| Hotline: 0983.970.780

DN cà phê nợ xấu 8.000 tỷ!

Thứ Tư 25/09/2013 , 10:34 (GMT+7)

Chỉ còn 1 tuần nữa sẽ bước vào vụ cà phê mới 2013 - 2014, nhưng tình hình nợ xấu, rào cản thuế VAT, thị trường bất ổn đang khiến ngành cà phê VN đang cực kỳ nguy cấp!

Hôm qua 24/9, 20 doanh nghiệp XK cà phê hàng đầu VN (CLB G20) đã họp khẩn cấp để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành cà phê VN. Chỉ còn 1 tuần nữa sẽ bước vào vụ cà phê mới 2013 - 2014, nhưng tình hình nợ xấu, rào cản thuế VAT, thị trường bất ổn đang khiến ngành cà phê VN đang cực kỳ nguy cấp!

NỢ XẤU TRÀN LAN

Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch CLB G20 cho biết, vụ mùa năm 2011 - 2012, ngành cà phê VN đã đạt kim ngạch XK cao kỷ lục lên tới 3,76 tỷ USD, nhiều năm liên tiếp giữ giá 40 - 50 triệu đồng/tấn cà phê xô cho nông dân, đem lại lợi nhuận lớn. Tại VN cũng đã có hầu hết các công ty lớn nước ngoài đặt trụ sở đại diện để làm ăn, giao dịch. “Vậy nhưng từ vụ 2012 - 2013, đã xuất hiện hàng loạt DN có biểu hiện bất ổn, làm ăn thua lỗ, phá sản. Chúng ta có tới 70% lượng cà phê Robusta giao dịch trên thế giới, vậy mà không những không thể điều tiết được thị trường, nhiều DN VN thậm chí đến nay không còn khả năng tham gia kinh doanh nữa!”.

Cụ thể hơn, ông Nguyễn Nam Hải - Tổng Giám đốc TCty cà phê VN (Vinacafe) thẳng thắn cho biết: Tình hình kinh doanh cà phê của hầu hết các DN đều vô cùng khó khăn, rất nhiều DN báo cáo thua lỗ khiến nợ xấu hiện nay đã lên tới 8.000 tỷ đồng. “Vụ vừa qua, XK cà phê chỉ đạt 1,4 triệu tấn, kim ngạch 2,8 tỷ USD, giảm trên 20% về sản lượng và kim ngạch, giá bán cũng xuống thấp nhất trong nhiều năm gần đây, trong bối cảnh vụ mùa mới sắp diễn ra khiến ngành cà phê tiếp tục gặp họa lớn”.


Cần cấp bách tháo gỡ khó khăn cho ngành cà phê khi niên vụ mới 2013 - 2014 đang cận kề

Chỉ ra nguyên nhân, ông Lương Văn Tự - Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao VN (Vicofa) cho rằng, có rất nhiều yếu tố tác động bất lợi cho ngành cà phê trong thời gian qua. Đặc biệt là các DN phải gồng mình chống “bão” khủng hoảng kinh tế và lãi suất cao ngất ngưởng nhiều năm, đến giờ mới biểu hiện rõ bằng việc thua lỗ, nợ nần, phá sản hàng loạt.

Trong bối cảnh đó, các DN cà phê VN còn phải cạnh tranh với các DN nước ngoài có vốn lớn, lãi suất thấp, dày dạn kinh nghiệm thương trường. “Giờ đã có quá nhiều tác động xấu đến toàn ngành, nếu không kiến nghị được chính sách (về vốn, về thuế VAT, giữ giá cà phê cho nông dân…) thì vụ tới sẽ còn nhiều điều xấu hơn nữa xảy ra” - ông Tự cảnh báo.

ĐÌNH ĐỐN VÌ CHÍNH SÁCH THUẾ

Thật bất ngờ khi gần như 100% DN tham gia hội nghị khẩn này đều “kêu trời” về chính sách thuế VAT đang khiến hoạt động XK của ngành cà phê đình đốn. Cụ thể, Chủ tịch Vicofa Lương Văn Tự cho biết: “Ngành cà phê đã kiến nghị với Chính phủ 3 năm nay nên bỏ thuế VAT do tạo nhiều rắc rối vì 93% lượng cà phê dùng XK (không phải nộp thuế VAT), 7% tiêu thụ trong nước, nếu cứ để thu VAT sau đó hoàn lại sẽ nảy sinh nhiều tiêu cực (trốn thuế, nhũng nhiễu, tham nhũng…), mà cuối cùng ngân sách cũng không thu được tiền”.

Ông Nguyễn Xuân Thái - Giám đốc Cty Thắng Lợi cho rằng: “Ngành thuế nghĩ ra thuế VAT gán cho ngành cà phê để công nhân viên chức có việc làm, dù cuối cùng việc thu thuế VAT rồi hoàn lại chẳng có lợi ích gì cho ngân sách”. Đại diện công ty Haprosimex thì thông tin, từ đầu năm đến nay, công ty không còn XK cà phê vì rào cản thuế VAT, nhiều DN nhỏ lẻ làm ăn chụp giật tìm cách trốn thuế tràn lan, môi trường kinh doanh không còn lành mạnh nữa.

Đặc biệt là mới đây, ngành thuế đưa ra quy định “kiểm tra trước, hoàn thuế sau”, tức các doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản phải chờ cơ quan thuế xác minh đến tận người bán đầu tiên mới được hoàn thuế. Nhiều DN ca thán: Trước đây cơ quan thuế chỉ kiểm tra hóa đơn, chứng từ của 1 đơn vị bán hàng trực tiếp cho DN XK, nhưng nay họ xác minh đến tận người bán đầu tiên. Nếu công ty A mua của công ty B, công ty B mua của công ty C, rồi C mua của D, E, F hay đến Z… thì cơ quan thuế sẽ xác minh hết. Vậy là bộ hồ sơ phải có đến hàng chục đơn vị, nếu chỉ cần vướng ở một đơn vị nào là hồ sơ hoàn thuế bị đình đốn, hàng hóa cũng bị ách tắc không thể XK được.

Một DN cảnh báo: Lợi dụng điều này, các nước như Brazil và Indonesia có sản lượng Robusta khá lớn (500.000 tấn) đang nhảy vào thế chỗ DN VN. Lúc đó, ngành cà phê nước ta có thể mất tới 1/3 thị phần XK trên toàn cầu!

Bà Nguyễn Thị Ngọc Mai - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Cty Packsimex bức xúc nói: “Ngành thuế quy định kiểm tra trước rồi hoàn thuế sau mà không đưa ra thời hạn cụ thể, trong khi toàn bộ lãi suất ngân hàng DN đều chịu hết thì làm sao kinh doanh nổi. Tôi tuyên bố, nếu không bỏ quy định này thì công ty sẽ ngưng không XK cà phê nữa”.

5 VẤN ĐỀ KIẾN NGHỊ KHẨN CẤP

Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch CLB G20 khẳng định, nếu không có giải pháp cấp bách cho ngành cà phê ngay đầu niên vụ mới 2013 - 2014, có thể sẽ dẫn đến kịch bản xấu nhất là ngành cà phê VN sẽ đổ vỡ hoàn toàn!

Trước tình hình này, Vicofa và CLB G20 sẽ có giải pháp cấp bách gì, thưa ông?

Trước hết về rào cản thuế, ngành cà phê sẽ kiến nghị Bộ Tài chính trong vòng 1 năm (bắt đầu từ 1/11/2013) ngành thuế không hoàn thuế cho bất cứ DN nào, như vậy mới giúp ngành cà phê trở lại hoạt động bình thường, cạnh tranh lành mạnh, hàng hóa không bị ách tắc và nhà nước cũng không thất thu. Ngành cà phê cũng xin được đối thoại trực tiếp với Bộ Tài chính để xem xét lại chính sách thuế còn nhiều bất cập hiện nay. Chúng tôi cũng sẽ có văn bản kiến nghị các ngân hàng cần đánh giá các DN cà phê khách quan hơn để có giải pháp hỗ trợ về tài chính, lãi suất niên vụ mới 2013 - 2014. Ngoài ra, Vicofa dự kiến đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho nông dân tạm trữ khoảng 200.000 - 300.000 tấn cà phê nhằm đảm bảo việc điều tiết bán ra được hợp lý.

Cũng để tránh giá cà phê có thể sụp đổ, chúng tôi sẽ kiến nghị Bộ Nông nghiệp 3 nước gồm VN, Brazil, Indonesia cần sớm có cuộc họp bàn nhằm liên kết, chia sẻ thông tin để giữ giá ổn định như những năm vừa qua.

Ông có lời khuyên gì với các DN XK cà phê trong bối cảnh khó khăn hiện nay?

Theo thông tin tôi được biết, sàn giao dịch London chỉ còn 60.000 tấn cà phê Robusta, lượng trữ thấp nhất trong hàng chục năm gần đây, nhưng tại sao giá cà phê không lên mà còn tụt dốc? Rõ ràng các nhà đầu cơ tài chính đang điều tiết lượng hàng trên giấy (trên 90% giao dịch sàn London là trên giấy, không có hàng thực), họ đang ép ta. Tôi hỏi rất nhiều DN, không thấy ai nói lời, ai giỏi nhất cũng chỉ hòa vốn. Vì thế, các DN cần áp dụng biện pháp mua ngay bán ngay, không bán hàng xa, hạn chế ảnh hưởng của sàn giao dịch London để giảm rủi ro. Các DN XK lớn phải liên kết chặt chẽ và áp dụng tốt biện pháp này để tạo “đầu tàu” dẫn dắt thị trường trong vụ cà phê mới 2013 - 2014.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm