Đất nước và con người Triều Tiên luôn toát lên một vẻ bí ẩn khó đoán, không dừng lại ở đó, nền kinh tế của quốc gia Đông Bắc Á này cũng có nhiều điều làm người ta muốn tìm hiểu.
Triều Tiên kiếm tiền từ đâu?
Các thông tin về kinh tế của Triều Tiên được đánh giá là rất hạn chế và chính phủ không bao giờ công bố số liệu thống kê thương mại chính thức. Cùng với đó, những lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc khiến họ phải hoạt động ở nhiều hình thức khác nhau, bao gồm cả thị trường chợ đen.
Có thể nói, tình trạng kinh tế hiện nay của Triều Tiên là không tốt. Theo World Factbook, cơ quan thu thập thông tin cho chính phủ Mỹ của CIA, đây là nền kinh tế "tập trung và kém hội nhập nhất" trên thế giới. Thông tin này được đưa ra dựa trên các thống kê của Factbook, dù cho chính phủ Triều Tiên không hề công bố các chỉ số phát triển của mình.
Factbook nói: “Những trang thiết bị công nghiệp của Triều Tiên gần như không thể sửa chữa và tái sử dụng, nguyên nhân là do nhiều năm liền thiếu tiền đầu tư mua mới, không có phụ tùng thay thế và bảo dưỡng kém. Bên cạnh đó ngân sách quốc gia bị chi cho quân sự quá nhiều khiến các lĩnh vực dân sự không thể phát triển”.
Dựa trên các số liệu đã được công bố từ năm 1999, Factbook ước tính GDP của Triều Tiên vào năm 2011 sẽ là 1.800 USD/người/năm với mức tăng trưởng 0.8%. Tuy nhiên, theo thống kê của LHQ, năm 2011, GPD của quốc gia này chỉ là 506 USD/người/năm và tăng trưởng – 0.1%.
Trong khi đó, ở miền Nam, chỉ số GDP của Hàn Quốc năm 2011 là 31.700 USD/người/năm, tăng trưởng 3.6% và các con số này của năm 2012 lần lượt là 32.400 USD và 2%.
Theo Factbook, các ngành công nghiệp chính của Triều Tiên là sản phẩm quân sự, chế tạo máy, năng lượng, hóa chất, mỏ, thực phẩm và du lịch. Trong đó, sản lượng xuất khẩu chính của nền kinh tế dựa vào ngành khai thác khoáng sản, dệt may và luyện kim.
Công nhân Triều Tiên làm việc trong nhà máy dệt may ở Khu công nghiệp Keasong
Các ngành công nghiệp chiếm gần nửa GDP của cả nước, phần còn lại được chia cho nông nghiệp và dịch vụ. Đây chính là những nguồn đem lại ngoại tệ chính cho Triều Tiên, thông qua các hoạt động xuất nhập khẩu với Hàn Quốc và Trung Quốc.
Jang Jin-sung là Tổng biên tập của New Focus International, tờ báo hoạt động dựa trên những người Triều Tiên sống lưu vong và mạng lưới tin tức bên trong Triều Tiên. Bản thân ông Jang cũng là người đã trốn khỏi Triều Tiên năm 2004, theo ông, nguồn thu ngoại tệ chính của Triều Tiên là qua các hợp đồng với Hàn Quốc và Trung Quốc.
Trong đó, với Trung Quốc đa số là các dự án xuất nhập khẩu vũ khí. Ông Jang cũng tiết lộ rằng: “Tất cả các Cty của Triều Tiên làm ăn với Trung Quốc đã được yêu cầu chia một phần lợi nhuận của họ - thường trên 50% cho một tổ chức tài chính của Chính phủ có tên là Văn phòng 38”.
Đối tác thương mại chính của Triều Tiên
Vào những năm 1970, Triều Tiên đã từng sánh vai cùng Nhật Bản là 2 quốc gia có nền công nghiệp mạnh nhất châu Á với xương sống là những ngành công nghiệp nặng. Khi đó Triều Tiên nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ phía Liên Xô.
Sau đó, sự sụp đổ của Liên Xô và nhiều thiên tai địch họa đã khiến công nghiệp Triều Tiên sa sút trầm trọng trong những năm 1980. Rồi kinh tế Triều Tiên rơi vào tình trạng trì trệ, nền công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề do nguồn dầu từ Liên Xô đã không còn. Điện năng thiếu hụt trầm trọng, đây cũng là lí do họ thường đưa ra để biện minh cho việc nghiên cứu phát triển hạt nhân.
Bên cạnh đó, nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đất đai cằn cỗi, thiếu phân bón và các phương tiện canh tác. Hiện nay, theo số liệu thống kê của Factbook, đối tác lớn nhất trong cả xuất và nhập khẩu của Triều Tiên là Trung Quốc, tiếp sau đó là Hàn Quốc, Ấn Độ và một phần nhỏ của liên minh Châu Âu.
Giáo sư Jim Hoare là giảng viên cao cấp tại Đại học nghiên cứu phương Đông và Châu Phi ở London, Anh. Ông Jim nói rằng, đầu những năm 2000, Hàn Quốc mới là đối tác kinh tế chính của Triều Tiên cho đến khi cựu Tổng thống Lee Myung-bak chấm dứt các chính sách của Seoul. Kể từ đó, Trung Quốc bỗng nhiên trở thành đối tác thương mại chính của Bình Nhưỡng.
Ông Jim cho biết: “Hàng hóa Trung Quốc tràn ngập khắp Triều Tiên. Không chỉ nhiên liệu, thực phẩm mà còn đến các sản phẩm dân sinh khác như xe bus hay bồn cầu trong nhà vệ sinh”.
Tuy nhiên, kể từ vụ thử hạt nhân đầu tiên năm 2006 Bình Nhưỡng đã phải gánh chịu các biện pháp trừng phạt của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc về chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của mình.
Kể từ đó, Hội đồng Bảo an kiểm soát chặt chẽ các tổ chức kinh tế có tham gia hoặc hỗ trợ cho các chương trình liên quan đến tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Mới đây nhất, sau vụ thử hạt nhân lần 3 ngày 22/2, Bình Nhưỡng đã nhận lệnh trừng phạt tiếp theo của Hội đồng Bảo an với nội dung cấm buôn bán các hàng hóa cao cấp như du thuyền hay trang sức đắt giá với nước ngoài.
Thị trường chợ đen
Factbook dẫn số liệu điều tra của cơ quan tình báo Mỹ CIA cho biết, công dân Triều Tiên bao gồm cả một số quan chức chính phủ có tham gia vào các hoạt động buôn bán ma túy. Những năm gần đây, Triều Tiên liên tục dính đến những vụ buôn lậu heroin và ma túy đá số lượng lớn.
Bên cạnh đó, những kẻ buôn lậu ma túy còn tuồn tiền giả vào để tiêu thụ trong thị trường Triều Tiên. Các loại ma túy bị cấm trên khắp thế giới thì ở đây được sử dụng như những phương thuốc "trị bệnh" hiệu quả, bao gồm cả ma túy đá và thuốc phiện.
Tuy nhiên, những lời cáo buộc của Factbook đều bị chính quyền Triều Tiên bác bỏ và khẳng định không tham gia vào bất kì vụ buôn lậu hay tiêu thụ tiền giả nào. (Còn nữa)