| Hotline: 0983.970.780

Người đàn bà mê mải "thứ bỏ đi"

Thứ Năm 20/09/2012 , 10:02 (GMT+7)

Nhìn thấy bao nhiêu vật dụng thân thuộc của người nông dân dần đi vào dĩ vãng đã thôi thúc bà Khiếu gom chúng lại để trưng bày.

Nhìn thấy bao nhiêu vật dụng thân thuộc của người nông dân dần đi vào dĩ vãng đã thôi thúc bà gom chúng lại để trưng bày. Và sau hơn 10 năm, bà đã sở hữu hơn 1.000 hiện vật, không những thế bà còn xây thư viện phục vụ các em nhỏ ở địa phương có điều kiện học tập, nâng cao kiến thức. Bà là Ngô Thị Khiếu (57 tuổi) ở thôn Bỉnh Di, xã Giao Thịnh (Giao Thuỷ, Nam Định).

Níu giữ thời đã qua

Tìm tới nhà bà Khiếu không khó. Ngay từ ngoài cổng nhà bà, những chiếc cối xay đã sừng sững như “nghênh đón” khách. Trong cũng như ngoài, chỗ nào trống đều là chỗ của những “người bạn” này chiếm lĩnh. Khi chúng tôi hỏi tới đến tên bà Khiếu thì một số người cho rằng, bà là một người “khùng”, bởi bà đang làm một công việc chẳng giống ai. 

Đó là xây dựng bảo tàng và thư viện của riêng mình để phục vụ mọi người. Tuy nhiên cũng có người nói bà đang tái hiện một không gian sinh hoạt truyền thống của người dân thôn quê để con em lớn lên biết cha ông đã sống và làm việc như thế nào.

Bà Khiếu sinh ra và lớn lên ở xã Xuân Tân (Xuân Trường, Nam Định), sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (năm 1978), bà được phân công về giảng dạy trường cấp 2 tại xã Giao Thịnh cho đến lúc về hưu. Sống ở quê, bà thấy ngôi làng của mình có nhiều thay đổi nhưng có sự thay đổi làm cho bà phải bận lòng. Hiện bà Khiếu đang xây dựng một công trình có sự kết hợp giữa trưng bày hiện vật và thư viện trong một quần thể với 5 ngôi nhà rộng hơn 5.000m2. Mỗi ngôi nhà thể hiện mỗi phong cách khác nhau.


Bà Khiếu bên ngôi nhà thể hiện cho tầng lớp trung nông

Bà Khiếu chia sẻ: Hiện ở quê bao nhiêu vật dụng của người dân như mâm, nồi, đèn dầu… bằng đồng đều bị bán hết. Ngoài ra, cày bừa, gầu tát nước, nong nia, rổ rá… ít người sử dụng. Thay vào đó là nồi cơm điện, mâm nhôm, nồi i-nốc, rồi máy cày, máy hút nước. Điều bà lo lắng nhất là sau này khi bọn trẻ lớn chúng có biết được thế hệ cha ông sống như thế nào? Bọn trẻ nó được học trên sách vở nhưng chứng kiến tận mắt thì không thể.

Hơn 10 năm qua, bà Khiếu rong ruổi về từng làng quê, ngõ xóm tìm kiếm, nhặt nhạnh những nông cụ có nguy cơ biến mất. Những vật dụng nho nhỏ được bà con tặng, cái có giá trị thì bà bỏ tiền mua. Khoản tiền lương hằng tháng đều bị bà “nướng” vào sở thích khác người này.

Hiện bà Khiếu đã là chủ sở hữu “tài sản” khoảng 1.000 hiện vật bao gồm: mâm, nồi, đèn dầu… bằng đồng. Ngoài ra còn có hàng trăm nông cụ sản xuất của nông dân như: cày bừa, cuốc thuổng, gầu tát nước, nong nia, rổ rá các loại, cối xay thóc… Và thư viện, hiện tại bà đã có hơn 1.000 đầu sách.

Có hiện vật, có sách bà Khiếu dồn tiền đầu tư xây dựng nhà để trưng bày hiện vật. Dẫn chúng tôi tham quan, bà Khiếu mô tả về công trình của mình: Quần thể khu bảo tàng kết hợp với thư viện gồm có 5 ngôi nhà với 5 phong cách khác nhau, nó thể hiện cho các giai đoạn phát triển của bộ mặt xã hội theo chiều dài lịch sử đất nước của làng quê Việt Nam.

Bà Khiếu cho biết: Ngôi nhà thứ nhất được xây dựng và trưng bày vật dụng cho tầng lớp nông dân nghèo, được gọi là nhà của bần nông. Đặc điểm chính của ngôi nhà này tường được đắp đất (trát vách), nền được san phẳng bằng đất, mái được lợp bằng rạ.

Trước nhà là một mảnh vườn nhỏ, được trồng hai cây cau diễn tả lại việc dùng hai cây cau như hai cây cột để buộc dây phơi quần áo, trong nhà còn được sắp đặt có một chiếc cối xay được làm bằng tre và gỗ, cối giã gạo. Ngoài ra trưng bày cày, cuốc, đôi quang gánh, thúng mẹt, vó tép… là những đồ dùng cơ bản nhất của tầng lớp những người nông dân nghèo.


