| Hotline: 0983.970.780

Mộ đá bên dòng Păng Pơi

Thứ Hai 10/12/2012 , 14:02 (GMT+7)

Dòng suối Păng Pơi chảy từ thảo nguyên Sín Thầu, qua Sen Thượng, Leng Su Sìn trước khi đổ ra thượng nguồn sông Đà ở tỉnh Lai Châu. Hai bờ Păng Pơi là thủ phủ của người Hà Nhì, dân tộc có phong tục xếp đá lên những ngôi mộ những người mà họ mang ơn sâu nặng.

Cực Tây Tổ quốc nằm ở huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên), một trong những nơi xa nhất, nghèo nhất, gian khổ nhất của vùng Tây Bắc. Vậy mà, trong gian khổ ấy, những con người, những bản làng các dân tộc vẫn đoàn kết, bám trụ sinh sống, để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc Việt Nam.

Mộ đá bên dòng Păng Pơi

Dòng suối Păng Pơi chảy từ thảo nguyên Sín Thầu, qua Sen Thượng, Leng Su Sìn trước khi đổ ra thượng nguồn sông Đà ở tỉnh Lai Châu. Hai bờ Păng Pơi là thủ phủ của người Hà Nhì, dân tộc có phong tục xếp đá lên những ngôi mộ những người mà họ mang ơn sâu nặng.

Mộ đá cho người đưa bản ta về bên dòng suối

Mấy chục năm trước, cực Tây Tổ quốc là vùng đất ngã ba biên giới heo hút cách trung tâm huyện lỵ Mường Tè (Lai Châu cũ) gần 200 cây số đường rừng. Người Hà Nhì là những cư dân đầu tiên và có số lượng đông nhất đây. Họ sống lang thang trên những ngọn đồi cao nhất, trong những khu rừng sâu nhất của Leng Su Sìn (lúc đó còn thuộc xã Chung Chải, huyện Mường Tè).

Đói ăn, đói mặc, lại phải thường xuyên đối mặt với thú dữ và bọn thổ phỉ. Phỉ có mặt khắp nơi, người Hà Nhì phải làm nhà trình tường, tường đất dày cả nửa mét, đêm xuống chẳng ai dám ra khỏi nhà, lấy than nứa làm muối đem trộn với ngô làm thức ăn, lấy lá gianh đắp lên người để chống lại những đợt sương muối mùa đông. Cuộc sống cứ hoang hoải như thế cho đến nhưng năm 1957 khi bộ đội biên phòng lên tìm người Hà Nhì lập thành làng, thành bản.

Bây giờ, sau khi tách tỉnh, tách huyện thì cực Tây Tổ quốc vẫn là thủ phủ của người Hà Nhì. Họ sống tập trung tại các xã biên giới Chung Chải, Leng Su Sìn, Sen Thượng và Sín Thầu. Phong tục xếp mộ đá là một nghĩa cử tri ân những người lính biên phòng, những "người lạ" đầu tiên lên mảnh đất này.

Cạnh Đồn Biên phòng Leng Su Sìn (xã Leng Su Sìn) có một quả đồi tên là đồi ông Thọ. Trên đỉnh đồi, một ngôi mộ đá được xếp từ hàng ngàn, hàng vạn viên đá cuội sạch sẽ được lấy từ dưới lòng suối Păng Pơi. Cách đó vài chục mét, trước cổng đồn có một tấm bia lớn khắc tên 29 anh hùng liệt sĩ.

Thiếu tá Nguyễn Đình Lập, Tổ trưởng tổ công tác vận động quần chúng, hiện đang làm Phó Bí thư xã Leng Su Sìn giải thích rằng, những chứng tích này đều do người Hà Nhì dựng nên để tưởng nhớ công ơn của Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Thọ, một chiến sĩ bộ đội biên phòng quê ở xã Việt Thành, huyện Trấn Yên (Yên Bái). Người Hà Nhì có thể còn nghèo, còn lạc hậu, nhưng cái tên Trần Văn Thọ thì không ai là không biết cả.

Vào bản Su Sìn, nơi có 50 hộ dân Hà Nhì đang sinh sống, Thiếu tá Lập dặn tôi đừng có ngạc nhiên nếu thấy người Hà Nhì vẫn còn khóc dù chuyện đã xẩy ra cách đây nửa thế kỷ rồi. Cụ Lý Kim Khoa (83 tuổi), người già nhất bản, minh mẫn, khỏe mạnh. Nhắc chuyện anh Thọ, cụ nhớ mồn một, thỉnh thoảng lại khóc, lần nào cũng thế.


