Theo ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, trong niên vụ 2013/2014, sản lượng đường dự kiến sẽ vào khoảng 1,6 triệu tấn (tăng gần 100 ngàn tấn so với niên vụ trước).
Bên cạnh đó, còn trên 372 ngàn tấn đường tồn kho đầu vụ (số lượng tồn kho tính tới ngày 2/8, là mức tồn kho kỷ lục tính ở đầu mỗi niên vụ mía đường) và trên 73 ngàn tấn đường NK theo hạn ngạch thuế quan. Như vậy, tổng lượng đường trong niên vụ này sẽ là 2,046 triệu tấn, dư tới 500.000- 600.000 tấn so với nhu cầu trong nước. Nếu tính cả lượng đường nhập lậu tham gia trên thị trường thì lượng đường dư thừa sẽ còn cao hơn nữa.
Điều đáng lo ngại nhất với ngành mía đường hiện nay là lượng đường tồn kho còn cao và giá đường đang xuống khá thấp. Đến ngày 20/9, lượng đường tồn kho ở các nhà máy là 208.589 tấn và 10.494 tấn tại các công ty thương mại thuộc Hiệp hội Mía đường.
Giá mía đang có nguy cơ giảm mạnh
Nếu như trước đây, đường RS chiếm tỷ lệ lớn về đường tồn kho, thì nay phần lớn lượng đường tồn kho lại là đường tinh luyện (RE). Ông Lê Văn Thanh, TGĐ Cty CP Mía đường Lam Sơn, cho hay, hiện Cty này đang tồn kho 15 ngàn tấn đường, thì trong đó, tới 13 ngàn tấn là đường RE. Còn theo ông Nguyễn Hải, trong tổng số trên 208 ngàn tấn đường đang tồn kho ở các nhà máy, có tới 80% là đường RE.
Vì sao đường RE lại tồn kho nhiều như vậy? Theo lý giải của các nhà máy đường, nguyên nhân chính là do hiện nay đường lậu từ Thái Lan vẫn đang được đưa vào nước ta khá nhiều. Mà phần lớn đường lậu hiện nay lại là đường RE, với giá rất rẻ, khoảng 12.700-12.800 đ/kg.
Trong khi đó, do lo ngại thiếu hụt nguồn cung đường RE cho nhu cầu sản xuất thực phẩm, nước giải khát ... ở trong nước, nên Bộ Công thương vẫn chưa cho XK đường RE qua đường biên giới. Thành ra việc tiêu thụ loại đường này vốn đã bí lại càng bí thêm.
Dù lượng đường RE đang chiếm đại đa số trong tổng lượng đường tồn kho, việc tiêu thụ đường RE hiện đang rất chậm, nhưng sản lượng đường RE sản xuất trong nước vẫn đang tiếp tục tăng mạnh.
Nguyên nhân là do trong thời gian qua, nhiều nhà máy đầu tư sản xuất loại đường này (hiện đã có 10 công ty sản xuất đường RE), nên trong niên vụ 2013/2014, sản lượng đường RE sẽ tăng tới khoảng trên 300 ngàn tấn (từ 750 ngàn tấn niên vụ trước lên 1,08 triệu tấn). Do đó, áp lực tiêu thụ đường RE sẽ còn nặng nề hơn nữa.
Do tồn kho cao nên giá đường RE giao dịch trong nước hiện xuống khá thấp, chỉ còn 14.500-15.000 đ/kg. Giá đường RE giảm mạnh, chắc chắn sẽ đẩy giá đường RS xuống thấp hơn nữa.
Ông Đỗ Thành Liêm, TGĐ Cty CP Đường Khánh Hòa, cho biết, nếu cạnh tranh được với giá đường lậu của Thái Lan, các nhà máy sẽ phải bán đường RS với giá chỉ còn khoảng 12.000 đ/kg. Nếu trừ thuế VAT 5% thì còn khoảng 11.600 đ/kg. Đem giá này để tính giá mía (giá 1 tấn mía bằng giá 60 kg đường RS bán tại kho), thì giá thu mua mía sẽ chỉ còn 600-700 đ/kg (10 CCS). Với giá mía thế này, chắc chắn nông dân sẽ thua lỗ.
Ông Lê Văn Thanh cũng cho rằng, nếu tính đúng theo công thức giá 1 tấn mía bằng 60 kg đường bán tại kho, thì giá thu mua mía trong niên vụ này sẽ chỉ còn khoảng 600 đ/kg. Nhưng nếu áp dụng giá thu mua mía như vậy, chắc chắn sang niên vụ 2014/2015, 41 nhà máy đường sẽ phải đóng cửa vì không có mía nguyên liệu do nông dân đã rủ nhau bỏ mía hết.
Bởi vậy, do giá đường giảm mạnh nên giá thu mua mía chắc chắn sẽ phải giảm. Nhưng mức giảm thế nào thì phải cân nhắc kỹ, vì nếu giảm tới mức bị thua lỗ, nông dân sẽ không còn trồng mía nữa.
Ông K.V.S.R Subbaiah, TGĐ Cty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (Phú Yên), cho hay, lâu nay các công ty đều có chính sách hỗ trợ giá cho người trồng mía. Nhưng hiện nay, do lượng đường tồn kho cao, các nhà máy cạnh tranh với nhau để bán được hàng nên phải giảm mạnh giá đường xuống.
Vì thế, để không bị lỗ, trong vụ mía tới, họ không thể hỗ trợ giá cho người trồng mía nữa. Như thế, đến 2015, các nhà máy mía đường sẽ quay lại tình trạng thiếu mía, thiếu đường, do người dân bỏ trồng mía, nhà máy thiếu nguyên liệu để sản xuất.
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường, thừa nhận: “Nếu nhà máy mua mía giá thấp để đảm bảo lợi nhuận, nông dân sẽ bỏ mía. Còn nếu mua giá cao để nông dân trồng mía, nhà máy sẽ phá sản. Mua mía nguyên liệu giá cao hay thấp thì chúng tôi đều chết cả, vấn đề là chết trước hay chết sau mà thôi”. |