| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 18/06/2013 , 10:10 (GMT+7)

10:10 - 18/06/2013

Xa rời thực tế

Hà Nội hiện đang chuẩn bị tiến hành điều tra các giao dịch nhà đất tại 577 xã, phường, thị trấn để xây dựng bảng giá đất năm 2014.

Hà Nội hiện đang chuẩn bị tiến hành điều tra các giao dịch nhà đất tại 577 xã, phường, thị trấn để xây dựng bảng giá đất năm 2014. Cuộc khảo sát sẽ được tiến hành đối với các giao dịch thành công từ tháng 8/2012 đến nay.

Theo kế hoạch mới được công bố, Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội sẽ bắt đầu thực hiện điều tra, khảo sát để xây dựng bảng giá các loại đất năm 2014 từ ngày 1/7 tới. Cụ thể, đối với mỗi phường thuộc quận, thị xã, đơn vị này sẽ điều tra, khảo sát khoảng 50 thửa đã có giao dịch thành công trong thời gian kể trên. Tại thị trấn thuộc huyện, việc khảo sát được tiến hành với 40 thửa đất. Còn quy mô điều tra đối với các xã thuộc vùng đồng bằng, trung du miền núi lần lượt là 30 và 15 thửa.


Ảnh minh họa

Cũng theo kế hoạch, công tác khảo sát, tổng hợp, báo cáo kết quả và đề xuất phương án giá các loại đất năm 2014 dự kiến sẽ hoàn thành và được ban hành trước ngày 1/1/2014.

Về mặt hình thức, việc điều tra, xây dựng bảng giá các loại đất vốn không có gì đáng bàn bởi đây là một hoạt động thường niên. Tuy nhiên, thực tế nhiều năm gần đây cho thấy bảng giá đất hàng năm của Hà Nội nói riêng và hầu hết các tỉnh thành khác nói chung vẫn còn nhiều bất cập, xa rời thực tế.

Quả thực vậy, mức "trần" 81 triệu đồng/m2 trong Bảng giá đất đã được Hà Nội “giữ vững” trong suốt 4 năm qua, bất chấp thực tế là giá đất trên địa bàn thành phố liên tục biến động với biên độ lớn. Mức “trần” này chỉ tương đương khoảng 1/10 so với mức giá giao dịch thực tế của một số khu đất “vàng” ở Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hồ Tây… Đối với các khu vực khác, tình trạng giá đất trong Bảng giá do thành phố ban hành chỉ bằng 1/2 - 1/4 giá giao dịch thực tế. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá đền bù thu hồi đất do các chủ đầu tư dự án đưa ra thường thấp hơn nhiều so với giá thị trường, khiến người dân bất bình và bất hợp tác, thậm chí là chống đối các lực lượng cưỡng chế.

Không khó để kể tên các dự án tại Hà Nội bị chậm tiến độ do công tác giải phóng mặt đường kéo dài so với dự tính vì người dân không chấp nhận mức giá đền bù. Trong đó, không chỉ có các dự án nhỏ mà còn có cả các công trình lớn như cầu Nhật Tân, hầm đường bộ Kim Liên, đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông… Hiện tại, một loạt các công trình, dự án như dự án xây dựng đường Trần Phú - Kim Mã (quận Ba Đình); dự án xây dựng đường vành đai I (đoạn Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái); dự án thuộc danh mục công trình trọng điểm tuyến vành đai I… cũng đang bị chậm tiến độ do công tác giải phóng mặt bằng bị chậm trễ.

Rõ ràng, việc các công trình chậm tiến độ nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm khiến không chỉ các chủ đầu tư mệt mỏi, khiến chi phí tăng vọt so với dự tính ban đầu mà còn gây ảnh hưởng chung đến xã hội. Việc các công trình lớn, mang tầm vóc quốc gia như đường sắt trên cao bị kéo dài thời gian xây dựng còn khiến người dân và các đối tác nước ngoài mất niềm tin vào công tác quản lý, điều hành của chính quyền.

Nhìn nhận một cách khách quan thì việc xây dựng một bảng giá đất với mức giá “mềm” sẽ giúp người dân hưởng lợi khi chỉ phải đóng thuế ở mức thấp. Ngược lại việc làm này sẽ khiến nảy sinh nhiều mâu thuẫn trong việc xác định giá nhà đất cần đền bù để giải phóng mặt bằng. Thực chất, việc cân bằng giữa hai vấn đề là một bài toán khó vì Nhà nước cũng không thể lập tức tăng mức “trần” giá nhà đất lên gấp 10 lần trong khi việc đền bù cao vượt “khung” so với bảng giá đất cũng là một vấn đề nan giải.

Về lâu dài thì việc xây dựng một bảng giá đất “sát với thực tế” vẫn là một đòi hỏi khách quan của thị trường và cần được quan tâm đúng mức.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm