| Hotline: 0983.970.780

DN giống gia cầm: "Đục nước, béo cò"

Thứ Tư 02/11/2011 , 09:42 (GMT+7)

Trong khi người chăn nuôi gia cầm mấy tháng nay lỗ chổng vó vì giá thịt rẻ như bèo thì giá giống hiện vẫn cao ngất ngưởng.

DN SX giống đang ỷ sự độc quyền để thẳng tay bắt chẹt người chăn nuôi?

Trong khi người chăn nuôi gia cầm mấy tháng nay lỗ chổng vó vì giá thịt rẻ như bèo thì giá giống hiện vẫn cao ngất ngưởng. Có ông chủ trang trại bức xúc “tố” rằng, DN làm giống đang bắt chẹt người chăn nuôi.   

DN làm giống lãi gần… 250% 

Anh Trần Văn Hùng, một chủ trang trại gia cầm có 7 nghìn con gà thịt tại xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng, Hải Dương) khi nói về tình hình giá giống gà hiện nay đã bức xúc nhận xét: Trong khi người chăn nuôi gia cầm thời gian qua phải vật vã với việc giá thịt tụt dốc thì những DN SX giống gia cầm lại “vớ bở” chưa từng thấy, với mức “siêu lợi nhuận”. Bằng chứng là gần hai tháng qua, trong lúc giá gà thịt công nghiệp (gà trắng) xuất chuồng tụt xuống mức 27 – 29 nghìn đồng/kg và duy trì một thời gian dài, tuy nhiên giá giống thì gần như vẫn không nhúc nhích.

Nửa cuối tháng 10/2011 vừa qua, giá gà giống tuy có giảm, nhưng khoảng 1 tuần trở lại đây, khi mà giá gà thịt trên thị trường có động thái tăng nhẹ lên mức 35 – 36 nghìn đồng/kg thì giá gà giống cũng đua nhau “tăng tốc”. Anh Hùng phân tích, về mặt cân đối giữa chi phí đầu vào so với giá thịt trên thị trường, thì với giá gà thịt ở mức khoảng 35 nghìn đồng/kg như hiện nay, để người chăn nuôi có lãi thì giá gà giống một ngày tuổi chỉ có thể ở dưới mức 16 nghìn đồng/con. Trong khi đó, tính đến ngày hôm qua, giống gà trắng công nghiệp một ngày tuổi đã tiếp tục lao lên tới 23.500 đồng/con.

Còn nếu tính về mặt lợi nhuận của người SX giống, thì với mức giá giống như hiện tại, những nhà làm giống đang thu lãi quá lớn. Cụ thể, theo anh Hùng thì hiện nay, giá thành để làm ra một con gà giống công nghiệp một ngày tuổi cao nhất cũng chỉ đến 9 nghìn đồng/con. Để có lãi hợp lí, thì giá gà giống bán trên thị trường chỉ cần khoảng 11 – 12 nghìn đồng/con là vừa.  

Rõ ràng, với giá giống khoảng 23 – 24 nghìn đồng/con như thời điểm này, DN làm giống có thể lãi ít nhất là gần… 250% giá thành - mức lợi nhuận mà ít có một ngành kinh doanh nào có thể sánh bằng. Đó là chưa nói vào tháng 6 đến tháng 7/2011, có thời điểm giá gà giống một ngày tuổi bán tới tay người chăn nuôi đã thượng lên tới 31 – 32 nghìn đồng/con thì các DNSX giống thu lãi thế nào, khó ai mà tưởng tượng nổi.

Trong một hội nghị về ngành chăn nuôi do Bộ NN-PTNT tổ chức gần đây, ông Lê Bá Lịch (nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi) – một chuyên gia chăn nuôi đã thảng thốt kêu rằng: “Tôi đã ngồi với nhiều nhà chăn nuôi lớn ở miền Nam, cùng nhau nát óc giải thích, nhưng tính mãi thì giá thành con giống một ngày tuổi hiện nay cũng chỉ tới 8 nghìn đồng/con là cùng. Nếu cộng thêm cho DN làm giống mức lãi 30% giá thành, thì ra thị trường giống gà cùng lắm chỉ 11 – 12 nghìn đồng. Vì thế, việc giá giống gia cầm trong năm nay bị đẩy lên tới 31 – 32 nghìn đồng/con rõ ràng là có động thái “làm giá” của các DNSX giống”.  

Trao đổi với NNVN, ông Lịch gay gắt thêm, hiện nay, 80% thị trường giống gia cầm ở nước ta gần như tập trung hết vào tay hai “ông trùm” về chăn nuôi gia cầm đó Cty CP Chăn nuôi C.P (Cty C.P) và Cty Japfa Comfeed. Phải khẳng định, nhờ có kỹ thuật tốt nên chất lượng con giống của các nhà cung cấp này đã hoàn toàn đánh bật các DN SX con giống nhỏ lẻ trong nước. Tuy nhiên ông Lịch cho rằng, chính sự độc quyền của hai nhà cung cấp giống này đã khiến họ gần như nắm quyền điều hành giá giống trên thị trường, thậm chí liên thủ với nhau, tự đặt ra cái gọi là “giá thị trường” để mặc sức chèn ép người chăn nuôi.

Phân tích về chuyện giá giống trong thời gian qua, ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ nhiệm HTX chăn nuôi Cổ Đông (TX Sơn Tây, Hà Nội) chán nản bảo, “chiếc bánh” thị trường giống gia cầm hiện nay 45% là thuộc về Cty C.P, 35% thuộc về Cty Japfa Comfeed, chỉ có một mẩu nhỏ 15 - 20% là thuộc về các DNSX giống trong nước. Việc giá giống cao thế nào, hai DN nước ngoài kia lãi ra sao ai cũng rõ, nhưng tai hại là thị trường giống gia cầm hiện nay không ai điều tiết, cơ quan quản lí nhà nước cũng không quản lí điều chỉnh thì biết làm sao được! Trong khi đó, hệ thống SX giống gia cầm trong nước hiện nay chất lượng vừa kém, lại nhỏ lẻ, không đáp ứng được yêu cầu thị trường nên nông dân vẫn buộc phải dùng “giống ngoại”. 

Ông Lê Bá Lịch: 

“Sai lầm nhất trong ngành giống gia cầm là hiện nay hệ thống nghiên cứu và SX giống trong nước gần như tan nát sạch sành sanh. Hiện chỉ có mỗi Trung tâm Giống gia cầm Thụy Phương (Viện Chăn nuôi) thì bé như lỗ mũi, gần đây lại làm thương mại nhiều hơn là nghiên cứu”.

Anh Nguyễn Xuân Tùng, chủ trang trại gà tại xã Cổ Đông giải thích, tại Ba Vì (Hà Nội) và khu vực miền Bắc hiện nay cũng có rất nhiều DN và cơ sở SX giống gia cầm. Tuy nhiên, chất lượng con giống thường rất kém, không đồng đều, thậm chí các DN này còn hay “trà trộn” con giống không đạt chất lượng vào trong đàn, việc giám sát kỹ thuật, phòng dịch trong SX lại không nghiêm ngặt nên rủi ro rất cao. Vì vậy, mặc dù giá giống gia cầm của các DN trong nước thường thấp hơn “giống ngoại” 2 – 3 giá, nhưng người chăn nuôi cũng không mặn mà.  

Hiện tại, có tới 80% người chăn nuôi lớn tại Cổ Đông vẫn phải chọn mua giống gà của Cty C.P hoặc Cty Japfa Comfeed. Cũng theo anh Tùng thì đối với Cty C.P, cái khổ nhất là chỉ những trang trại rất lớn mới có điều kiện ký hợp đồng mua giống trực tiếp với họ và được hưởng giá gốc, còn đại đa số những trang trại bé và vừa vẫn buộc phải mua giống thông qua hệ thống các đại lí cấp 2, cấp 3 của Cty này nên giá giống ngoài thị trường bao giờ cũng đắt hơn rất nhiều giá gốc mà nhà cung cấp bán ra.

Trao đổi với PV hôm qua, một lãnh đạo của Cty C.P cho biết, giá gà giống hiện tại mà Cty này bán ra chỉ là 17.500 đ/con. Việc giá gà giống đến tay người chăn nuôi lên tới 23 – 24 nghìn đồng/con là do tăng giá ở các khâu trung gian. Ông này cho biết thêm, hiện tại lượng gà giống C.P bán ra chỉ bằng ½ so với năm 2010 do các trang trại bỏ trống chuồng rất nhiều hoặc vào giống rất ít.

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm