Chỉ trong vòng 5 ngày đầu tháng 6 đã có ít nhất 5 vụ cháy nổ diễn ra ở nhiều nơi khiến vấn đề phòng cháy chữa cháy (PCCC) trở nên nóng hơn bao giờ hết.
Gần đây nhất là vụ cháy ở nhà xe của khu tập thể Bộ Giáo dục - Đào tạo (Giảng Võ, Hà Nội) lúc nửa đêm ngày 5/6 khiến 30 chiếc xe máy bị cháy rụi và làm hư hại nhiều tài sản của các hộ gia đình lân cận.
Sự việc diễn ra chỉ hai ngày sau vụ cháy cây xăng dầu quân đội ở trung tâm Hà Nội gây xôn xao dư luận hôm 3/6. Sở dĩ vụ việc này khiến dư luận đặc biệt quan tâm bởi đám cháy kéo dài đến 5 tiếng đồng hồ và kéo theo nguy cơ cây xăng với gần 100 m3 xăng dầu có thể phát nổ và “thổi bay” toàn bộ các công trình lân cận bất cứ lúc nào. Các cơ quan chức năng đã phải huy động cả nghìn chiến sĩ PCCC, công an, cảnh sát... mới có thể kiểm soát hoàn toàn đám cháy.
Vụ cháy ở cây xăng quân đội hôm 3/6 được Cảnh sát PCCC Hà Nội nhận định là vụ cháy lớn nhất trong lịch sử thủ đô
Các thông tin về cháy nổ ở nhiều nơi khác cũng liên tục được công bố như vụ cháy nhà ở TP.HCM (phường Hiệp Thành, quận 12), ở Quảng Ngãi (xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh) trong cùng ngày 5/6. Hai kho hàng có diện tích khoảng 200-300m2 thuộc một HTX vận tải công nghiệp ở Thủ đô Hà Nội thì bị thiêu rụi trong ngày 1/6.
Chưa đầy một tuần trước đó, khoảng 1.000m2 nhà kho chứa các mặt hàng điện tử, điện gia dụng trong khuôn viên một công ty xuất nhập khẩu máy và phụ tùng ở Gia Lâm, Hà Nội cũng đã bị “bà hỏa” viếng thăm hôm 26/5.
Các vụ cháy nổ này, dù chưa gây tổn thất về con người nhưng cũng khiến không ít nạn nhân bị thương, bị bỏng và phải nhập viện điều trị, đồng thời gây thiệt hại kinh tế đáng kể. Trên hết, các sự việc này đã một lần nữa rung lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng thiếu an toàn, mất cảnh giác trong công tác PCCC ở hầu khắp các đơn vị, tổ chức và cả tại mọi gia đình.
Thực tế cho thấy, trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan chức năng vẫn liên tục cảnh báo về nguy cơ cháy nổ, kêu gọi người dân đề cao tinh thần cảnh giác và tăng cường công tác PCCC ở các địa điểm công cộng như siêu thị, trung tâm thương mại, các kho chứa hàng...
Công tác PCCC ở các cụm, khu công nghiệp, dân cư, các quán ăn, nhà hàng... cũng nằm trong danh sách cần được quan tâm. Các cuộc kiểm tra, thanh tra về an toàn cháy nổ cũng thường xuyên diễn ra ở nhiều cơ quan tổ chức và các địa điểm công cộng.
Nhiều hội nghị, hội thảo nhằm nâng cao công tác hiểu biết kiến thức nghiệp vụ về công tác PCCC cũng được tổ chức rình rang ở khắp nơi, tiêu tốn không ít tiền của từ ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, chỉ đến khi các vụ cháy liên tục xảy ra thì mới thấy rằng tinh thần đề cao cảnh giác và sự chuẩn bị cho công tác PCCC vẫn còn mang nặng tính hình thức.
Rõ ràng, nếu tinh thần cảnh giác của các cơ quan PCCC thực sự cao sẽ không có việc hàng trăm trạm xăng vi phạm hàng loạt quy định về an toàn cháy nổ vẫn ngang nhiên hoạt động giữa các khu dân cư đông đúc nhiều năm trời như kể trên.
Thực tế cho thấy, vụ cháy cây xăng này không chỉ gây thiệt hại 7-10 tỷ đồng về mặt kinh tế mà còn khiến hàng chục nghìn hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp với hàng trăm ngàn con người đang sinh sống và làm việc xung quanh các trạm xăng trên địa bàn cả nước giật mình lo ngại về những “quả bom xăng” bên cạnh mình.
Chỉ tính riêng Hà Nội đã có đến 500 trạm xăng mà phần lớn trong số đó đều nằm đan xen trong các khu dân cư, gần các công trình công cộng, trường học, bệnh viện... và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ đáng báo động.
Nếu công tác chuẩn bị PCCC thực sự tốt thì hệ thống trang thiết bị, báo động, phòng cháy, chữa cháy, đào tạo kỹ năng nghiệp vụ cho các chiến sĩ, cán bộ PCCC… chắc chắn đã được đầu tư tốt hơn.
Thế nhưng, như thừa nhận của Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội thì toàn bộ lực lượng PCCC thành phố chỉ có… 50 bộ quần áo bảo hộ. Các trang thiết bị, công cụ dụng cụ khác như xe chữa cháy, bột, bọt khí… rất thiếu thốn.
Đấy là còn chưa kể đến thái độ ứng phó với các sự cố bất ngờ như trong vụ cháy ở chung cư Bộ Giáo dục - Đào tạo, lực lượng cứu hỏa cần tới 20 phút để tới hiện trường dù họ chỉ ở cách nơi xảy ra cháy khoảng 100m.
Và như thường lệ, sau mỗi sự cố, câu chuyện trách nhiệm lại được mang ra mổ xẻ, tranh luận. Thế nhưng “trách nhiệm” dường như vẫn là một khái niệm chung chung.
Sau hàng loạt sự cố đáng tiếc như kể trên, điều mà người dân mong đợi nhất là các cơ quan chức năng sẽ cùng ngồi lại để tìm biện pháp xử lý triệt để các mối nguy cháy nổ còn đang tiềm ẩn để tránh lặp lại tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng” đã được cảnh báo nhiều lần.