| Hotline: 0983.970.780

Lại bàn về lễ phục

Thứ Tư 26/12/2012 , 09:42 (GMT+7)

Cần có lễ phục, nhưng tiêu chí nào để chọn trang phục đó là lễ phục không dễ.

Từ năm 2000, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) đã có một đề tài khá công phu về lễ phục Việt Nam. Tuy nhiên, không phải thời điểm đó, vấn đề cần có lễ phục mới đặt ra.

Ngày 2/6/1992, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Nghị định số 186-HĐBT về quy định một số nghi lễ nhà nước và tiếp khách nước ngoài. Theo đó, trang phục mặc trong trong các nghi lễ đó cần được nghiêm chỉnh, trang nhã và thống nhất đồng bộ. Năm 2001, chúng ta “thử nghiệm” bộ lễ phục trong Lễ Giỗ tổ Hùng Vương. Sau đó, năm 2005, chúng ta cũng có bộ lễ phục cho các đại biểu dự Hội nghị APEC. Tuy nhiên, từ đó đến nay, việc thống nhất để có một bộ “quốc phục” vẫn chưa được thực hiện.

Bàn rồi để đấy

Mới đây, Bộ VHTTDL đã tổ chức hội thảo “Lễ phục Việt Nam và tiêu chí lựa chọn”, một lần nữa xới lên vấn đề được bàn thảo suốt 20 năm qua nhưng đến nay vẫn chưa thống nhất. Tại hội thảo này, một lần nữa các đại biểu khẳng định sự cần thiết phải có lễ phục Việt Nam, vấn đề còn lại là xây dựng lễ phục thế nào cho phù hợp và cần có sự quyết định của cấp có thẩm quyền, để những bàn thảo đi đến kết luận cho Việt Nam chính thức có lễ phục.

Cần có lễ phục, nhưng tiêu chí nào để chọn trang phục đó là lễ phục không dễ. Bởi vậy, nhiều năm qua, không ít bàn luận, không ít thử nghiệm, nhưng kết quả vẫn là số không. Chính Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm - đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện nghiên cứu, lấy ý kiến để xây dựng mẫu lễ phục Việt Nam - ông Vi Kiến Thành cũng thừa nhận, được giao nhiệm vụ nghiên cứu, lấy ý kiến để thực hiện lễ phục nhưng chính ông cũng không biết rồi nó sẽ về đâu? Vì Cục thì đã rất tích cực xây dựng, lấy ý kiến các nhà nghiên cứu, nhưng cũng chỉ biết chờ đợi quyết định của trên.


Hoa hậu Việt Nam 2012 Đặng Thu Thảo với áo dài truyền thống

Ông Thành cũng cho biết, những năm 90 của thế kỷ trước, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin Trần Hoàn đã giao nhiệm vụ cho Vụ Mỹ thuật (nay là Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm) xây dựng đề án Quốc phục Việt Nam. Nhiều lần tổ chức hội thảo, đã báo cáo Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh nhưng ngay trong Chính phủ cũng có nhiều ý kiến khác nhau, phụ nữ thì đồng thuận áo dài, nhưng trang phục của đàn ông thì còn nhiều tranh luận về âu phục hay áo dài, khăn đống.

Tiêu chí nào?

Lễ phục thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc, bởi nhìn vào lễ phục, người ta có thể nhận biết đó là nước nào. Đó là quan điểm của GS Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Văn hóa dân tộc. Ông khẳng định: “Từ xưa đến nay, hầu hết các nước đều có lễ phục riêng, nhất là ở châu Á. Bởi thế, khi nhìn vào lễ phục người ta có thể nhận biết ngay đó là đó là nước nào. Ở Việt Nam, trong quá khứ chúng ta cũng có lễ phục, nhìn thấy trong những ngày lễ hội, khánh tiết thể hiện những kiểu dáng, màu sắc, họa tiết trên chiếc khăn, mũ của các quan chức từ thấp đến đến cao, từ quan văn đến quan võ, ngay chức vụ khác ở thôn, xã cũng có lễ phục”.

Ông Dương Trung Quốc cũng cho rằng lễ phục Việt Nam khác âu phục, lễ phục trong ngoại giao khác lễ phục trong lễ hội, không đơn thuần có một bộ lễ phục duy nhất áp dụng cho mọi đối tượng, hoàn cảnh. Lễ phục sẽ mặc vào những lúc, những nơi cần sự trọng thể, có yếu tố đối ngoại, được quy định gần như bắt buộc. Rõ ràng vấn đề lễ phục, quốc phục cần được nhìn nhận như là một trong những tiêu chí văn hóa của dân tộc.

Tuy nhiên, theo GS Hoàng Chương, do nhiều nguyên nhân như chiến tranh, hội nhập xô bồ chúng ta làm cho bản sắc văn hóa dân tộc của nước ta ngày càng mai một và mờ nhạt, thậm chí mất nhiều giá trị, trong đó có lễ phục. “Ở ta bây giờ, ai muốn mặc kiểu gì cũng được, Tây, Tàu lẫn lộn trọng những ngày lễ, Tết, những buổi khánh tiết, ngoại giao…”, GS Hoàng Chương nhấn mạnh. Cũng theo GS Chương, nếu ta chưa tìm ra hình mẫu lễ phục chung thì nên phát triển theo lễ phục truyền thống: khăn đóng, áo dài.

Theo GS Vũ Khiêu, lễ phục được sử dụng ở những hoàn cảnh, phạm vi tổ chức khác nhau (gia đình, xã hội, giao tiếp quốc tế), nhưng cần đáp ứng được tiêu chí gọn gàng trong lao động, thoải mái khi nghỉ ngơi và trang nghiêm trong nghi lễ, không nên trang trí nặng nề, diêm dúa, tô vẽ lóng lánh, sặc sỡ. Lễ phục ở nam giới thì cần tạo được dáng mạnh mẽ, khỏe khoắn, ở phụ nữ thì tạo dáng dịu dàng nhưng sắc sảo và tôn được vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam.

Nhà sử học Dương Trung Quốc thì cho rằng: “Nhiều tài liệu cho thấy các cụ nhà ta mặc áo dài, đội khăn xếp đứng cạnh mấy quan viên Tây, sau này cụ Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố đứng trong hàng ngũ Chính phủ nhiều người mặc veston. Chủ tịch Hồ Chí Minh vào đêm giao thừa năm Bính Tuất (1946) cũng từng mặc bộ áo đen khăn xếp và quấn thêm cái khăn “Phula” để che bộ râu rễ nhận biết, chen chân vào đền Ngọc Sơn để xem dân ăn cái Tết độc lập đầu tiên ra sao”.

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

HLV Hoàng Anh Tuấn: U23 Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt khác ở tứ kết

Phát biểu tại cuộc họp báo sau trận đấu với U23 Uzbekistan, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn thừa nhận sự vượt trội của đội bạn so với U23 Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất