Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng Việt Nam đang ở dưới mức "tăng trưởng tiềm năng" khi GDP chỉ xoay quanh mốc 6% và có thể xuống mức 5% trong hai năm tới.
Trong buổi công bố cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam mới diễn ra hôm cuối tuần trước, WB cho biết "mức tăng trưởng tiềm năng" của nền kinh tế Việt Nam là 7% với điều kiện thực hiện tốt những cải cách về cơ cấu, thể chế.
Đánh giá này có thể coi là một hồi chuông cảnh báo quan trọng bởi nhiều năm qua, không ít người đã bị “ru ngủ” trong những nhận định có cánh về “tiềm năng” tăng trưởng của nền kinh tế.
Không chỉ đánh giá chung về nền kinh tế mà hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực khác của Việt Nam cũng được cho rằng có “tiềm năng lớn” để tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Ảnh minh họa
Thế nhưng, thực tế cho thấy sau nhiều năm phát triển, những “mức tăng trưởng tiềm năng” trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực và thậm chí là của cả nền kinh tế vẫn chỉ dừng ở mức “tiềm ẩn” khi hàng loạt mặt hàng vẫn xuất khẩu dưới dạng thành phẩm thô, chưa qua tinh chế. Các ngành da giày, dệt may còn nặng về gia công chứ chưa chú trọng đến giá trị gia tăng của sản phẩm.
Đến cả các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, chiếm thị phần lớn trên thị trường quốc tế như gạo, cà phê, hồ tiêu, hải sản… cũng chưa giành được vai trò chi phối thị trường mà vẫn bị phụ thuộc vào các đối tác, thương lái nước ngoài.
Đứng trước thực trạng này, các chuyên gia cũng thẳng thắn thừa nhận một trong những nguyên nhân chính là do hầu hết các ngành đều đang thiếu quy hoạch phát triển tổng thể, dẫn đến tình trạng các cá nhân, doanh nghiệp đều đang phát triển manh mún, tự phát, thiếu sự liên kết, mạnh ai nấy làm.
Điều đáng nói là những vấn đề này đã được thảo luận nhiều lần, trong hàng trăm các cuộc hội nghị, hội thảo lớn nhỏ được tổ chức rầm rộ trong những năm gần đây. Tuy nhiên, sau khi các cuộc hội thảo đó kết thúc trong tiếng vỗ tay mừng thành công vang dội của các quan khách, đại biểu thì mọi chuyện dường như vẫn đâu vào đấy. Nông dân vẫn loay hoay với bài toán trồng cây gì, nuôi con gì; được mùa mất giá, được giá mất mùa, bị thương lái, thậm chí cả thương lái nước ngoài chèn ép.
Công nhân các nhà máy, khu công nghiệp vẫn vật lộn với công cuộc mưu sinh hàng ngày khi nguy cơ thất nghiệp ngày càng lớn trong tình cảnh số lượng doanh nghiệp phá sản liên tục tăng. Còn người dân cả nước nói chung hàng ngày vẫn phải đương đầu với các tín hiệu không mấy khả quan của nền kinh tế.
Như vậy, có lẽ đã đến lúc Việt Nam cần rũ bỏ những hào quang của quá khứ về một quốc gia đang phát triển có "tốc độ tăng trưởng ấn tượng” hay "thành công đáng ghi nhận” để thực sự bắt tay vào việc biến những “tiềm năng” thành kết quả thực tế chứ không chỉ mãi là “tiềm ẩn” như bây giờ.