| Hotline: 0983.970.780

Thu nhập - ưu tiên số một

Thứ Hai 05/08/2013 , 10:30 (GMT+7)

Rất quan tâm đến những vấn đề NNVN đăng tải trong loạt bài “Chui rào đất lúa”, Tiến sĩ Lê Hưng Quốc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Nông nghiệp đã có những chia sẻ hết sức tâm huyết và bổ ích.

Rất quan tâm đến những vấn đề NNVN đăng tải trong loạt bài “Chui rào đất lúa”, Tiến sĩ Lê Hưng Quốc (ảnh), Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Nông nghiệp đã có những chia sẻ hết sức tâm huyết và bổ ích. Ông thẳng thắn: “Không nhất thiết giữ 3,8 triệu ha đất lúa, vấn đề quan trọng là đời sống nông dân”.

Không cứng nhắc “chốt” đất lúa

Thưa ông, việc chuyển đổi đất lúa sang các mô hình sản xuất khác ở các địa phương hiện nay vướng nhiều rào cản của những Nghị quyết, Nghị định của Trung ương. Ông đánh giá như thế nào về thực trạng này?

Năm 2012, Quốc hội có nghị quyết giữ 3,8 triệu ha đất lúa, sau đó Chính phủ có Nghị định 42 ngày 11/5/2012 để giữ đất lúa trước thực trạng sử dụng đất lúa lãng phí ở các sân golf, khu công nghiệp, khu chế xuất… Gần đây, báo chí cũng phản ánh việc hiệu quả đất sản xuất lúa thấp, nông dân bỏ ruộng.

Tôi nghĩ rằng, đây là vấn đề rất lớn, không nên vì giá lúa lên xuống một hai vụ mà điều hành vĩ mô theo kiểu “giật cục”. Vấn đề lúa gạo là vấn đề quan trọng hàng đầu trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng bởi nó liên quan đến 60% dân số sống ở nông thôn và gần một nửa GDP nông nghiệp. Tôi xin đóng góp một vài ý kiến cá nhân:

Thứ nhất, chúng ta phải xuất phát từ căn cứ thị trường. Theo xu thế chung của thế giới, nhu cầu an ninh lương thực của con người về gạo giảm dần. Bữa ăn gồm có rau, quả, thịt, trứng, sữa, gạo... Các nước đang phát triển ăn trung bình 100 kg gạo/người/năm. Các nước phát triển ăn 50 kg tinh bột/người/năm. Nếu bình quân một năm tăng một triệu người thì đến năm 2020 nước ta có khoảng 100 triệu người, vào năm 2050 đạt 120 triệu người tức chỉ hết khoảng 10 triệu tấn gạo - 20 triệu tấn lúa năm 2020; 12 triệu tấn gạo - 25 triệu tấn lúa năm 2050.

Về xuất khẩu, từ nhiều năm nay chúng ta xuất khẩu ổn định từ 7 - 8 triệu tấn gạo, tức 15 triệu tấn lúa. Tổng cộng cả ăn, cả xuất khẩu nước ta hết khoảng 40 triệu tấn lúa. Hiện nay chúng ta đã làm ra 43 triệu tấn rồi. Nếu lấy tổng sản lượng 43 triệu tấn chia cho 7 triệu ha gieo trồng chúng ta đạt hơn 6 tấn/ha, cao hơn năng suất lúa bình quân của thế giới.

Khoa học công nghệ sẽ tiếp tục có những đóng góp nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả nghề trồng lúa. Dự kiến trong thời gian tới năng suất lúa sẽ đạt 6,5 tấn/ha. Như vậy, để có 40 triệu tấn lúa chúng ta chỉ cần hơn 6 triệu ha gieo trồng, tức là có thể rút ra một triệu ha đất lúa.

Thứ hai, căn cứ vào hiệu quả của ngành hàng sản xuất lúa gạo. Hạt gạo hiện nay có giá trị gia tăng thấp. Trong khi nuôi trồng thủy sản có thể đạt 1 tỷ đồng/ha/năm; trồng hoa 500 triệu đồng/ha/năm; cây ăn trái 300 triệu đồng/ha/năm; rau 200 triệu đồng/ha/năm; VAC 100 triệu đồng/ha/năm… thì trồng lúa ở ĐBSH đạt 13 tấn/ha/năm, ĐBSCL 16 tấn/ha/năm, chỉ đạt 70 - 80 triệu đồng/ha/năm.

Chia bình quân thu nhập đạt 30 USD/tháng của nông dân trên 4 triệu ha đất canh tác lúa là nằm trong chuẩn nghèo theo FAO (Tổ chức Nông lương LHQ). Người làm lúa không sống được, trong khi những cây khác hiệu quả cao như thế thì chuyển đổi là điều tất yếu. Đứng về mặt hiệu quả, chỉ xét cây trồng hàng năm thôi thì lúa ở vị trí thấp nhất.

Thứ ba là nhu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XI, đến năm 2020 nước ta sẽ trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Việc hiện đại hóa kết cấu hạ tầng như xây dựng, công nghiệp, dịch vụ, phát triển doanh nghiệp nông thôn, làng nghề và xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đều cần đến đất lúa.

Vì vậy, từ kết quả những phép tính trên, theo tôi không nên cứng nhắc để rồi “chốt” con số 3,8 triệu ha đất lúa. Phải chuyển đổi để tăng thu nhập cho người nông dân. Đó là qui luật số một, cần phải ưu tiên.

Cần bước đột phá Luật Đất đai

Việc chuyển đổi là tất yếu, nhưng quá trình không hề đơn giản. Thực trạng ở các địa phương là "giữ đất lúa thì nghèo, chuyển đổi lại vi phạm". Chúng ta cần phải làm gì? Thưa ông?

Vấn đề thứ nhất, Quốc hội cần có bước đột phá bằng việc thông qua Luật Đất đai sửa đổi 2003. Luật đất đai cũ có 3 hạn chế chính. Đó là thời hạn giao đất, hạn điền và hạn chế thị trường chuyển đổi đất, giá đất. Thông qua Luật Đất đai mới sẽ là cơ hội lớn, giải phóng sức sản xuất trong nông thôn, tạo động lực, giá trị mới, ổn định xã hội để phát triển.

Vấn đề thứ hai, Bộ NN-PTNT và Bộ TN-MT cần soạn thảo văn bản hướng dẫn chuyển đổi đất lúa theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà Chính phủ vừa phê duyệt. Đó là điều mà các địa phương đang rất cần, để họ có thể thực hiện việc quy hoạch chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng hàng năm như ngô, đậu tương, rau, hoa, lạc, vừng, mía… và chăn nuôi thủy sản bền vững. Cần vừa làm vừa tổng kết để thống nhất nhận thức và hành động, không làm ào ạt, phong trào, gây đổ vỡ cho nông dân.

Việc chuyển đổi đất lúa sang cây, con hàng năm và thủy sản, chăn nuôi bền vững cần có chính sách mới về đầu tư. Ví dụ như xây dựng doanh nghiệp về khoa học công nghệ, xây dựng hệ thống thông tin thị trường đến nông dân, chính sách hỗ trợ tạm trữ cho nông dân (mua lu đựng thóc, làm sân phơi…), tổ chức lại mạng lưới thương lái đi theo từng doanh nghiệp và vùng nguyên liệu hàng hóa, cánh đồng mẫu lớn…

Có một thực trạng khá phổ biến hiện nay là ở nhiều địa phương chính quyền và người dân thực hiện chuyển đổi chui vì họ sợ cảnh “chuyển một mét vuông đất lúa cũng phải trình Chính phủ”. Quy trình xin chuyển đổi có vẻ rườm rà, thậm chí nhiều lãnh đạo địa phương còn thắc mắc: Chẳng lẽ Trung ương không tin tưởng địa phương hay sao?

Quan hệ Trung ương - địa phương trong thời gian vừa qua là theo kiểu vừa lỏng vừa chặt, vừa tin vừa không tin. Theo quy luật chung là phải phân cấp, giảm bớt việc của Nhà nước Trung ương, giao cho các địa phương chủ động giải quyết theo pháp luật. Tuy nhiên có những chuyện làm quá trớn, vượt quá thẩm quyền. Đất lúa rất quan trọng nên Nhà nước mới bảo vệ nghiêm ngặt, siết lại vì vừa rồi sử dụng đất lúa quá lãng phí. Nhưng khi siết 3,8 triệu ha lại đụng đến vấn đề hiệu quả, thị trường, chúng ta chưa thể tính hết được. Nhưng theo tôi, quan trọng nhất vẫn là đời sống, thu nhập của nông dân.

Đối với những mô hình đã chuyển đổi “chui” thì tốt nhất là phải gỡ bằng luật, phải hợp thức hóa theo quy hoạch. Trước đây tự phát thì bây giờ có quy hoạch, phải có đường giao thông, thủy lợi, kết cấu hạ tầng... Trước đây thời hạn giao 20 năm, bây giờ có thể 50 năm để nông dân có thời gian lâu dài đầu tư. Thứ hai là nới dần quy mô hạn điền. Trước đây quy định miền Bắc 2 ha, miền Nam 3 ha nhưng thực tế là càng nhiều ha thì làm lúa mới có lãi. Theo tôi phải 5 - 10 ha trở lên chứ 1 ha thì hòa vốn. Phải gỡ hạn điền để người dân tích tụ, rút bớt lao động ra, tăng quy mô hàng hóa. Nếu gỡ được nút thắt Luật Đất đai thì tôi cho là có thể giải quyết được các vấn đề khác.

Xin cảm ơn ông!

Chuyển đổi đất lúa không thể lung tung

“Nguyên tắc quan trọng nhất là chuyển đổi đất lúa phải tuân thủ theo quy hoạch, được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đất lúa ở 3 miền nước ta đều có những hạn chế: Miền Nam có 4 tháng lũ, miền Trung 4 tháng mưa, miền Bắc 4 tháng rét. Ở miền Bắc, 4 tháng lạnh có cách thoát bằng vụ Đông. 4 tháng mưa ở miền Trung là khó, phải làm 2 vụ lúa hoặc 1 vụ lúa 1 vụ màu. Ở vùng ĐBSCL là 2 lúa cộng một màu xuân hè. Nếu 300 ngàn ha lúa xuân hè chuyển sang trồng màu sẽ có hiệu quả hơn trồng lúa. Có thể giảm bớt lúa vụ 3, để đất lúa nghỉ, nuôi trồng thủy sản, xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái… Cần làm thí điểm từng vùng một.” - Tiến sĩ Lê Hưng Quốc.

Xem thêm
Giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 626 USD/tấn

Theo các chuyên gia, với tốc độ xuất khẩu 10 tháng qua và khả năng sản xuất trong nước, xuất khẩu gạo năm 2024 sẽ đạt trên 8 triệu tấn, vượt kỷ lục năm 2023.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

10 năm Quỹ Vì tầm vóc Việt: Từ sự thấu hiểu, tạo sự thay đổi

Một thập kỷ qua, Quỹ Vì tầm vóc Việt đã kết nối và huy động sức mạnh cộng đồng để tạo nên những thay đổi tích cực, bền vững cho xã hội.

Độ nóng bất ngờ của căn phòng 3 ngủ tại Hanoi Melody Residences

Căn hộ 3 phòng ngủ (có diện tích từ 95-145m2) tại Hanoi Melody Residences đang được khách hàng rất quan tâm xuống tiền ngay giữa bối cảnh giá thị trường chung không ngừng gia tăng.