| Hotline: 0983.970.780

Rớt nước mắt ở Lao Xả Phình

Thứ Hai 08/04/2013 , 15:27 (GMT+7)

Thượng nguồn sông Đà là nơi tập trung rất nhiều huyện nghèo nằm trong Chương trình 30a của Chính phủ như: Tủa Chùa, Mường Nhé (Điện Biên); Sìn Hồ, Mường Tè (Lai Châu). Tháng Ba, mùa đói giáp hạt, phóng viên NNVN đã hành trình ngược sông Đà để ghi nhận một cách chân thực nhất về cuộc sống của đồng bào ở những vùng đất xa xôi của Tổ quốc.

Thượng nguồn sông Đà là nơi tập trung rất nhiều huyện nghèo nằm trong Chương trình 30a của Chính phủ như: Tủa Chùa, Mường Nhé (Điện Biên); Sìn Hồ, Mường Tè (Lai Châu). Tháng Ba, mùa đói giáp hạt, phóng viên NNVN đã hành trình ngược sông Đà để ghi nhận một cách chân thực nhất về cuộc sống của đồng bào ở những vùng đất xa xôi của Tổ quốc.

Rớt nước mắt ở Lao Xả Phình

Nhìn trên bản đồ, Lao Xả Phình tưởng như là vùng đất mát mẻ, sản xuất thuận lợi bởi xã này nằm giữa sông Đà và sông Nậm Mức. Vậy mà thực tế, đây là nơi khát nhất, đói nhất, khó khăn nhất của huyện nghèo Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên).

Đi cày lúc nửa đêm

Phần phía Bắc của huyện Tủa Chùa bao gồm các xã Tả Phìn, Sính Phình, Tả Lìn Thàng, Trung Thu, Lao Xả Phình được ví như một cao nguyên đá Đồng Văn ở bên Hà Giang thu nhỏ. Khô khát và đói nghèo. Vậy mà trong cái nghèo, cái khó tưởng như đều đặn đến cùng cực ấy vẫn có sự phân biệt.

Lao Xả Phình là xã có tỉ lệ đói nghèo vượt trội, nghèo nhất tỉnh nghèo Điện Biên. Theo thống kê năm nay, cả xã có 334 hộ dân thì có đến 253 hộ nghèo, chiếm 75%. Một năm thiếu ăn vài ba tháng, giáp hạt năm nào cũng phải ngồi chờ nguồn gạo cứu đói mới có cơm ăn.

Tôi đến Lao Xả Phình vào thời điểm chính quyền xã đang tổ chức phân phát gạo cứu đói cho người dân. Giáp hạt năm nay xã nhận được 23 tấn gạo, chia cho các hộ nghèo, mỗi khẩu được 15 kg. Cứ tưởng thế là đã nhiều lắm, nhưng thật ra, với cuộc sống khổ cực ở đây thì chừng ấy gạo cũng chỉ như việc nhỏ vài giọt nước cho người đang khát khô cổ mà thôi.


Trưởng bản Sùa bên giếng nước cạn khô

“Xã có 30 ha ruộng, 78 ha nương, chỉ làm được một vụ, trời cho ăn thì ăn, không cho ăn thì đói. Nên cứ có gạo cứu đói là Lao Xả Phình được được nhận nhiều nhất”, Bí thư Đảng ủy xã Và A Cở nói giọng tủi tủi.

Mà tủi thật, bởi đói nghèo ở Lao Xả Phình không phải lỗi của người dân. Tôi đồ rằng, người Mông, người Xạ Phang ở đây chính là những nông dân cần mẫn, chịu khó và vất vả nhất trên đất nước này.

Có nơi nào mà đang nửa đêm nhưng nông dân vẫn phải vác cày lên nương? Có nơi nào mà nông dân bốc từng nắm đất nhét vào hốc đá, đắp thân cây ngô lên đấy, chờ rục ra để canh tác? Những công việc hết sức lạ lùng, khổ cực ấy là phương thức canh tác của người dân từ bao đời nay rồi.



Ở Lao Xả Phình, trẻ lên ba đã phải lao động

Tìm hộ đói chẳng phải đi xa, ngay ở trung tâm Lao Xả Phình đã nhiều lắm rồi. Tôi vào nhà Ngải Lèng Thèng, một hộ dân người Xạ Phang. Tối ấy, mấy cán bộ xã nhờ nhà Thèng làm cơm mời nhà báo vì trên trụ sở ủy ban không có nước. Vừa nhận được gạo cứu đói nên Thèng cũng vui vẻ nhận lời. Có khách, nhưng bữa cơm nhà Thèng còn phải kèm theo một bát bánh được làm từ bột ngô, đem rán lên để ăn với nước canh. Hóa ra cơm chủ yếu tiếp khách, còn vợ con cứ ngồi gắp bánh ngô ăn tối.

Đang dở bữa, thấy trời có sấm, Thèng xin phép đứng dậy trước để chuẩn bị đi cày dù bên ngoài trời đã tối đen như mực. “Trên này, người dân đi cày không theo mùa vụ, bất cứ khi nào có mưa là phải cày ngay. Cày khi có nước thì trâu mới kéo nổi, để chậm một ngày là đất khô rang, gãy cay lưỡi cày cũng nên”, ông Giàng A Vảng, Phó Chủ tịch UBND xã giải thích.

Sấm mãi đến nửa đêm mà trời chẳng chịu mưa, Thèng bảo hai thằng con trai cứ ngủ, còn mình buộc trâu vào gốc cây ngồi canh, lúc nào mưa thì kêu chúng dậy để rọi đèn, đốt đuốc lên nương. Đêm ấy trời chỉ lắc rắc vài hạt, chẳng đủ thấm đất, vừa mất ngủ, vừa không đi cày được Thèng chửi lầm bầm: Vụ này có khi chẳng được ăn.

Vừa đói vừa khát

Đói có thể xoay xở được, hết gạo có thể ăn ngô, chứ thời điểm này, Lao Xả Phình khổ nhất là khát. Mùa khô ở đây kéo dài từ tháng 2 đến tháng 6, đó cũng là quãng thời gian mà hầu hết người dân huy động hết những người có sức trong gia đình tập trung đi lấy nước.

Bí thư Và A Cở thống kê, toàn xã chỉ có 4 điểm lấy nước, mỗi điểm chỉ có một dòng chảy vừa bằng đúng ngón tay trỏ mà thôi. Khó khăn như thế nên cả chính quyền lẫn người dân đều tự đặt những quy định ngầm với nhau: Mỗi ngày được đi lấy nước hai lần, xếp hàng theo thứ tự, như mùa này thì không được tắm.

Hai bản Cán Phình và Chẻo Chử Phình dẫn đầu cả về đói lẫn khát. Phải mất vài tiếng đồng hồ tôi mới leo được lên Chẻo Chử Phình dù tính theo đường chim bay thì bản này chỉ cách trung tâm xã có 10 cây số mà thôi. Chẻo Chử Phình là nơi sinh sống của 26 hộ dân người Mông.

Đói là lẽ đương nhiên, nhưng nếu chứng kiến người dân nơi đây sử dụng nước để sinh hoạt thì quả là thê thảm.

Bản không có một điểm lấy nước nào. Muốn có nước dùng, một là đi bộ nửa ngày đường sang Cán Phình gùi về, hai là đào hố đất để hứng nước mưa. Cách thứ nhất thì ngốn hết thời gian đi nương, đi rẫy, cách thứ hai thì tốn sức mà hiệu quả chẳng đáng bao nhiêu. Dọc theo triền bản người dân đào chi chít hố. Những hồ đất khô không khốc, nếu gặp mưa chắc cũng không đủ thấm chứ nói gì đến chuyện tích nước.

Vậy mà cũng có cách, mỗi khi trời có mưa, cả bản kéo nhau ra dùng gậy khuấy nước mưa lẫn đất trong hố thành bùn rồi để thế. Bùn sẽ lắng xuống, len lỏi bịt các kẽ hở của hố, còn nước được dùng để sinh hoạt. Mỗi hố như thế trưởng bản Thào A Súa nói là dùng được khoảng…2 ngày. Đó còn chưa kể đến việc thỉnh thoảng con lợn, con gà sẩy chân xuống hố thì mất cả chì lẫn chài.

Trưởng bản Súa đứng tần ngần một lúc lâu khi tôi nhờ ông đưa vào nhà nghèo nhất. Ở đây nhà nào cũng nghèo đói cả. Với lại người dân chẳng biết tiếng phổ thông. Cả bản chỉ có ông Súa là lơ lớ, Thào A Vàng nói khá thạo, còn lại, muốn hỏi điều gì phải có phiên dịch đi cùng.

Tôi thử tìm một vài điểm sáng ở Chẻo Chử Phình mà khó quá. Những hộ gia đình như trưởng bản Súa, của một ông cán bộ địa chính xã tên là Thào A Vàng cũng không thể khá khẩm hơn dân trong bản.

Nhà ông Súa thì đông con, hai vợ chồng, bảy đứa con đẻ, một con dâu, một đứa cháu, tổng cộng 11 người. Đông như thế nên dù có thêm phụ cấp trưởng bản nhà ông cũng chẳng đủ ăn. Còn như Thào A Vàng, cán bộ địa chính xã hẳn hoi mà hai vợ chồng vẫn phải ở nhà lợp bằng cỏ gianh, nhìn xa cứ tưởng là túp lều hoặc chòi canh rẫy.

Ví như gia đình của Thào Thị Đài và Sùng A Chu. Hai vợ chồng, 4 đứa con, năm đủ ăn nhất cũng chỉ được tầm 8-10 tháng. Nhà làm bao nhiêu ruộng, bao nhiêu nương cả hai đều không biết. Bốn đứa con, 3 đứa đi học ngoài trung tâm xã. Đài phàn nàn bằng tiếng Mông rằng: Cho con đi học thì đỡ được mấy suất ăn, nhưng lại mất người đi làm nương và đi lấy nước. Thành thử học hay không cũng như nhau cả, chẳng thấy khác gì.

Người lớn thì bất lực với đói nghèo, với khô khát, còn trẻ con cũng là nạn nhân của khổ cực.

Điểm trường mầm non của cô giáo người Thái Tòng Thị Cúc lại là một minh chứng cho sự thê thảm của Chẻo Chử Phình. Đó khó có thể gọi là lớp học. Lớp học gì mà chỉ có mấy cọc gỗ chằng lại với nhau, lợp cỏ gianh, thưng bằng liếp nứa xen lẫn với một vài tấm bạt? Một cơn lốc đêm trước cuốn cỏ gianh bay gần hết, chỉ trơ trọi tấm bạt phủ được chừng một nửa.


Lớp học mầm non của bản Chẻo Chử Phình

Nhưng sự thật, đó là lớp học ghép gieo trồng những ước mơ của 7 đứa trẻ trong bản. Ba đứa lớp lớn, 4 đứa lớp nhỡ. Lúc tôi vào lớp vừa tan học, bọn trẻ vội vã chào cô giáo rồi hò nhau đi gùi nước.

Ngày nào cũng vậy, mỗi đứa lúc đến trường phải mang theo chai nước cho cô giáo uống và nấu cơm, còn nếu có nhu cầu tắm giặt thì mời cô ra trung tâm xã hoặc đi bộ tầm một buổi. “Trước đây là điểm trường tiểu học, nhưng khó khăn quá nên nhà trường phải vận động các em ra trung tâm ở bán trú, lớp mầm non này mới được mở chừng 5 tháng, nhưng nếu khó khăn thế này chắc cũng khó tồn tại được lâu”, cô Cúc tâm sự.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm