| Hotline: 0983.970.780

Đời câu ném

Thứ Ba 21/08/2012 , 11:15 (GMT+7)

Giữa bộn bề mưu sinh trên vịnh Lan Hạ (huyện Cát Hải, Hải Phòng) có một nghề nghe là lạ: Nghề câu ném. Theo chân những ngư dân chọn nghề này kiếm sống cũng lắm chuyện ly kỳ.

Giữa bộn bề mưu sinh trên vịnh Lan Hạ (huyện Cát Hải, Hải Phòng) có một nghề nghe là lạ: Nghề câu ném. Theo chân những ngư dân chọn nghề này kiếm sống cũng lắm chuyện ly kỳ.

>> Nước mắt làng chài tỷ phú

Đêm theo thuyền quái kiệt câu ném

Dọc theo vùng vịnh Lan Hạ từ cửa Vạn đến Giỏ Cùng có khoảng 70-100 xóm chài. Mỗi xóm chỉ có tầm dăm bảy hộ chọn nghề câu ném mưu sinh. Gia tài những hộ ở các xóm chài kiểu này chỉ vỏn vẹn bao gồm một chiếc thuyền làm nơi trú ngụ, một chiếc thuyền nữa làm phương tiện hành nghề. Cuộc đời họ lênh đênh, hôm nay chỗ này ngày mai chỗ khác.

Họ nghèo. Cái nghèo buộc phải gắn với nghề câu ném vì không có vốn để đầu tư nuôi trồng thủy sản hay sắm chài lưới đi khơi. Thậm chí có nhiều trường hợp còn là cái nghèo của những gia đình không đất đai vườn tược, không chốn dung thân nên mới bỏ ra đây theo nghề này.


Những xóm chài nghèo làm nghề câu ném trên vịnh Lan Hạ

Sau cuộc rượu trên một xóm vạn chài nghèo nàn như thế, đến nửa đêm, tôi theo thuyền nan của ông Lê Văn Thủy (55 tuổi), một ngư dân quê mãi tận xã Yên Hòa (huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh) để bắt đầu cuộc hành trình khám phá nghề câu ném.

Tôi chọn lão bởi vì ở vịnh Lan Hạ này người ta tôn lão là quái kiệt, mặc nhiên để lão ngồi ở vị trí độc tôn ở cái nghề được gọi nôm na là “phục vụ đại gia” này. Sao lại gọi là nghề phục vụ đại gia? Tôi hỏi. “Vịnh Lan Hạ có nhiều loài hải sản nếu câu được thì chỉ có người giàu mới đủ tiền ăn còn người nghèo như chúng tôi thì chẳng dám. Cá song, cá tráp, cá lốt, ghẹ đồng trinh… Mỗi cân bây giờ toàn 300-500 ngàn, có nhiều loại còn lên tiền triệu. Vào nhà hàng giá cả còn gấp đôi chừng đó nữa. Nên người ta mới gọi là phục vụ đại gia, chỉ có lớp quý tộc mới được ăn mà thôi”, quái kiệt câu ném giải thích.

Đêm nay biển lặng. Hành trang làm nghề của lão Thủy là một cuộn cước, một hộp lưỡi câu và một lồng tôm sống để làm mồi. Tôm làm mồi này cũng phải chuẩn bị hết sức công phu. Đó là loài tôm kích thước chỉ bằng ngón tay út của đứa trẻ con, dân câu ném gọi là tôm rảo. Mỗi cân tôm rảo có giá từ 160-180 ngàn đồng. Chúng được thả trong một chiếc lồng dưới nước, kéo rê theo thuyền mủng để đảm bảo lúc ngoắc vào lưỡi câu vẫn còn bật búng tanh tách.

Học nghề câu ném từ thuở ngồi thuyền câu còn chưa phải mặc áo quần nên lão Thủy được tôn quái kiệt cũng không có gì làm lạ. 50 năm làm nghề này lão tự hào rằng mình hiểu tập tính từng loài cá có khi còn hơn cả hiểu vợ con. Chẳng hạn như cá song thường ghì mồi xuống sâu nhất có thể rồi mới đớp.

Đó là khi lão thấy dây cước bị kéo đi vun vút, căng như dây đàn, chỉ chực đứt. Để khuất phục loài cá lì lợm này, lắm lần lão phải lao cả người xuống biển, vừa bơi vừa kéo dây đến gần rồi dùng vợt lưới chụp vào. Cá lốt thì nhã nhặn hơn. Chúng thường nhấm nhá con tôm rảo đến lúc nào cảm thấy muồi mới ngoạm. Thành thử câu loài cá này phải kiên trì hơn một chút.

Câu ném ban đêm phải dựa hoàn toàn vào cảm giác. Cảm giác cũng chính là tiêu chí để phân biệt đẳng cấp của nghề này. Chỉ cần nghe dây câu hơi động lão đã biết loại cá nào “dính chưởng” rồi. Mà lão chẳng nói khoác đâu. Đang mơ màng gió biển, lão bấm nhẹ vào tay tôi thì thầm: “Anh giật lên cho chú một con cá song nhé. Khá to đấy, khoảng 2kg”.

Nói dứt lời hai tay lão làm động tác giật nhẹ rồi kéo ngang thật mạnh, sau đó vút sợi dây lên trời. Lập tức một chú cá song thân mình bóng lẫy nằm vật trên sàn thuyền giãy đành đạch. Loài cá song rất nhanh và khỏe, da lại trơn nên lão phải bọc thêm một lớp lưới giữ. Tôi đưa thử con cá lên chiếc cân mini ở khoang thuyền, vừa đúng 2,1kg.

Mỗi lần nhấc câu là một lần thay mồi tôm rảo, bất kể có được cá hay không. Vừa là để đề phòng tôm đã chết, vừa là chuyện hên xui mà dân làm nghề câu ném thường quan niệm. Cứ khoảng 5-7 phút thì lão Thủy lại giật câu một lần. Tôi thử làm phép thống kê và tính ra rằng cứ 3 lần giật câu thì lão lại bắt được một con cá.

Vì là quái kiệt, nên khi cá vừa tiếp cận mồi tôm rảo thì lão đã biết là cá gì, to hay bé. Nếu là cá nhỏ lão cứ để nó ăn hết mồi rồi bỏ đi, chẳng giật lên bao giờ. Tỷ lệ loài cũng được lão tự cân đối sao cho phù hợp. Nếu thấy trong khoang cá song đã nhiều thì những lần câu sau đó lão chỉ giật cá lốt hay cá tráp mà thôi. “Nghề nghiệp của mình rồi. Biển cho mình nhiều nên phải biết ơn. Nghèo nhưng không được tham, không được bạc”. Lão giải thích với tôi như thế.

Vừa câu vừa trò chuyện, khoảng 3-4 tiếng đồng hồ đã thấy khoang dưới ăm ắp cá. Lão Thủy ngừng tay, cuộn dây câu bảo: Hôm nay thế thôi, đủ tiền sống được vài ngày rồi. Tổng kết lại, chuyến đi câu của chúng tôi được tầm 5 cân cá các loại. Nếu bán cho thương lái tại bến Cát Bà cũng được ít nhất là 1 triệu đồng.

Sinh nghề tử nghiệp

Biển cả mênh mông, dữ dội. Nghề đi biển rủi ro một thì nghề câu ném gấp hai, gấp ba lần. Sinh nghề tử nghiệp không phải là chuyện hiếm. Chết chóc, tàn phế, bệnh tật… những rủi ro ai cũng biết. Chỉ có điều, đã vướng vào nghề rồi thì khó mà dứt ra.

Vừa dong thuyền trở về sau chuyến đi câu khi trời gần gần sáng, lão Thủy vừa chỉ cho tôi những vùng biển có người bỏ mạng vì câu ném. “Kia là làng chài Vạn Giá, nơi có nhiều người câu ném nhất, cũng là nơi số người chết vì biển cả đông nhất. Rồi kia là vùng Vạn Bội, Vạn Hà... Xa hơn nữa là vùng đảo Vạn Tà, nơi năm nào cũng phải có một vài người làm nghề câu ném phải tế mình cho biển cả”. Nghe đến đâu nổi da gà đến đấy.


Quái kiệt câu ném Lê Văn Thủy

+ Một chuyến đi câu một đêm được cả triệu bạc cứ tưởng là nghề này khá lắm. Nhưng thực tế “chim trời cá nước”, chẳng được ổn định. Hải vợ chồng lão Thủy bỏ quê ra vịnh Lan Hạ tròm trèm mấy chục năm nhưng cũng chỉ đủ tiền dựng nhà, nuôi 4 đứa con ăn học, không tích cóp được nhiều. “Nghề của người nghèo mà chú. Giữ được mạng, kiếm đủ ăn xem như trời đã thương lắm rồi. Không ai dám mơ làm giàu từ nghề này cả”. Lão Thủy tâm sự.

+ Nghèo, nhiều rủi ro, nhưng nghề câu ném trên vịnh Lan Hạ cũng có những khoảng khắc phong lưu tột cùng. Đó là lúc họ ném những con cá quý câu được vào nồi nước nếu cùng với quả chay lấy từ núi đá vôi rồi vớt ra nhắm rượu. Cách ăn mà lão Thủy bảo rằng cái đám lắm tiền nhiều của có muốn cũng khó làm.

Chứng kiến không biết bao nhiêu cái chết vì nghề câu ném, câu chuyện ám ảnh lão Thủy nhất là một người cùng quê vừa bỏ mình năm ngoái tên là Lê Xuân Toàn. Đó cũng là một gia đình nghèo, làm ăn ở quê không được nên mới theo lão ra vịnh Lan Hạ học nghề câu. Theo lão học mãi, đến lúc có thể tự mình đi câu được có vài hôm thì ông Toàn gặp nạn.

“Trước lúc dong thuyền đi nó còn bảo tôi là nếu câu được nhiều sẽ bán hết để lấy tiền gửi về cho đứa con đóng học phí vì sắp vào năm học mới. Vậy mà sáng hôm sau tôi bơi thuyền đi chỉ thấy thuyền không của nó lênh đênh trên vịnh. Hình như nó lao theo một con cá lớn, gặp sóng biển nên quay lại thuyền không kịp”, lão Thủy rưng rưng.

Mà chẳng phải kể đâu xa, ngay như gia đình lão, nếu không may thì cũng vùi xác dưới biển dăm bảy lần rồi. Chỉ cách đây 5 hôm. Một cơn lốc biển suýt nữa chôn vùi hai vợ chồng lão Thủy. Đó cũng là một đêm lúc đầu thì trời yên bể lặng như hôm nay, nhưng đến nửa đêm thì đột nhiên có lốc. Gió mạnh kèm theo mưa quất sàn sạt vào thuyền khiến nhiều kinh nghiệm như vợ chồng nhà lão cũng phải gào lên hoảng loạn.

Thuyền câu bị đánh chìm. Rất may hôm đó chẳng hiểu sao vợ lão lại dong thuyền theo nên hai vợ chồng trối chết bơi vào được. Cơn lốc quá hung dữ, lão phải tấp thuyền vào một quả núi đá vôi, vậy mà vẫn bị gió đánh cho tốc mái. Hai vợ chồng cũng bị gió quất, người bầm dập, tím tái. Phải sang ngày hôm sau, mấy cán bộ kiểm lâm ở Vườn quốc gia Cát Bà đi tuần phát hiện kịp thời, đưa vợ chồng lão vào trạm cho trú nhờ.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 2] Nỗi lo các khu neo đậu tàu thuyền

Trong những năm qua, hệ thống cảng cá ở các tỉnh Duyên hải miền Trung dù đã được đầu tư nâng cấp, nhưng hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.