| Hotline: 0983.970.780

Nghề giũ bụi

Thứ Hai 24/06/2013 , 10:13 (GMT+7)

Trong cái nắng chói chang đầu hè, chúng tôi tìm đến khu dân cư có cái tên khá lạ: Gò Mả, nằm bên bờ con kênh Rạch Lào (P.15, Q.8, TP HCM). Nơi đây có một xóm lao động nghèo từ hơn 40 năm nay mưu sinh bằng nghề có cái tên cũng… lạ: nghề giũ bụi.

Giữa Sài Gòn phồn hoa, lộng lẫy và náo nhiệt, có hàng ngàn người đủ mọi lứa tuổi, đến từ khắp mọi miền đất nước… đang ngày đêm miệt mài mưu sinh bằng đủ thứ nghề: Từ giũ bụi, bán báo dạo, đến thợ móc cống chuyên nghiệp… Điểm chung ở họ là đều “ba không”: không vốn, không nghề, không trình độ.

Trong cái nắng chói chang đầu hè, chúng tôi tìm đến khu dân cư có cái tên khá lạ: Gò Mả, nằm bên bờ con kênh Rạch Lào (P.15, Q.8, TP HCM). Nơi đây có một xóm lao động nghèo từ hơn 40 năm nay mưu sinh bằng nghề có cái tên cũng… lạ: nghề giũ bụi.

CAY MẮT, ĐẮNG ĐỜI

Con hẻm nhỏ trên đường Lưu Hữu Phước chỉ vừa đủ cho 2 người tránh nhau, san sát những căn nhà nhỏ, lụp xụp. Cuối con hẻm là một khoảnh đất trống, người dân ở đây gọi là khu Gò Mả. Trong khoảnh đất trống chừng 200 m2 được che chắn bằng nhiều tấm bạt chắp vá, bụi mù mịt, những tán cây, nóc nhà, cây cỏ dưới đất đều phủ một lớp bụi trắng dầy, mặc dù mới mưa hôm trước.

Bầu không khí đặc quánh, căng mắt nhìn cũng chỉ thấy người đứng ngay trước mặt đang huơ tay lên xuống để đập bao, người đứng xa khoảng 15 bước chân thì chỉ thấy loáng thoáng bóng đen.

Trước mắt chúng tôi, hàng ngàn các bao bì đủ loại hình, kích cỡ được bày la liệt khắp nơi, chất đầy trong nhà. Và, tất cả những người chúng tôi gặp đều có đôi mắt đỏ hoe, giọng nói khàn khàn. Đặc biệt, trong làn không khí mịt mù bụi như thế, nhưng chẳng người nào đeo khẩu trang.


Những thợ giũ bụi làm việc trong môi trường ô nhiễm như vậy nhưng không hề có 
bảo hộ lao động

Bà Nguyễn Thị Tư, một người có thâm niên 40 năm làm công việc tái chế bao cũ ở xóm Gò Mả cho biết, nghề giũ bụi có “thâm niên” cả 40 năm rồi chứ chẳng ít. Nhưng thời điểm những năm từ 1990 đến 2000 là “thịnh” nhất. Lúc ấy, có đến cả trăm thợ giũ bụi làm việc mỗi ngày. Nhưng rồi, thợ giũ bụi “giải nghệ” dần, phần vì ít hàng, phần vì đây là công việc quá cực nhọc, tiền công lại chẳng được bao nhiêu.

Bà Phạm Thị Hai (56 tuổi) vừa đập bao vừa nói: “Chúng tôi nhận các loại bao bì như bao xi măng, bao cát, bao đá, bao gạo, bột mì... về sơ chế, làm sạch rồi bán cho người ta đựng.

 Nghe mấy người ở đây nói, từ trước giải phóng lúc khu cù lao Rạch Lào này còn tách biệt với thế giới bên ngoài thì đã nhiều người làm nghề giũ bụi rồi. Hồi đó, dân Gò Mả chủ yếu nhận bao bên Chợ Lớn về làm sạch. Riêng tôi, tôi mới chỉ làm nghề giũ bụi khoảng 20 năm nay. Biết là vất vả, ô nhiễm, nhưng hiện chưa biết làm gì”.

Dưới cái nắng gay gắt, một thanh niên còn khá trẻ đang hì hục đập bao, cây gậy trên tay anh liên tục đập xuống chiếc bao trên tay còn lại. Sau mỗi nhát đập, bụi lại tung mịt mù khiến khuôn mặt sạm đen của anh lem luốc vì bụi pha lẫn mồ hôi.


Những ngôi nhà trong xóm giũ bụi

Nghe tôi chào, anh dừng tay nói: “Có gì không anh?”. Tôi giới thiệu rồi hỏi: “Anh làm nghề này được bao lâu rồi? Thu nhập có khá không?”. Người thanh niên giới thiệu tên Luận cho biết: “Gia đình tôi từ đó đến giờ sống ở đây, bằng cái nghề này. Làm bao có nhiều công đoạn: đập, giũ, giặt, phơi, rút chỉ, cắt, dán. Tùy theo công đoạn mà thu nhập khác nhau. Tôi chuyên làm công đoạn nặng nhất là đập bụi nên thu nhập bình quân khoảng 200 ngàn/ngày”.

Luận bảo, mỗi "cọc” bao bì như vậy (100 bao/cọc), được trả khoảng 20.000 - 25.000 đồng tùy loại bao. Anh có thể giũ được 10 - 15 cọc/ngày.

Mặc dù nghề đập bao ở đây đã có từ khá lâu nhưng nay hầu hết những người còn "hành nghề” đều là dân tứ xứ, tỉnh lẻ lưu lạc về đây. Đa phần, các hộ gia đình này đều ở trong hoàn cảnh nghèo khó, túng quẫn. Ngoài khoản chi phí thuê đất đập (khoảng 150.000 đồng/ tháng) và tiền thuê nhà, những người ở khu Gò Mả chỉ còn lo đủ cho cái ăn.


Để có những cọc bao sạch thế này, phải trải qua rất nhiều công đoạn vất vả

ĐỦ THỨ BỆNH

Hầu hết những thành viên trong làng giũ bụi đều mang trong mình vài thứ bệnh mãn tính như viêm mũi, viêm phổi. Không biết nghề giũ bụi có liên quan gì không, nhưng cha anh Luận là ông Võ Thanh Sơn đang bị xuất huyết não, nằm bất động một chỗ, cháu ngoại ông, mới 4 tuổi, cũng bị mù từ khi mới sinh.

 Nói về tác hại của nghề giũ bụi, anh Thông, một thợ giũ chuyên nghiệp, chỉ cây trứng cá trước mặt nói: Độc hại thì rõ rồi. Ngay cả cây còn chẳng lớn nổi, cứ èo uột như thế này huống gì con người. Những bệnh thường thường như ho, sổ mũi, hắt xì thì thường xuyên. Ai làm lâu năm đều bị hen xuyễn, viêm phổi, ho lao.

Vừa đưa tay áo quẹt mồ hôi pha bụi trên mặt vừa nhổ nước miếng, bà Trần Thị Nhiều, 50 tuổi, nói: "Chỉ cần làm nghề này vài tháng, một năm là bị viêm mũi, viêm họng. Cách đây 15 năm, lúc mới từ Đồng Tháp lên, tôi làm không biết mệt. Giờ cứ ho sù sụ". “Sao không đeo khẩu trang, đỡ được chút nào hay chút đó?”, tôi hỏi một phụ nữ đang giũ bụi. Chị đáp: "Đeo cũng như không, bụi bay một chút là lấp đầy khẩu trang hà!".

Quả thật, không chỉ có người trực tiếp đập bụi mới dính bụi, cách đó khá xa, một phụ nữ đang bế con nhỏ ngồi trong nhà, nhưng khuôn mặt chị cũng nhuốm bụi. Nhìn đứa trẻ trên tay chị, tôi không khỏi xót xa. Bên ngoài, mấy đứa trẻ khác đang hồn nhiên chạy nhảy, chơi đùa trong bụi. Có lẽ, lá phổi non nớt của chúng cũng tích được một lượng bụi kha khá rồi.


Trẻ em vô tư vui đùa trong môi trường ô nhiễm

"Nghề đập bụi có từ mấy chục năm nay rồi. Mặc dù đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục người dân nhưng lại gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Địa phương đã có kế hoạch di chuyển các hộ dân làm nghề này tới một địa điểm khác, cách xa khu dân cư. Nhưng hiện phường không còn khu đất trống nào phù hợp. Chúng tôi cũng có phương án dẹp nghề này, nhưng dẹp rồi họ sẽ làm gì? Cho nên, cách giải quyết trước mắt là là đề nghị các hộ dân khi đập bao nên quây xung quanh để bụi không bay xa”,  ông  Nguyễn Tấn Kiệt, Phó Chủ tịch UBND P.15, Q.8.

Cụ Trần Văn Hên, 68 tuổi, vừa ngồi vừa ôm ngực kho khan vừa nói: Hồi trẻ, tôi cũng làm nghề đập bụi. Quanh năm suốt tháng chẳng sao. Nhưng giờ, cứ về chiều là lại khó thở, đôi lúc ho ra máu. Bác sĩ bảo, phổi tôi bị viêm, thủng lung tung gì đó nhưng không có tiền phẫu thuật nên đành nằm nhà chữa theo mấy bài của các cụ ngày xưa để lại. Uống dăm thang thuốc Nam hy vọng đỡ đau. Bây giờ toàn bụi độc như than, chì, xi măng, thủy tinh nên hại lắm.

Từ lâu, tôi nghe trong giới thợ giũ bụi có một “bài thuốc gia truyền” để trị bụi đó là: “Ăn huyết xổ bụi”. Đem câu chuyện này kể, anh Đức cười: “Ừ, đây là bài thuốc được cha ông truyền lại”.

Theo anh Đức sau một ngày hít bụi thợ giũ bụi chỉ việc về nhà mua huyết (huyết con gì cũng được) ăn càng nhiều thì bụi càng xổ sạch hơn!(?) Từ bụi thủy tinh, bụi xi măng, bụi cám, bụi gạo... Thực hư bài thuốc gia truyền này hiệu nghiệm thế nào chưa rõ nhưng trong giới giũ bụi cũng nhiều người tin chuyện ăn huyết trị bụi thay vì dùng khẩu trang.

Con kênh Rạch Lào đen ngòm bởi mọi thứ phế thải trút xuống, bốc mùi nồng nặc, trên bờ là làn bụi đặc quánh khiến không gian càng thêm ngột ngạt. Một ngày không xa nữa, “làng nghề giũ bụi truyền thống” này sẽ phải dẹp bỏ vì ô nhiễm. Lúc đó, những người thợ giũ sẽ làm gì để mưu sinh?

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 2] Nỗi lo các khu neo đậu tàu thuyền

Trong những năm qua, hệ thống cảng cá ở các tỉnh Duyên hải miền Trung dù đã được đầu tư nâng cấp, nhưng hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.