| Hotline: 0983.970.780

Người đưa thư đi bộ bốn vòng trái đất

Chủ Nhật 30/12/2012 , 14:16 (GMT+7)

Có lẽ ông là người bưu tá cao tuổi nhất của ngành bưu điện vẫn còn đi bộ hằng ngày để đưa thư.

Bưu tá Giáp Văn Lình
Có lẽ ông là người bưu tá cao tuổi nhất của ngành bưu điện vẫn còn đi bộ hằng ngày để đưa thư. Hai lần suýt chết đuối nhưng gót chân ông vẫn bấm trong bùn lầy, trong mưa dầm, trong nắng cháy với tổng quãng đường dài bằng bốn vòng trái đất. Ông là Giáp Văn Lình…

1. Khi con chim liếu tiếu kêu vang “tiếu, tiếu” đầu hồi, trong ngôi nhà trình tường bằng đất, ông Lình đã dậy từ lúc nào. Tiếng ho khúc khắc. Tiếng cái đài con con ậm ọe vì sắp hết pin. Điếu thuốc lá lập lòe. Vợ ông lục tục dậy thổi lửa, nấu cơm sáng. Xong bữa, ông xỏ dép, khoác túi bắt đầu một ngày làm việc mới. Tôi lẽo đẽo đi bộ theo. Từ nhà ông Lình ở thôn Héo A đến UBND xã Hộ Đáp (Lục Ngạn, Bắc Giang) chừng 4 km. Đưa chồng công văn xong, chén nước chè trên tay chưa kịp nguội ông đã vội nhảo đi bưu cục Tân Sơn cách đó 5-6 km đường dốc. Ba lần qua suối, mùa nước to ông Lình gói thư từ bọc trong áo mưa mà bơi, sang đến bờ bên kia kiếm cái bụi cây mà vắt quần đùi cho ráo để mặc tiếp, về đến nhà quần đã khô hẳn. Cũng chính trong một lần vượt ngầm Khuôn So ông bị nước cuốn trôi, may dạt được vào bờ, hút chết...

Mùa hè nắng lửa, những gốc cây, tảng đá là bạn tri kỷ. Khát vục một mũ cối nước suối để uống. Nực, mặc độc cái áo lót mà mồ hôi túa ra, rút khăn liên tục lau mắt vẫn cay xè. Lắm đợt bão, gió rít, cây ở rừng Khuân Nghiều vặn mình răng rắc vẫn không làm ông chùn bước. Lúc chúng tôi đi, mưa dầm, gió rét, người bưu tá già chân vẫn xỏ dép quai. Hỏi giày được phát cho đâu, ông cười bảo: “Tiết đại hàn mới đi giày được còn bây giờ đi ra mồ hôi khó chịu lắm!”. Tảng đá dưới gốc cây ông ngồi nghỉ ở dốc Khuôn Nghiều giờ đã mòn vẹt. Suốt dọc đường 20 cây số, bạn của ông Lình là những con liếu tiếu, chào mào, gà gô. Dốc nối dốc, những tảng đá chắn ngang, án ngữ suốt dọc đường. Ông Lình ngân nga: “Tháng bảy đói nga, tháng ba đói chết”, rồi giải thích đói nga nghĩa là đói bình thường vì tháng bảy dọc đường có vô số thứ để ăn như sim hoang, ổi dại. Tháng ba mùa rét, cây rạc đi, búp còn chẳng có, đói không có gì ăn chỉ còn nước chết.

Chính ngọ, cuối cùng Tân Sơn cũng hiện ra với những ngôi nhà xây xen lẫn nhà trình. Đã vãn buổi phiên, chợ quạnh quẽ, đám vỏ cam, lá bánh vứt lẫn trong bùn. Quán phở lợn ngoài phố vẫn còn người ra vào nhưng chẳng kịp ăn chúng tôi mải mốt bước tiếp. Chị Hoàng Thị Dần, phụ trách bưu cục Tân Sơn, bảo: “Tôi chịu nhất ông Lình. Mưa to ông vẫn đi, lắm lúc lội sang ngã bẩn hết cả người mà thư từ vẫn khô ráo. Nắng, bàn chân ông đen xì nổi những khoảng trắng dưới quai dép, chai u từng cục. Lắm lúc xe thư từ huyện đến chậm, phải chờ 1-2 tiếng, chẳng nề hà ông trải chiếu ngay thềm nhà bưu cục mà ngủ. Hai lần bị nước cuốn trôi, lần do đắm mảng, lần do tự bơi… Mấy chục năm vẫn chỉ hợp đồng năm một, tháng được 780.000 đồng phụ cấp cộng 150.000 đồng tiền thuê phát báo, không được đóng bảo hiểm, lúc nghỉ cũng chẳng chế độ hưu. Nhiều bưu tá trẻ than phụ cấp ít đang tính bỏ việc đấy…".

2. Lý lịch ông ngắn ngọn vài dòng vắn tắt: tên Giáp Văn Lình, dân tộc Kinh, sinh năm 1941, trình độ văn hóa lớp 3, nhà thuộc diện hộ nghèo, có 8 con cả thảy. Đời ông bà chỉ có một ước ao lớn nhất là làm sao cho no cái bụng nên mới đặt tên con toàn những thứ… ăn được như Cốm, như Sắn, như Khoai.