Bà Ngô Thị Khiếu giới thiệu về các dụng cụ sinh hoạt của người nông dân

Ngôi nhà thứ hai biểu trưng cho tầng lớp trung nông, được xây dựng bằng gạch với kết cấu kiên cố hơn so với nhà bần nông. Ngôi nhà có thêm gian buồng, mái nhà được luồn gianh, lợp bổi; bên trong được bố trí ngăn nắp với các đồ dùng sinh hoạt của tầng lớp này với chạn bát, giường chiếu. Ngôi nhà sau khi đưa vào sử dụng còn là nơi biểu diễn nghề dệt cói truyền thống của quê hương.

Thể hiện cho tầng lớp địa chủ là ngôi nhà thứ ba, được xây dựng kiên cố, các khung cửa, cánh cửa được làm bằng gỗ lim và sến, mái nhà được lợp ngói, quá giang ngôi nhà, vì kèo cũng đều được làm bằng những loại gỗ quý. Trong nhà cũng có rất nhiều các hiện vật có giá trị tượng trưng cho tầng lớp quyền lực lúc bấy giờ với giường, sập gụ, tủ...

Ngôi nhà thứ tư được thiết kế xây dựng theo kiểu gác tường, được lợp ngói, nó thể hiện cho sự phát triển của xã hội có sự kết hợp cổ kim, quá giang của ngôi nhà được chạm trổ tinh vi, nghệ thuật thể hiện con mắt thẩm mỹ của người Á Đông.

Và ngôi nhà thứ 5 mang phong cách hiện đại, được xây dựng bằng bê tông cốt thép, thiết kế theo mô hình bảo tàng nhưng không cầu kỳ, khi sử dụng sẽ tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên để phản ánh các đồ vật trưng bày.

Toà nhà được xem là điểm nhấn quan trọng nhất của khu bảo tàng với kết cấu hình khối 4 tầng, tầng 1 dành cho bộ phận lễ tân. Tầng 2 và 3 là bảo tàng, nơi sẽ trưng bày các hiện vật được sưu tầm với giá trị lịch sử phát triển của nông thôn Việt Nam qua từng thời kỳ. Tầng 4 là thư viện sẽ cung cấp các đầu sách cổ kim được một số chuyên gia tư vấn và sưu tầm.

Không vì tiền

Ông Phạm Đức Thành, Phó chủ tịch UBND xã Giao Thịnh, cho biết:

Khi biết được ý tưởng của bà Khiếu, lãnh đạo xã đã có nhiều lần kiểm chứng thông tin và nhận thấy đây là một công trình thiết thực với địa phương, nó phù hợp với sự phát triển của thôn quê. Mặt khác, từ thị trấn Quất Lâm đến đây chỉ có 7km, chúng tôi nghĩ khi công trình của bà Khiếu hoàn thành sẽ có nhiều du khách đến đây tạo điều kiện phát triển ngành dịch vụ.

Nguồn cơn xây dựng công trình đồ sộ này, bà Khiếu cho hay, trong một lần bà tham dự khai trương trường mầm non của Bỉnh Di, thấy trường còn thiếu thốn quá nhiều thứ, mang tiếng là trường mầm non nhưng chỉ có mỗi cái “xác nhà”, không có nơi vui chơi, giải trí, đồ dùng học tập cho các cháu. Thấy vậy, bà nêu ý tưởng xây dựng thư viện với gia đình và mọi người đều ủng hộ, cho dù kinh tế gia đình cũng không khá giả lắm.

Được sự nhất trí cao của cả gia đình, bà mạnh dạn lập hẳn một đề án xây dựng bảo tàng kết hợp với thư viện. Sau khi hoàn thành bà đặt vấn đề này lên lãnh đạo xã xin thầu khu đất bỏ hoang cạnh trường mầm non làm thư viện để phục vụ các cháu học sinh và người dân. Được sự đồng ý của xã, bà tự bỏ kinh phí xây dựng một khu bảo tàng nhằm lưu giữ lại những nét văn hoá của người dân lao động nông thôn vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Trong quá trình làm đề án, bà Khiếu có đi tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia về văn hoá, lịch sử và nhận được sự chỉ dẫn nhiệt tình. Toàn bộ khu vực này đều được xây dựng rất đơn giản, thân thiện và phù hợp với văn hoá vùng miền theo chiều dài lịch sử phát triển của khu vực.

Nói về phương pháp quản lý trong tương lai, bà Khiếu cho biết: Hiện tại bà đã sắp xếp ổn định về nhân sự, trong đó có những người con của quê hương đã học qua trường lớp về văn thư và du lịch cùng tham gia quản lý bảo tàng và thư viện. Trong quá trình khai thác, sẽ miễn phí tham quan, vui chơi giải trí và đọc sách cho học sinh, sinh viên và bà con trong huyện.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm