| Hotline: 0983.970.780

Giấc mơ 10.000 ha dược liệu

Thứ Tư 26/06/2013 , 10:07 (GMT+7)

Chính phủ vừa có văn bản chấp thuận cho tỉnh Hà Giang lập Dự án trồng cây dược liệu gắn với công cuộc xóa đói, giảm nghèo tại 6 huyện trong chương trình 30a của tỉnh.

Chính phủ vừa có văn bản chấp thuận cho tỉnh Hà Giang lập Dự án trồng cây dược liệu gắn với công cuộc xóa đói, giảm nghèo tại 6 huyện trong chương trình 30a của tỉnh.

Vậy là sau nhiều thập kỷ mày mò, cuối cùng thế hệ lãnh đạo trẻ của Hà Giang đã tìm được loại cây trồng phù hợp nhằm tạo bước đột phá thu nhập cho đồng bào nơi địa đầu Tổ quốc.

BIẾN BẤT LỢI THÀNH LỢI THẾ

Là phóng viên gắn bó với Hà Giang, mỗi chuyến công tác lên miền biên cương của Tổ quốc tôi lại có những cảm xúc vui buồn khác nhau. Với tôi, Hà Giang là một tỉnh nghèo nhất nhì cả nước, không nghèo sao được khi toàn tỉnh có 11 huyện, thành phố thì có tới 6 huyện thuộc chương trình 30a của Chính phủ trong đó 4 huyện vùng cao chỉ toàn núi đá tai mèo, trước ống kính, đấy là hình ảnh đồng bào dân tộc Mông, Lô Lô, Dao, Tày… lầm lũi canh tác trên những mảnh ruộng bé như bàn tay len lỏi giữa những hốc đá xám xịt.

Trước đây, xét về “thiên thời địa lợi” để làm nông nghiệp hay phát triển kinh tế, Hà Giang gần như chẳng có thế mạnh gì. Tôi nhớ, có một vị lãnh đạo của Hà Giang từng nói rằng, Hà Giang giao thông cách trở nên ngay cả việc dễ làm nhất là đào quặng từ dưới đất lên đem bán thô nhiều khi còn lỗ vì chi phí vận tải lớn quá. Chính vì vậy, nông sản, thực phẩm bà con nông dân làm ra tại Hà Giang có khi rẻ như cho, nhưng khi vận chuyển được về tới Thủ đô giá đội lên gấp 3 gấp 5 lần, mất sạch lợi thế cạnh tranh.


Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm cây dược liệu tại Hà Giang

Là người tâm huyết với nền nông nghiệp của tỉnh nhà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Minh Tiến tâm sự: Không phải bây giờ, mà cách đây hàng chục năm, các thế hệ lãnh đạo của Hà Giang đã tìm tòi và thử nghiệm rất nhiều giống cây trồng mới như cà phê chè, tam thất… song đều thất bại vì không hiệu quả kinh tế.

Mới đây nhất là cây cải dầu, dù phát triển khá tốt nhưng lại ảnh hưởng đến cây ngô, cây lúa do liên quan thời vụ, áp lực tới an ninh lương thực của địa phương, cuối cùng không mở rộng được diện tích. Tuy nhiên, khi đưa cây dược liệu vào, những bất lợi về địa lí, địa hình đã phần nào được san lấp, thậm chí nhiều yếu tố về thời tiết còn tạo thế “độc quyền” cho Hà Giang.

Được tỉnh giao xây dựng Đề án phát triển cây dược liệu, Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Giang, ông Nguyễn Đức Vinh cho biết, Sở NN-PTNT đang phối hợp cùng đơn vị tư vấn lập quy hoạch tổng thể 10.000 ha cây dược liệu cho 6 huyện 30a của Hà Giang là Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Ðồng Văn, Hoàng Su Phì, Xín Mần.

 Trước tiên, trong năm 2013 tiến hành trồng tại mỗi huyện 10-20 ha để làm giống nhân rộng mô hình. Theo ông Vinh, Hà Giang có những lợi thế lớn là độ cao lí tưởng, khí hậu, nhiệt độ phù hợp cho phần lớn các loại cây dược liệu phát triển.


Cây dược liệu hứa hẹn mở ra một chương mới trong phát triển nông nghiệp cho Hà Giang

Nhưng theo chia sẻ của ông Vinh, lí do chính để lãnh đạo tỉnh Hà Giang quyết định chọn dược liệu là một trong những cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo là đầu ra của loại cây trồng này thuận lợi, chi phí vận chuyển hoàn toàn chấp nhận được do dược liệu khi đã tinh chế rất gọn nhẹ.

Mặt khác, ngoài dược liệu, các huyện vùng cao của Hà Giang khó trồng được loại cây trồng nào khác mang lại hiệu qua kinh tế lớn hơn. Và trong tương lai, tỉnh Hà Giang mong muốn cây dược liệu sẽ kết hợp chặt chẽ với Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, hình thành nên các dịch vụ phụ trợ như ẩm thực dược liệu, du lịch dược liệu, chữa bệnh dược liệu… thúc đẩy du lịch phát triển.

NHỮNG TÍN HIỆU XANH

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tỉnh Hà Giang đã kết hợp với Cty CP Thương mại Nông lâm nghiệp Bình Minh 3 (Cty CP Thương mại Công nghệ Bình Minh) quy hoạch trồng được 85 ha cây dược liệu tại xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ. Ngoài ra, còn một số đơn vị khác như Halico, Tuệ Linh (Hà Nội) cũng đang triển khai đầu tư cây dược liệu tại tỉnh vùng cao này.