Cụ Khoa bên đồi anh hùng Trần Văn Thọ

Cụ Khoa nhớ rằng, mới đầu thấy bộ đội biên phòng người Hà Nhì rất sợ. Sợ là vì bọn phỉ hoành hành ở vùng biên này tuyên truyền bộ đội người Kinh ăn thịt người, răng bộ đội to như trái chuối rừng… Cứ thấy bóng bộ đội là người Hà Nhì lại bỏ cửa bỏ nhà sang khu rừng khác. Ròng rã năm tháng, bộ đội biên phòng dựng nhà, lập bản xong mới “mời” các hộ dân về ở.

Tận tâm nhất là anh hùng Trần Văn Thọ. Anh đến tận từng nhà, chia từng chiếc áo ấm, từng nắm gạo để thuyết phục người Hà Nhì về lập thành bản bên dòng suối. Rồi khi chỗ ở đã ổn định rồi, anh Thọ lại đi bộ cả tháng trời ra Mường Tè, Mường Chà mua lưỡi cày, dao phát cỏ, hạt thóc giống cõng về chỉ cho dân cách làm đất, dạy cho dân cách gieo cấy cây lúa nước.

Vụ đầu tiên “ruộng anh Thọ” thu hoạch hơn 50 kha chi (gùi). Vụ sau mỗi gia đình có cả tấn lúa, dư ăn nên cho huyện hơn chục tấn để cứu đói các bản khác. Vì thế mà bấy giờ, mỗi khi cúng lúa mới thì người Hà Nhì xem Anh hùng Trần Văn Thọ là ông tổ của cây lúa nước ở vùng biên này.

“Khi còn ăn củ nâu củ bấu thay cơm thì cán bộ Thọ cùng ăn với dân. Nhờ có cán bộ Thọ, dân bản có bát cơm thơm, nồi canh ngọt thì cái miệng của cán bộ Thọ lại không biết ăn nữa rồi”, cụ Khoa bùi ngùi. Năm 1961, anh Trần Văn Thọ bị sốt rét ác tính. Từ Leng Su Sìn ra đến bệnh viện gần nhất của tỉnh Lai Châu cũng phải mất chục ngày đi bộ. Anh mất. Dân bản tiếc thương vô hạn. Mỗi người dân xuống suối nhặt một hòn đá đặt lên mộ người lính biên phòng đã thay đổi dân tộc họ. Một ngôi mộ đá khổng lồ nằm trên đỉnh núi Leng Su Sìn.

Trưởng bản Su Sìn Lý Kim Thành, con trai cụ Khoa, bảo: Nhờ có ơn bộ đội mà dân Hà Nhì mới có được ngày hôm nay. Mỗi khi có dịp, họ lại hát bài "Dòng suối Păng Pơi" để tưởng nhớ anh hùng Trần Văn Thọ: “A cồ ơi, a nhí ơi, ai đưa bản ta về bên dòng suối, ai đưa bản ta thoát khỏi đói nghèo, ai mang cho ta cây lúa chắc bông nặng hạt. Anh Thọ đó, người bộ đội”.

Mộ đá cho người bảo vệ bản làng

Sau khi anh hùng Trần Văn Thọ mất, năm 1979, người Hà Nhì đón thêm một lần đại tang nữa. Đó là khi cuộc chiến tranh biên giới nổ ra, hơn 20 chiến sĩ bộ đội biên phòng tiếp tục hi sinh để giữ bình yên cho dân bản. Không thể đếm hết người để làm mộ đá nên người dân các bản bèn dựng lên một tấm bia để tưởng nhớ công ơn bộ đội biên phòng.

Chiến tranh kết thúc, cứ tưởng nỗi đau sẽ nguôi ngoai, nhưng không, ở vùng biên này phỉ vẫn lộng hành, thỉnh thoảng lại đe dọa cuộc sống người dân, dòng suối Păng Pơi vì thế vẫn quặn thắt mỗi khi có người ngã xuống.

Ngược dòng Păng Pơi từ bản Su Sìn lên khoảng 8 km là xã bản Sen Thượng (xã Sen Thượng), nơi cũng có một ngôi mộ đá không hài cốt mà người Hà Nhì đắp lên để tưởng nhớ công ơn của một chiến sĩ biên phòng. Khác với mộ đá anh hùng Trần Văn Thọ, ngôi mộ này chỉ mới đắp lên vào tháng trước.

Trưởng bản Sen Thượng Trang Ché Lòng nói chuyện một cách khá mơ hồ, như thể nỗi đau làm cho ông không còn tỉnh táo nữa: Bộ đội Năm đã đi xa rồi, không còn đến bản Sen Thượng này để khám bệnh, cấp thuốc cho bà con mình được nữa rồi.


Bia tưởng niệm các liệt sĩ hi sinh ở xã Leng Su Sìn

Bộ đội Năm mà vị trưởng bản nhắc đến là thượng úy Lương Minh Năm, chiến sĩ quân y của Đồn biên phòng Sen Thượng. Cũng như Leng Su Sìn, Sen Thượng là nơi sinh sống của 3.000 người dân Hà Nhì.

Năm 1967, liệt sĩ Trần Văn Thọ được Bác Hồ phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đầu tiên của bộ đội biên phòng. Sau khi liệt sĩ Lương Minh Năm hi sinh, Trung ương Đoàn quyết định truy tặng huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm.

Nhớ công lao Bộ đội biên phòng, rất nhiều thế hệ thanh niên đã chọn con đường quân ngũ để bảo vệ biên giới quê hương. Chỉ riêng bản Su Sìn đã có vài chục người tham gia cách mạng. Nhiều lần cấp huyện tổ chức di dời hài cốt anh hùng Trần Văn Thọ về nghĩa trang tỉnh nhưng người Hà Nhì đều cố gắng giữ lại, mãi về sau này mọi việc mới êm xuôi.

Như một sự tri ân, người Hà Nhì được xem là dân tộc thiểu số hiếu học nhất ở cực Tây Tổ quốc. Năm 2011 có đến 17 em đậu vào các trường đại học, cao đẳng.

Mãi một lúc lâu trưởng bản Lòng mới bình tĩnh mà kể rằng: Trước đây người Hà Nhì ở Sen Thượng sống rải rác, bị chết nhiều do không biết thuốc thang mỗi khi có bệnh tật. Từ khi có bộ đội biên phòng lên cắm đồn, lập tổ thì họ mới sống tập trung thành bản, được khám bệnh, cấp thuốc. Chỉ mới đầu năm nay, nhờ bộ đội Năm mà thằng cháu ông đau ruột thừa được đưa đi cứu chữa kịp thời. Trước đây người Hà Nhì rất sợ phỉ, nhờ bội đội biên phòng giúp sức mà họ có những anh hùng tiểu phỉ nổi tiếng. Vậy mà khi cuộc sống tưởng như yên bình thì nỗi đau lại đến.

Khoảng 3 giờ 30 phút ngày 15/10, Đội công tác liên ngành gồm: Công an tỉnh Điện Biên, Công an huyện Mường Nhé và Đồn biên phòng Sen Thượng tổ chức truy theo dấu vết của nhóm đối tượng hoạt động phỉ, có lệnh truy nã. Khi đến gần khu vực giữa mốc 9 và mốc 10 trên tuyến biên giới Việt - Trung thì bị các đối tượng hung hãn, dùng súng quân dụng bắn trả lực lượng truy quét. Loạt đạn hiểm ác đã làm 3 chiến sĩ Công an tỉnh Điện Biên bị thương. Thượng úy Lương Minh Năm bị 3 viên đạn trúng vào người, vết thương quá nặng, không qua khỏi.

Nỗi đau mà người dân Hà Nhì phải gánh chịu khi phải chứng kiến thêm một chiến sĩ biên phòng tử nạn thật ghê gớm. Người Hà Nhì lại khóc, lại làm mộ đá. Dù thi hài của thượng úy Năm được đơn vị và người thân đưa về quê mãi tận xã Hồng Thuận (huyện Giao Thủy tỉnh Nam Định), nhưng ở miền biên viễn Sen Thượng này, người Hà Nhì vẫn mãi nhớ anh. Và mỗi dịp lễ tết, những ngôi mộ đá dù không có hài cốt nhưng vẫn nghi ngút khói hương.

Xem thêm
Chương trình hành động của Chính phủ chống khai thác IUU

Mục đích của Chương trình hành động là xác định chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, có ý nghĩa lâu dài đối với phát triển bền vững ngành thủy sản.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tìm thấy thi thể 2 nạn nhân bị lật thuyền trên hồ thủy điện Sơn La

Chiều 22/4, Công an tỉnh Lai Châu cho biết, thi thể 2 nạn nhân trong vụ lật thuyền trên lòng hồ thủy điện Sơn La đã được tìm thấy.