| Hotline: 0983.970.780

Học trò chan cơm nước lã

Thứ Ba 09/04/2013 , 17:32 (GMT+7)

Đói nghèo buộc trẻ con vùng cao phải lao động từ rất sớm. Mùa giáp hạt, mùa lên nương làm rẫy cũng là mùa bỏ học trên thượng nguồn sông Đà.

Đói nghèo buộc trẻ con vùng cao phải lao động từ rất sớm. Mùa giáp hạt, mùa lên nương làm rẫy cũng là mùa bỏ học trên thượng nguồn sông Đà.

>> Rớt nước mắt ở Lao Xả Phình

Đi cày giỏi hơn học chữ

Nằm cách trung tâm huyện tầm 50 cây số, xã Huổi Só là một trong những nơi xa xôi nhất huyện Tủa Chùa (Điện Biên). Từ khi Thủy điện Sơn La dâng nước, diện tích nương rẫy bị thu hẹp, cuộc sống của phần lớn người Mông, người Dạo (một nhánh của người Dao) ở đây vốn dĩ đã khó khăn nay lại càng thêm bộn bề gian khổ. Thời điểm này, Huổi Só đang vào mùa đốt nương. Đã thành lệ, đây cũng là mùa học sinh nghỉ học rất nhiều.

Thầy giáo Nguyễn Mạnh Hà, Hiệu trưởng Trường tiểu học Huổi Só, quê ở Thái Bình, đã dạy học ở đây hơn 12 năm. Thời gian đủ để thầy Hà đúc kết: Vùng cao có ba mùa bỏ học. Đó là sau tết cổ truyền, mùa dân bản làm nương rẫy và sau kỳ nghỉ hè. Huổi Só có 8 điểm trường, xa nhất là Huổi Ca, Huổi Luông, Hồng Ngài, những nơi mà có nhiều thời điểm giáo viên phải thuê học sinh đi học. Còn chuyện bọn trẻ đang ngồi trên lớp bị bố mẹ lên bắt về để đi nương, thậm chí là về lấy vợ, lấy chồng không phải là điều gì quá lạ lùng.


Lên 9, lên 10 đã đi cày rất thạo

Theo giới thiệu của thầy Hà, tôi đến điểm trường Huổi Luông, một trong những nơi khó khăn của Trường tiểu học Huổi Só. Huổi Luông có 5 lớp, một lớp mầm non và 4 lớp tiểu học. Hôm tôi đến chỉ có vài học sinh lao động ngoài sân, một vài đứa khác đang ngồi trong lớp chờ các bạn đi muộn đến mới học, dù lúc đó đã là 4 giờ chiều. Bình thường, nếu đi học đầy đủ thì sĩ số cả 5 lớp của điểm trường Huổi Luông là 58 học sinh, nhưng hôm nay số đến trường chưa đầy một nửa.

 Chẳng hạn như lớp 1 của thầy giáo người Mông tên là Chang À Sinh. Lớp thầy Sinh có tất cả 17 em, nhưng suốt cả buổi chiều thầy ngồi đợi, cho người đi gọi, nhưng chỉ đến được có 7 đứa. Dường như đã quá quen với chuyện học sinh nghỉ học nên thầy Sinh giải thích rằng: Đang là mùa nương, đi được vài đứa thế này cũng đã là chuyện đáng mừng rồi. Bởi có nhiều thời điểm, học sinh nghỉ học gần hết luôn.

Làm cụm trưởng ở điểm trường Huổi Luông nhưng thầy Sinh không khoe học sinh mình ngoan hay học giỏi, thầy chỉ khoe học sinh ở đây rất giỏi... đi cày. Có lẽ đó cũng là nguyên nhân khiến chúng không được đến trường đầy đủ như bạn bè cùng lứa ở dưới xuôi.

Hết buổi học, tôi cùng thầy Sinh đến nhà Lý A Lành, một gia đình người Dạo ở trong bản để hỏi vì sao bọn trẻ nhà này không đi học. Vợ chồng Lành có 3 đứa con, hai đứa đang học, đứa lớp 1, đứa lớp 2. Đang là mùa phát rẫy nên chẳng có ai ở nhà. Mãi một lúc lâu mới nhờ người lên rẫy gọi được Lành về. Thấy thầy Sinh, Lành vừa run lẩy bẩy vừa xin: Xin thầy giáo, không đi làm rẫy thì không biết lấy gì ăn. Thầy tha cho vài bữa, xong mùa rẫy sẽ cho con đi học.


Học sinh nội trú ở Huổi Só

Bọn trẻ đang nhỏ thế thì làm được cái gì? Tôi thắc mắc, thầy Sinh lý giải: Nhỏ nhưng chúng là lao động chính rồi đấy. Như thằng lớn nhà Lành này, học lớp 2 mà đi cày thành thạo không thua gì người lớn. Thật khó tin, nhưng theo chân Lành lên rẫy, quả mấy đứa trẻ đang đi cày thật. Đứa bé dắt trâu, đứa lớn cầm cày.

Đất sản xuất ở Huổi Luông lởm chởm đá tai mèo, nó đòi hỏi người đi cày phải cực kỳ thuần thục, thiện nghệ, thậm chí là liều lĩnh. Hai đứa nhà Lành là những người như thế. Nếu nhìn chúng cày, có lẽ những lão nông kỳ cựu nhất ở đồng bằng cũng phải nể phục vài phần.

Trên đường từ nhà Lành trở về lớp học, không ít đứa trẻ gặp thầy Sinh là vác cày quay ngược tìm đường khác. Đó đều là những đứa phải nghỉ học để lên nương. Điểm trường Huổi Luông chỉ dạy đến lớp 4, nếu đi học đúng tuổi thì đứa lớn nhất cũng chỉ mới lên 10. Mười tuổi thôi, nhưng trước khi về trung tâm xã học nốt lớp 5 của cấp tiểu học thì đa phần số học sinh ở Huổi Luông đã “tốt nghiệp” lớp đi cày rồi.

Cơm chan nước lã

Trường tiểu học Huổi Só có một khu nội trú dành cho học sinh ở các bản ở xa trung tâm. Tổng cộng có 76 học sinh đang theo học. Trái ngược với chuyện học sinh phải nghỉ học để lên nương rẫy, khu nội trú này có lẽ là nơi tập trung những học sinh chịu khó, chịu khổ nhất để đến trường.

100% học sinh thuộc các bản người Mông ở Hồng Ngài và Huổi Ca. Khu nội trú được chia thành 5 phòng, mỗi phòng từ 10-12 học sinh, từ mầm non đến hết tiểu học. Trong mỗi phòng được chia thành từng nhóm, đó có thể là anh em ruột, hoặc là người cùng bản, gần nhà… Chia nhóm để tiện quản lý và tiện cho việc ăn uống, sinh hoạt của học sinh. Hết giờ học buổi sáng, thầy Hà dẫn tôi lên khu nội trú khi bọn trẻ đang chuẩn bị bữa trưa. Đó là bữa trưa đơn giản nhất nếu nó được gọi là một bữa ăn trong ngày.


Chuẩn bị bữa cơm ở khu nội trú trường Huổi Só

Xã Huổi Só vừa nhận gạo cứu đói tháng Ba, những gia đình có con theo học trích một phần để bọn trẻ đến trường. Vừa nhận được gạo, bọn trẻ chỉ việc cho vào nồi, đổ nước vào rồi nhóm củi lên để nấu. Bếp là một chiếc kiềng sắt kéo dài tầm 10 m. Mỗi nhóm một nồi cơm, tuyệt nhiên không thấy chúng nấu thêm rau cỏ hay thức ăn gì cả.

Cơm vừa chín, hai anh em thằng Già A Phùng (lớp 3) và Già A Ninh (lớp 1) bưng nồi ra lót giữa nhà, mỗi đứa một thìa cứ thế xúc ăn. Cơm rắc thêm tý muối, không rau, không canh, thịt lại càng xa xỉ. Vậy mà hai anh em nó vẫn cứ ăn rất ngon lành, ăn hết sạch nồi cơm.

Nhà hai đứa ở bản Hồng Ngài, cách trường học 15 km. Đợt vừa rồi điểm trường bị gió lốc quật hỏng nên những đứa trẻ như chúng được đưa về đây học ghép với các lớp khác ở dưới này. Mọi sinh hoạt, ăn uống, A Phùng và A Ninh đều phải tự lo, bởi, với chúng thì được đi học đã là điều may mắn. Thật khó để tin rằng bố của hai đứa trẻ này cũng đang đi học.


Bữa ăn của anh em A Phùng chỉ độc cơm trắng

“Nhận thức của người dân còn hạn chế, học sinh bỏ học, giáo viên đến vận động gặp nhiều khó khăn vì không biết tiếng đồng bào. Khó khăn rõ rồi, nhưng nhiều chuyện kể chẳng ai tin. Như trường hợp em Lý A Hặc ở bản Pê Giăng Ky, thấy em bỏ học nhiều ngày, thầy giáo đến tìm thì không gặp, kêu tên nhưng cứ thấy bỏ chạy. Mãi một lúc sau ông bố dắt tay ra bảo: Nó đổi tên rồi. Hay như trường hợp em Nù ở lớp 3. Đang học dở thì bỏ vì gia đình bắt về lấy vợ”, thầy Nguyễn Mạnh Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Huổi Só.

Thầy Hà kể, đang học dở cấp hai thì Giàng Thứ Kỷ đột nhiên lấy vợ. Đẻ liền ba đứa con, đến thời điểm hai đứa đi học thì Kỷ được vận động tiếp tục đến trường. Thành thử bây giờ, nhà Kỷ có 3 người đi học. Cũng may, nhờ nhà trường vận động quyết liệt, đưa bố con vào trường nội trú cả nên chưa thấy họ bỏ về.

Mỗi năm, bọn trẻ như anh em nhà A Phùng được ăn thịt duy nhất một lần, đó là dịp tết cổ truyền của người Mông. Đến như rau xanh, thứ tưởng chừng như quá đơn giản cũng phải năm thì mười họa mới kiếm được để mà cải thiện. Bữa ăn của chúng, chỉ độc mỗi cơm không, thỉnh thoảng chán quá, muốn đổi món, bọn trẻ sáng tạo bằng cách đổ thêm nước lã vào thật nhiều. Bữa trưa ăn cơm khô thì bữa tối ăn cơm nhão. Như thế dễ nuốt hơn và có cảm giác đang ăn món mới.

Ở cùng phòng với anh em nhà A Phùng còn có thêm 3 đứa anh em ruột nữa. Đó là anh em nhà Lý A Song. Thằng Song học lớp 7, hai đứa em nó, một đứa học lớp 3 còn một đứa đang học mầm non. Thấy người lạ hỏi chuyện, đứa nào đứa nấy chạy tán loạn, chỉ nói với nhau dăm ba câu bằng tiếng Mông rồi im bặt. Hỏi bằng tiếng phổ thông, chỉ có thằng Song trọ trẹ, còn hai đứa em cứ lắc đầu.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Đưa cán bộ khuyến nông sang Nhật Bản học tập và làm việc

HÀ NỘI Ngày 22/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam tiếp và làm việc với đoàn đại biểu quận Nikicho (tỉnh Hokkaido, Nhật Bản).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chỉ ra sai phạm tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi

Thanh tra tỉnh Bạc Liêu chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra đối với dự án mua sắm trang thiết bị y tế Bệnh viện Lao và Bệnh phổi của tỉnh.