Theo gợi ý của Phó Chủ tịch tỉnh Hà Giang Nguyễn Minh Tiến, sau hơn 1 tiếng đồng hồ ngồi trên xe máy vượt qua những con dốc ngoằn ngoèo giữa Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, khi bắt đầu thấy da mình se se lạnh cũng là lúc chúng tôi đến được trụ sở của Cty Bình Minh 3. Thật bất ngờ khi biết Giám đốc Cty Bình Minh 3 Hoàng Trung Anh năm nay mới tròn 30 tuổi.

Dẫn chúng tôi đi thăm khu trồng dược liệu, Trung Anh chia sẻ, tuy là tỉnh nghèo song hiếm có địa phương nào tạo điều kiện cho DN vào đầu tư cho nông nghiệp như Hà Giang. Bên cạnh việc tạo cơ chế thông thoáng về đất đai, thủ tục, lãnh đạo Hà Giang còn “tâm lí” khi biên chế luôn bà xã của Trung Anh làm giáo viên dạy học tại xã Quyết Tiến để anh yên tâm ở lại vùng cao công tác.


Cây dược liệu thảo quả trên đất Hà Giang

Trong số 85 ha cây dược liệu Cty Bình Minh 3 đã trồng tại xã Quyết Tiến, có 28 loại dược liệu nằm trong danh mục 40 loại dược liệu được Bộ Y tế khuyến cáo trồng và 6 loại dược liệu quý bản địa. Trong 8 tháng trồng thử nghiệm (tháng 8/2012 bắt đầu triển khai), đến thời điểm này nhìn chung 34 loại dược liệu mà Cty Bình Minh 3 trồng là bạch chỉ, đương quy, đỗ trọng, hà thủ ô, atiso… phát triển tốt.

Nhưng không vì thế mà Cty Bình Minh 3 chủ quan bởi cây dược liệu cho thu hoạch sớm nhất phải mất 2 năm, vì vậy Cty hiện vẫn cử hàng chục cán bộ “nằm vùng” ăn ở cùng bà con nông dân theo dõi sát sao các vườn dược liệu.

Về cơ chế hợp tác, anh Nguyễn Trung Anh chia sẻ, Cty Bình Minh 3 là đối tác bỏ ra mọi chi phí, trong đó thuê đất của người dân là 25 triệu đồng/ha/năm (trả tiền trước theo năm). Mỗi gia đình cho Cty Bình Minh 3 thuê đất được 1-2 lao động vào làm công nhân tại Cty.

Hiện tại, có 58 con em địa phương được Cty Bình Minh 3 nhận vào làm công nhân với mức lương 3 triệu đồng/tháng, được đóng bảo hiểm xã hội và hưởng đầy đủ các chính sách khác theo Luật Lao động. Ngoài ra, Cty Bình Minh 3 còn tạo việc làm thường xuyên cho 80 lao động thời vụ tại huyện Quản Bạ.

Là công nhân của Cty Bình Minh 3, chị Dương Thị Hanh (dân tộc Tày) ở xã Quyết Tiến tâm sự: “Ngoài việc làm ruộng, gia đình tôi có nương trồng ngô mỗi năm thu nhập được khoảng 10 triệu đồng, cuộc sống khó khăn lắm, bữa no bữa đói.

Nhưng từ năm 2012, dự án trồng cây dược liệu triển khai, nghe theo mấy anh cán bộ xã vận động, gia đình cho Cty Bình Minh 3 thuê đất, mỗi năm Cty trả 25 triệu đồng cộng thu nhập hàng tháng làm cho Cty được 3 triệu nữa nên cuộc sống gia đình tôi bắt đầu dư dả”.

+ “Theo kế hoạch, dự kiến trong quý 4/2013 chúng tôi sẽ xây dựng một nhà máy sơ chế, chế biến dược liệu tại huyện Quản Bạ và tương lai mỗi huyện sẽ có 1 nhà máy. Hiện tại, Cty Bình Minh 3 đã đầu tư khoảng 100 tỷ đồng để triển khai trồng 500 ha dược liệu trong năm 2013.

Riêng dự án 10.000 ha dược liệu tại 6 huyện 30a của Chính phủ, chúng tôi dự kiến sẽ đầu tư tới 3.500 tỉ đồng. Qua đó, tạo việc làm cho khoảng 50.000 lao động hàng năm, góp phần tăng mức thu nhập bình quân của tỉnh khi 1 ha dược liệu dự kiến thu nhập từ 300-400 triệu đồng”. Giám đốc Cty Bình Minh 3 Hoàng Trung Anh.

+ Theo Viện Dược liệu (Bộ Y tế), hàng năm Việt Nam phải nhập khẩu tới 90% dược liệu để SX dược. Tuy nhiên, trong 90% dược liệu nhập khẩu đó hiệu lực dược liệu chỉ còn 10-20% bởi đã bị chiết xuất. Chính vì vậy, các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Y tế rất quan tâm và ủng hộ các DN đầu tư trồng cây dược liệu trong nước nhằm cung cấp sản phẩm tốt nhất cũng như tạo công ăn việc làm cho người dân.

Xem thêm
Hơn 15 tỷ USD sản phẩm nông nghiệp đã được xuất khẩu

Lũy kế tới 15/4, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nghiệp của Việt Nam đã đạt hơn 15 tỷ USD. Trong đó, có 6 mặt hàng đạt giá trị tỷ USD.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Lợi nhuận quý I/2024 của DAP Vinachem tăng đột biến

Chi phí đầu vào một số nguyên liệu chính giảm, xuất khẩu thuận lợi giúp DAP Vinachem báo lãi đột biến quý I/2024.