| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 13/05/2013 , 10:03 (GMT+7)

10:03 - 13/05/2013

Sống khổ trong nhà cổ

Thư “kêu cứu” của người dân Đường Lâm đề ngày 30/4 nhưng chưa biết bao giờ lá đơn này đến được các cơ quan chức năng và được giải quyết.

Việc gần 80 người dân làng cổ Đường Lâm cùng ký vào một lá đơn gửi UBND TP Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để xin… trả lại danh hiệu Di tích quốc gia cho nhà nước khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi về sự thật đằng sau danh hiệu cấp nhà nước này.

“Làng được công nhận là di tích quốc gia làng cổ, chúng tôi đã vui mừng lắm vì nghĩ cả đất nước quan tâm đến xã mình. Cán bộ xã nói sẽ thu hút khách du lịch, nhân dân được hưởng lợi từ đó, đời sống sẽ nâng lên. Nhưng thực tế, từ đó đến nay chỉ có khoảng tám gia đình được đầu tư xây dựng, còn lại gần 400 hộ gia đình chẳng được hỗ trợ gì cả... Chúng tôi không có quyền được tự do xây dựng, sửa sang, cơi nới nhà cửa trên chính mảnh đất của gia đình mình... Vì vậy, chúng tôi cùng nhau làm đơn này xin trả lại danh hiệu Di tích quốc gia làng cổ Đường Lâm”, trích lá đơn của người dân Đường Lâm gửi các cơ quan chức năng trên địa bàn Hà Nội.

Đọc lá thư này, nhiều người sẽ thấy giật mình trước những nỗi thống khổ của 400 hộ với hàng nghìn nhân khẩu đang phải gánh chịu khi sống trong ngôi làng được gắn danh hiệu Di tích quốc gia. Tuy nhiên, chỉ những ai từng đến thăm làng cổ Đường Lâm mới thấy hết được nỗi khổ của người dân nơi này.


Người Đường Lâm dù rất trân trọng di sản, nhưng họ đang quá khổ sở với các ngôi nhà cổ và nhà không cổ bị áp dụng quy chế "cấm xây dựng"

Bà Hà Thị Khanh, thôn Mông Phụ, đã bị chính quyền cưỡng chế phá dỡ một nửa căn nhà trị giá 800 triệu (thời điểm năm 2010) được xây dựng bằng mồ hôi công sức lao động của cả gia đình bà trong nhiều năm do “vi phạm quy chế xây dựng”.

Theo “quy chế xây dựng” được áp dụng với làng cổ Đường Lâm thì các hộ gia đình chỉ được xây nhà cấp 4, mái dốc (không được đổ xi măng mái bằng) và phải làm bằng vật liệu truyền thống (ngói, gỗ...). Tuy nhiên, trong khi nhà bà Khang bị cưỡng chế và phá dỡ tan hoang thì hàng chục gia đình xung quanh lại thoải mái xây nhà cao tầng kiên cố mà không chịu sự cưỡng chế nào!

Một gia đình khác, bị cắt điện, nước sinh hoạt đã 2,5 tháng vì tự ý lợp một cái mái chống nóng bằng tôn lạnh. Trước sức ép của chính quyền, gia đình này đã tự tháo dỡ mái tôn nhưng vẫn chưa được nối lại điện nước và hiện đang sống cảnh không điện không nước dù chỉ ở cách nội đô Hà Nội chỉ 50km.

Không chỉ người lớn chịu khổ mà ngay cả các cháu bé ở Đường Lâm cũng chịu thiệt thòi vì chính quyền không cho xây dựng trường học kiên cố. Bởi thế, các cháu nhỏ trường mầm non xã Đường Lâm phải học trong những phòng học chật chội còn cô hiệu trưởng và một số cán bộ khác của trường thì làm việc trong... một cái nhà vệ sinh được cơi nới.

Người ở Đường Lâm khổ đã đành. Khách đến Đường Lâm cũng khổ chẳng kém! Mỗi khách vào Đường Lâm sẽ phải mua vé với giá 20.000 đồng/vé dù luật pháp Việt Nam chẳng có điều khoản nào quy định người dân phải đóng tiền sử dụng đường làng khác. Chỉ cần nhẩm tính sơ qua cũng có thể thấy chính quyền Đường Lâm đã thu đến 2,4 tỷ đồng nhờ 120.000 lượt khách tham quan trong năm 2012. Thế nhưng, số tiền này đã đi đâu thì e rằng không nhiều người biết!

Nếu nhìn vào thực tế làng cổ Đường Lâm, nhiều người sẽ khó có thể lý giải vì sao chính quyền nơi này lại duy trì một chính sách quản lý hà khắc với người dân đến vậy. Bởi lẽ, không gian làng cổ Đường Lâm thực ra cũng chẳng còn gì nhiều vì con đường bê tông láng bóng chạy xuyên qua làng đã khiến cảnh quan tổng thể làng cổ bị phá vỡ.

 Trong khi đó, chỉ hơn chục căn nhà cổ được chính quyền quan tâm tu bổ và 300-400 căn hộ đã xuống cấp trầm trọng và bị bao quanh bởi những mái nhà kiên cố cao tầng khiến Đường Lâm giờ không còn dáng dấp làng cổ mà cũng chẳng có dáng hiện đại.

Thư “kêu cứu” của người dân Đường Lâm đề ngày 30/4 nhưng chưa biết bao giờ lá đơn này đến được các cơ quan chức năng và được giải quyết. Bởi thế, người dân Đường Lâm chắc sẽ còn phải sống chung lâu dài với cảnh mái nhà nhỏ nước mỗi khi trời mưa, nóng rực mỗi khi trời nắng và nhiều thế hệ cùng sinh hoạt trong một không gian chật chội.

Bởi vì, ở Đường Lâm, cái cổ nhất có lẽ không phải là các căn nhà với kiến trúc truyền thống mà chính là tư duy của các các bộ chính quyền nơi đây!

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm