| Hotline: 0983.970.780

Một mẫu phân bón phân tích ra "n" kết quả

Thứ Tư 25/09/2013 , 10:34 (GMT+7)

Không chỉ cho thấy những lỗ hổng về pháp lí, mà ngay cả khâu tối thiểu là lấy mẫu, phân tích, kiểm nghiệm phân bón hiện nay cũng đang bộc lộ rất nhiều điều vô lí đến mức khó tin.

Không chỉ cho thấy những lỗ hổng về pháp lí, mà ngay cả khâu tối thiểu là lấy mẫu, phân tích, kiểm nghiệm phân bón hiện nay cũng đang bộc lộ rất nhiều điều vô lí đến mức khó tin.

>> Hỗn loạn phân bón

PHÒNG PHÂN TÍCH ĐÁ NHAU

Theo phản ánh của nhiều DN, khâu lấy mẫu, phân tích phân bón hiện nay vô cùng bất cập. Thực tế cho thấy, gần như các mẫu phân tích lần 1 không đạt chỉ tiêu đều bị các DN phân bón phản ứng, khiếu kiện và yêu cầu phân tích lại. Giám đốc một DN phân bón giấu tên cho chúng tôi biết, sau khi thanh tra lấy mẫu phân bón của công ty ông gửi các phòng phân tích, đến lúc trả kết quả, 3 phòng phân tích cho ra 3 kết quả khác nhau, có khi sai số lên tới 20%.

Ví dụ, có lần sản phẩm NPK của công ty là 16-5-17 tức N: 16%, P2O5: 5% và K2O: 17% thì các đơn vị phân tích được cấp phép cho ra kết quả khiến ai cũng phải bấm bụng cười khi hàm lượng N (đạm) và K2O (kali) là hai thành phần có giá thành đắt đỏ nhất lại vượt chỉ tiêu công bố tới 20%, trong khi P2O5 (lân) có giá thành rẻ nhất lại không đạt. Theo vị lãnh đạo này, không một DN nào dại dột đến mức tăng thành phần đạm và kali trong NPK lên làm gì vì thiệt thòi thuộc về phía DN chứ chẳng phải ai, làm thế chỉ có nước phá sản.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Trung Hòa - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khảo kiểm nghiệm Phân bón Quốc gia (Cục Trồng trọt - Bộ NN-PTNT) cho biết, trước đây phân bón chỉ có 3 loại chính là phân vô cơ, phân hữu cơ và phân vi sinh. Ngày trước, chỉ có 3 - 5 đơn vị đầu mối làm nhiệm vụ khảo kiểm nghiệm phân bón là Quatest 1, 2, 3 (Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) trực thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KHCN), Trung tâm Khảo kiểm nghiệm Giống, sản phẩm cây trồng và Phân bón Quốc gia (nay tách ra thành Trung tâm Khảo kiệm nghiệm Giống, sản phẩm cây trồng và Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón) và 1 Trung tâm trực thuộc Viện Thổ nhưỡng Nông hóa (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam).

Sau, Luật Doanh nghiệp thay đổi, Nghị định 113 về quản lí phân bón ban hành, hàng loạt công ty phân bón mới được thành lập. Cùng với đó, hàng loạt sản phẩm phân bón mới ra đời với tên gọi và công thức khác nhau. Khi đó, các sản phẩm phân bón trước khi ra thị trường vẫn phải làm công tác khảo nghiệm nên gần như 5 đơn vị có nhiệm vụ phân tích, khảo nghiệm không làm xuể lượng công việc khổng lồ. Từ đó, dẫn tới các mẫu phân bón cần khảo nghiệm, phân tích có khi mất cả năm trời mới có kết quả nên rất khó khăn, chậm trễ trong việc công nhận phân bón mới cũng như trả kết quả cho lực lượng thanh tra làm căn cứ xử phạt. Trước đòi hỏi của các DN, Chính phủ giao Bộ NN-PTNT xây dựng, ban hành Thông tư chỉ định, quản lý hoạt động người lấy mẫu, người kiểm định, phòng kiểm nghiệm, tổ chức chứng nhận chất lượng giống, sản phẩm cây trồng và phân bón.

Sau đó, Bộ NN-PTNT giao Cục Trồng trọt chỉ định thêm hàng loạt các đơn vị làm nhiệm vụ chứng nhận phân bón, trong đó có không ít DN tư nhân. Không biết có phải do quá tay hay không mà cho đến thời điểm này, chúng ta đã có trên 30 đơn vị được chỉ định làm công tác chứng nhận phân bón. Nhưng, khi Bộ NN-PTNT ban hành Danh mục phân bón, các DN gần như bỏ khâu khảo nghiệm, vì trong Danh mục các loại phân NPK lớn hơn 18% thì không cần phải khảo nghiệm, các loại phân trung, vi lượng đáp ứng được những tiêu chuẩn trong Thông tư 36 cũng không phải khảo nghiệm nốt, dẫn đến trên thị trường có cả chục ngàn loại phân bón không thể kiểm soát nổi, chỉ còn lại những đơn vị SX phân hữu cơ, phân hữu cơ vi sinh, phân bón lá, chế phẩm cải tạo đất, phân NPK dưới 18% dinh dưỡng mới bắt buộc phải thực hiện công tác khảo nghiệm, công nhận và đặt tên phân bón mới.

Theo ông Phạm Trung Hòa, thực trạng một mẫu phân bón khi gửi 3 phòng phân tích cho ra 3 kết quả khác nhau là chuyện có thật và diễn ra phổ biến, thậm chí còn cho ra vô vàn (n) kết quả chứ không chỉ là 3. Theo ông Hòa, có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự sai lệch này. Thứ nhất, do người lấy mẫu phân tích chưa đúng qui cách; thứ hai, do phương pháp phân tích chưa chuẩn; thứ ba, do người làm nhiệm vụ phân tích làm sai (do nguyên nhân khách quan). Việc sai này, nhiều khi cũng có lỗi từ phía DN phân bón khi không công bố nguyên liệu đầu vào nên khi phân tích, cán bộ dùng sai chất thử sẽ dẫn tới kết quả sai lệch. Ví dụ, cùng NPK, nhưng nếu dùng đạm urê, đạm sunphat hay đạm nitơrat sẽ cần chất chuẩn khác nhau. Nhưng xét cho cùng, ông Hòa thừa nhận khâu phân tích, khảo nghiệm phân bón hiện nay thực đang có vấn đề (do Nghị định qui định thế nên không thể làm khác được) nên nhất thiết cần phải sắp xếp lại để quản lí tốt hơn. Đặc biệt, cần phải có một phòng phân tích trọng tài để xử lí những đơn vị phân tích sai kết quả.

NHẬP NHÈM KẾT QUẢ PHÂN TÍCH

Ngoài bất cập ở khâu phân tích và sự chồng chéo giữa các Phòng phân tích với nhau mà hiện khâu trả kết quả phân tích cũng rất nhập nhèm, sáng tối. Theo qui định của Bộ KHCN, khi kết quả phân tích mẫu phân bón lần 1 không đạt chỉ tiêu công bố trên bao bì, nếu không đồng ý với kết quả do thanh tra công bố, trong vòng 15 ngày DN có quyền khiếu nại phân tích lại. Đặc biệt, ở lần phân tích thứ 2 này DN có quyền chỉ định 1 phòng phân tích bất kỳ trong số hơn 30 phòng phân tích đang được cấp phép hoạt động hiện nay (kể cả phòng phân tích tư nhân). Và kết quả của lần phân tích thứ 2 mới chính là cơ sở để lực lượng thanh tra xem xét có xử phạt hay không (theo qui định phúc kiểm của Bộ KHCN) (?).

Nhìn vào qui trình này đã thấy ngay sự bất bình thường. Với qui trình này, ai dám đảm bảo là DN không “đi đêm” với phòng phân tích để lần phân tích thứ 2 cho ra kết quả đạt chỉ tiêu. Và ai dám đảm bảo giữa lực lượng thanh tra và phòng phân tích không có sự móc nối với nhau để gây khó dễ cho DN? Liệu, đây có phải là một nguyên nhân dẫn tới kết quả phân tích giữa các đơn vị vênh nhau tới 20 - 30% hay không, trong khi theo qui định, các mẫu phân tích không được sai số quá 5%. Thế mới có chuyện, các mẫu phân bón phân tích lần đầu không đạt chỉ tiêu nhiều vô kể, nhưng khi phân tích lại hầu hết đều đạt (!).

Có gì mờ ám ở những kết quả này không? Kết quả lần 1 và lần 2 có thật sự khách quan theo tiêu chí của khoa học hay có cả yếu tố “tình cảm” trong đó? Câu hỏi này nhiều người đã đặt ra nhưng ở thời điểm hiện tại có vẻ chưa thể trả lời được bởi trong số hơn 30 phòng phân tích đang hoạt động có phòng nào sai đâu? Liệu phòng phân tích lần 2 hay lần 3 có dám khẳng định kết quả của phòng phân tích lần 1 là sai hoặc ngược lại không. Trong khi đó, cùng một mẫu phân tích mà cho ra kết quả vừa đúng vừa sai chắc chắn sẽ có đơn vị phân tích sai. Nhưng cơ quan nào chỉ ra cái sai của phòng phân tích và đủ thẩm quyền xử lí cái sai của phòng phân tích thì hiện nay không có nên cuối cùng chỉ có DN phân bón sai?!

Theo lực lượng thanh tra một số tỉnh và Bộ ngành phản ánh, việc các phòng phân tích cho ra kết quả tùm lum như hiện nay gây khó khăn cho công tác xử phạt của các đơn vị. Nhiều khi, một số đơn vị thanh tra muốn làm thật, xử lí thật nghiêm những đơn vị làm ăn giả rồi, nhưng luật qui định DN có quyền khiếu nại nên kết quả lần phân tích thứ 2 lại đạt, thậm chí còn vượt cả chỉ tiêu công bố trên bao bì thì thanh tra cũng phải chịu chứ chẳng biết làm sao. Do đó, Nghị định 113 về quản lí phân bón đang được Bộ Công thương tiến hành soạn thảo và sửa đổi cũng cần phải khắc phục cả những bất hợp lí về việc lấy mẫu, phân tích cũng như qui trình thủ tục hiện nay.

Điều khiến nhiều DN phân bón bức xúc nhất hiện nay là trong trường hợp người lấy mẫu không đúng hay phòng phân tích trả kết quả sai không ai phải chịu trách nhiệm, không ai bị xử lí.

Bởi trong số hơn 30 đơn vị phân tích, nơi nào cũng đều do cơ quan quản lí nhà nước cấp phép, mà phải đủ điều kiện mới được cấp phép nên ai cũng bảo kết quả của mình đúng, cuối cùng cả thanh tra và DN như bị rơi vào “ma trận” không biết đâu mà lần bởi hiện nay chưa có phòng phân tích trọng tài nên chẳng có đơn vị nào đủ điều kiện đứng ra thẩm định các kết quả của hơn 30 phòng phân tích đang hoạt động.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Tăng quyền tự quyết cho doanh nghiệp có vốn nhà nước

Sáng 23/11, Chính phủ trình Quốc hội về dự án Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp với nhiều điểm mới theo hướng tăng quyền tự chủ cho đơn vị.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.