Trong vai người đi buôn rượu cần nhập hàng lượng lớn để buôn dịp Tết, PV NNVN tiếp cận được vô vàn loại men, rượu rởm. Những tưởng loại rượu dán mác “rượu quê” là ngon, nhưng khi chứng kiến quy trình nấu, có thể nhiều người sẽ từ bỏ thói quen uống rượu. Cơ sở SX mất vệ sinh, phối trộn nhiều loại men Tàu giá rẻ là thực trạng chung của các làng nghề nấu rượu thủ công.
>> Thịt ế, mỡ bẩn!
>> Rùng mình với lạp xưởng ''ăn'' hóa chất
>> Rượu giả “tràn” Bến Lức!
>> Mứt gia truyền xuất xứ... Trung Quốc
Ma trận men
Anh Dương Văn Sơn, người xã Tả Thanh Oai (Thanh Trì – Hà Nội), chủ một cơ sở nấu rượu có tiếng bật mí: Men ủ rượu đa phần lấy ở làng Tân Độ, xã Hồng Minh, Phú Xuyên.
Tân Độ được coi là nơi làm men rượu lớn nhất của Hà Nội. Về Tân Độ, chỉ cần đặt chân đến đầu làng, chúng tôi đã ngửi thấy một mùi ngai ngái quyện với mùi chua chua như bã rượu. Anh Sơn cho biết, mỗi tuần anh về đây lấy vài chục cân men. Giá rẻ và điều quan trọng loại men gì cũng có. Muốn rượu nhiều nước: có, muốn ủ ít ngày: có, nói chung khách hàng yêu cầu thứ gì cũng đều được đáp ứng.
Như để chứng minh những lời vừa nói, anh Sơn dẫn chúng tôi vào nhà một người tên Chức, mối quen. Từ ngoài cổng, đủ các loại men được phơi la liệt ở sân và trên hiên nhà. Đi sâu vào bên trong, chúng tôi thấy cả trăm bịch men đã được gói cẩn thận qua mấy lớp giấy bóng. Bên ngoài, mỗi bao có một dòng chữ “men cám” bằng bút mực màu xanh.
Men nấu rượu thật giả lẫn lộn
Trên một chiếc khung bằng inox, rất nhiều loại men từ men cám, men bánh cho đến loại men mà dân nấu rượu gọi là “men Tàu” nằm ngổn ngang. “Đây là loại men mà trước kia Trung Quốc SX nên chúng có tên gọi như vậy. Nó rẻ chỉ bằng 1/3 men mình thôi”, anh Sơn quay sang bảo tôi.
Men Tàu được đóng sẵn vào một túi bóng to, khối lượng 5kg, không ghi gì cả. Men cám thì được đóng gói vào các túi nhỏ hơn. Tuy nhiên, nếu không được anh Sơn giải thích thì chúng tôi khó lòng phân biệt được các loại men. Bà Chức cho biết, càng gần Tết càng bán được nhiều men, đặc biệt là men Tàu vì giá rẻ.
Theo anh Sơn, sở dĩ các chủ nấu rượu đều thích sử dụng men Tàu do loại men này có công dụng cực mạnh. Người nấu rượu không cần ủ cơm mà chỉ cần trộn men trực tiếp với gạo sống, sau đó đổ nước vào ngâm qua hai ngày thì gạo sẽ lên men. Đối với loại men Tàu này, người nấu rượu đã “ăn bớt” được công đoạn nấu cơm rượu. Đặc biệt, trước kia nấu men gạo phải mất 4kg mới được 1 lít rượu thì nay ủ bằng men Tàu có thể nấu thành 2 – 3 lít.
Ủ men để nấu rượu
Cách đó không xa, nhà ông Sơn, một cơ sở làm men rượu lâu năm. “Ngày trước hầu như nhà nào cũng làm men rượu nhưng do mấy năm nay khó làm ăn nên một số người chuyển hướng sang kinh doanh thứ khác. Tuy nhiên, ở quanh vùng này không có nơi nào SX nhiều như chúng tôi. Hầu hết những làng nấu rượu nổi tiếng đều về Tân Độ lấy men rượu”, ông Sơn cho hay.
Ông khẳng định, trước kia người ta hay sử dụng men bánh truyền thống nhưng bây giờ chẳng mấy ai dùng loại men này nữa. Bây giờ người nấu rượu chỉ thích dùng men cám và men Tàu thôi, mùi vị của chúng cũng không khác các loại men kia là mấy. Thậm chí, nếu mang trộn các loại men này lại với nhau thì khi nấu rượu có mùi thơm và dễ uống hơn?
Không chỉ làm men, mỗi ngày, làng nghề nấu rượu ở Tân Độ còn cho ra lò hàng nghìn lít rượu.
Uống thoải mái đi, không chết đâu
Tròn một năm kể từ khi Nghị định 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về SX, kinh doanh rượu có hiệu lực, xã “cuốc lủi” Thanh Mai (Thanh Oai – Hà Nội) vẫn tưng bừng nấu rượu không phép.
Trời rét căm căm, chúng tôi tìm về làng Nga My Hạ, xã Thanh Mai trong vai người đi cất rượu về bán. Nơi đây được mệnh danh là thủ phủ “rượu quê”. Chủ một cơ sở nấu rượu tên N liến thoắng hỏi chúng tôi, các chú mua loại nào, loại ngon, loại bình thường hay loại ít tiền.
Đồ nấu rượu cáu bẩn, mất vệ sinh
“Bọn em mua về bán kiếm lời thì lấy làm gì rượu ngon. Lấy cho em loại nào rẻ rẻ ấy”, chúng tôi trả lời. Nói đoạn, bà N dẫn chúng tôi xuống tham quan kho rượu đằng sau nhà. Dưới gầm cầu thang, những can rượu loại 30 lít, dăm chiếc thùng phuy xếp chật ních. Chỉ tay vào mấy can rượu đặt riêng một góc, bà N bảo, loại đó rẻ nhất rồi đó chú. “Chú lấy nhiều chị giảm giá cho, 20 nghìn một lít, coi như bán lấy vốn thôi”, bà N nhanh miệng. Chúng tôi gật đầu lấy tạm vài lít lấy lệ.
Vòng xuống khu ủ men nấu rượu, chúng tôi không khỏi giật mình vì mọi thứ bẩn ngoài sức tưởng tượng. Trong ánh điện tù mù, một người phụ nữ đang dùng tay bốc cơm cho vào ủ men. Cơm, men rơi vãi trên nền nhà được người này gom lại, tiếp tục cho vào ủ. Rượu nấu xong chưa bán ngay được chuyển sang những chiếc thùng phuy cáu bẩn, phủ đầy bụi.
Bà N đang giới thiệu về men
Tôi quay lại hỏi, em bán hàng nhưng lỡ khách uống rượu nhà chị bị làm sao thì chết. “Nhà tôi nấu rượu mấy chục năm nay, bao nhiêu người uống có ai bị sao đâu. Chú cứ yên tâm, uống thoải mái đi, không chết đâu!".
Hộ gia đình bà Nguyễn Thị T, cùng thôn Nga My Hạ cũng tham gia nấu rượu được hơn chục năm nay. Bà T cho biết, mỗi ngày, nhà bà nấu được khoảng 30 lít rượu. Ngỏ ý muốn mua loại rượu rẻ tiền về bán, bà T từ chối không có.
Men Tàu được xếp chung với các loại men gạo trên giá
“Nhà tôi toàn bán buôn cho khách quen, chủ yếu là những nhà hàng, quán ăn ở Hà Nội. Gọi là kinh doanh nhưng nhà tôi chưa bao giờ nấu loại rượu rẻ tiền để bán”, bà T nói. Chúng tôi hỏi về việc phải đăng kí kinh doanh mới được nấu rượu, bà T gạt phắt: “Ôi dào, nhà tôi đa phần bán cho khách quen, làm ăn với nhau bằng chữ tín chứ. Bây giờ mà đầu tư đăng kí này nọ, vừa tốn kém lại mất thời gian trong khi rượu có ngon hơn đâu”.
Đi một vòng quanh thôn Nga My Hạ, nhà nào nhà nấy đều đang tưng bừng ủ men, nấu rượu. Cả xã Thanh Mai hiện nay có khoảng hơn 30 chục hộ SX kinh doanh rượu. Ước tính, mỗi ngày, các lò rượu ở Thanh Mai cung cấp ra thị trường trên dưới nghìn lít rượu. Ông Nguyễn Văn Đích, Chủ tịch UBND xã Thanh Mai thừa nhận, vấn đề VSATTP tại làng nghề nấu rượu này vẫn đang bị thả nổi. Chính quyền xã cũng đi kiểm tra, nhắc nhở nhưng không thay đổi được gì nhiều.
+ “Đến nay, chưa có hộ nào chịu đi đăng kí kinh doanh. Việc nấu rượu bằng phương pháp thủ công, không nhãn mác thực sự nan giải. Xã chỉ còn cách vận động, tuyên truyền bà con đăng kí kinh doanh, đảm bảo VSATTP”, ông Nguyễn Văn Đích, Chủ tịch UBND xã Thanh Mai. + Theo BS Lương Quốc Chính, Khoa cấp cứu - BV Bạch Mai, khi uống phải các loại rượu cồn, rượu rởm, người uống sẽ bị ngộ độc Methanol. Nếu không cứu chữa kịp thời, người bệnh sẽ nguy hiểm. Nếu nặng, toàn thân tím tái, hôn mê, tụt huyết áp và có thể tử vong.