Nhắc đến Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên, người ta thường nhắc đến vùng đất của núi đá và sự khô khát. Sống giữa vùng đất thừa gian khó, thiếu tiềm năng đó lại có một người dám khoét núi, đào ao để nuôi cá. Cách làm mới này của ông Lờ A Sử ở bản Sín Sủ 2, xã Xá Nhè đã làm thay đổi nếp nghĩ của bà con người Mông nơi đây.
Khoét núi đào ao
Khi đi đến địa phận bản Sín Sủ 2, một cảnh tượng khiến chúng tôi ngỡ ngàng, dọc hai bên đường là hệ thống ao nuôi cá nối nhau chạy dài tới tận chân núi. Trông những chiếc ao nhỏ này giống như những viên ngọc xanh biếc tô điểm thêm cho cảnh đẹp của núi rừng nơi đây.
Khi chúng tôi leo lên cái ao ở lưng chừng núi, ông Sử và các con đang bắt cá giống. Người đàn ông trạc ngũ tuần này có thân hình rắn rỏi, luôn nở nụ cười tươi. Ông và người con trai kéo tấm lưới đi băng băng. Lưới rê đến đâu, đám cá trong ao nhảy lên loạn xạ. Nhìn đàn cá nhảy lên lấp lánh dưới ráng chiều, ông Sử ra chiều ưng ý lắm.
Ao cá của ông Sử
Khoảng nửa tiếng sau, việc chuyển cá giống xong xuôi, ông Sử “hạ lệnh” cho cô con dâu bắt con cá trắm to nhất ao để đãi khách. Vừa dẫn chúng tôi về khu lều, ông Sử tranh thủ giới thiệu về cơ ngơi của mình.
Hiện giờ ông có 20 ao nuôi cá, với tổng diện tích khoảng 2 ha. Năm ngoái, ông thu được gần 350 triệu đồng. Số tiền này chưa nhằm nhò gì so với những đại gia chăn nuôi ở dưới xuôi, nhưng với bà con người Mông nơi đây đó là khoản tiền kếch xù.
"Tất cả các ao, tôi đều chôn đường ỗng dẫn nước nguồn về. Giờ tôi mới kè bờ đá chắc chắn được 5 ao. Sắp tới các ao khác tôi cũng sẽ kè bờ kiên cố để giữ nước cho tốt”, ông Sử khoe.
Tiếp xúc với ông Sử, tôi mới hiểu hơn những khó khăn, gian khổ khi ông quyết tâm khoét núi, phá ruộng để đào ao thả cá. Mặt trời vừa khuất sau đỉnh núi cũng là lúc vợ con ông đã chuẩn bị xong bữa tối. Hương thơm của cá nướng lan tỏa ra cả một góc rừng.
Ông Sử là người đi tiên phong trong việc nuôi cá
Ông Sử hồ hởi mời chúng tôi vào nhà “hẩu chớ” (uống rượu) và thưởng thức sản phẩm cá sạch do chính mình nuôi. Con cá trắm to khoảng 2 kg, thịt chắc nịch, thơm ngon hơn cả cá của lòng hồ sông Đà.
Sau chén rượu mời khách, ông khẳng định: “Cá tôi nuôi ở ao, giá bán cao hơn cá sông Đà và ăn đứt cá ở miền xuôi mang lên. Cá tôi nuôi không cho ăn thức ăn công nghiệp nên chúng lớn chậm. Hơn nữa, nước ở đây rất sạch, nguồn thức ăn tự nhiên lại dồi dào nên thịt của chúng luôn thơm ngon hơn so với cá nơi khác mang đến”.
Chẳng thế mà, cá của ông Sử mang ra chợ Tủa Chùa bán là hết veo. Giờ đây, người Tủa Chùa còn vượt hơn chục km vào tận nhà ông đặt mua cá.
Nghĩ khác
Ông Sử sinh ra và lớn lên tại vùng đất nghèo khó Xá Nhè. Bao đời nay bà con người Mông vật lộn với nương rẫy để kiếm cái ăn. Họ đi làm từ sáng sớm cho đến khi mặt trời khuất sau đỉnh núi, vậy mà nhiều khi vẫn không kiếm đủ cái ăn.
Nhà ông Sử cũng vậy, không tránh khỏi mỗi năm thiếu ăn vài ba tháng. Nhà ông vốn đông anh em, sau khi tham gia quân ngũ trở về quê, lấy vợ rồi sinh con đẻ cái. Cái điệp khúc nương, rẫy lại bám lấy vợ chồng ông như định mệnh.
Tranh thủ những ngày nông nhàn, ông đi buôn trâu, bò. Ngày đó, đường xá các huyện vùng cao đi lại còn khó khăn, ông có mua được con trâu, con bò trong bản, mang ra tới chợ huyện bán cũng mất cả nửa tháng trời.
Công việc vất vả, tiền kiếm được chẳng đáng là bao nên khiến ông thêm phần mệt mỏi. Trong những chuyến đi lái trâu, ông thấy bà con ở dưới xuôi có nghề nuôi cá rất phát triển. Ông nghĩ, quê mình có ruộng, có nước, tại sao bao đời nay chẳng ai chịu nuôi cá?
Nuôi cá lãi gấp nhiều lần trồng lúa
Về nhà, ông bàn với vợ con, đào thửa ruộng bậc thang trên núi để làm ao thả cá. Khi đó vợ con ông và cả những người dân trong bản, không ai tin rằng, việc ông làm sẽ mang lại hiệu quả.
Ông Sử lại có suy nghĩ khác, bao đời nay bà con người Mông nơi đây nghèo khó là do chưa dám thay đổi nếp nghĩ và cách làm khác mà thôi. Một mình ông lưng trần dùng cuốc xẻng đào từng hòn đá ở ruộng bậc thang để tạo ao.
Sau cả năm trời, ông đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới đào được một cái ao, rộng khoảng 1000 m2. Có ao ông dẫn nước vào và bắt đầu nuôi cá. Một lần nữa, ông phải thân chinh xuống tận TP Điện Biên mua cá giống về nuôi.
Mỗi ngày trôi qua là mỗi thử thách lòng kiên trì của ông. Ông tâm sự rất thật rằng, mình là người đầu tiên ở cái xã Xá Nhè này nuôi cá thương phẩm, kinh nghiệm nuôi cá chưa có, vừa làm vừa học hỏi cứ như người bị lạc trong rừng vậy.
Sau một năm, cá trong ao của ông cũng đã lớn. Thức ăn cho cá, ông lấy hoàn toàn ở tự nhiên, chứ không phải mua. Đến vụ thứ 2 từng đàn cá quẫy nước ùm ùm, ông mới tin việc mình làm đã mang lại hiệu quả.
Nhiều lần, ông ngồi cả đêm bên bờ ao để nghe cá quẫy nước mà lòng dâng lên cảm giác vui mừng khó tả. Vụ đầu gạn ao, ông thu được 2 tấn cá, bán được hơn chục triệu đồng. Đây là số tiền lớn nhất mà từ trước tới nay nhà ông có được. Ông mừng lắm, thế là công cán bỏ ra không trôi ra sông, ra biển như mọi người trong bản nghĩ.
Ông Sử kể, lần đầu gạn ao, cả bản đứng xung quanh xem. Khi mực nước ở xả hết, cá trắm, cá trôi, cá chéo cứ chất chồng lên nhau mà vùng vẫy. Ông cầm con cá to trong tay mà vui đến trào cả nước mắt. Bà con dân bản được phen phấn khởi vì lần đầu tiên được nhìn thấy cái ao có nhiều cá đến vậy. Nhiều người chép miệng, hóa ra cái ông Sử này nhìn xa trông rộng, làm được cái việc mà nhiều người không dám làm.
Đúng năm đó, Nhà nước mở đường vào bản, thừa thắng xông lên, ông tiếp tục cải tạo nhiều chân ruộng xấu ven núi đá thành ao nuôi cá. Có tiền, ông không phải đào đất thủ công nữa mà thuê máy xúc vào làm. Cứ sau mỗi năm, số lượng ao cá của ông lại tăng lên. Từ một ao đến nay ông đã đào được 20 ao cá nằm rải rác ở bản Sín Sủ 2 và Phiêng Quảng.
Từ ngày mấy chục hộ dân trong bản học theo cách làm của ông Sử, đời sống của bà con đã thay đổi nhanh chóng. Giờ đây ông Sử còn đang vận động các hộ dân cùng nhau liên kết lại để biến Sín Sủ 2 thành vùng chuyên canh nuôi cá. Ông Sử cho rằng: “Nếu các hộ đoàn kết được với nhau sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn. Từ việc phòng chống dịch bệnh, tiêu thụ sản phẩm và việc điều tiết nguồn nước sẽ rất thuận lợi”. |
Từ ngày mở rộng ao nuôi cá, ông đã có của ăn của để, ông dựng được nhà, mua xe máy và quan trọng hơn là ông đã có hẳn một cái nghề trong tay. Ông Sử cho rằng, nuôi cá lợi nhuận cao gấp 10 lần trồng lúa. Ở Sín Sủ 2, nhờ có nguồn nước sạch dồi dào mà việc nuôi cá thuận lợi hơn so với các nơi khác.
Mô hình nuôi cá của ông Sử mang lại hiệu quả cao, một số hộ dân trong bản cũng bắt đầu làm theo. Người đi đầu là ông Giàng Chù Di, Trưởng bản Sín Sủ 2. Ông Di cũng cải tạo 2 chân ruộng xấu thành 2 ao cá.
Thời gian đầu, ông Di được ông Sử hướng dẫn tận tình từ việc thiết kế ao đến việc mua con giống và nuôi cá như thế nào cho hiệu quả. Sau mấy năm nuôi cá, ông Di thu được hơn 30 triệu đồng mỗi năm.
Nói về mô hình nuôi cá do ông Sử hướng dẫn, ông Di hết lời khen ngợi: “Ông Sử đã giúp dân bản thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp. Bà con người Mông biết sản xuất hàng hóa. Từ một bản nghèo, giờ các hộ dân trong bản có ao cá là thoát được nghèo rồi”.