Hồi trước, ông Lình chạy thư ở thôn cả chục năm người ta thấy ông thạo việc nên cất nhắc chạy thư cho xã, đó là năm 1986. Người bưu tá tiền nhiệm của ông toàn cưỡi ngựa trên những cung đường mòn rậm rạp, lắm lúc vừa phải rẽ cây đi vừa đề phòng báo, chó sói. Ông Lình hồi trẻ nhà nghèo không có tiền mua xe đạp nên không biết đi, khi về già chẳng buồn tập nữa. Mỗi ngày ông đưa khoảng 120 tờ báo, riêng đầu tuần dồn báo của 3 ngày phải cỡ 200 tờ, chưa kể công văn, giấy tờ, bưu phẩm. Tính ra mỗi ngày ông lão nặng 48 kg cõng trên lưng 15-20 kg giấy tờ thế mà từ tấm bé đến già chưa biết đến một viên thuốc tây, một mũi tiêm. Giờ trong số gần 20 cây số đi bộ hàng ngày của ông có một vài đoạn đã tráng nhựa, người đi xe thấy ông đi bộ vất vả bảo lên đèo ông đều mỉm cười từ chối: “Tôi đi bộ với túi thư nhẹ tênh ấy mà”.

Ông Lình thuộc từng nhà, từng họ tên ông bà, con cháu trong các xóm. Hộ Đáp có 11 thôn, những thôn xa như Đồng Chùa, Đồng Phai, Đèo Váng, Cái Cặn đi bộ chừng 3 tiếng mới tới. Cuối năm mỗi lần họp tổng kết, tuyên dương dưới huyện ông Lình dậy từ 5-6 giờ sáng, giục vợ đùm cơm nắm để đi bộ cỡ 30 cây số. Lùi lũi đi trong bóng đêm mờ mịt, đến đèo Khuân Nà trời mới hửng, đến phố huyện đã gần trưa. Mười mấy năm trước, trong một đợt tranh chấp đất đai, cán bộ xã bị người dân quá khích bao vây vòng trong, vòng ngoài, nguy đến nỗi phải viết giấy đưa cho ông Lình lúc 12 giờ đêm cắt rừng sang Tân Sơn gọi xin cứu viện… Báo còn đỡ, chứ giấy lĩnh tiền, thư bảo đảm, giấy nhập học nhất là công văn hỏa tốc đêm hôm vẫn phải đến tay ông Lình. Có nhà đang liên hoan mừng con đi học trung cấp, kịp đưa giấy báo đỗ đại học cứ bắt ông ở lại mà uống rượu. Không chậm, không thất lạc, không đưa nhầm thư, bao dịp ông Lình được tuyên dương điển hình bưu tá. 5 cái giấy khen được ông treo trang trọng trên vách nhà. Mỗi cái đều được đính trên tấm nylon vào tường để đất khỏi lở xuống.

3. Hồi đàn con còn lít nhít, ba bốn giờ sáng ông Lình đã dong trâu ra đồng cày, nhổ mạ dưới trăng xong mới nhảo đi đưa thư. Thủa đó, lắm bận túng đến nỗi ông bà vay nóng 1 thúng sắn đến vụ phải trả 2 thúng thóc. Bà Mè Thị Út, vợ ông, tần tảo đi chợ Tân Sơn mua chè mang đổi cho dân. Cứ 1 kg chè được 20 kg thóc. Phần thóc đó bà về xay giã dần sàng, nửa để ăn, nửa mang xuống chợ sông Hóa ở Lạng Sơn bán lấy vốn rồi lại đổi cá, đổi muối, đổi lưỡi cày…

+ Một tuần làm việc 5 ngày, mỗi ngày đi bộ xấp xỉ 20 km, một tháng xấp xỉ 500 km, một năm 6.000 km, 26 năm xấp xỉ 160.000 km. Đem quãng đường đi bộ đưa thư ấy của ông Lình so với độ dài xích đạo của trái đất 40.075 km tương đương với 4 vòng.

+ Ông Lình bảo, từ mấy năm nay, hồi có điện thoại di động, trên địa bàn không hề xuất hiện một thư từ cá nhân nào nữa.

Những đứa con đều phải cai sữa sớm để bà đi kiếm ăn. Đến bữa cơm độn, góc cơm gạt cho con, góc sắn ngô dành phần cha mẹ. Lắm bận ông Lình phải húp cháo mà đi đưa thư. Giờ đã đủ ăn rồi, lắm buổi ông bảo bà nấu cháo, lũ con lại cười: “Bố ăn cháo chưa đủ à?”. Đời đưa thư của ông không bỏ buổi nào, cưới con hay tang bố mẹ ông xin nghỉ một ngày, tiễn khách ra về lại cập rập khoác túi lên đường.

Một năm ông được phát một bộ quần áo, hai đôi giày, hai năm được phát một bộ áo mưa, một cái túi xách. Một lần duy nhất trong đời được ngành cho đi nghỉ mát ở Hải Phòng. Tiền lương hay nói đúng ra là phụ cấp lúc đầu 60.000đ/tháng, rồi 120.000 đồng, 200.000 đồng, 250.000 đồng, 500.000 đồng, 750.000 đồng, mới đây tăng thêm 30.000 đồng đủ cho ông thỉnh thoảng mua đỡ vợ con gói mì chính, cân mỡ, túi bột giặt. Bộ quần áo đắt nhất của ông là cái áo rét bốn túi mua lại của một anh bộ đội giá 150.000 đồng còn tài sản giá trị nhất của ông là cái đồng hồ đeo tay trị giá 250.000 đồng đợt mua ở phố huyện.

Ông Lình giờ đã có 4 chắt, sắp sửa có 5. Tôi bảo cuộc đời ông vất vả, chắc nhiều ưu phiền? Ông khà khà cười mà đáp: “Đời tôi chẳng có chuyện gì buồn cả, vẫn cứ vui tràn thôi cậu ạ”.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm