Di chứng của căn bệnh bại não đã làm cho đôi tay của Tuấn tê liệt nhưng bằng nghị lực phi thường, Tuấn đã khiến mọi người kinh ngạc bởi khả năng viết, vẽ, sinh hoạt chỉ bằng đôi chân của mình.
Lời ru buồn
Nguyễn Kiều Anh Tuấn, SN 1994 là con thứ hai, cũng là con trai duy nhất trong gia đình nông dân có bốn chị em ở cụm 8 xã Sen Chiểu (Phúc Thọ, Hà Nội). Từ lúc sinh ra, Tuấn đã không được may mắn như bao bạn bè cùng trang lứa. Di chứng của căn bệnh bại não đã làm tứ chi Tuấn co quắp, nhiều năm không thể đi lại, cầm nắm bất cứ thứ gì. Đó từng là nỗi đau tê tái của bố mẹ Tuấn, đó cũng đã từng là thiệt thòi của cậu bé Tuấn vào những năm đầu tiên trong cuộc đời mình. Đôi tay không có khả năng vận động, giọng nói của Tuấn cũng vì thế mà không được tròn trịa, việc đi lại cũng từng rất khó khăn, đau đớn. Gia đình chạy vạy đưa em chạy chữa nhiều nơi nhưng chỉ phục hồi được đôi chân để có thể đi lại.
Những ngày rét mướt đầu tháng Giêng năm 1994 là chuỗi ngày mà mẹ của Tuấn, chị Nguyễn Thị Hoa (SN 1972) mỗi khi nhắc lại vẫn nhiều đau đớn, xót xa. Ngày ấy, Tuấn cất tiếng khóc chào đời trong ngày đông rét đậm khi chị Hoa có mang tháng thứ 7. Vì sinh non nên thể trạng của Tuấn rất yếu ớt. Bác sĩ khuyên gia đình nên phải chữa chạy cho Tuấn trong điều kiện đặc biện để tránh biến chứng nhưng hồi đó, gia đình anh Nguyễn Kiều Hồng và chị Nguyễn Thị Hoa quá nghèo, không đủ tiền chạy chữa kịp thời đã khiến Tuấn mắc phải căn bệnh bại não. Đến bây giờ, đó vẫn là một nỗi ân hận lớn khiến ngần ấy năm trời vợ chồng anh chị phải dằn vặt, trăn trở vì đứa con trai trong mỗi giấc ngủ.
Tuấn đang tự học
Gạt nước mắt, gia đình đưa Tuấn chạy chữa khắp nơi nhưng thể trạng đứa con trai duy nhất vẫn chẳng khá hơn. Những ngày Tuấn lên ba, lên bốn, anh Hồng cố tập đi cho con mà nước mắt trào ra. Chân con yếu quá đi không được, anh Hồng nóng nảy quát gào lên mà thương con đau xót. “Không bỏ cuộc, tôi kiên trì tập cho Tuấn đi, tay liệt nhưng chân phải đi được nếu không chặng đường đời dài lê thê, khi bố mẹ ngã xuống con biết dựa dẫm vào ai”, anh Hồng nhớ về những năm tháng ấy.
May sao, sự yêu thương, tận tình của người cha nghèo với đứa con tật nguyền cũng được đền đáp. Sau một thời gian dài khổ luyện, Tuấn đã tự bước đi bằng chính đôi chân của mình với niềm hạnh phúc khôn tả của gia đình.
Đôi chân chiến thắng số phận
Năm 2002, Tuấn được nhận vào Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ khuyết tật Thụy An (Ba Vì, Hà Nội). Từ đây, cuộc đời của Tuấn đã sang trang mới. Những ngày đầu đưa Tuấn vào trung tâm Thụy An, giống như bao gia đình khác, vợ chồng anh Hồng, chị Hoa và con trai mình phải trải qua rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Tuấn thích nghi rất nhanh. Trong môi trường mới, với sự tận tình chăm sóc, dạy dỗ của những người bảo dưỡng cùng với sự nỗ lực của bản thân, em đã luyện thành thục đôi chân của mình.
Dù đôi tay “có cũng như không” nhưng ngược lại, Tuấn đã dùng đôi chân để chiến thắng số phận. Đôi chân diệu kỳ ấy tự giặt quần áo, rửa mặt, đánh răng, tự xúc cơm... một cách thuần thục chứ không như ngày trước phải phụ thuộc người nhà.
11 tuổi làm được mọi việc, Tuấn nghĩ sao mình không tập viết bằng đôi chân? Với một người mới tập viết bằng tay đã khó, đối với Tuấn quá trình đó còn khó khăn hơn gấp nhiều lần. Không ít lần, bàn chân em bị co rút, rớm máu đau nhức nhưng điều đó cũng không làm Tuấn chán nản và từ bỏ tập luyện. Sau bao nỗ lực không biết mệt mỏi, cuối cùng những chữ cái O, A… từ đôi chân của chàng trai “có đôi tay vẫn như không” ấy cũng thành hình.
Ngày 8/3, đầu tiên mà chị Hoa hạnh phúc nhất trong cuộc đời đó là ngày 8/3 năm 2004, khi chị nhận được thư của Tuấn gửi về từ Trung tâm sau gần 3 năm vào điều trị. Lúc đó, Tuấn chưa biết viết, bức thư đơn giản là một bức tranh, vẽ một bông hoa đơn giản, có 5 cánh hoa màu đỏ, lá màu xanh. Chị Hoa khóc nức nở thương con, chị đạp xe một mạch hơn 10 km từ nhà đến ngay trung tâm Thụy An thăm con trong niềm vui vỡ òa, hạnh phúc.
“Lúc đó, tôi xúc động lắm. Không nghĩ là thằng bé biết vẽ tặng mẹ đâu, tay nó thế kia... Nhưng rồi, tôi mới biết nó vẽ tranh tặng mẹ bằng chân mà lòng tôi nghẹn ngào không nói nên lời. Kể từ đó, cứ vào ngày 8/3 hay 20/10, tôi liên tục nhận được tranh, được thơ của Tuấn. Thằng bé ngoan và thương mẹ lắm”, chị Hoa nghẹn ngào nhớ lại.
Viết được, Tuấn được các cô chú trong Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ khuyết tật Thụy An cho đi học lớp 1 tại trường Tiểu học Thụy An (huyện Ba Vì). Thời gian đầu đến lớp, Tuấn được nhà trường dành riêng 1 chiếc ghế dài để có thể ngồi nghe giảng và viết. Những tưởng, trước những khuyết tật trên cơ thể, Tuấn sẽ mặc cảm, giấu mình, tâm hồn bị chai sạn đi bởi nước mắt, thiệt thòi, đau đớn. Nhưng trước những lần quát tháo vô cớ của cha, nỗi âu lo đằng đẵng của mẹ những ngày mất mùa cùng sự quan tâm, chăm sóc của những cô, chú tại môi trường mới, Tuấn biết, mình phải cố gắng nhiều hơn người khác trong cuộc sống: "Tuy em khuyết tật nhưng không có nghĩa là em vô dụng. Mỗi người đều có một cuộc sống của riêng mình, trước mắt, cuộc sống của em là sự nỗ lực, giảm gánh nặng cho bố mẹ. Còn về lâu dài, cuộc sống của em đó là cuộc sống của một công dân có ích cho xã hội, một người con có hiếu với bố mẹ”.
Và, không những em luyện viết thành thục được chữ mà thành tích học tập của em cũng thật đáng nể. Dù học muộn hơn những bạn bè cùng trang lứa nhưng suốt 8 năm học, Tuấn luôn được danh hiệu học sinh tiên tiến, tiên tiến xuất sắc. Em từng hai năm liền là gương vượt khó học giỏi, được Sở Giáo dục - Đào tạo tặng giấy khen.
Ước mong thành nhà thơ
Tuấn có khả năng làm thơ, thổi sáo bằng chân. Đến giờ, em đã sáng tác được hơn 50 bài thơ, đa số viết theo thể thơ lục bát và tứ tuyệt. Những bài thơ Tuấn viết với một tâm hồn trong sáng, lạc quan nhưng cũng rất già dặn, chín chắn. Em chọn thơ, chọn tranh để cùng mình lớn lên từng ngày.
Trong cuốn sổ tay được cô hiệu trưởng trường cấp hai em đang theo học tặng, những bài thơ Tuấn viết ngay ngắn, rõ ràng với những vần thơ đầy suy tư, chiêm nghiệm: “…Thân tôi đối mặt trăm phiền/ Nhân duyên đưa đến đạo hiền lý tiên/ Giờ đây tâm đã tu thiền/ Lòng hiền như khí thiên nhiên sắc màu…” (trích bài thơ “Ký ức đời tôi”).
Một bài thơ của Tuấn
Với Tuấn, thơ là liều thuốc tinh thần để mình gửi gắm tâm tư, khích lệ những mảnh đời bất hạnh như mình để qua đó nhìn thấy cuộc đời vui hơn, trong sáng hơn chứ không phải theo kiểu tả về vật chất. “Có thể đối với nhiều người, thơ là một cái gì đó đã cũ, đã xa xôi nhưng với em, đơn giản, thơ là thứ mà em thấy mình có khả năng, mỗi khi làm thơ, em cảm thấy tự tin, thấy yêu đời và trút được nhiều suy nghĩ”, Tuấn bộc bạch.
Nói về con trai mình, anh Hồng chị Hoa không phủ nhận Tuấn từng là gánh nặng của gia đình. Tuy nhiên, khi nhìn vào Tuấn bây giờ, dường như anh Hồng chị Hoa lại không khỏi tự hào vì đứa con tật nguyền giàu nghị lực. Không phải vì tin Tuấn có thể làm được nhiều điều hơn nữa, mà đơn giản, khi nhìn vào con, biết con đang cố gắng từng ngày vì bố mẹ, là anh chị đã cảm thấy đôi vai nhẹ nhõm đi nhiều.
Anh Hồng tâm sự: “Nhà tôi nghèo lắm. Tôi là phụ hồ từng đi làm nhiều công trình trên thành phố, nhưng tiền công lần này qua lần khác bị khất không có tiền về lo cho vợ con mà buồn khổ lắm. Nhiều khi bất lực, tôi chỉ muốn uống rượu say rồi lao xe ra ngoài đường cho chết đi, sống khổ quá. Nhưng, khi tỉnh dậy, lại nghĩ, may mà không chết, chết thì lấy ai nuôi các con. Chết thì xấu hổ với thằng Tuấn, nó khuyết tật mà nó vẫn mạnh mẽ, kiên cường, còn bố thì yếu lòng trước khó khăn thì làm sao sau này con trai vững vàng trên đường đời được”...
Sau 10 năm sống trong “ngôi nhà tình thương” ở Trung tâm Phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật An Thụy (huyện Ba Vì), Tuấn đã thành một chàng trai cứng cỏi và trở về bên gia đình thân thương. Hiện giờ, Tuấn đang theo học tại lớp 8A, trường THSC Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ, Hà Nội). Ngoài thời gian lên lớp, Tuấn về nhà phụ giúp bố mẹ một số việc vặt trong nhà. Khi hỏi về ước mơ, Tuấn chia sẻ: “Hiện tại, em chỉ biết tập trung học tập tốt để không còn là gánh nặng của gia đình. Sau này, em mong mình có thể trở thành một nhà thơ!”.