Họ là những người mẹ, người vợ từ các miền quê nghèo khó ở khắp mọi miền đất nước tìm đến Sài Gòn, mưu sinh bằng nghề bán báo dạo. Với chồng báo trĩu nặng trên tay, họ cứ đi, đến mọi ngõ phố, dù nắng hay mưa. Trung bình một ngày họ đi bộ không dưới 60 cây số.
TRỜI BUỒN, TỤI TÔI CŨNG BUỒN
Xóm trọ của những người bán báo dạo nằm sâu trong những con hẻm nhỏ quanh khu vực ga Bình Triệu, trên đường Kha Vạn Cân (KP.2, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức), trong những căn nhà nhỏ không số.
Họ đến từ các tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thanh Hóa... ngày nào cũng thế, mới hơn 3 giờ sáng, đèn trong xóm trọ đã bật sáng, họ lục tục thức dậy, í ới gọi nhau, tất bật chuẩn bị xe đạp, nón lá, khẩu trang, áo mưa… bắt đầu một ngày mưu sinh.
Chị Đỗ Thị Hà (37 tuổi, quê ở Quảng Ngãi) vào Sài Gòn bán báo dạo từ 10 năm nay. Sáng nào cũng vậy, cứ 4 giờ sáng, chị lại đạp chiếc xe đạp cà tàng lên đại lý báo trên đường Nguyễn Thị Minh Khai lấy báo, sau đó ăn vội ổ bánh mì lấy sức, gửi xe rồi bắt đầu rảo khắp mọi nơi trong thành phố. Hôm nào cũng vậy, chị về đến nhà khi những ngôi nhà bên đường đã tắt đèn từ lâu.
Chị Đỗ Thị Hà đang cột báo lên xe đạp chuẩn bị đi bán
“Có bao nhiêu vốn liếng đổ hết vào chồng báo ni, cho nên, tui chẳng sợ cực khổ, chỉ sợ mưa, bán ế thôi”, chị nói. “Một ngày chị bán được bao nhiêu tờ báo?”, tôi hỏi. Chị đáp: “Ngày xưa tôi bán mỗi ngày khoảng hơn trăm tờ báo các loại, kiếm được chừng trăm ngàn. Còn bây giờ, khó khăn hơn nhiều bởi người bán tăng lên, người đọc lại ít hơn vì người ta đọc báo trên mạng cũng nhiều. Hồi xưa tui chỉ bán báo thôi, vé số để người khác bán. Giờ khó khăn quá nên phải bán kèm vé số”.
“Bán báo là bán tin “thời sự nóng”, nên ai đi sớm, đi nhanh, thì ở thế “thượng phong”, người đi sau, chậm chân là thua. Chính vì vậy, nghề này cũng có những yêu cầu khắt khe đấy chư không đơn giản, không phải ai cũng bán được đâu.
Những yêu cầu đó là “dẻo dai, chai mặt”, bởi lẽ không chỉ bền chân, lội khắp nơi mà còn bền lòng, không nản chí khi mời khách mua báo. Vì thế, đa số người làm nghề này là trẻ con, phụ nữ, người già, người khuyết tật, còn đàn ông thì ít”, những “phân tích” của chị Hà khiến tôi không khỏi ngạc nhiên.
Những phụ nữ này cho biết, 1 ngày họ đi 5 - 6 chục cây số
Xóm báo dạo có không ít ngươi đã ngoại lục tuần, như bà Lê Thị Nhuận, bà Trần Thị Sáu, bà Võ Thị Thuyết… hằng ngày vẫn lê bước mưu sinh. Hôm nào cũng vậy, bán hết báo, họ tiếp tục cầm xấp vé số đi bán đến khuya, khi đôi chân mỏi nhừ, không nhấc lên nổi nữa họ mới lê bước trở về phòng trọ. Đã 2 lần đến khu xóm trọ này lúc 4 giờ chiều mà tôi không gặp được ai. Lần thứ 3 quay lại tôi may mắn gặp bà Thuyết.
“Xóm này có đến mấy chục người bán báo như tui. Đa số cùng quê Quảng Ngãi vào đây cả. Nhưng ngày nào như ngày nấy, sáng 4 giờ đi, tối có khi 11 giờ mới về đến nhà, lúc đó mệt, chỉ muốn lăn ra ngủ. Chỉ khi ốm nặng, không ngồi dậy nổi mới ở nhà thôi”, bà Thuyết giải thích.
“Vậy sao hôm nay bác lại ở nhà?”, tôi thắc mắc. “Hôm nay tôi ở nhà đợi mấy đứa cháu ngoài quê vào chuẩn bị thi đại học. Tuổi cao, sức yếu, đi mệt lắm. Nhưng vẫn đỡ hơn lội ruộng. Mà ruộng cũng chẳng có để mà lội. Tôi ráng thêm vài năm nữa chứ giờ về quê, chẳng biết mần chi ra tiền”, bà Thuyết nói.
Với những người bán báo dạo, có lẽ, không nỗi lo nào bằng lo trời mưa. “Mấy hôm trước, thấy trời đẹp nên tui liều lấy nhiều hơn mọi ngày, lại thêm mớ tạp chí (10 – 15 ngàn đồng/cuốn) đi bán. Ai ngờ mới 9 giờ sáng trời đã chuyển cơn, tối sầm rồi mưa tầm tã.
Báo chỉ bị ướt một ít, nhưng không bán được, lỗ mấy trăm ngàn. Về lại ốm mấy hôm vì dầm mưa cả ngày. Để dành cả tháng trời được vài trăm, đang định gửi về quê cho 2 đứa nhỏ thì phải mua thuốc hết. Trắng tay!”, chị Phan Thị Tuyết, 50 tuổi, rầu rĩ nói.
BÁN BÁO DẠO, NUÔI ƯỚC MƠ
Nói về 2 đứa cháu chuẩn bị thi đại học, bà Thuyết bảo: “Tôi mong tụi nó đậu đại học để sau này đỡ khổ. Nhưng lại lo đậu rồi không biết lấy tiền đâu mà ăn học. Tụi nó học giỏi lắm. Vừa rồi nó gọi điện thoại cho tui, nói bà đừng lo, tụi con thi đậu sẽ vừa đi học, vừa đi làm kiếm tiền trang trải và lo cho bà luôn. Tui nghe mà rơi nước mắt”.
Dù khó khăn, nhưng với ước mơ phải học, Lê Thị Tuyết Mai, 22 tuổi, rời quê ở Quảng Ngãi vào Sài Gòn lập nghiệp. Ban ngày cô làm đủ thứ nghề, từ phụ quán ăn đến bán vé số, bán báo dạo. Tối về lại miệt mài đèn sách đến khuya.
Những chàng sinh viên thức dậy từ 4 giờ sáng để lấy báo đi bán, trang trải việc học
Cuối cùng, cô cũng trở thành sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại TPHCM. Hiện nay, mỗi ngày Mai dậy từ 4 giờ sáng đi bán báo. Gần trưa, cô lại chạy về phụ bán cho một quán ăn, đầu giờ chiều đến trường. "Tháng này Sài Gòn mưa nhiều nên tôi bán chỉ bằng 1/3 ngày thường. Vừa rồi, ba tôi bệnh, muốn về thăm lắm nhưng nghĩ lại tốn kém quá nên đi vay ít tiền gửi về cho ba”, Mai nói.
Điều đáng trân trọng là dù phải mưu sinh vất vả, cuộc sống còn đầy khó khăn, nhưng ở những xóm bán báo dạo vẫn chan chưa tình người. Có lẽ, do cùng quê, cùng cảnh nên họ dễ thông cảm, dễ chia sẻ với nhau hơn chăng?
“Cùng cảnh tha phương, cơ cực như nhau nên dù cùng hay khác quê thì chúng tôi vẫn chia sẻ, hỗ trợ nhau như những người thân trong gia đình. Không chỉ sẻ chia từng bữa ăn hằng ngày mà còn hỗ trợ nhau trong "tác nghiệp" nữa.
Những thành viên trong xóm báo dạo khu vực Đakao, Q1
“Nhiều năm nay, xóm trọ của những người bán báo dạo chưa từng xảy ra chuyện gì. Họ rất đoàn kết và đùm bọc nhau, cùng giúp nhau khi khó khăn. Không những thế, không ít gia đình còn lo cho con ăn học nên người nữa. Họ là những người rất đáng trân trọng”, ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng KP2, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức. |
Mỗi khi có người trong xóm bán ế, tụi tôi lại chia nhau mỗi người 1 ít, bán giúp. Không ít lần cư dân trong xóm phải "ôm sô”, lỗ vốn vì báo ế, những người trong xóm lại góp tiền hỗ trợ. Mới tháng trước, ông Bảy, quê ở Nghệ An, 67 tuổi, vào Sài Gòn một mình bán báo dạo, vợ mất sớm, không con cái, bị tai nạn giao thông gãy chân. Xóm cử người thay nhau đến bệnh viện chăm sóc ông.
Một người cháu ở quê biết tin vào Sài Gòn đón ông về lại quê, nhưng nửa tháng sau người ta lại thấy ông quay trở vào Sài Gòn, về lại xóm báo vì "nhớ nghề và nhớ tình cảm sẻ chia đầm ấm của bà con xóm báo dạo", chị Huỳnh Thị Lan, quê ở Quảng Xương (Thanh Hóa), một cư dân kỳ cựu của xóm báo dạo ở khu vực Đakao, Q1, nói.
Có lẽ, ít người biết, ở xóm báo dạo Đa Kao hiện có đến 15 gia đình bán báo dạo nuôi con học đại học. Trong đó, có một sinh viên ngành báo chí sắp ra trường. Đó là chàng trai tên Nguyễn Đức Hoàng, quê ở Thanh Hóa.
Chính vì hàng ngày gắn bó với những sấp báo trên tay mà Hoàng đã yêu nghề báo và ước mơ trở thành nhà báo. "Bán báo dạo, đọc báo nhiều đâm ra yêu thích nghề báo. Cố gắng dành dụm ít tiền để học nghề này. Biết đâu sau này sẽ có nhà báo xuất thân từ nghề báo dạo", Hoàng cười, nói.