| Hotline: 0983.970.780

Bến Bình Than ở đâu?

Thứ Năm 18/04/2013 , 10:13 (GMT+7)

Để có thêm thông tin về địa điểm diễn ra Hội nghị Bình Than, chúng tôi đi thuyền từ sông Đuống vào sông Kinh Thầy tìm về làng Trần Xá, xã Nam Hưng (Nam Sách, Hải Dương)...

Bến Bình Than, địa danh lịch sử quan trọng nơi vua tôi nhà Trần bàn kế chống giặc Nguyên - Mông xâm lược lần thứ 2. Tuy nhiên, vẫn còn những tranh cãi xung quanh vị trí diễn ra hội nghị này giữa tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương.

>> Thăm đền thờ ông tổ vũ khí nước Việt
>> Bảo Tháp với nghi án Lê Văn Thịnh
>> Huyền bí khu lăng mộ Thủy tổ nước Việt

Hội nghị quân sự Bình Than do vua Trần Nhân Tông triệu tập vào năm 1282 để bàn phương hướng kháng chiến khi quân Nguyên Mông sang xâm lược nước ta lần thứ 2. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Mùa đông, tháng 10, vua ngự ra Bình Than, đóng ở vũng Trần Xá họp vương hầu và trăm quan, bàn kế sách công thủ và chia nhau đóng giữ những nơi hiểm yếu". Tại hội nghị, vua Trần Nhân Tông và Thượng hoàng Trần Thánh Tông quyết định trao quyền Tổng chỉ huy quân đội cho Trần Quốc Tuấn.

Trong Đồng Khánh dư địa chí, phần chép về tỉnh Hải Dương thì Bình Than là nơi cùng hội tụ của 4 con sông (Thiên Đức, Nguyệt Đức, Nhật Đức, và sông ở huyện Phượng Nhãn để rồi chia thành 2 con sông khác là Hàm Giang và sông Thủ Chân tạo thành đầu của 6 con sông mà ngày nay địa danh này có tên gọi “Lục Đầu Giang”. Như vậy, Bình Than được hiểu là khu vực cửa Đại Than và vùng đất ven xung quanh, nay các xã Nhân Huệ (Chí Linh, Hải Dương), Hiệp Cát, Nam Hưng (Nam Sách, Hải Dương), xã Cao Đức (Gia Bình, Bắc Ninh) và xã Trung Kênh, An Thịnh (Lương Tài, Bắc Ninh) đều có khả năng là nơi diễn ra hội nghị Bình Than năm xưa.


Đền Tam Phủ nơi tương truyền vua Trần Nhân Tông vào thắp hương trước khi dự Hội nghị Bình Than

Để có thêm thông tin về địa điểm diễn ra Hội nghị Bình Than, chúng tôi đi thuyền từ sông Đuống vào sông Kinh Thầy tìm về làng Trần Xá, xã Nam Hưng (Nam Sách, Hải Dương) vì theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, đây có thể chính là địa điểm diễn ra hội nghị lịch sử năm xưa. Làng Trần Xá khá rộng, có khoảng trên 900 hộ, dân trong làng sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng dâu nuôi tằm. Hiện tại, thôn Trần Xá còn hai cây duối cổ nằm ngay đầu làng, thân xù xì, ruột rỗng, to hai người ôm, tương truyền là nơi buộc ngựa của quan quân khi về họp hội nghị trên sông. Ông Nguyễn Đăng Kiềm, một cao niên của thôn Trần Xá cho biết, từ lúc ông còn bé đã thấy hai cây duối này có ở đây và to như ngày nay rồi và gắn liền với 2 cây duối, ông Kiềm được các cụ trong làng kể cho nghe câu chuyện về Hội nghị Bình Than năm xưa diễn ra chính tại bãi đất này.

Về phương diện nghiên cứu, ông Tăng Bá Hoành - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Hải Dương cho rằng, địa điểm diễn ra Hội nghị Bình Than chính xác là tại vũng Trần Xá nay thuộc Nam Sách (Hải Dương). Theo ông, tên “Hội nghị Bình Than” chỉ xuất hiện từ khoảng những năm 70 của thế kỷ trước trở lại đây, trước không thấy có tài liệu cổ nào gọi vậy. Ông lập luận: “Bến Bình Than thuộc hữu ngạn sông Lục Đầu, thuộc tỉnh Bắc Ninh. Còn sông Kinh Thầy, một nhánh của sông Lục Đầu do ba con sông cổ hợp thành là sông Lâu Khê, Thủ Chân và Sài Giang. Theo đó, đoạn thượng lưu có tên là sông Lâu Khê (thường gọi là Lấu Khê). Cách ngã ba Lâu Khê chừng 2 km về phía đông, thời Trần gọi là Trần Xá Loan (vụng Trần Xá). Trần Xá là tên làng ở tả ngạn, nay thuộc xã Nam Hưng (huyện Nam Sách), cách bến Bình Than khoảng 3 km. Rõ ràng, hai không gian đó hoàn toàn khác nhau. Việc gọi tên Hội nghị Bình Than với ngụ ý gắn địa điểm họp là không chuẩn", ông Hoành nhấn mạnh.


Cụ ông Nguyễn Hữu Để cho biết, hiện còn nhiều bằng chứng cho thấy Hội nghị Bình Than diễn ra tại Bắc Ninh

Chúng tôi tiếp tục quay thuyền trở lại dòng sông Đuống và ghé vào đền Tam Phủ vì theo người dân xã Cao Đức, huyện Gia Bình (Bắc Ninh), tại ngôi đền này còn lưu giữ chứng tích liên quan đến “Hội nghị Bình Than”. Cụ ông Nguyễn Hữu Để - Tổ Quản lý cụm Đền Tam Phủ chia sẻ, người dân xã Cao Đức hiện vẫn còn lưu giữ câu chuyện về việc vua Trần Nhân Tông trước khi tham dự “Hội nghị Bình Than” đã ghé qua chùa Bình Than và chùa Than rồi vào đền Tam Phủ thắp hương, xin đài. Do vị vị trí của đền Tam Phủ nằm giữa nơi giao hòa của trời - đất - nước. Sau khi xin thành công cả ba đài, vua đã cho vương tôi, quân lính dựng trại tại bãi Nguyệt Bàn và cửa Đại Than để tổ chức hội nghị Bình Than.

Để thêm phần thuyết phục, ông Để cho chúng tôi xem bản sắc phong thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn tại đền Tam Phủ. Từ vài trò của Trần Hưng Đạo tại cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông, ông Để khẳng định chắc chắn đền Tam Phủ phải liên quan mật thiết đến Hội nghị Bình Than. Mặt khác, ông Để còn chưng thêm một bằng chứng là tại Cao Đức hiện có hai ngôi chùa có tên là Hồng Ân và Thánh Ân, trước đây khi vua Trần Nhân Tông chưa ghé qua hai ngôi chùa này có tên Bình Than và chùa Than. Ngoài ra, tại xã Cao Đức giờ vẫn còn những địa danh có tên là Đại Than, Tiểu Than, Phù Than, Văn Than… và theo nghĩa Hán - Nôm thì “than” có nghĩa là bãi đất ven nước, rất phù hợp với bối cảnh của cuộc họp năm xưa.


Gốc duối cổ tại xã Nam Hưng (Nam Sách, Hải Dương)

Một tuần xuôi theo dòng Thiên Đức huyền thoại với hệ thống trầm tích lịch sử dày đặc, chúng tôi nhận thấy sông Đuống có tiềm năng trở thành một tua du lịch đường sông vô cùng lí thú. Xuất phát từ Hà Nội, du khách có thể đi thuyền thăm lăng đền thờ Kinh Dương Vương; Thành cổ Luy Lâu, chùa Dâu, làng tranh Đông Hồ; Đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh; Vườn vải Lệ Chi Viên; Đền thờ Cao Lỗ Vương; Bến Bình Than - Bãi Nguyệt Bàn… đến Côn Sơn Kiếp Bạc (Chí Linh, Hải Dương).

Trong một nghiên cứu của mình về Hội nghị Bình Than, PGS.TS Nguyễn Minh Tường - Viện Sử học căn cứ vào quy mô hội nghị để xác định thể thức họp và kết quả cho thấy khả năng hội nghị diễn ra tại Bắc Ninh là cao hơn. Ông Tường phân tích, chính là hội nghị quan trọng nên không chỉ có thân vương quý tộc nhà Trần mà còn nhiều quan lại cao cấp, có thể tới hàng trăm người tham dự cộng đội ngũ quân sĩ lo việc bảo vệ và hậu cần lên tới cả trăm người. Hội nghị lại diễn ra trong khoảng thời gian dài, chí ít cũng vài ngày vì bàn nhiều vấn đề và những nội dung quan trọng. Vì vậy, cuộc họp phải tiến hành trên một vùng đất (trên bãi, trên bờ) chứ không thể trên thuyền. Xét trên nhiều mặt và dựa trên những gì hiện nay còn quan sát được, bến Bình Than - bãi Nguyệt Bàn đáp ứng đủ các yêu cầu của cuộc hội nghị năm xưa.

Nhìn chung, địa điểm diễn ra Hội nghị Bình Than năm 1282 vẫn còn nhiều tranh cãi và các luồng ý kiến khác nhau, cần phải có nhiều cuộc nghiên cứu, hội thảo mới có thể làm sang tỏ. Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là khu vực Lục Đầu Giang và các địa điểm có thể là khu diễn ra Hội nghị Bình Than năm xưa đang bị xâm phạm nghiêm trọng bởi nạn hút cát và chi chit thùng lò gạch khi xưa nên cần có sự vào cuộc của chính quyền các địa phương nhằm bảo tồn gìn giữ những chứng tích về một thời Hào khí Đông A chống giặc ngoại xâm oanh liệt của cha ông ta cho hậu thế mai sau.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Greenfeed Việt Nam công bố kết quả tăng trưởng lợi nhuận bền vững

Greenfeed Việt Nam với những chỉ số tài chính vừa công bố, cho thấy thương hiệu này vẫn duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả trên thị trường nông sản.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và tăng cường tình đoàn kết.