| Hotline: 0983.970.780

Công chiếu “Ký ức Việt Nam”

Thứ Hai 19/08/2013 , 09:37 (GMT+7)

1.510 phóng sự truyền hình với 6.000 phút phim suốt một chặng đường lịch sử được bảo quản rất tốt, không xước, không nhòe, không mốc.

"Những thước hình đã đẫm màu thời gian, không hẳn là nước mắt của ký ức, nó cao hơn, nó rộng hơn, nó là một di vật đáng trân trọng của một thời hoa lửa”, nhà văn Nguyễn Việt Hà đã chia sẻ như vậy về chương trình truyền hình mới mang tên “Ký ức Việt Nam”. Chương trình được lên sóng VTV vào đúng dịp kỷ niệm 68 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9 (ngày 19/8/2013).

Miền Bắc Việt Nam những năm 60 của thế kỷ trước, một nhóm các nhà làm phim của Hãng truyền hình Nhật Bản NDN đặt chân đến Hà Nội và xin được diện kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nguyện vọng của họ là được đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đồng ý.

Ðó là hãng truyền hình quốc tế duy nhất có văn phòng đại diện ở Hà Nội lúc bấy giờ. NDN đã trở thành hãng truyền hình quốc tế duy nhất đưa toàn bộ thông tin, hình ảnh về miền Bắc Việt Nam trong giai đoạn từ 1964 - 1981, đặc biệt là trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt nhất khi cuộc ném bom bắt đầu (tháng 2/1965) cho đến khi hòa bình lập lại trên toàn Việt Nam sau hiệp định Paris.

17 năm, đều đặn mỗi ngày, các nhà làm phim truyền hình Nhật Bản, với máy quay phim nhựa 16 li, vác máy đi khắp Hà Nội và những vùng lân cận để thu vào ống kính những gì họ nhìn thấy.


Cảnh trong “Ký ức Việt Nam”.

Từ những chính trị gia như Fidel Castro với dáng người cao lớn được các em thiếu nhi Việt Nam ôm hôn; Bác Hồ ngồi trước thềm Phủ Chủ tịch trò chuyện thoải mái với một nhóm bạn bè nước ngoài; Tổng Bí thư Lê Duẩn đi thăm một gia đình Hà Nội ngày giáp Tết… đến những cuộc sống hằng ngày của người dân Hà Nội: một cuộc thi bơi của phong trào thể thao quần chúng ở bể bơi 10-10 (Ba Ðình); những chàng trai phố cổ nhảy từ trên cầu Thê Húc xuống hồ Gươm xanh trong để tắm mát trong một chiều hè; nụ cười rạng rỡ của một chị hàng hoa trên phố Hàng Lược ngày Tết... hay dấu ấn của chiến tranh ở miền Bắc thời ấy với cảnh tang thương đổ nát khi nhà máy ximăng Hải Phòng bị bom Mỹ giội xuống; cảnh làm thủy lợi chống hạn của bà con nông dân miền Bắc…

1.510 phóng sự truyền hình với 6.000 phút phim suốt một chặng đường lịch sử được hãng NDN bảo quản rất tốt, không xước, không nhòe, không mốc, với nguyên bản lời dẫn tiếng Nhật được phát trên sóng NDN hoặc các đài phương Tây lấy lại vào thời điểm ấy. Cái duyên đã đưa nhà báo Xuân Tùng (Đài Truyền hình Việt Nam) tiếp cận với những thước phim quý giá này và đưa tới đông đảo khán giả Việt Nam.

Nhà báo Xuân Tùng cho biết: “Trước kia tôi đã được nghe là thời chiến từng có một hãng phim Nhật Bản làm việc rất lâu ở Việt Nam. Trong một lần đi công tác ở Nhật Bản, tôi có tìm hiểu và được giới thiệu tới hãng Nihon Denpa News (NDN)- lúc đó tôi cũng không biết có phải cái hãng mình nghe kể hay không. Tới nơi tôi rất bất ngờ và thú vị khi thấy hành lang của họ có rất nhiều hình ảnh ở Việt Nam. Hãng cũng tiết lộ họ sở hữu một kho phim nhựa quay tại Việt Nam từ năm 1964 đến 1981. Sau 4 năm đàm phán, VTV đã mua độc quyền vĩnh viễn kho phim này. Toàn bộ phim gốc (gồm 1.500 đầu phim, tức 6.000 phút phim) đã được mang về Việt Nam. Sau 2 năm, VTV quyết định cho ra mắt khán giả”.

Ê kíp làm phim của Đài Truyền hình Việt Nam đã phải thành lập một ban cố vấn để làm rõ hơn về những thước phim, gồm nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn, đạo diễn NSND Thanh Vân, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến, nhà văn Nguyễn Việt Hà. Sứ mệnh của ban cố vấn thật giản dị nhưng không đơn giản: Với mỗi khuôn hình "chưa xác định", phải chỉ rõ: Ai? Ở đâu? Như thế nào? Và nếu vẫn chưa xác định chắc chắn thì cần phải tìm ai nữa để hỏi cho bằng được.

Mỗi tập phim là một câu chuyện ít người biết đến của một giai đoạn lịch sử đơn sơ mà vĩ đại, hào hùng chiến đấu và chan chứa yêu thương ở trên nhiều lĩnh vực chính trị, lịch sử, văn hóa, đời sống sinh hoạt của nhân dân ta. Khán giả đặc biệt là khán giả trẻ sẽ có cái nhìn toàn diện về một thời quá khứ của ông cha với những thước phim tư liệu sống động và chân thực đan xen cùng hồi ức cá nhân... góp phần tạo nên dấu ấn đặc sắc cho mỗi tập phim.

Nhà báo Xuân Tùng chia sẻ: “Việc tìm nhân chứng vô cùng khó khăn. Dự kiến năm đầu sản xuất 208 tập, thì số nhân chứng cần tìm sẽ gấp nhiều lần con số đó. Phải tìm những người đã từng sống vào thời điểm từ 1964 đến 1981, có người già chẳng còn kể được, có người biết nhưng không tường tận. Chúng tôi phải nhờ đến các nhà cố vấn, tướng lĩnh quân đội, huy động bạn bè, người quen...

Cũng bởi thế, điều mà êkip làm phim mong mỏi nhất khi phim lên sóng là sau chừng hai tuần đầu, mọi người bắt đầu quan tâm đến chương trình và sẽ nhận ra bản thân mình, hoặc cha mẹ, chú bác, họ hàng, anh em, hay ngôi nhà, khu phố, kỷ vật ngày đó của mình, và sẽ có phản hồi về chương trình để câu chuyện “Ký ức Việt Nam” sẽ được nối dài.

Đối với những người đã sống và đi qua những giai đoạn lịch sử ấy thì “Ký ức Việt Nam” là tiếng vọng từ quá khứ đối dội về để họ tìm lại chính mình, tự hào vì mỗi người Việt Nam là một phần không thể thiếu của lịch sử. Đối với thế hệ trẻ, “Ký ức Việt Nam” là những thông điệp ý nghĩa về tình yêu Tổ quốc, nhìn lại sự nghiệp cách mạng của cha ông và hướng tới một tương lai tươi sáng hơn, một tương lai được xây dựng từ nền móng của quá khứ. Đó là thông điệp mà “Ký ức Việt Nam” muốn gửi đến khán giả.

Chương trình được phát sóng vào 21h50 từ thứ 2 đến thứ 5 trên kênh VTV1 bắt đầu từ 19/8/2013 và phát lại vào 11h50 trên kênh VTV3 từ thứ 3 đến thứ 6.

Xem thêm
Mỹ Tâm xin lỗi fan

Mỹ Tâm đã phải livestream xin lỗi khán giả sau khi hệ thống bán vé của concert 'My soul 1981' sập chỉ sau một vài phút mở bán.

Bayern Munich vs Arsenal: Hùm xám giành vé?

Trận tứ kết Champions League 2023/2024 giữa Bayern Munich vs Arsenal sẽ diễn ra vào lúc 2h00 ngày 18/04/2024 trên sân vận động Alianz Arena.

Công nghệ VAR tiếp tục ám ảnh U23 Việt Nam

Công nghệ VAR tiếp tục ám ảnh U23 Việt Nam sau tình huống trọng tài tham khảo và rút thẻ đỏ cho hậu vệ Nguyễn Ngọc Thắng cuối hiệp 1.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.