Nghỉ làm kiểm lâm, chuyển sang ngành Hải quan đã nhiều năm nay, nhưng cứ rảnh ra là gã đàn ông ấy lại tìm đến với rừng như người ta về nhà với… vợ, để sưu tầm tư liệu, hình ảnh về sinh vật rừng, để phát hiện và công bố những loài sinh vật rừng mới chưa từng được ghi nhận trước đây.
1. Mười năm trước, lần đầu tôi gặp Phùng Mỹ Trung, anh đang làm trong ngành kiểm lâm Đồng Nai. Lúc ấy, Trung đã được nhiều người biết đến khi anh là đồng tác giả của CD ROM “Sinh vật rừng Việt Nam” - đoạt giải nhất tại cuộc thi Trí tuệ Việt Nam năm 2000. Sau đó, tôi còn gặp Trung vài lần nữa. Gặp nhau không nhiều nhưng Trung đã kịp để lại những ấn tượng khó quên trong tôi. Đó là một gã đàn ông thông minh, thẳng thắn, bộc trực và say rừng “như điếu đổ”. Trung có thể ngồi nói chuyện cả ngày về rừng, về sinh vật rừng mà không biết chán, biết mệt.
Bẵng đi một thời gian dài, tôi và Trung không gặp nhau, cũng bặt tin của anh. Gần đây, mới biết Trung đã rời ngành kiểm lâm, chuyển sang làm bên Cục Hải quan Đồng Nai đã 6 năm nay. Công việc đã khác hẳn, nhưng con người Phùng Mỹ Trung mà tôi đã biết từ mươi năm trước, đến giờ hầu như vẫn thế. Vẫn thẳng thắn, bộc trực, vẫn một tình yêu muôn thuở với rừng, với thiên nhiên hoang dã. Cứ đến kỳ nghỉ cuối tuần hay những kỳ nghỉ lễ, trong khi các công chức khác ung dung nghỉ ngơi ở nhà với gia đình, hay đi chơi đâu đó, thì Trung lại quảy ba lô, một mình vào rừng. Gần thì tới Nam Cát Tiên, Madagui… Xa hơn thì tới Lò Gò - Xa Mát (Tây Ninh), Bù Gia Mập (Bình Phước)… Xa hơn nữa thì lên các khu rừng trên Tây Nguyên, đi Phú Quốc, Sa Pa, Tam Đảo, Bạch Mã…
Phùng Mỹ Trung
Đấy không phải là những chuyến rong chơi của một kẻ “say” rừng đơn thuần. Trung bảo: “Tuổi mình chẳng còn trẻ nữa. Nên đã đi đâu là phải có mục đích”. Mục đích của Trung là tìm thêm hình ảnh, tư liệu cho trang web Sinh vật rừng Việt Nam mà anh đã một mình gây dựng từ nhiều năm nay. Một mục đích cao hơn nữa là có thể phát hiện ra những loài sinh vật mới, chưa từng được ghi nhận trước đây.
2. Trang web Sinh vật rừng Việt Nam, được Trung xây dựng đã gần 10 năm nay. Muốn gửi gắm tình yêu rừng của mình với mọi người, muốn giúp mọi người có thể tra cứu dễ dàng thông tin, hình ảnh về một sinh vật rừng nào đó, lại sẵn có nguồn tư liệu, hình ảnh không nhỏ về sinh vật rừng và giỏi về công nghệ thông tin, Phùng Mỹ Trung đã quyết định lập nên trang web này.
Tất tần tật mọi thiết kế, nội dung, hình ảnh… đưa lên trang web, đều do tự tay anh thực hiện. Đến nay, trang web Sinh vật rừng Việt Nam đã trở thành một bộ từ điển trực tuyến đồ sộ về rừng Việt Nam, với thông tin, hình ảnh của hơn 2.000 loại động vật, hơn 3.220 loài thực vật, hơn 1.000 loài côn trùng của các họ, bộ, nhóm khác nhau. Mỗi loài đều có hình ảnh rõ nét, có tên bằng tiếng Việt, tên bằng tiếng Latin, được ghi chú thuộc họ, bộ, lớp nào, được mô tả về hình dáng, đặc điểm sinh học, nơi sống, phân bố, tình trạng…
Những dòng mô tả ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, đủ giúp cho bất cứ ai truy cập vào cũng có được những thông tin cơ bản nhất về một loài sinh vật nào đó. Trang web lại được thiết kế thân thiện, gần gũi, dễ tra cứu, sử dụng. Bởi thế, đến tháng 5 này, đã có trên 9,5 triệu lượt truy cập vào trang web, một con số thật đáng nể.
Để có được khối tư liệu, hình ảnh đồ sộ ấy, Trung không chỉ đã “nướng” hầu hết những ngày nghỉ cuối tuần, kỳ nghỉ lễ trong nhiều năm qua vào rừng xanh, núi thẳm, mà còn tiêu tốn vào đó gần như toàn bộ tiền lương thưởng, thời gian nghỉ ngơi ngoài giờ làm việc. Đến một việc rất trọng đại là lấy vợ, anh vẫn chưa kịp tính tới, dù đã ngoại tứ tuần. Đôi khi, Trung cũng chợt giật mình khi thấy chưa tích góp được gì cho cuộc sống riêng tư. Nhưng mỗi khi thấy trang web của mình đem lại được niềm vui cho ai đó, Trung lại quên hết những vất vả, tốn kém mà mình đã bỏ ra. Anh thấy vui nhất là khi có nhiều em nhỏ càng ngày càng say mê với trang web của mình. Bằng chứng là hàng ngày, anh nhận được khá nhiều cú điện thoại từ các em nhỏ ở nhiều tỉnh, thành, hỏi han về một loài cây, một con thú nào đó. Nhiều bậc phụ huynh cũng thường xuyên làm “phiền” anh, bởi con cái họ sau khi vào trang web tìm hiểu về các loài sinh vật rừng, đã hỏi cha mẹ về một số chi tiết của một loài thực vật, động vật hay côn trùng nào đó. Với những câu hỏi như thế, các bậc cha mẹ thường bị dồn vào thế “bí”, phải “botay.com”, nên chỉ có nước gọi điện “nhờ chú Trung giải đáp giùm” để cha mẹ có chút kiến thức làm vốn nói lại cho con biết.
Cũng từ những cú điện thoại “làm phiền” đó của các bậc phụ huynh, mà Trung biết được rằng đang ngày càng có thêm nhiều những cô bé, cậu bé, đã dành thời gian rảnh để “ngồi thiền” hàng giờ trước màn hình máy tính tìm hiểu về sinh vật rừng qua web “Sinh vật rừng Việt Nam”, thay vì chỉ để chơi games hay nghe nhạc như trước đây.
3. Ngoài nguồn tư liệu, hình ảnh đồ sộ nói trên, những năm tháng miệt mài nơi rừng xanh, núi thẳm hay bờ biển hoang sơ, đã giúp Trung trở thành một trong những người Việt Nam có nhiều lần nhất trong việc phát hiện ra loài sinh vật mới chưa từng được ghi nhận trước đây, mà mới nhất là loài tắc kè trường (Gekko truongi) phát hiện ở cực đông tỉnh Khánh Hòa. Đây là loài tắc kè có đặc điểm tương tự như loài tắc kè đá cà ná (Gekko canaensis) nhưng có kích thước nhỏ hơn.
Loài tắc kè trường mới được Trung phát hiện và công bố hồi cuối năm ngoái (ảnh lấy từ Website Sinh vật rừng Việt Nam)
Loài tắc kè này được Trung và một cộng sự là PGS. Thomas Ziegler (Vườn thú Cologne, Đức), công bố trên tạp chí Zootaxa (số 3129, 51–61 năm 2011). Tính đến nay, Trung đã phát hiện và cho công bố 6 loài sinh vật mới trên các tạp chí quốc tế có uy tín. Sắp tới, con số này có thể sẽ nâng lên 10. Với những người chuyên đi tìm kiếm, phát hiện và công bố những sinh vật mới trên trái đất, chưa từng được ghi nhận trước đây, đây là một con số rất ấn tượng, vì chỉ cần phát hiện và công bố được 1-2 loài, là đã có thể thành danh trong giới sinh vật học. Trung lại chẳng có bằng cấp gì liên quan tới sinh vật học (anh vốn là cử nhân kinh tế), nên việc anh đã phát hiện và công bố tới 6 loài động vật mới, quả thực rất đáng nể.
Nhưng Trung vẫn chưa dừng lại ở đó. Cứ đến cuối tuần, anh lại khoác ba lô, một mình lên đường, làm “kẻ lữ hành cô độc chốn nhân gian” (Trung tự nhận về mình như thế). Bây giờ, anh ít lên rừng, để giành thời gian đi về phía biển, tới những vùng bờ biển hoang sơ, nơi có nhiều loài động vật lưỡng cư sinh sống. Trung hy vọng từ những bờ biển hoang sơ ấy, anh sẽ còn tiếp tục phát hiện ra những loài động vật lưỡng cư mới, chưa từng được ghi nhận trước đây.
Cũng xin được nhắc thêm rằng đến nay, Trung đã có 11 bài báo được đăng tải trên các tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới. Tất cả những bài báo này đều là thành quả từ những chuyến đi rừng không ngưng nghỉ của anh. Hiện nay, mỗi năm, có không quá 100 bài báo của các nhà khoa học Việt Nam được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín. Xét về bằng cấp, Trung chẳng là “nhà” gì cả. Nhưng với số lượng sinh vật mới đã được Trung phát hiện và công bố, với số bài báo quốc tế như thế, và với một trang web đồ sộ về sinh vật rừng Việt Nam tự làm bằng tiền túi và công sức riêng của bản thân, thử hỏi đã có mấy “nhà” làm được như anh?