| Hotline: 0983.970.780

Mèo Vạc ký sự

Thứ Hai 13/05/2013 , 10:33 (GMT+7)

Đặt chân tới Mèo Vạc (Hà Giang), ngoài mê đắm vẻ đẹp hoang dại của những cung đường ngoằn ngoèo, bị kẹp giữa một bên là núi đá tai mèo rợn sắc, một bên là vực sâu thăm thẳm, chúng tôi còn bị cuốn hút bởi những phong tục kỳ lạ của miền cao nguyên đá.

Đặt chân tới Mèo Vạc (Hà Giang), ngoài mê đắm vẻ đẹp hoang dại của những cung đường ngoằn ngoèo, bị kẹp giữa một bên là núi đá tai mèo rợn sắc, một bên là vực sâu thăm thẳm, chúng tôi còn bị cuốn hút bởi những phong tục kỳ lạ của miền cao nguyên đá.

NƠI ĐÀN ÔNG PHẢI LẤY VỢ HƠN TUỔI

Kiêng ăn thịt chó, trâu, bò trong nhà. Đàn ông phải lấy vợ hơn tuổi. Trong đám tang, gia chủ không được uống nước, ngồi ghế, nói chuyện, rửa chân, tay…

Lạ từ lời ăn, tiếng nói

Biết tôi từ Hà Nội lên tìm hiểu bản sắc văn hoá của người Xuồng, ông Nùng Ý Chưởng, Trưởng bản Thăm Noon (xã Tát Ngà, Mèo Vạc), đồng thời là Trưởng dòng họ Nùng, rất mừng rỡ. Ông cởi lòng: “Xin phép cháu nhưng bác vui quá. Trước giờ chẳng có nhà báo nào lên đến tận đây để tuyên truyền cả. Thế nên cái văn hoá của dân tộc Xuồng nó cứ bị chìm nghỉm mà chẳng ai biết tới”.

Ông Chưởng có thói quen giao tiếp rất kỳ lạ. Dù biết tôi đáng tuổi con cháu, nhưng mỗi khi mở lời, thỉnh thoảng ông lại chêm thêm kính ngữ. Sau một hồi trò chuyện, tôi tỏ vẻ ái ngại và mong ông cứ coi như đang nói chuyện với bề dưới.

Nhưng ông bảo luôn: “Bác xin phép, nhưng tục lệ ở đây là như thế. Nói chuyện với người ngoài phải kính cẩn. Người Xuồng quen rồi. Không tin cháu thử ra nói chuyện với ông cụ nhà bác xem có đúng không?”. Thấy ông cụ Nùng Giáo Sèng (bố ông Chưởng) đang lui khui lấy củi, tôi hỏi thăm: "Cụ đang làm gì đấy ạ?". "Dạ, tôi nhóm củi thôi ạ".

Tôi nghĩ thầm, chắc là người dân ở đây nói chuyện với nhau phải kính cẩn lắm. Thế nhưng, thực tế hoàn toàn trái ngược. Đối với người trong gia đình, dù nói chuyện với bề trên hay kẻ dưới, bất cứ người con trai Xuồng nào cũng xưng “tao”. Với bề trên thì xưng hô theo vai vế (tao - bác, tao - bố…), còn với vợ thì là: tao - mày...

Kị ăn thịt chó, trâu, bò trong nhà

Trong đời sống sinh hoạt, người Xuồng có những phong tục lạ không giống bất cứ một dân tộc nào ở Việt Nam (kể cả dân tộc Nùng, xưa nay vốn được coi là gốc của người Xuồng).

Ngay từ chuyện ăn uống, họ đặc biệt kiêng kị ăn thịt chó, trâu và bò trong nhà. Bởi “Đây là những con vật mà ma trong nhà rất yêu, nó biết mình ăn nó nổi giận thì khổ. Nếu ăn trong nhà thì trẻ em sẽ ốm, ăn bao nhiêu cũng mửa ra hết. Tuy nhiên, những lúc thèm quá không chịu được, mình có thể mang đến nhà nào không có trẻ em. Vị trí ngồi ăn phải ở bên trái bàn thờ và cấm được nói chuyện hay lảng vảng gần nơi thờ phụng tổ tiên. Khi ăn xong phải rửa tay bằng lá bưởi và lau khô", ông Chưởng cho biết.

Giờ giấc ăn uống của mỗi gia đình người Xuồng luôn phải tuân thủ khuôn phép bất di bất dịch. Bữa sáng ăn lúc 9 giờ. Bữa trưa 14 giờ và bữa tối bắt đầu khi trăng, sao đã lên cao.

Từ đây đã nảy sinh vô số câu chuyện dở khóc dở cười. Sáng sớm, dù chưa được lót bụng nhưng người Xuồng vẫn phải vác cái dạ đói meo lên nương thả trâu, làm nương. Đang dở việc họ lại lục tục chạy về nấu cơm rồi vội vàng chạy ra ruộng làm tiếp đến tận tối mịt mới nghỉ.


Phụ nữ Xuồng có kỹ nghệ dệt vải chuyên nghiệp

Ông Chưởng tâm sự: "Năm năm trước, cán bộ trên huyện, xã về làm việc tại nhà tôi. Đến 12 giờ trưa, ông Phó Chủ tịch UBND xã Tát Ngà ghé tai tôi nói: “Bác Chưởng làm chút gì cho chúng tôi ăn với”, ông Chưởng bột miệng trả lời: “Dạ thưa, chắc chắn là phải tiếp đãi các anh chứ, nhưng giờ này mà nấu cơm thì sớm quá”. Mọi người phì lên cười. Tôi cũng thấy xấu hổ”.

Khác với dân tộc Mông, bàn ăn của người Xuồng bao giờ cũng phải đặt theo chiều dọc của ngôi nhà. Còn khi đặt đồ thờ cúng, bàn phải kê theo chiều ngang. Nếu người Nùng vô tư đặt thịt gà, trâu, bò, lợn… lên bàn thờ thì tín ngưỡng thờ cúng của người Xuồng lại nghiêm cấm đặt thịt lên đó vì sợ sẽ dính mỡ.

Trong xóm Thăm Noom, già trẻ đều mặc một kiểu trang phục giống hệt nhau. Phụ nữ mặc quần ống rộng màu đen, áo bà ba cúc chéo màu đen và vấn khăn đen. Đàn ông mặc áo suông rộng màu đen và đội mũ nồi. Có một điểm rất thú vị là chiếc quần của người phụ nữ gần như giống hệt quần của đàn ông, chỉ khác nhau gấu quần to hay nhỏ.

Kiêng như đám ma, hoang như đám cưới

Trong đám tang, có lẽ không có bất cứ dân tộc nào lại đặt ra nhiều điều kiêng kị hà khắc như người Xuồng. Mỗi đám ma thường diễn ra từ 5 đến 7 ngày, tuỳ theo điều kiện của mỗi gia đình.

Trong thời gian ấy, mọi người trong gia đình không được phép ăn bất cứ miếng thịt nào. Không được uống nước mà chỉ được uống rượu. Không được rửa chân, tay. Không được ngồi ghế mà phải ngồi xuống đất. Con gái ngồi một bên, con trai ngồi một bên. Nếu có anh em họ hàng, bạn bè đến viếng, gia chủ không được phép chào mà chỉ quỳ (thay chào).

Khách có thể ăn thịt, rượu bình thường nhưng những thành viên trong gia đình của người chết chỉ được ăn những món ăn khô như cơm rang và rau xào bằng dầu thực vật. Thức ăn không được múc vào bát mà để ra lá chuối, cầm tay bốc.

120 ngày sau tang lễ, các thành viên trong gia đình có người chết không được ăn ốc, gió chuối, mộc nhĩ. Bởi, theo quan niệm của người Xuồng, ốc là mắt người chết. Gió chuối là tim người chết và mộc nhĩ là tai người chết. Khi đi ra ngoài không được chào ai trước và tối luôn phải ngủ ở nhà mình.


Phụ nữ là lao động chính, đàn ông bế con và làm việc nhà

Đặc biệt trong 3 năm không được ăn thịt chó, trâu, bò. Người đi viếng ma phải mang theo 2 mét vải trắng, một bó hương, ít nhất 10 lít rượu và 1 yến gạo. Đặc biệt, khi đưa ma phải vào buổi tối, không được phép khiêng quan tài đi trước miếu làng.

Trong hôn nhân, tục lệ truyền thống của dân tộc Xuồng quy định, người con trai không được phép kết hôn con gái ít tuổi hơn mình. Bởi “gia đình giàu có hay nghèo đói phụ thuộc hết ở đôi bàn tay của người phụ nữ. Nếu lấy vợ trẻ thì nó không biết làm ăn. Bà vợ của tôi tên Má Thị Num (46 tuổi) hơn tôi 3 tuổi. Mẹ tôi cũng hơn bố tôi 4 tuổi”, ông Chưởng cho biết.

Khi về nhà chồng, cô dâu mới phải tự khâu giày vải để tặng cho những người lớn tuổi hơn trong gia đình. Riêng ông trưởng đoàn đưa dâu phải biếu thêm một cái khăn mặt.

Trong khi mang bầu và sau khi sinh con được 1 tháng, cả người vợ và người chồng không được phép đi qua trước cửa miếu ở đầu làng mà phải leo đường đồi phía sau miếu. Dù người Xuồng ở xã Tát Ngà đã sống cùng người Giáy, Tày, Mông suốt trăm năm qua, thế nhưng những phong tục truyền thống của họ vẫn được lưu giữ rất cẩn thận.

Đến nay, tục thách cưới của người Xuồng vẫn còn rất rõ rệt. Con trai của ông Chưởng là Nùng Ý Sen (sinh năm 1993) vừa cưới vợ cuối năm 2012. Nhà gái thách cưới 2 tạ lợn, 2 tạ gạo, 120 lít rượu, dây chuyền bạc sợi to bằng ngón út, 2 vòng cổ bạc, 2 vòng tay bạc, một đôi hoa tai, gà… Tổng sính lễ ngót 30 triệu đồng.

Tuy nhiên, khi cô dâu về nhà chồng, bố mẹ của cô dâu phải sắm sửa đồ đạc cho con đúng bằng số tiền nhận được từ thách cưới (máy khâu, xe máy, đệm, chăn, chậu, xoong nồi, bát đũa…). Thế nên, nhà nào càng nhiều con gái thì càng nhanh nghèo.

Nghi lễ hỏi vợ của người Xuồng cũng vô cùng rối rắm. Đoàn đưa dâu không được phép đến chậm một phút. Nếu không sẽ rất dễ bị nhà gái mắng: “Chúng mày đi chợ à? Phải đến đúng giờ chứ”. Khi nhà trai đến nơi, nhà gái sẽ đóng cửa lại. Lúc này, trưởng đoàn nhà trai phải biết chọc ghẹo nhà gái để tạo không khí vui vẻ.

Khi ấy, nhà gái sẽ hỏi nhà trai: muốn qua cửa thì có giấy thông hành không? Nhà trai sẽ đưa một đồng tiền kẹp vào giấy đỏ (đã chuẩn bị từ trước) cho nhà gái. Sau khi qua cửa, trưởng đoàn của nhà trai phải uống một bát tô rượu, một bát con rượu và một chén vại rượu thì mới đủ nghi lễ. Không phải gia đình nào cũng có người đủ khả năng gánh vác nhiệm vụ trưởng đoàn, vì thế họ có thể đi nhờ người ở nơi khác hoặc đi thuê.

Xem thêm
Tổng Bí thư Trần Phú, người con ưu tú của dân tộc

Hội thảo về đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà khoa học và các tầng lớp Nhân dân Hà Tĩnh.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chấn chỉnh hoạt động đón trả khách không đúng nơi quy định trong dịp 30/4

TP.HCM Theo báo cáo mới nhất của Thanh tra giao thông TP.HCM, thành phố hiện có 87 điểm đón trả khách sai quy định, tăng 17 điểm so với tháng 10/2023.