Toàn bộ sổ đỏ của gia đình anh sẽ được “cắm” để vay tiền, nghĩa là nuôi chạch không thành công, cả nhà sẽ phải ra đê mà ở… Tuy thế, anh vẫn chắc một niềm tin thời gian sắp tới trang trại của mình sẽ là điểm cung cấp giống và thu mua chạch xuất khẩu cho toàn tỉnh Hải Dương.
>> Những người ''uống nhầm mật gấu''
1. Tân Kỳ (Tứ Kỳ, Hải Dương) là “thánh địa” của loài chạch bùn từ xưa đến nay. Cánh đồng Triều Rồi của làng, một nhát cuốc bổ xuống là có ba bốn con chạch no tròn, vàng ươm, mũm mĩm rơi ra. Những vũng bùn có nhiều lỗ hút nhỏ như cái tăm chính là chỉ dấu hang ổ của loài ưa lẩn trốn này.
Ở thôn Nghi Khê xã Tân Kỳ có một đội trai làng săn chạch liên tỉnh thuộc loại thiện chiến nhất miền Bắc với quân số cả trăm người chuyên đi lùng những chỉ dấu. Hết sang Bắc Ninh, Hưng Yên họ lại vòng xuống Hải Phòng, Thái Bình. Dụng cụ mang theo chẳng cầu kỳ gì ngoài cái giỏ, cái chậu và cái cuốc.
Đám trai làng phiên chế thành từng tốp dăm ba người, mỗi tốp hùng cứ một phương. Một buổi xắn chạch mỗi người thu vài cân, bỏ túi ngon ơ hai ba trăm ngàn, đó là chưa kể khi trúng ổ, khai thác mệt nghỉ. Ở đâu có “mỏ chạch” đều có vết dấu của thợ săn Nghi Khê. Năm nay khai thác, năm sau nhớ đường họ quay lại thu tiếp. Mùa săn chạch bắt đầu từ tháng 8 âm cho tới tận tháng 11, 12 thậm chí qua Tết, khi những con chạch trú đông ở sâu dưới ba bốn gang bùn. Giờ chạch có giá, người săn nhiều, sản lượng giảm sút trông thấy.
2. Anh Nguyễn Công Thật tuy quê ở Tân Kỳ thật nhưng không phải tay săn chạch ngoại hạng mà chỉ là một anh thợ điện nước bình thường. Đang quen với đi dây, đặt ống, quen với ổ cắm, công tắc một buổi lang thang trên internet anh tự nhiên vào di chuột vào mục nuôi chạch đồng rồi bị con vật trơn nhẫy này “bỏ bùa mê thuốc lú”. Cả 9 ròng tìm tòi thông tin trên mạng không biết chán, anh quyết định phóng xe máy vượt mấy trăm cây số về tận huyện Nghĩa Hưng tỉnh Nam Định xem mô hình sản xuất giống cá chạch. Xem rồi, lại càng quyết tâm hơn, anh về đấu thầu 4,6 mẫu đất ruộng trũng ở cánh đồng làng với mức trả sản 90kg thóc/sào/năm để gây dựng ước mơ nuôi chạch trong khi cả tỉnh Hải Dương chưa có ai nuôi, họ hàng, anh em ra sức phản đối kịch liệt.
Anh Thật trong trang trại nuôi chạch
Dèm pha thì mặc dèm pha, anh Thật ôm một bọc tiền xuống Nam Định mua giống. Không chọn lấy chạch hương để có thể nuôi được ngay mà anh chọt mua chạch bột - loại mới nở, nhỏ li ti lẫn trong nước với đơn vị đong bằng chén, mỗi chén một vạn, mỗi vạn giá 1 triệu 500.000 đồng. Chạch giống được đóng vào bao, bơm ô xy, đưa vào thùng xốp, cho ngồi ô tô điều hòa cùng anh Thật về quê. Riêng tiền giống đã ngốn của anh mất 150 triệu đồng.
Cặm cụi đưa chạch bột vào tráng nuôi gột lên 10-12 ngày, đạt tỷ lệ sống 70% - một thành công lớn đối với kẻ lần đầu tiên ương giống. Kiến thức về vật nuôi mới của anh là những gì sót lại của tháng ngày ấu thơ đầu trần, quần cộc đi tát vét. Anh bảo mọi người hay nhầm tưởng chạch đào hố, đào hang giỏi nhưng hễ xắn tầm đáy là chạch hết đường chạy, không chui được qua bờ bao như lươn. Mọi người hay nhầm tưởng chạch là loài da trơn nhưng chúng lại có vảy, trên thân phủ đầy vảy tròn trừ mỗi đầu không có. Dân gian khi làm chạch vẫn phải dùng tro bếp hoặc nắm lá tre xát bong tơi những vảy nhỏ li ti chứ không như làm lươn chỉ xát tuột ra mỗi nhớt. Vì thế người ta mới gọi cá chạch chứ không ai gọi là cá lươn cả.
Tôi hỏi lý do đầu tư nuôi, anh cứ thật như chính cái tên bố mẹ đặt cho mà rằng: “Nuôi chạch có lắm cái tiện là giữ nguyên hiện trạng ruộng, chỉ cơi bờ lên chứ không đào xới nên chi phí đầu tư ít. Chạch nuôi được quanh năm, chưa thấy bất kỳ thông tin nào nói chạch có bị bệnh tật gì xâm hại đáng kể chứng tỏ sức đề kháng của chúng rất tốt. Chạch là con đặc sản xuất khẩu lắm, nội tiêu cũng nhiều, bên cung ứng giống lại hứa bao tiêu luôn sản phẩm với giá khoảng 100.000đ/kg. Đầu vào không phải lo, đầu ra không phải nghĩ thì không có lý do nào lại không làm. Đã thế mặt nước để nuôi trồng thủy sản thì có nhiều nhưng thích hợp cho con chạch lại rất ít. Đất phải không chua, nước phải có nhiều màu, lắm phù du mới hợp chứ ao tù không mấy khi thấy chạch. Quê tôi hội đủ những điều ấy vì đó là đất trạch mà…".
Huyện Tứ Kỳ đang phải đối diện với nỗi lo có 35ha đất ruộng bị bỏ trắng tại 10 xã do cấy lúa thu hoạch quá bấp bênh. Mô hình chạch đồng của anh Thật được lãnh đạo huyện kỳ vọng sẽ là một chiếc chìa khóa vàng mở lối thoát cho tình trạng hoang phí này. |
Một cái lều gỗ ven đường, lồng lộng hương đồng, gió nội. Một máy tính nối mạng để cập nhật thông tin, khi gia chủ chưa thỏa mãn sẵn sàng bốc điện thoại hỏi tiếp. Một cặp vợ chồng sáng cắm cúi bên những tráng ương chạch bột, chiều chống xuồng té thức ăn cho chạch nuôi thương phẩm. Thức ăn của chạch là một hỗn hợp của cám gạo, bột ngô, bột đậu tương, ốc bươu vàng xay nhuyễn. Đám chạch ăn dưới bùn, nghe chẳng sướng cái lỗ tai như cá ăn nên phải dùng mắt để quan sát. Hễ gió ở đâu, tăm dạt về đấy, cứ ba cái tăm sít nhau nổi thành đám, thành vòng là chúng đang tranh mồi dưới bùn.
Cứ cách một đoạn trên mặt nước anh Thật căng khung gỗ làm những ô chứa bèo. Đó là những "nhà nghỉ" cho lũ chạch mỗi khi có nắng. Thỉnh thoảng anh đặt bát quái (một dụng cụ săn bắt thủy sản) vào buổi đêm để sáng ra kiểm tra độ lớn của chúng. Hiện nay chạch trong hồ đồng đều to bằng đầu đũa, dài 4-5cm con nào con nấy béo múp đầu dự kiến cận Tết là cho thu hoạch.
3. Tôi tò mò hỏi anh chuyện thu hoạch thế nào? Dùng sức người để xắn bắt đến bao giờ cho hết cả triệu con? Anh Thật bảo giờ đã có bẫy chuyên dụng chứ tát vét, xắn bắt bao giờ mới xuể. Đội thu hoạch chuyên nghiệp sẽ sử dụng chính sách “chia để trị” như sau: Lấy lưới ngăn chia hồ thành từng ô rồi dùng bẫy đặt theo hướng đường đi quen thuộc rồi “lùa” chạch vào, hệt như người ta lùa vịt. Tài tình đến mức chỉ dăm sáu người một ngày có thể đặt bẫy thu 2-3 tấn chạch, hồ dù có rộng đến mấy chỉ vài ngày là vét gần như sót không quá một vài phần trăm.
Lứa đầu tiên nuôi chạch nhưng anh Thật quyết chơi tới cùng khi thuê thêm 8 mẫu ruộng làm khu chăn thả thứ hai. Riêng chuyện quy tụ đất đai của 120 hộ dân với tập hợp đồng dày cả gang tay là cả một chặng đường đầy gian khổ. Đến từng nhà, giải bài toán lợi ích cho từng người để thương thuyết, nhận được cái gật đầu của họ rồi mới họp xóm, có chứng kiến của trưởng thôn để bàn giao, ký kết.
Hết cái khó thuê đất lại đến nỗi lo vốn liếng. Toàn bộ sổ đỏ của gia đình anh sẽ được “cắm” để vay tiền, nghĩa là nuôi chạch không thành công, cả nhà sẽ phải ra đê mà ở… Tuy thế, anh vẫn chắc một niềm tin thời gian sắp tới trang trại của mình sẽ là điểm cung cấp giống và thu mua chạch xuất khẩu cho toàn tỉnh Hải Dương.
“Chúng tôi đang định hướng thành lập Hiệp hội nuôi chạch với thành viên là những chủ trại từ Thanh Hóa trở ra, tất tật có trên 40 người. Ở mỗi tỉnh sẽ có một điểm cung ứng từ giống, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc đến thu mua trọn gói để dần dần hình thành một mạng lưới chạch toàn miền Bắc”.