| Hotline: 0983.970.780

Người đàn bà mê tre

Thứ Hai 30/04/2012 , 09:15 (GMT+7)

Đến khi làm cán bộ Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Polyme thì cây tre gắn với đời bà Hòa như một thứ duyên trời định...

Những lũy tre rậm rì gai góc bao bọc làng xóm. Những con đường độc đạo giữa hai hàng tre xanh mướt mát buổi trưa hè. Những mái, xà, phên liếp, rổ rá, dần sàng... Sâu trong tâm khảm bà ken đầy hình ảnh loài cây rất Việt.


Lũy tre xanh, biểu tượng của làng quê đất Việt

VỞ KỊCH TRE ĐEM VỀ CÁI XE ĐẠP

GS.TS Tạ Thị Phương Hòa, Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Polyme, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, vốn là con của một cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc. Chiến tranh chống Mỹ leo thang ác liệt, từ lớp 5 đến lớp 8 bà rời Hải Phòng sơ tán về xã Quảng Thanh, huyện Thủy Nguyên và “say” tre từ bấy.

“Làng có lũy tre dầy đặc bao quanh, mỗi nhà lại có những búi tre vây quanh trong đó có đường, có ngõ đi vào. Tre gai góc nhưng xanh và mát. Tre giống như lớp bảo vệ tầng trong, tầng ngoài cho làng mà muốn tiến vào chỉ có con đường độc đạo. Nhà dân dựng lên từ tre, từ cột kèo, phên liếp đến dần, sàng, bàn, ghế, quạt, giường cũng bằng tre. Những cây cầu bắc qua con rãnh, con lạch trong làng bằng tre ken lại. Bà chủ nhà tên Hậu dựng vách ngăn phòng mới cho cánh học sinh sơ tán chúng tôi cũng bằng tre. Chiều đến dân làng đi quét, gom lá tre để nổi lửa nấu cơm. Cây tre gần gũi với con người như không thể nghĩ ra có gì gần gũi hơn thế”, GS Hòa tâm sự.

Tre thực dụng mà lãng mạn, vật chất lại thấm đẫm nhân văn. Miền Bắc, miền Trung là văn hóa của cây tre: “Người làng quý nhau ngâm biếu vài cây tre làm nhà, dựng bếp hay biết ai có đòn gánh hỏng, nhà có cây tre bánh tẻ cũng cố mà nài. Lũy tre làng bao bọc, bảo tồn văn hóa truyền thống. Những gì muốn du nhập thì vào còn thứ gì không muốn liền bị văn hóa lũy tre làng chặn lại, bởi thế dân ta không bị đồng hóa", theo bà Hòa.

"Trong chiến tranh, tre hóa tầm vông, chông, tên, biểu tượng của lòng quả cảm. Tôi còn nhớ rõ hồi đó nhà trường bắt học sinh góp tre làm hầm chữ A tránh bom. Học sinh nhà quê sẵn tre không nói làm gì, tôi thì xin không dám, tiền cũng không, sẵn tiện nhà hàng xóm có đống tre liền lén lấy trộm vài khúc đem đi nộp. Đến khi có việc làm gì đấy phát hiện thiếu một ít, ông hàng xóm liền hỏi. Không nói dối được, tôi đành nhận. Nghĩ là mình sẽ bị trừng phạt rất ghê nhưng không ngờ ông ấy còn thưởng cho vì tôi đã trung thực. Cảm động quá, tôi viết vở kịch “Những khúc tre” đem đi thi được giải nhì văn học thiếu niên Hải Phòng với giải thưởng là một chiếc xe mi-pha. Vở kịch kể về một con bé học sinh sơ tán ăn trộm tre ngày nào… Dân làng ngày đó tốt và nhân hậu lắm!”, bà Hòa nhớ lại.

Đến khi làm cán bộ Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Polyme thì cây tre gắn với đời bà Hòa như một thứ duyên trời định. GS. TS Bùi Chương, GĐ Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Polyme, bảo với tôi rằng tre được sử dụng làm gia cường cho vật liệu từ khá lâu rồi mà sơ khai nhất là hình thức cót ép. Năm 2000, GS Trần Vĩnh Diệu, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu compozit lai tạo (sợi thủy tinh kết hợp với sợi tre, đay, dừa) có những phát hiện thú vị về tre. Ông Diệu cùng GS Fujii, GĐ Trung tâm Tài nguyên tre Nhật Bản, đã hợp tác nghiên cứu nhiều vấn đề cơ bản của vật liệu tre.

Các nhà khoa học Trung Quốc nghiên cứu trên 200 loài tre để lấy sợi, kỳ công trồng từng loài ở mỗi khu khác nhau để rồi rút chọn ra 2 loài có khả năng nhất. Giới trí thức Việt đi thẳng vào những loài tre phổ biến, tiềm năng trong đó luồng đáp ứng tốt nhất các tiêu chí.

Năm 2004, đề tài KC02-23 của GS.TS Bùi Chương chủ trì nghiên cứu chế tạo compozit từ nhựa và tre mới tập trung vào cách tách sợi: “Không phải loại tre nào cũng lấy được sợi mà phải đốt dài, “thịt” nhiều, trữ lượng lớn, thuần chủng, tính toán cân đong đo đếm các thành phần hóa học, kích thước, độ bền. Lúc đầu chúng tôi tách sợi một cách thủ công bằng cách tẩm hóa chất làm mềm tre, dùng bàn đinh cào ra từng sợi nhỏ, rửa sạch rồi xử lý sạch sẽ phần “thịt” (là đường, là ống dẫn khí) chỉ lấy phần “xương” là xenlulo. Sau này có máy cào sợi và nhất là công cụ tách nổ công việc mới thuận lợi. Cho loóng tre vào nồi chịu áp, xả áp đột ngột, sợi bung ra đều tăm tắp, “thịt” bong hết. Cây tre mang về mười phần sử dụng được hai ba. Phần vứt đi do mấu, do mắt, phần loại bỏ do hỏng, do lỗi kỹ thuật. Có khi phơi nắng quên cất đi, mưa một trận là hỏng hay có đợt quy trình làm đúng hết, sợi vàng ươm rồi gặp trời nồm mấy hôm đã mốc đen. Ngày nào chúng tôi cũng nghiên cứu, thử nghiệm, thành công đến một cách rất từ từ và tiệm tiếp”.

MỪNG TUỔI THỌ CHO TRE

GS.TS Tạ Thị Phương Hòa đau đáu một tâm niệm rằng đã nghiên cứu phải được ra sản phẩm, phải có ứng dụng còn không cũng chỉ giáo điều mà thôi. Bà đăng ký với Hà Nội đề tài khoa học SX vật liệu polyme kết hợp với sợi thực vật làm chi tiết ô tô. Thuyết minh đề tài được đánh giá xuất sắc vì tính mới.


Bà Hòa bên những tấm sợi tre

“Việt Nam có 780.000 ha rừng toàn tre, khoảng từng ấy nữa là rừng tre hỗn giao. Chúng ta có 102 loài tre, có loài mỗi ngày lớn cực đại 20 cm, cao 20 m trong 6 tháng, 1 năm đã cho thu hoạch. Vì sao tôi chọn áp dụng sợi tre trên ngành công nghiệp ô tô? Trong hành động chung đối phó với hiện tượng trái đất ấm dần lên, việc sử dụng các polyme có nguồn gốc sinh học là một định hướng lớn trong ngành công nghiệp ô tô của thế giới. Vật liệu này bền, nhẹ, cách âm, cách nhiệt tốt lại thân thiện với môi trường. Quy định của châu Âu đến năm 2015 thì 85% các vật liệu SX ô tô phải tái chế được. Các hãng ô tô lớn như Audi, BMW đều có thân ghế ngồi, khung cửa, panel mũi xe, tấm để chân… làm từ sợi thực vật. Nếu như năm 1996 toàn thế giới chỉ sử dụng cỡ 10.000 tấn sợi thực vật làm chi tiết ô tô thì năm 2010 đã sử dụng tới 100.000 tấn. Có bộ phận sử dụng sợi lanh, sợi gai dầu và cả sợi… chuối. Mitsubishi là hãng ô tô đầu tiên trên thế giới sử dụng sợi tre. Yêu cầu đối với vật liệu làm ô tô là có độ bền phù hợp, an toàn cho người đi bộ, không gây mùi, có khả năng phân hủy, tái sinh, dễ gia công, giá thành hạ. Dùng sợi tre có thể tận dụng nguồn tài nguyên tái tạo được, không lo rác thải lại tăng giá trị cho loại tài nguyên rất phổ biến này”, GS Hòa thuyết minh.

Đề tài có tiếng vang lớn nhưng khi đi chào hàng nhiều nơi, các hãng ô tô danh tiếng đều lắc đầu nguầy nguậy. Họ thừa hiểu tre hoàn toàn có thể thay thế được sợi thủy tinh trong chế tạo chi tiết ô tô nhưng cứ nghĩ đến chuyện những công trình ăn bớt sắt thép bằng những sản phẩm quái dị “bê tông cốt tre” lại sợ dư luận nghĩ này, nghĩ nọ.

Thuyết khách các “ông lớn” không xong, cuối cùng chỉ có Cty ô tô 3/2 đồng ý cho bà thử nghiệm sợi tre trên cản trước, cản sau, nắp che động cơ, mái vòm xe buýt. Để tăng thêm độ bền chắc của vật liệu, không chỉ dừng lại ở sợi tre, bà cùng cộng sự chế tạo ra vi sợi với kích thước siêu nhỏ, chỉ bằng 500-1.000 lần. Bình thường trong quá trình sử dụng, thoạt đầu sẽ có những vết nứt rất bé trên vật liệu rồi lớn dần, lớn dần thành vết gẫy. Nếu gia cường bằng các vi sợi, chúng nằm trên vết nứt, chuyển hướng liên tục, phân tán lực giúp vật liệu lâu gẫy, lâu hỏng. Trên thế giới vi sợi thực vật còn hiện diện trong mỹ phẩm, dược phẩm, khăn diệt khuẩn…

Tại một cuộc họp ở Nhật về vật liệu tre, lúc bà trình chiếu hình ảnh quá trình làm vi sợi từ tre, một giáo sư Nhật đã vô cùng tò mò về một “dụng cụ lạ” nghiền vi sợi. Bà nhỏ nhẻ giải thích: “Tình hình kinh tế của chúng tôi khó khăn, không phải một lúc có ngay được những thiết bị hiện đại. Có những thử nghiệm khoa học mới khơi lên, không ai cấp tiền, sau khi làm có kết quả bấy giờ mới đăng ký đề tài, mới may ra có kinh phí để mà thực hiện. Về nguyên lý các loại máy nghiền đều giống nhau. Chúng tôi có những máy nghiền người dân vẫn làm bánh phở, bánh cuốn. Chúng cũng có áp lực vì hai phiến đá đè vào nhau, cũng có lực xé nhờ quay. Nghĩ là có thể làm vi sợi được, tôi liền mua thử máy xay bánh phở về làm nhưng kích thước đầu hạt ra không mịn, đẹp như máy xay bánh cuốn. Tôi cử một nghiên cứu sinh về làng nghề bánh cuốn Thanh Oai (Hà Nội) đặt mua chiếc máy này mất 5 triệu và hoàn toàn có thể làm được vi sợi tre trong khi máy xịn phải có mấy chục ngàn đô la”.

Trước những lời gan ruột của bà, vị GS Nhật lặng thinh một hồi rồi thốt lên: “Chúng tôi cực kỳ ấn tượng với cách làm khoa học kiểu… du kích của người Việt Nam”.

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Việt Nam hỗ trợ đưa nông nghiệp trở thành trụ cột kinh tế ở Venezuela

Bộ Nông nghiệp Venezuela đánh giá cao kết quả tốt vượt mong đợi về hợp tác nông nghiệp song phương, ngay cả trong điều kiện Venezuela vô cùng khó khăn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc liên tiếp ở Yên Bái làm 150 nhà dân bị sập đổ

Mưa lớn, kèm theo dông lốc, gió giật mạnh trong đêm 19, rạng ngày 20/4 làm 2 người bị thương và hơn 150 ngôi nhà ở tỉnh Yên Bái bị thiệt hại, sập đổ.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm