| Hotline: 0983.970.780

Kỳ 1: Luật rừng và máu rừng

Thứ Tư 28/03/2012 , 10:44 (GMT+7)

Mấy năm gần đây, chưa khi nào rừng gỗ nghiến huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) được bình yên, hàng trăm cây nghiến cả trăm tuổi đã bị hạ gục, để lại những chỏm núi đá vôi trắng toát.

Mấy năm gần đây, chưa khi nào rừng gỗ nghiến (loại gỗ nhóm 2 quý hiếm) tại vùng núi đá thuộc các xã: Sỹ Bình, Vũ Muộn, Cao Sơn huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) được bình yên. Hàng trăm cây nghiến cả trăm tuổi ở đây đã bị hạ gục, để lại những chỏm núi đá vôi trắng toát.

>> Rừng nghiến nghìn năm tuổi bị tàn phá?
>> Rừng nghiến Hà Giang đang bị phá nát
>> Tan nát rừng đầu nguồn Sơn Hồng
>> Tan nát những cánh rừng
>> Tan nát rừng cấm Yok Đôn

Tan hoang

Sau nhiều lần tìm cách liên hệ người dẫn mối leo rừng nghiến Bạch Thông không đạt kết quả, cuối cùng chúng tôi đã may mắn có người quen giới thiệu để gặp T -  một thợ rừng - mới giải nghệ ở thôn Nam Yên xã Nguyên Phúc huyện Bạch Thông. 

Thế nhưng, điều kiện mà T. đưa ra cũng rất khắt khe, đó là phải bí mật nghề nghiệp, khi leo rừng phải khoác chiếc ba lô và nhét đầy các loại lá cây để nguỵ trang và nếu ai phát hiện thì nói đi hái thuốc nam, tuyệt đối không được gửi hình ảnh hoặc viết tên, tuổi của T. lên báo, vì nếu lộ, cả nhà T. sẽ gặp hoạ.


Một cây nghiến vừa bị chặt hạ, cành lá vẫn còn tươi

Sáng sớm hôm sau, cơm nắm nước uống được vợ T. lo chu đáo. Từ nhà T. phải đi xe máy khoảng 20 phút rồi bỏ xe ngay bờ rừng, cùng với những chiếc xe của dân làng đi làm gỗ, chẳng có ai trông nom. Theo T. chỉ nhìn vào xe dựng đó có thể biết ai đang ở trong rừng.

Thế rồi, cứ dốc dựng đứng mà đi, phải mất hơn 2 tiếng đi bộ ngược dốc tức thở chúng tôi mới đặt chân tới bìa rừng. Từ xa, nhìn vào từng cánh rừng thì rất kín tán lá cây, tuy nhiên các lối mòn vào rừng được người và trâu kéo gỗ đi lại nhiều năm, có chỗ đã mòn sâu như con mương cạn nước. Cứ leo một đoạn dài lại có chỗ rộng rãi nghỉ chân, ở đó có đủ các loại vỏ bánh, kẹo, thuốc lá…

Tôi định dùng máy ảnh chụp lại một vài ký hiệu của “luật rừng”, T. vội vã ra hiệu không chụp, vì chỗ này cây bị chặt hạ nhiều, rừng quang đãng và thưa thớt tán lá, nếu vô tình có ai đó đang ở phía bên kia vách đá mà phát hiện ra người lạ chụp ảnh vào chỗ họ đánh dấu thì khốn cho cả hai. Nghe vậy tôi vội đút luôn máy ảnh vào túi cho an toàn.

Sau ba lần nghỉ chân, chúng tôi đã lọt sâu vào khu rừng đại ngàn, toàn là gỗ cổ thụ của xã Sỹ Bình, càng vào sâu rừng già có nhiều cây cao to lại rất ít cỏ rác, tầm nhìn xa hơn, có thể đứng ở sườn núi bên này thoả sức nhìn rõ những loại cây còn đứng nguyên ở sườn bên kia. Thi thoảng T. lại chỉ cho tôi những cây nghiến sống sót do treo leo trên mỏm đá, hoặc thân cây cong queo, toác gốc, gãy cành, vì theo T. những loại cây nghiến đó lấy gỗ không tốt, nên chưa ai chặt hạ, vì lõi của chúng bị rỗng xốp nên mới gẫy cành.

Vừa đi, T. vừa chỉ cho tôi những gốc cây bị khai thác những năm trước chỉ còn gốc đen ngòm, tuy nhiên chưa hề mục, rất nhiều gốc bị xẻ chỉ khoảng hơn 2 năm trước. Xung quanh mỗi gốc cây như thế phần ngọn và bìa, bắp bỏ lại vẫn còn rất nhiều, vứt vương vãi theo chiều đổ của cây, cỏ rác leo lấp đầy, vì các phần gỗ nạc và đẹp họ đã xẻ thành tấm theo đơn đặt hàng rồi vận chuyển đi hết.

"Cây đứng, cây nằm đều có chủ"

Hầu hết những điểm có núi đá vôi trong rừng Sỹ Bình đều có cây nghiến, là cây đặc trưng nhất, tuy nhiên những nơi có thể chặt hạ được thì họ đã chặt hạ, rồi xẻ nhỏ vận chuyển đi tiêu thụ, chính vì vậy ở cửa rừng có những gia đình sống bằng nghề đi rừng xẻ thớt nghiến đem bán. Thi thoảng, chúng tôi gặp những cây nghiến đường kính hơn một mét, chặt hạ vẫn để nguyên, lá đã khô, vỏ đã bong tróc, T. giải thích: Cây này nằm đây nhưng đã có chủ rồi, họ chặt xuống để ở đó, ai mà vào xẻ ra, họ sẽ đến thu gỗ ngay. Tôi thắc mắc gặng hỏi, T. vui vẻ giải thích rằng: trên rừng có luật riêng của nó, cây đứng hay cây nằm cũng đều có chủ giữ hết, chẳng có cây nghiến nào ở chỗ dễ khai thác thế này mà lại vô chủ.


Cây nghiến này có đường kính gần 2 mét

Nói rồi, T dẫn tôi leo ngược vào một gốc cây nghiến to, đã bị hạ gục từ hơn một năm trước, rồi chỉ cho tôi xem ký hiệu của chủ nhân cây nghiến đã đánh dấu vào nốt cắt phẳng lịm phần gốc, anh cho biết đó là cây của một người quen tại thôn Cáng Lò xã Nguyên Phúc, vì ông ấy hay dùng cưa lốc để đánh dấu nhân vào gốc cây. Mỗi cây nghiến bị đốn hạ và đánh dấu như thế, chúng sẽ được chủ nhân đến khai thác vào lúc nào rảnh rỗi.

Dẫn tôi đến một cây còn đứng nguyên vẹn ở một khoảnh rộng rãi, T. gọi tôi lại xem vết cưa lốc cắt khoanh dấu hoa thị vào thân cây, nhựa đã sùi ra lấp kín, nhưng vết sẹo về cơ bản vẫn đọc rõ ký hiệu của chủ nhân, đã tiếp cận cây này từ năm trước, nhưng vì lý do gì đó nên họ chưa chặt hạ, nhưng ai muốn chặt hạ mà nhìn thấy ký hiệu đó phải biết tự rút lui, nếu không muốn mất công vô ích, có khi lại ăn đòn oan.

Để minh chứng những câu chuyện T. kể, anh dẫn tôi đến một đống gỗ đã xẻ để khá lâu, nên có màu đen sẫm, đó toàn là những khuôn hộc cửa dày khoảng 6,5cm, dài khoảng 3,3 mét, rộng 25 cm, xếp rất ngăn nắp và cho biết; đây là gỗ của một ai đó, họ xẻ xong để đó cho khô mới chuyển về nhà, nếu họ cứ để đây đến khi mục cũng chẳng ai dám đụng vào, vì gỗ họ xẻ ra, có ngâm xuống ao họ vẫn nhận được mặt gỗ, nếu ai đó đem về, họ đến tận nhà đòi lại ngay.


Chưa bị hạ nhưng cũng đã "có chủ"

Sau gần 4 tiếng đi trong rừng nghiến Sỹ Bình, chỗ nào núi đá mà có dấu chân người leo đến, chỗ đó có gỗ nghiến bị hạ gục, xẻ rồi chuyển đi nơi khác, chỉ để lại gốc mốc meo và cành ngọn cùng bìa bắp dưới đống rác lá khô. Khi chúng tôi nghỉ ăn cơm trưa tại khu rừng Đin Đeng, T. gặp mấy người quen đi lấy thớt về, họ cho biết là “đi mót” nghiến bỏ hoang trong rừng kiếm tiền mua gạo. Thoạt nhìn, những cục gỗ nghiến đeo trên lưng còn tươi nguyên, nhựa còn chảy thì chắc chắn họ đã đốn hạ đâu đó trong rừng già, mà chúng tôi chưa biết đường đi tới. Trong lúc ăn cơm trưa, T. cho biết, Đin Đeng là thung lũng nghiến khổng lồ của xã Sỹ Bình, với hàng trăm cây nghiến cổ thụ đứng san sát, nhưng chúng đã bị người dân chặt hạ tan tác từ năm 2009, bìa bắp đang vứt chỏng chơ thâm sì, nên rừng Đin Đeng bây giờ mới tan hoang như thế?

Qua những câu chuyện “phép vua thua luật rừng” ở nơi rừng nghiến này rất thú vị, làm cho tôi quên mất mệt mỏi khi leo rừng, vượt qua bao vách đá tai bèo đầy nguy hiểm, mồ hôi ướt đẫm, rừng tháng 3 còn rét đậm mà muỗi, vắt vẫn tung bám khắp người, không làm tôi nản, nên quyết tâm sang hôm sau phải đến tận tâm điểm của nơi rừng nghiến đang bị xẻ thịt.

Mỗi khi có thông tin về những cây nghiến đổ xuống, việc đầu tiên cơ quan chức năng làm là đo vẽ hiện trường, tính toán khối lượng cả bắp, bìa, cành ngọn rồi tổ chức bán đấu giá. Thế nhưng khi đấu giá gỗ nghiến tại Bạch Thông lại rất mập mờ, dẫn đến khiếu nại tùm lum, nhất là vụ đấu giá gỗ nghiến tại rừng Đin Đeng xã Sỹ Bình năm 2010, gây bất bình cho dư luận xã hội suốt hai năm qua.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Quy tụ 66.000 chậu sen để tổ chức lễ hội sen Đồng Tháp 2024

Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024 thu hút 66.000 chậu sen, với 57 giống sen được sắp xếp, bố trí đẹp mắt sẽ tạo nên không gian trải nghiệm thú vị.

Bình luận mới nhất