm. Điển hình vụ lúa HT này Long An SX tổng số 220.000 ha, trong đó có trên 20.000 ha SX lúa chất lượng cao trong CĐML cần có DN bao tiêu đầu ra.

Theo ông Đoàn Ngọc Phả, PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh An Giang thì cần phối hợp giữa địa phương và VFA. Ông Phả nói: An Giang SX lúa mỗi năm với sản lượng 3,9 triệu tấn, có năng lực kho dự trữ 300.000 tấn.  Khi giao việc mua tạm trữ cho từng tỉnh sẽ có nhiều thuận lợi cho địa phương và việc thực hiện có hiệu quả hơn. Bởi DN đóng trên địa bàn nằm sát ngay vùng nguyên liệu nên mua dễ dàng, chi phí vận chuyển thấp, giá mua lúa sẽ khả quan hơn.

Mặt khác, ở ĐBSCL lịch thời vụ và thời điểm thu hoạch ở các vùng khác nhau, như Tiền Giang, Đồng Tháp. Trước kia VFA đưa ra thời điểm mua tạm trữ đôi lúc chưa phù hợp, có lúc ở An Giang, Kiên Giang là hai tỉnh có sản lượng lúa lớn nhất vùng chưa vào đợt thu hoạch, sau khi kết thúc mua tạm trữ mới vào thu hoạch rộ. Chính vì lẽ đó dân chẳng được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Vì vậy, để hạn chế rủi ro cho DN, Chính phủ cần tạo ra cơ chế phối hợp giữa UBND các địa phương và VFA để vừa đảm bảo người dân bán lúa có lãi đồng thời DN tự chủ kinh doanh có lời.

Ông Lê Văn Đời, PGĐ Sở NN-PTNT Hậu Giang: Địa phương gặp khó về vốn, kho bãi

Hiện nay việc để địa phương hay VFA thu mua tạm trữ lúa gạo vẫn phải chờ cấp trên. Tuy nhiên nếu giao cho cho địa phương thì có những cái lợi như chủ động về thời gian, triển khai đúng thời điểm nên sẽ có tác động mạnh đến giá cả thị trường. Tuy nhiên, khi phân bổ cho các hợp tác xã, nông hộ thì những đơn vị này sẽ gặp khó khăn khi tiếp cận vốn vay ngân hàng, cũng như điều kiện về kho bãi tạm trữ không đảm bảo. Hơn nữa, cũng không gắn kết được giữa việc thu mua tạm trữ với tìm kiếm thị trường xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Tranh, PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau: Cần có sự canh tranh nâng giá lúa

Trên địa bàn Cà Mau những năm qua duy nhất chỉ có Cty CP XNK Nông sản Thực phẩm Cà Mau được giao chỉ tiêu thu mua tạm trữ lúa gạo. Năm 2012, VFA giao chỉ tiêu cho Cty này thu mua tạm trữ 8.000 tấn gạo, tuy nhiên đến khi kết thúc đợt thu mua Cty chỉ thu mua được 2.600 tấn gạo tại địa phương, số còn lại phải mua từ các tỉnh ngoài. Nguyên nhân không đạt so với kế hoạch là do nông dân không bán lúa cho Cty do giá thu mua thấp. Đây là DN thuộc thành viên VFA nhưng lại là DN duy nhất thực hiện việc thu mua lúa tạm trữ tại địa phương nên không có sự cạnh tranh, mua hay không mua là do DN quyết định, địa phương không thể tham gia. 

Ông Nguyễn Văn Ngưng, PGĐ Sở Công thương Sóc Trăng: VFA cần phối hợp chính quyền địa phương

Việc thu mua lúa gạo tạm trữ cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa VFA, DN được phân bổ chỉ tiêu và chính quyền địa phương để nông dân có thể hưởng lợi cao nhất từ hạt lúa mà mình một nắng hai sương làm ra. Thực tế các đợt thu mua tạm trữ trước đây giá lúa có tăng hơn so với trước đó khoảng 200 – 350 đồng/kg nhưng nông dân vẫn không được hưởng trọn vì phải bán lúa thông qua hệ thống thương lái. Về sản lượng thu mua tạm trữ trong vụ HT tới, tỉnh Sóc Trăng cũng như các địa phương khác, đề nghị các ngành chức năng xem xét thu mua tạm trữ là 1,5 triệu tấn cho toàn khu vực ĐBSCL vì sản lượng toàn vùng khá nhiều.

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm