Hôm nay, người làng Thọ Chương xã Lam Sơn (Thanh Miện, Hải Dương) đưa anh Vũ Văn Thơ ra đồng. Người đàn ông tội nghiệp cả đời tằn tiện đến nỗi nhà chỉ dám thắp cái bóng điện sáng như con đom đóm, bức sốt đến mấy khách đến nhà cũng chỉ dám bật quạt một tẹo rồi một hai “các bác thế nào chứ em cứ thấy lành lạnh là” và tắt quạt, đã chết do suy nhược cơ thể đến mức tụt huyết áp đột ngột.
>> Bẫy thu nhập đủ no
>> Những đứa trẻ mẫu giáo... già
>> Vỡ làng...
>> Mối lo làng quê
Chị Trần Thị May, vợ anh Thơ, bảo nhà có bốn đứa con, tất cả đặt hết hi vọng vào đứa con gái thứ ba khi cháu đỗ đại học. Bố mẹ ăn uống hà tiện, vay mượn từng đồng lo con ăn học trong mấy năm, nợ mất trên 40 triệu đồng. Đến khi ra trường, xin vào hợp đồng chỉ để kiếm cái ăn mà không nơi nào chấp nhận nên con anh chị phải đi làm công nhân giày da.
Nhìn đống sách vở của con vứt vào một xó, anh chị như đứt từng khúc ruột. Lúc chạy ăn học cho con, mệt nhưng còn có động cơ mà phấn đấu. Giờ hi vọng không còn, sức khỏe anh cũng như nước trong cái bình thủng đáy, nhanh chóng suy kiệt. Anh ho, tưởng cảm cúm xoàng, uống thuốc ba hôm không đỡ, tiếp nước cũng không giảm. Đến khi người nhà cho lên bệnh viện huyện anh đã lịm rồi đi hôm 2/5.
Cái chết cứ như đùa giỡn với gia cảnh khốn khổ của một hộ cận nghèo. Chưa bao giờ ở nông thôn cái hậu quả của việc học đại học, cao đẳng, liên thông tràn lan kiểu trăm hoa đua nở lại rõ như bây giờ.
Một học giả phương Tây từng tổng kết người Việt Nam nhỏ học vì cha mẹ, lớn học vì tiến thân, vì xấu hổ với xã hội chứ ít khi học vì yêu chữ, vì ham mê kiến thức. Đã thế hệ thống giáo dục lại toàn lý thuyết suông thành ra người học hoặc chán nản hoặc bị “táo bón” kiến thức ngu nga ngu ngơ.
Một gia đình nông thôn
Về nông thôn khắp làng trên xóm dưới kháo nhau con ông nọ bà kia chạy việc hết mấy trăm triệu mà chẳng nên cơm cháo, nghe như có lửa đốt trong lòng. Vài chục triệu, vài trăm triệu ở quê không đơn thuần là tạ lợn, tấn thóc mà còn là những tạ, tấn mồ hôi, thậm chí đánh đổi cả bằng máu, bằng sức khỏe, bằng tính mạng. Từ hồi các trường liên thông, tại chức, dân lập nở rộ, ảo mộng về giấc mơ đại học đã khiến cho nhiều người dính quả đắng.
Anh Ngô Văn Nhị, Phó Chủ tịch xã Đoàn Kết (huyện Thanh Miện), là người đóng dấu chứng nhận giấy tờ cho 15 - 20 con em của xã đi học đại học, cao đẳng dạng liên thông nói: “Chính con gái tôi học dạng này hiện cũng chưa thể xin được việc. Tính sơ bộ cả xã có 70 - 80 người học thì chỉ cỡ 10 người có việc làm, còn lại về làm công nhân, nông dân thôi. Mỗi người đi học hết 70 - 80 triệu đồng, vị chi Đoàn Kết hết chừng 5,6 tỉ đồng cho đào tạo liên thông, tại chức của 70 - 80 người. Tôi tạm tính 1/10 trong số đó là xin được việc suy ra lãng phí hết 5 tỉ đồng. Giờ bà con rút kinh nghiệm, sợ rồi, mỗi năm chỉ có 3 - 4 người của xã theo học dạng liên thông”.
Một xã mất 5 tỉ, một huyện mất 50 - 70 tỉ, một tỉnh mất 500 - 700 tỉ, 63 tỉnh thành mất cả vài chục ngàn tỉ cho kiểu đào tạo liên thông trung cấp, cao đẳng rồi đại học, cho học từ xa, cho học tại chức cả những người vừa tốt nghiệp phổ thông, chẳng có chức vụ gì.
Cứ mỗi mùa đại học, cao đẳng ông Trần Xuân Cầu, Chủ tịch UBND xã Sơn Vi (Lâm Thao, Phú Thọ) lại bấn người lo tiền thưởng cho chừng 50 con em địa phương đỗ đạt. Số tiền thưởng vì thế cũng phải phân chia theo mức điểm đỗ, từ 20 điểm trở lên thưởng 500.000 đồng, từ 15 điểm trở lên thưởng 300.000 đồng, thấp hơn thưởng 200.000 đồng.
Ông chủ tịch xã than thở giờ chất lượng giáo dục thấp quá, xưa chỉ học sinh giỏi mới đỗ, nay thì hầu như đồng loạt. Học tại chức lại càng tệ hại: “Đại học tại chức theo tôi không phù hợp vì đến đấy chẳng ai học gì cả. Chính tôi là lớp trưởng một lớp có 73 người thì cả 73 người tốt nghiệp hết. Học tại chức là một cách dạy thêm đời mới của giáo viên thôi, học thật, bằng thật nhưng kiến thức là giả hết”.
Nông thôn đang thay đổi, không thể nói là không có tích cực nhưng gam màu xám tiêu cực cũng quá nhiều. Về nông thôn tìm được sự tĩnh lặng, trong lành giờ nhiều khi phải thất vọng vì nông thôn ô nhiễm hơn cả thành phố, đầu ngõ một đống rác thối um, cuối làng lại một đống rác, cống rãnh thì lộ thiên, ruồi nhặng nhiều như xôi đậu đen. Những nhà ngói, nhà gỗ ba gian hai chái, cửa bức bàn song tiện cũng biến mất thay vào đó là nhà ống, rộng dăm ba mét, dài vài chục mét. Ao làng - những cái máy điều hòa nhiệt độ, những túi càn khôn chứa lụt của làng giờ đa số bị lấp, số còn lại trở thành một vũng tù lầy đọng vì chứa rác…
Xưa làng có những hàng rào cúc tần, ô rô dài cả cây số, nhà nọ muốn sang nhà kia mời ấm nước chè tươi mới hãm, mời rổ khoai mới luộc, mời mẻ ngô mới rang chỉ việc vạch hàng rào là sang được. Tất cả bị phá hết xây hàng rào gạch, trên cắm mảnh chai thậm chí chăng dây thép gai khiến cho tình cảm giữa người làng với nhau cũng bị cắm mảnh chai, mảnh sành, bị chăng dây kẽm và làng quê trở thành mảnh đất màu mỡ cho văn hóa ngoại lai xâm nhập.
Giờ người ta nói về mối họa sư tử đá Trung Quốc đang chình ình ở rất nhiều đình chùa, miếu mạo từ nông thôn ra thành phố. Theo các nhà nghiên cứu, hình tượng sư tử trong văn hóa Việt mang nhiều nét dân gian, có phần gần giống hổ hoặc lân, là những con sư tử dạng cách điệu chứ không phải dạng sư tử cụ thể đang được sao chép từ phim ảnh, văn hóa Tàu như hiện nay.
Sư tử đá xâm nhập đền chùa
Một người mẹ nông dân trong Nam cứ nằng nặc trình bày hoàn cảnh, xin chính quyền xếp vào hộ nghèo nhưng không được, trong lúc tuyệt vọng chị đã tự tử chỉ với ý nghĩ có chút tiền tuất cho con mình ăn học. |
Ông chủ cơ sở sản xuất đá Dũng Phương thôn Thiên Mã, Cổ Đông (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) bảo với tôi rằng chùa chiền thì nghê, sư tử, nhà dân thì tỳ hưu, khách đặt hàng thường mang cả mẫu trong phim ảnh của Trung Quốc đến. Những con nghê Tàu móng vuốt dữ dằn, ốc xoắn cả người, dáng ngồi như chực vồ, chực xé khác hẳn với con nghê Việt thân dài, dáng ngồi bốn chân, ít xoắn, đuôi bồng cong mềm mại. Những con sư tử Tàu cũng dữ dằn không kém với khí thế như muốn ăn tươi nuốt sống.
Bệnh thành tích thì lan tràn. Như trạm xá xã Kim Lan (Gia Lâm, Hà Nội) năm 2004 được công nhận đạt chuẩn nhưng cho… nợ khu nhà sản sau này làm tiếp, nay hệ thống 10 tiêu chí mới đã thay thế rồi mà nợ cũ vẫn chưa trả được. Tiếp đó, năm 2010 trường tiểu học Kim Lan được công nhận đạt chuẩn quốc gia cho ghi nợ hạng mục công trình phụ của học sinh, giáo viên. Đến nay việc xóa nợ cho những công trình này vẫn chỉ là hứa, là kiên nhẫn chờ đợi.
Ông Nguyễn Đức Trí, Phó Chủ tịch xã, ngán ngẩm: “Âu cũng là một thứ bệnh thành tích. Giờ chúng tôi chỉ muốn đã công nhận gì là đạt ngay chứ không thích nợ chuẩn gì nữa”. Cũng tương tự như thế trạm xá xã Thượng Vực (Chương Mỹ, Hà Nội) dù thiếu một dãy nhà chức năng vẫn được công nhận đạt chuẩn theo kiểu treo nợ khiến Bí Thư xã Cao Văn Thúy phải đau đầu vì không biết bao giờ mới xóa xong nợ. Rất, rất nhiều nơi ở nông thôn đang có những công trình với biển đạt chuẩn theo kiểu ghi nợ như vậy.