Hôm qua (7/7), Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh Việt Nam đã có cuộc gặp gỡ báo chí nhằm cung cấp thêm một số thông tin có liên quan đến chất lượng cá tầm Trung Quốc không rõ nguồn gốc nhập vào VN với giá rất rẻ rồi được đội lốt dưới thương hiệu cá tầm nuôi tại VN.
Đây cũng là động thái sau khi Hiệp hội có đơn kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ để có giải pháp tháo gỡ những bất cập có liên quan đến cá tầm VN.
Ông Trần Văn Hào, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh cho biết, Hiệp hội bảo tồn cá tầm thế giới vừa có thông báo, từ năm 2010- 2012 có khoảng 35.000 tấn cá tầm thịt Trung Quốc/năm đã nhập vào VN, bán với giá trung bình 3-4 euro/kg (xấp xỉ 100.000 đồng/kg).
Đại diện Hội nghề cá đang nói thêm về chất lượng cá tầm VN ngày 7/7
Phần lớn cá nuôi TQ là loại cá tầm Trung Hoa, Siberi và các loại cá lai khác, có thời gian chỉ từ 3-6 tháng là được “xuất chuồng”. Song, quan trọng hơn cả là chất lượng của cá tầm nhập lậu không thể ngon bằng cá trong nước và nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng hoàn toàn có thể xảy ra do dùng các biện pháp tăng trọng.
Trong khi cá tầm VN hầu hết được nhập từ Nga hoặc châu Âu với 3 giống chính là Siberi, Sterbel (cá tầm lai) và Osetra. Từ tháng 4/2012, Tập đoàn cá tầm VN chính thức công bố nhân thành công giống cá tầm Osetra từ đàn cá bố mẹ nuôi ở VN và đang được nuôi và phát triển với quy mô lớn tại miền Trung và Tây Nguyên. Riêng tại vùng Tây Bắc đang có tiềm năng rất lớn sau khi Chính phủ đưa vào phát điện hai hồ thủy điện Sơn La và Lai Châu.
Về kỹ thuật nuôi, cá tầm VN được nuôi trong lồng và ao nước chảy, thời gian nuôi ít nhất 12- 18 tháng trước khi xuất bán. Các doanh nghiệp VN đều dùng các loại thức ăn nhập khẩu hoặc sản xuất trong nước với lượng đạm dễ tiêu, chủ yếu được làm từ bột cá nhập khẩu chất lượng cao.
Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh cũng khẳng định, tất cả cá tầm sản xuất trong nước không có bất kỳ đơn hàng nào được vận chuyển vào TPHCM bằng đường hàng không. "Do đó, số lượng cá tầm đang nhập vào TPHCM không phải được sản xuất trong nước mà có nguồn nhập lậu từ Trung Quốc", ông Hào nhấn mạnh.
Ông Anh Đức, Tổng giám đốc Công ty Cá tầm VN, hội viên Hội nghề cá VN bổ sung, tiềm năng phát triển cá tầm tại VN đang rất lớn bởi có những ưu điểm mà TQ và nhiều nước khác không có như nền nhiệt độ trung bình cao hơn, cho cá rút ngắn thời gian thành thục ra trứng; môi trường các hồ thủy điện rất sạch, tốt, phù hợp với cá tầm; VN có đường bờ biển dài với nhiều loại cá nhỏ được đánh bắt như cá cơm, cá nục để bổ sung dinh dưỡng cá, cho cá sức khỏe tốt cũng như sản phẩm đầu ra với chất lượng cao.
Riêng về chuyện giá bán, theo ông Mưu, ngoài các vấn đề khách quan như chưa sản xuất được con giống, thức ăn phải nhập khẩu thì cá tầm VN phải nuôi dài hơn 18 tháng (trong khi TQ chỉ tối đa 6 tháng) nên giá thành đội lên khá nhiều. Nhưng cá tầm TQ, với thời gian nuôi ngắn như vậy chắc chắn ảnh hưởng đến chất lượng. |
Ngoài ra, theo ông Đức, cá tầm trong nước cạnh tranh không lại với cá tầm Trung Quốc không phải vì giá cá nội địa quá cao mà chính là do sự bất cập của các cơ quan quản lý.
“Cá tầm Trung Quốc nhập lậu không phải chịu thuế, sang đến VN lại được một số đơn vị lập lờ nguồn gốc ghi là cá tầm VN để đánh lừa người tiêu dùng thì làm sao cá tầm trong nước có thể cạnh tranh được. Chúng tôi không phản đối cá tầm Trung Quốc nhưng chúng tôi chỉ yêu cầu phải ghi rõ nguồn gốc nếu đó là cá tầm nhập khẩu để người tiêu dùng chọn lựa” - ông Đức nói.
Trước câu hỏi làm thế nào để phân biệt cá tầm TQ với cá tầm VN? Nguyên nhân nào khiến cho cá tầm VN không cạnh tranh được về giá sản phẩm? Ông Trần Cao Mưu, Tổng thư ký Hội nghề cá VN cho hay, nếu cùng là cá tầm lao thì không thể phân biệt.
Nhưng với loại cá tầm Osetra (Nga) sẽ có màu vàng óng ở dưới bụng, mũi dài nhưng hình tròn tù, không nhọn. Mình cá có nhiều vây dạng gai, trải dài cả xương sống và 2 bên hông cá. Trong khi cá tầm TQ có mình dài, thon, gai lưng không nhọn và nổi bật như cá tầm Osetra. Mũi cá tầm TQ dài, nhọn với phần bụng màu đen, xám nhạt hoặc trắng.